TỔNG THỐNG NGA THĂM HUNGARY ĐỂ CHỨNG TỎ KHÔNG BỊ CÔ LẬP

Thứ tư - 18/02/2015 21:32

Hai tuần sau khi đón Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến công du Budapest, Hungary lại là điểm đến của lãnh đạo một siêu cường khác: Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga. Tuy nhiên, khác với trường hợp của thủ tướng Đức trước đó, lần này ông Putin bị cư dân Budapest đón tiếp với những cuộc biểu tình giận giữ, những khẩu hiệu gay gắt và không ít lời dè bỉu đến từ báo chí và công luận.


Vladimir Putin cùng Orbán Viktor tại Budapest

Trong vòng tám giờ ngắn ngủi ở Budapest, ngoài các nghi thức ngoại giao, Putin đã ký năm hiệp ước với phía Hungary về hợp tác khoa học, giáo dục, đào tạo trên lĩnh vực năng lượng nguyên tử và về việc mở tòa tổng lãnh sự thứ ba của Hungary tại TP. Kazan. Các bình luận viên cho rằng đây là những kết quả quan trọng về mặt kỹ thuật, nhưng thực sự không cần đến đàm phán ở mức cao nhất để có được chúng, đặc biệt là trong bối cảnh Liên bang Nga đang lấn sâu trong cuộc chiến Ukraine, đe dọa sự bùng nổ của một cuộc thế chiến mới.

Do đâu mà Orbán lại trở thành người bạn duy nhất của Putin ở Châu Âu? Nguyên thủ quốc gia Nga sang Budapest làm gì, trong khi nước này đang trong trạng thái bị tẩy chay và trừng phạt đến cực điểm từ Phương Tây? Chuyến công du Budapest của Putin có lợi cho ai? Đó là những câu hỏi mà báo chí và giới bình luận Hungary đã đặt ra và lần lượt đưa ra câu trả lời.

Mối quan hệ Orbán và Putin

Dù khó tin đến mấy đi nữa, nhưng báo chỉ Hungary nhìn lại khoảng thời gian trước năm 2009 và chỉ ra rằng khi đó ông Orbán Viktor còn là kẻ thù ghét Nga. Trong chu kỳ đầu tiên khi ông Orbán lên nắm quyền (1998-2002), các mối quan hệ hợp tác Hungary - Nga bị coi là ở dưới đáy, và sau đó, trên cương vị thủ lĩnh đối lập, ông Orbán cũng lên án gay gắt quan điểm thân Nga của nội các Xã hội.

Khoảnh khắc định mệnh trong mối quan hệ Orbán - Putin diễn ra vào năm 2009, một năm trước khi diễn ra kỳ bầu cử Quốc hội Hungary mà có thể thấy trước là đảng đối lập FIDESZ của ông Orbán sẽ giành được chiến thắng. Phía Nga mời thủ tướng trong tương lai của Hungary - ông Orbán Viktor - sang TP. Saint Petersburg dự đại hội của Đảng Nước Nga Thống nhất.

Trong dịp đó, giữa hai chính khách này đã có một cuộc trao đổi kéo dài hơn nửa tiếng, được coi là “siêu bí mật” vì không hề được chụp ảnh, không hề được tường thuật và ngay cả những nhân vật thạo tin nhất cũng không đưa ra được thông tin chính thức gì. Chỉ biết, bước ngoặt đó đã đưa Hungary - dưới triều đại của nội các cánh hữu Orbán - trở về với quỹ đạo thân Moscow.

Đồng thời với biến cố đó, Đại sứ Nga tại Hungary Alexander Tolkacs đã có những phát biểu ám chỉ rằng, nước Hung nên có quan hệ tốt với Nga vì mối quan hệ ấy chỉ đem lại lợi cho Budapest (và cái lợi ở đây cần hiểu là tiền). Những gì diễn ra từ đó tới nay cho thấy, ông Orbán đã chấp nhận lời mời đó, để trở thành một “đồng minh”, “đối tác quan trọng trong mọi mặt” của Nga, như Moscow vẫn nhấn mạnh.

Hơn thế nữa, chính ông Orbán hiện tại vẫn hay nhấn mạnh một quan điểm được coi là chính sách ngoại giao đặc biệt của Hungary, đi trên dây giữa Đông và Tây, theo đó Hungary không cần phải có chính sách ngoại giao như Ba Lan, Romania hay Serbia, mà cần chính sách ngoại giao của Hung, một đất nước có những lợi ích quốc gia riêng, và những bổn phận liên minh, và xuất phát từ đó để có đường lối ngoại giao phù hợp.

Ít ai nhớ rằng, đó chính là một phát biểu từ năm 2009 của Đại sứ Liên bang Nga tại Hungary!

Hung cần gì từ Moscow?

Lợi ích kinh tế. Theo quan điểm chính thống, việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Moscow là quan trọng vì Hungary phụ thuộc Nga về khí đốt, và bên cạnh đó, vì Hungary có một cộng đồng Hung kiều đông đảo tại Ukraine nên lợi ích của Hung là chấm dứt chiến tranh, thiết lập lại nền hòa bình tại đó, và điều này không thể thực hiện được nếu thiếu sự hợp tác của Nga.

Trong thực tế, đối với chính phủ Hungary, quan trọng hơn nhiều là đại dự án mở rộng Nhà máy điện nguyên tử ở TP. Paks (xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới), được coi là thương vụ đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hungary, sẽ được thực hiện bằng nguồn tín dụng Nga (10-12 tỉ Euro) và 30-40% nhà thầu phụ là doanh nghiệp Hung.

Được thông qua một cách mù mờ, gần như “vượt mặt” Quốc hội và không có những nghiên cứu khả thi, “thương vụ thế kỷ” này của Hungary với Nga bị các đảng phái đối lập cũng như một bộ phận lớn cư dân trong nước cho là “bất hợp pháp”, tùy tiện và nguy hiểm hơn nữa, sẽ dẫn đến sự phụ thuộc vào Moscow và có thể khiến nước Hung lâm vào cảnh nợ nần khánh kiệt trong nhiều thập niên.

Theo báo chí Hung nhận định, chính quyền nước này rất cần Nga cho đại dự án này, tuy không nhất thiết vì lý do an toàn năng lượng, mà vì những khả năng “làm ăn” béo bở trong quá trình đấu thầu. Ngược lại, Nga cũng cần đến Hung vì đây là quốc gia EU duy nhất nhờ đến tín dụng của Moscow và dùng tiền ngân sách trong việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử

Ngoài ra, trên nguyên tắc, như ông Orbán Viktor hay nhấn mạnh, Budapest rất cần gia hạn hợp đồng khí đốt dài hạn với Moscow để giữ được mức giá rẻ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, truyền thông Hung cho rằng đây là điều huyễn hoặc, vì Hung không có gì cần kíp trong việc gia hạn hợp đồng này, thậm chí có thể còn không cần gia hạn, vì tình thế bây giờ đã khác với hai chục năm trước.

Bởi lẽ, lượng khí đốt cần thiết cho hoạt động của nền kinh tế và các gia đình Hung đã được đảm bảo ít nhất từ nay cho đến năm 2018, và Hung cũng có những khả năng lựa chọn khác. Do đó, có thể coi việc quá nhấn mạnh sự cần thiết đến năng lượng của Nga là một “chiêu trò” chính trị, thì đúng hơn là thực tế, và một hợp đồng dài hạn như thế, hiện nay quan trọng đối với Moscow hơn là với Budapest.

Thành công của ngoại giao Nga

Một câu hỏi được đặt ra: trong hoàn cảnh Hung có cần tới Nga, nhưng trong thực tế cũng không phải là cần quá mức như thế, thì chuyến công du Budapest của Tổng thống Nga Vladimir Putin có ý nghĩa gì? Báo chí Hung lập tức đã đưa ra câu trả lời: Hungary không mời Putin, mà chính Putin yêu cần Hung mời, và Budapest không thể bất nhã tới mức không đáp ứng đòi hỏi đó của Liên bang Nga.


Biểu tình gay gắt chống Putin tại Budapest - Ảnh: index.hu

Như vậy, chuyến thăm Budapest của Tổng thống Nga là quan trọng hơn đối với Putin, chứ không hẳn là Orbán Viktor cần điều đó trong hoàn cảnh này. Với sự hiện diện tại Hungary, Vladimir Putin có thể cho thế giới và nước Nga thấy rằng, giữa một cuộc chiến tranh lạnh mới, vẫn có một quốc gia EU sẵn sàng tiếp đón ông ta.

Bởi lẽ, ngoại trừ những chuyến đi ngoại quốc để đàm phán, xử lý tình hình chiến sự tại Ukraine, Putin đã trở nên một vị khách hầu như không được nước nào chờ đón trên thế giới. Sử gia, nhà nghiên cứu về các vấn đề Nga, ông Sz. Bíró Zoltán cho hay, lần cuối cùng mà nguyên thủ quốc gia Nga còn có cơ hội gặp gỡ lãnh đạo các nước EU trong những vấn đề không liên quan tới Ukraine, là vào ngày 25-6 năm ngoái.

Sau đó, Tổng thống Nga còn có mặt ở một vài hội nghị thượng đỉnh khác, nhưng hầu như ở bất cứ đâu ông cũng đã nhận được thái độ ghẻ lạnh của các lãnh đạo quốc tế, và trong bối cảnh ấy, việc Hungary đồng ý tiếp đón Putin càng trở nên dị biệt, và có thể coi đây là một thắng lợi của nền ngoại giao Nga, đồng thời, là sự “định giờ” rất tệ của phía Hungary, theo ông Bíró Zoltán.

Đặc biệt, Putin đến Budapest sau khi tham gia ký kết hiệp định ngừng bắn ở Minsk lần thứ hai thứ 5 tuần trước, mà giới chuyên môn có thể thấy ngay là nó cũng vô hiệu quả như lần đầu vào tháng 9 năm ngoái. Phiến quân ly khai, được sự hỗ trợ của Nga, vẫn tiếp tục nổ súng khiến thế giới một lần nữa có được bằng cứ về sự tin cậy, cũng như trọng lượng những lời nói của Putin.

Phải chăng Hungary không ý thức được rằng họ đã làm gì khi chấp nhận cho Putin tới Budapest, và thậm chí, còn cho ông ta tới đặt hoa trước khu mộ lính Nga chết trận trên đất Hung, trong đó có cả những người lính sang đàn áp cuộc cách mạng dân chủ Budapest năm 1956, mà phía Nga khi bỏ tiền sửa sang lại khu nghĩa trang đó, vẫn dùng từ “phản cách mạng” khi nhắc tới sự kiện 1956?

Câu trả lời ở đây vẫn là, thân Nga là một phần trong chính sách ngoại giao “Mở ra Phương Đông” do chính quyền Orbán chủ trương, kỳ thực là sự đi trên dây giữa Đông và Tây để kiếm lời cả về kinh tế lẫn chính trị.

Ngoại giao kiểu “đánh đu”

Như báo chí Hung có nhận xét, từ nhiều năm nay, nội các cầm quyền FIDESZ luôn duy trì một bầu không khí căng thẳng theo kiểu “chiến sự” để có dịp thể hiện sự “anh hùng” của họ. Tuy nhiên, sau khi đã vượt qua dễ dàng phe đối lập quá yếu ớt và thiếu đoàn kết, không còn kẻ thù trong nước, cần tạo dựng những bóng ma ở nước ngoài để tiếp tục “cuộc chiến”.

Đây là lý do để chính quyền của ông Orbán từ nhiều năm nay đã tuyên chiến với Châu Âu, và sau đó là đụng độ cả với Hoa Kỳ và Đức. Bởi lẽ, các đối tác và đồng minh Phương Tây của Hungary đều rất khó hiểu trước chủ thuyết “nền dân chủ phi tự do” mà Thủ tướng Orbán đề ra, và đều quan ngại trước những dấu hiệu cụ thể của sự tạo dựng một mô hình nhà nước phi tự do như thế tại Hungary.

Tham nhũng trầm trọng, đè nén các tổ chức dân sự, vi phạm tự do báo chí và thiết lập một nền truyền thông công ích phục vụ lợi ích của chính phủ... đều là những gì có thể thấy rõ trong quá trình đó, và xét về dài hạn, đó là yếu tố nguy hại tới an ninh đối với hệ thống đồng minh Phương Tây, và đó cũng là lý do khiến Hungary rất dễ bị Moscow thao túng, điều khiển.

Và trong khi cái nhà nước phi tự do ấy bị EU và Hoa Kỳ lên án, thì nó lại rất “đồng đẳng” với nước Nga. Như thế, ông Orbán Viktor có thể nghĩ một cách sai lầm rằng nếu bị Phương Tây tẩy chay, thì điện Kremlin vẫn ủng hộ mô hình chính thể đó. Cho dù, theo nhận định của báo chí Hungary, có thể Putin là nhà lãnh đạo cuối cùng trên thế giới phê bình quan niệm nói trên của Orbán, nhưng không có gì chắc chắn là Hungary sẽ có lợi về mặt dài hạn với hệ tư tưởng kỳ dị này.

Được gọi bằng cái tên “ngoại giao kiểu đánh đu”, Budapest vẫn tìm cách cân bằng ở ranh giới Đông - Tây để kiếm lời được từ cả hai bên. Một ví dụ kinh điển: trong cuộc chiến Ukraine, nội các Orbán tuy phản đối những đòn trừng phạt nhằm vào nước Nga, nhưng rốt cục vẫn bỏ phiếu tán thành, và như phát biểu của ông Orbán mới đây, Hungary sẽ theo quan điểm của Đức trong vấn đề này.

Cũng là một phần của chính sách ngoại giao đánh đu ấy, khi ba ngày trước chuyến thăm Budapest của Putin, thủ tướng Hung đã qua Kiev gặp Tổng thống Petro Poroshenko, và trong thời gian gần đây, ông Orbán cũng nhiều lần phát biểu với báo chí Đức rằng mối quan hệ giữ Hung với Nga sẽ được điều chỉnh và “định hướng” theo chính sách ngoại giao của nước Đức.

Tuy nhiên, như báo chí Hung nhận xét, đường lối ngoại giao hai mặt ấy không phải là không có những mạo hiểm. Bằng cách của mình, Belarus của Tổng thống Alexander Lukashenko và Ukraine thời Tổng thống Viktor Yanukovych cũng đã thử tìm cách “đánh đu” trong thời gian dài, và kết quả đạt được, như đã thấy, là thảm họa.

Trong trường hợp của Hungary, hiện tại chính quyền nước này chưa hình dung tương lai đất nước lại có thể đứng ngoài Liên hiệp Châu Âu và Khối NATO xét cả về dài hạn, thì việc theo đuổi một hệ giá trị nào mang tính phổ quát, hay dao động để thỏa mãn những lợi ích nhất thời - có khi “lợi bất cập hại” lại càng là điều khiến lãnh đạo nước này phải suy nghĩ và trước sau cũng cần có giải pháp thỏa đáng.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn