TỪ THIỆN CHO AI?

Chủ nhật - 12/06/2016 04:50

(NCTG) “Mình hiểu ra rằng người nghèo giống ăn xin ở thành phố, càng cho nhiều càng sinh ra lắm. Và mình không làm từ thiện theo cách mình vẫn làm nữa. Hại người hại mình hại xã hội chứ chả được cái nước gì”.

Còn quá nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, từ thiện tho cách thông thường chỉ như muối bỏ bể... - Ảnh minh họa

Còn quá nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, từ thiện tho cách thông thường chỉ như muối bỏ bể... - Ảnh minh họa

Hồi trước, thỉnh thoảng đi du lịch bụi, mình hay gặp hội trẻ con lem nhem bẩn thỉu rách rưới - mình không biết bọn nó có đói không vì không nghe bụng bọn nó sủi và không nghe miệng bọn nó kêu. Mình thường cho bọn trẻ con đó kẹo, bim bim (dạo đấy mình thích bim bim, còn giờ thì cai vì nó độc hại).

Mỗi khi không có quà bánh gì cho bọn nó là mình áy náy lắm, cái ý muốn cho tặng đó rất thôi thúc, cảm giác mình là kẻ “ban phát”, cảm giác đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bọn trẻ tội nghiệp, rồi nhìn thấy ánh vui tươi xen lẫn sợ sệt trong mắt bọn trẻ.
 
- Vậy câu hỏi đặt ra: mình cho bọn trẻ con quà bánh là vì bọn trẻ hay vì mình?

- Câu trả lời của mình: vì bản thân mình, vì cảm xúc của mình.

Khi đi thêm nhiều nữa, mình nhận thấy có cực nhiều trẻ con nghèo khổ, trời lạnh cắt mà bọn nó phong phanh, có đứa còn cởi truồng chim xun cả lại, in ít đứa đi dép còn đâu toàn chân đất... Mình thương. Và thế là mình mang quần áo cũ đến các hội từ thiện (đa phần là phượt), mình mang chút tiền đến các bệnh viện cho các bệnh nhân khó khăn...

Túm lại là mình làm từ thiện như cách mọi người vẫn làm: đơn giản là đem cho.

Mỗi lần cho quần áo cũ thì mình không tiếc, nhưng cực kỳ ngại đèo đến điểm tập kết, rồi cuối cùng mình cũng đèo đến với ý nghĩ: làm quách đi cho xong, cố lên mà tích đức. Còn cho tiền thì mình tiếc cực, mình vô thức nhẩm tính xem bằng ấy tiền thì mua được cái gì, ăn được mấy bát phở, mua được mấy gói bim bim (có hồi mình quy tất cả ra bim bim). Cuối cùng mình chậc lưỡi: thôi đem cho họ để tích tí đức. Có mấy lần mình từ thiện tiền vì mấy chị cùng phòng làm thế, mình không làm sợ bị chửi keo kiệt, hihi.

- Lại hỏi: làm từ thiện vì mình hay vì người?

- Câu trả lời của mình: vì bản thân mình.

Sau một thời gian làm từ thiện kiểu thế, mình thấy sao có nhiều hoàn cảnh khó khăn đến vậy. Vào bệnh viện thì có hàng dài người ngồi vật vờ thất thần như thây ma, rồi FB lúc nào cũng mấy status kêu gọi chung tay góp sức... Mình thấy quá tải, mông lung, thấy muối bỏ bể, giống như kiểu đi mãi mà không đến đích, hay gánh mãi nước đổ vào cái vại không đáy. Và mình chán, mình mệt.

Rồi hôm đọc được bài viết về một tộc người thiểu số nào đó quanh năm say rượu. Cả làng không ai làm một cái gì, luôn luôn ngất ngưởng bí tỉ - cuộc sống thật tiên tửu. Họ tồn tại bằng trợ cấp, bằng từ thiện: nhận được gạo thì đem nấu thành rượu gần hết, nhận được tiền thì đi mua rượu... Khi hết rượu thì vật vờ ăn củ rừng, rau rừng chờ viện trợ. Trẻ con nheo nhóc không ai chăm sóc, sống chết có số, và nghiện rượu từ rất nhỏ. Mình không nhớ họ có thỉnh thoảng làm nương rẫy trồng tỉa gì không.

Mình băn khoăn như nhận ra vấn đề gì đó.

Rồi mình xem ti vi (hồi trước mình thích xem TV, giờ thì cai vì toàn “gêm sâu” ngu ngốc) chương trình thời sự đưa tin dân ở xã nào đó nhất định không chịu thoát nghèo vì sợ mất tiền trợ cấp và ưu tiên. Mẹ khỉ, quá oái oăm.

Rồi ở gần nhà mình (nhà mama) có đôi vợ chồng hơi hơi già già rồi, có đủ con trai con gái rồi, thế mà chị vợ lại chửa. Hỏi ra thì người ta bảo: nó đẻ thêm để đủ tiêu chuẩn nhận cái viện trợ của Hà Lan hà lủng gì đó. Ơ… ơ… mình cứ ơ ơ mấy lần mà vẫn cứ muốn ơ ơ. Mà nhà ông bà này có nhà mặt phố cho thuê đấy chứ, giờ thì bán bia hơi.

Rồi mình nghe cô bạn mình kể về dân xóm bãi sông Hồng. Có lệ là cứ đến gần tết thì có các đoàn đến từ thiện cho dân xóm bãi bánh chưng, giò, măng miến, v.v... Vì thành lệ nên dân xóm bãi luôn chờ, và không đơn giản là chờ mà họ coi đó là quyền của họ và nghĩa vụ của xã hội. Họ tranh nhau, tỵ nạnh, họ chửi cả bên từ thiện nếu suất của họ vơi ít...

Rồi mình còn đọc thấy cái kiểu cho bánh kẹo bim bim của các bạn phượt làm sinh ra một lũ trẻ con miền núi cơ hội và hư, tệ hại hơn là bố mẹ của bọn trẻ ấy xui bắt con mình trưng ra nghèo khổ để nhận đồ viện trợ. Đấy là mất bản sắc đấy ạ.

Nước Việt mình có truyền thống tôn vinh cái nghèo thì rõ rồi và theo trào lưu người người từ thiện, nhà nhà từ thiện như bây giờ, chết nỗi là đa phần họ làm từ thiện theo kiểu ngu ngốc như mình đã, thành ra xã hội mình đang nuôi dưỡng cho đói nghèo, cứ nghèo là mặc nhiên xã hội phải có trách nhiệm.

Mình hiểu ra rằng người nghèo giống ăn xin ở thành phố, càng cho nhiều càng sinh ra lắm. Và mình không làm từ thiện theo cách mình vẫn làm nữa. Hại người hại mình hại xã hội chứ chả được cái nước gì.

Đỗ Quỳnh Nga, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: từ thiện
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn