TẢN MẠN TỪ NHỮNG CHUYẾN ĐI

Thứ sáu - 01/09/2006 20:45

(NCTG) Qua NCTG, tôi được đọc rất nhiều bài báo (chủ yếu của mạng „Người Viễn Xứ”) phàn nàn về cách cư xử của nhân viên Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), về thái độ của nhân viên hải quan, cửa khẩu tại sân bay Nội Bài - Tân Sơn Nhất.

Air France, một trong những hãng hàng không hàng đầu thế giới - Ảnh: Air France

Trong số đó, hầu như chưa có bài báo nào có ý kiến tốt về họ. Gần đây nhất là bài „VNA & văn hóa đối xử hành khách” (*).
 
Xưa nay, tôi cũng hay bay VNA chặng TP HCM, Hà Nội, Singapore, Malaysia, Băng Cốc... Chưa bao giờ tôi phải phàn nàn về cách cư xử của nhân viên VNA, từ soát vé đến tiếp viên trên máy bay. Cũng có thể có những việc khó chịu xảy ra, nhưng không đến mức quá nặng nề nên không đọng lại trong ký ức tôi. Có lẽ chúng ta cũng không nên quá khắt khe với các tiếp viên, các nhân viên điều hành của VNA!

Từ khi VNA mở tuyến bay sang Châu Âu, lúc đầu tôi cũng không muốn đi VNA vì sợ không an toàn (đưòng bay dài quá!), nhưng sau nghĩ mình là người Việt, cũng nên bay „ủng hộ” VNA... Mặc dù nghe một số lời đồn đại là tiếp viên VNA trên tuyến này cư xử kém, hay cáu gắt, v.v..., nhưng tôi nghĩ mình lên máy bay... ngủ là nhiều, có mấy khi phiền đến tiếp viên đâu! Thế là tôi mua vé VNA và bằng lòng với chuyến bay này.

1. Lúc tôi mua vé thì giá vé VNA là thấp nhất lúc bấy giờ. Các hãng hàng không khác đặt hơn khoảng 100-200 USD.

2. VNA dùng máy bay Boeing mới, hiện đại. Bay thẳng không đáp xuống Băng Cốc nên không mệt.

3. Máy bay cất cánh chậm 2 tiếng nhưng hoàn toàn không phải do lỗi của VNA mà do nhân viên phi trường Pháp đình công. Hành lý của tôi về chậm 5 ngày, nguyên nhân cũng do đình công. Nếu ai không hiểu, có thể nghĩ do VNA!

4. Tiếp viên VNA niềm nở, sẵn sàng giúp đỡ. Chương trình TV hay.

5. Có thực đơn riêng đối với các bữa ăn sáng, trưa và chiều. Nửa đêm, tôi thức dậy, thấy có mùi thức ăn rất hấp dẫn, ngoảnh đi ngoảnh lại phát hiện ra dân Việt Nam mình, cùng mấy „chú” Tàu (chắc là Hồng Công, Đài Loan...) đem từ quầy ăn ra những bát mỳ, phở ăn liền nóng hổi. Tôi mỉm cười nghĩ „dân Châu Á vẫn khoái khẩu món mỳ ăn liền truyền thống”, nhìn mọi người rất tự nhiên „tự phục vụ”, tôi thấy vui vui, thầm nghĩ đi máy bay các hãng khác làm gì được thế, đói lắm khi cũng không dám gọi vì có phải ai cũng nói tiếng nước ngoài với „Tây” được đâu, dân Châu Á mình tính vẫn hay „ngài ngại”. Trong khi đó, bay VNA, tôi thấy người Việt mình như là „Thượng đế”: bấm nút gọi tiếp viên liên tục, có người còn ngồi vắt chân, chắn ngang cả lối đi, làm cô tiếp viên bê nước phục vụ có lúc vấp ngã, rơi cả ly cốc xuống sàn nhưng không thấy „Thượng đế” nào ra tay giúp cả, tôi phải đứng dậy giúp cô.

Sau chuyến bay ấy, tôi „tuyên truyền” VNA cho người quen. Những ai từng đi tuyến của VNA qua Châu Âu cũng đều khen VNA.

Hàng năm, tôi bay về Việt Nam vài lần, và chưa bao giờ phải kêu ca gì về nhân viên hải quan, cửa khẩu. Đúng là nhân viên cửa khẩu Việt Nam thường có bộ mặt „lạnh như tiền”, tuy vậy lần nào họ cũng nhã nhặn và niềm nở hỏi tôi hai ba câu, và tôi cũng vui vẻ trả lời họ. Chưa bao giờ tôi phải cho bất kỳ nhân viên nào tiền cả, vì vậy, khi đọc bài báo nói rằng bao giờ cũng phải kẹp tiền vào hộ chiếu thì mới không bị hành, tôi rất ngạc nhiên. Nhũng người tôi quen, khi được hỏi, cũng cho biết là họ không phải cho tiền nhân viên cửa khẩu gì cả.

Một lần, tôi đem nhiều vitamin về cho cha mẹ. Khi qua máy soi, nhân viên hải quan nhìn thấy các vỉ thuốc nên yêu cầu tôi mở va-li và tuyên bố theo luật thì chỉ được mang vào Việt Nam lượng thuốc trị giá tối đa là 30 USD (số tiền này có thể tôi nhớ không chính xác, nhưng rất ít). Tôi gân cổ lên cãi đây là vitamin, không phải thuốc! Họ phải mời người phụ trách Hải quan đến giải quyết, giải thích là sở dĩ phải hạn chế đem thuốc vào Việt Nam vì sợ số người bệnh tự dùng thuốc không theo toa của bác sĩ, sẽ có hại. Sau một hồi tranh luận, nhân viên hải quan quát lên „vitamin là thuốc!”, tôi thấy cãi nhau vô tích sự nên nhất quyết không xin xỏ, năn nỉ, mà chỉ bảo họ „các anh cứ theo luật mà làm!” Cuối cùng thì họ cũng cho qua vì trên các vỉ thuốc ghi rõ „vitamin cho người trên 50 tuổi”, và biết thừa là tôi mang về cho cha mẹ chứ không phải buôn bán gì. Tuy vậy, nghĩ lại, chiểu theo đúng luật có lẽ tôi phải bỏ lại hầu hết số vitamin đó (hình như bên Châu Âu, vitamin tổng hợp cũng được liệt vào dạng thuốc thì phải). Ngoài ra, còn một số thảo được, đóng vỉ như thuốc, đáng lẽ phải gửi đi kiểnm nghiệm xem có phải là thuốc không, nhưng nhân viên hải quan cũng cho qua. Sau khi mọi việc đã xong xuôi, tôi có đưa biếu các nhân viên hải quan 1 hộp sô-cô-la, nhưng họ nhất quyết không nhận!

(Một kinh nghiệm nhỏ: nếu đem vitamin hoặc các loại thuốc về thì nên mua loại trong hộp nhựa, không phải loại đóng vỉ kim loại, khi soi Hải quan sẽ... khó phát hiện!)

Nói đúng ra, cũng vài lần tôi chứng kiến nhân viên cửa khẩu to tiếng với một số người mà họ không cho nhập cảnh Việt Nam vì một lý do nào đó, có thể là giấy tờ không hợp lệ. Theo tôi, nên cử những nhân viên thật nhã nhặn, kiên trì để giải quyết nhữn trường hợp phức tạp này. Bên Châu Âu, giấy tờ có gì không hợp lệ thì không được vào, có tranh luận, năn nỉ cũng chẳng giải quyết được gì: họ sẽ cho anh lên chuyến máy bay gần nhất để về lại điểm xuiất phát!

Tôi cũng được đọc một số chuyện tiêu cực, những chính sách vô lý của VNA, chủ yếu liên quan đến lãnh đạo. Nhưng chuyện này thì nhiều người đã viết rồi, xin miễn đề cập tới.

Chỉ xin thuật lại và chia sẻ vài chuyện vui buồn liên quan đến những chuyến bay.

- Bảy năm trước tôi bay hãng hàng không AEROFLOT của Nga. Khi quá cảnh tại sân bay Nga, hành khách transit không đến từ các quốc gia „tân tiến” (như Việt Nam, Trung Quốc, Ả Rập...) đều bị đóng khoản tiền phạt „quá cước” (nhân viên người Nga xem trên máy tính, thấy hành lý của ai quá 20 kg thì bắt trả tiền). Điều này vô lý và trái với thông lệ quốc tế! Hành lý của tôi quá 10 kg, nhưng tôi không có xách tay nên nhân viên AEROFLOT cho qua, không phải bỏ lại hoặc trả tiền quá cước. Vậy mà khi quá cảnh ở sân bay Nga, tôi bị gọi lên yêu cầu trả tiền! Tôi nhất quyết không trả, bảo „tôi không có tiền”, nhân viên hàng không „gợi ý” „mày đi vay mượn tiền bạn bè ấy”. Tôi nói „tôi không thích vậy”, họ bèn dọa „thế thì phải bỏ 1 kiện hành lý lại”, tôi làm cứng „bỏ lại thì bỏ, các ông bà muốn bỏ lại kiện nào cũng được!”, bụng thầm nghĩ „đố các vị bỏ lại được, hành lý của tao đã ở trên máy bay rồi kia mà”. Đến giờ lên máy bay, mọi người lên hết chỉ còn lại một mình tôi vì tôi không đượcnhận thẻ lên máy bay. Tôi mặc kệ, nghĩ „đố bọn mày bay mà bỏ tao ở lại”. Cuối cùng, một nhân viên tỏ ra „từ thiện”, nói với hội còn lại „thôi cho nó lên”. Vậy là họ phát cho tôi thẻ lên máy bay. Cũng trong dịp đó, tôi chứng kiến một người da màu bị cảnh sát Nga dùng dùi cui đánh vì „dám” to tiếng tranh cãi với nhân viên sân bay và không chịu trả tiền quá cước. Sau chuyến bay này, tôi cạch đến già, không bao giờ bay AEROFLOT nữa!

- Một lần, tôi bay hàng không Pháp Air France, rất ngạc nhiên là một gia đình Việt Nam sống ở Đức lại bay tuyến này mà không bay Lufthansa (hãng hàng không Đức). Hỏi chuyện thì họ cho biết họ không thích bay Lufthansa vì tiếp viên có bộ mặt khinh khỉnh, lạnh lùng với dân Việt!

Riêng tôi, tôi lại thích đi Lufthansa vì cảm giác an toàn và người Đức làm việc chính xác. Cũng không thấy họ khinh khỉnh với mình, hoặc giả có mà tôi không để ý? Mặc dù, có một lần tại phi trường Tân Sơn Nhất, khi làm thủ tục, tôi bị nhân viên Việt Nam của hãng này quát khiếp lắm: nào là „tại sao ra sân bay cận giờ thế?” (bữa đó không hiểu sao, tôi gọi taxi 3 lần, mà đợi hoài không thấy cài nào đến, đành phải ra đường vẫy taxi); nào là „tại sao hành lý nhiều cân thế?”... Tôi nói nếu nhiều cân, tôi sẽ bỏ lại bớt chứ có vần đầ gì đâu, rồi đem một túi mang ra cho người nhà, đến khi trở lại lại bị quát „tại sao vẫn chưa cân hành lý?” Khi chuẩn bị đến khâu kiểm tra hộ chiếu, tôi thấy thẻ transit có vẻ ghi sai, vội chạy xuống nhân viên hãng Lufthansa để hỏi, thế là lại bị quát một trận nữa. Hôm ấy, cả thảy tôi bị ba nhân viên Lufthansa quát nạt khiếp lắm! Tôi cứ ấm úc mãi, tại sao mọi người không thể an nói tử tế, nhã nhặn mà cứ phải quát nạt khách hàng? Phải chăng, do tôi và một số hành khách ra sân bay muộn, rồi người Việt lại hay mang cân nặng, hành lý lủng củng, làm thủ tục lâu nên nhân viên lo máy bay cất cánh trễ, họ mới quát tháo ầm ĩ như thế?

Ngoại trừ lấn ấy ra thì tôi thấy nhân viên của các hãng bay đều vui vẻ.

- Tôi không thích quá cảnh Pháp vì người Pháp suốt ngày đình công, đặc biệt là nhân viên phi trường, hỏa xa, tài xế... Chính dân Pháp cũng phẫn uất với việc suốt ngày đình công, nên họ cũng xuống đường... biểu tình phản đối các nghiệp đoàn hay tổ chức đình công! Hành lý đi qua đường Pháp thường khôntg sang kịp với mình, dù có hay không đình công. Có lần, tức quá tôi có ý định kêu gọi (qua mạng Internet) mọi người tảy chay sân bay Charles de Gaulle: tưởng tượng ra cảnh phi trường phải đóng cửa vì không một bóng người, lúc ấy hết đình công.

- Lần bay từ TP HCM sang Paris với Air France, sau khi ngủ được một giấc dài đến sáng thì tôi thức giấc vì một mùi... hôi khủng khiếp! Sau, mới vỡ ra là từ một anh người Pháp khá điển trai, cứ mỗi lần anh ta „quá bộ” ngang qua chỗ tôi ngồi là mùi lại bốc lên, mà sao anh ta cứ đi đi lại lại, không chịu ngồi yên cho rồi! Tôi bực bội „người ngợm thế này mà cũng cho lên máy bay, không biết chừng... bĩnh ra quần rồi cũng nên”. Vài cô tiếp viên chạy đến chỗ anh ta ngồi xem xét „hiện trường”, sau đó họ lấy giẻ lau, xa phòng cọ rửa khoang chứa hành lý trên đầu chỗ anh ta ngồi thì tôi mới ngã ngửa ra là lo mắm tôm của ai để đó bị đổ, rớt xuốnhg người anh ta! Từ ghét, tôi chuyển sang ái ngại cho anh chàng Pháp nọ.

Cũng trên chuyến bay này, nút bấm gọi tiếp viên của tôi bị hỏng, không hiểu sao nó cứ... tự bấm gọi liên hồi. Các cô thỉnh thoảng lại chạy đến hỏi tôi cần gì, cả khi tôi đang ngủ ngon! Tôi chả hiểu chuyện gì, còn các cô tiếp viên hẳn là khó chịu v1ơi tôi lắm. Về sau, tôi có nói với họ về „sự cố kỹ thuật” này, và bảo lọ lưu ý tổ kỹ thuật, nhưng thấy họ cũng không mấy quan tâm. Tôi nghĩ thương thay cho những hành khách ngồi vào đúng chỗ tôi hôm đó!

- Tôi thích bay Swiss Airlines (Hàng không Thụy Sĩ) vì có bánh croissant giòn tan, rất ngon! Tôi đã từng ăn croissant tại quê hương của nó là Pháp, nhưng quả thật croissant của Swiss Airlines thì không đâu sánh được! Lúc nào có dịp sang Thụy Sĩ, thế nào tôi cũng phải mua món bánh mỳ này!

- Một lần transit (quá cảnh) tại sân bay Healthrow (London), tôi không biết phải làm thủ tục để đi tiếp như thế nào, bèn đến hỏi một nhân viên hướng dẫn. Anh này cầm lấy vé của tôi rồi chằng thèm đọc, cứ cầm trên tay, bộ mặt cáu kỉnh, khó chịu. Đợi một lúc chả thấy gì, tôi nghĩ có đợi... đến tối thì cũng thế, nên tôi lấy lại vé và đi chỗ khác hỏi!

- Bay với British Airways thì được nghe thứ tiếng Anh „British English” (chuẩn của Anh), sướng lỗ tai! Nghĩ thầm „người Anh nói tiếng Anh... giỏi thật”. Hồi xưa, thìa, dĩa... của hãng này rất đẹp, vì vậy hành khách hay tự động cất vào túi để „làm kỷ niệm”. British Airways cũng phát hiện ra, nhưng rốt cục họ cũng làm ngơ, nghĩ rằng đây cũng là một cách quảng cáo cho hãng!

(*) NCTG số 22, ngày 14-7-2006.

Thu Thủy, Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn