Khủng hoảng tỵ nạn: THỔ NHĨ KỲ CHIẾM THƯỢNG PHONG TRƯỚC EU

Thứ năm - 10/03/2016 04:53

(NCTG) Đó là ý kiến của nhiều nhà bình luận sau Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ diễn ra hôm thứ Hai vừa qua, khi Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột đưa ra nhiều yêu sách mới khiến lãnh đạo Châu Âu phải đình cuộc họp để suy nghĩ và bàn bạc.

Rốt cục, Châu Âu cũng trở thành một pháo đài đối với người tỵ nạn - Ảnh: Marko Djurica (Reuters)

Rốt cục, Châu Âu cũng trở thành một pháo đài đối với người tỵ nạn - Ảnh: Marko Djurica (Reuters)

Hội đồng Châu Âu sẽ tái họp vào thứ Năm tuần sau để thống nhất bốn vấn đề mới do phía Thổ đưa ra, mà theo Thủ tướng Hungary Orbán Viktor, đó là “những đề xuất liên quan tới những nhóm vấn đề rất nghiêm trọng”, cho nên chưa thể nói ngay “” hoặc “không”.

Dầu sao, phía Thổ - thông qua Thủ tướng Ahmet Davutoğlu - dường như đã có vẻ chiếm “thượng phong” khi đưa ra và buộc Liên Âu phải chấp nhận ở một mức độ nào đó những đề nghị mà nếu muốn xử lý khủng hoảng tỵ nạn, EU khó có khả năng lựa chọn nào khác.

Thỏa thuận giữa Liên Âu và Thổ, theo dự tính, sẽ gồm những điều khoản chính như sau:

- Sau 3 tỷ Euro mà Liên Âu cam kết sẽ hỗ trợ Thổ vào tháng 11 năm ngoái để xử lý vấn đề tỵ nạn, Ankara “đòi” thêm 3 tỷ Euro nữa. Theo lời Thủ tướng Ahmet Davutoğlu, Thổ không hề có ý định đi xin xỏ hay mặc cả, mà khoản khổ trợ này chỉ nhằm giúp đỡ người tỵ nạn.

Ankara coi đó là sự chia sẻ, tương trợ lẫn nhau để cùng giải quyết một vấn đề mà thực ra cả EU, cả Thổ lẽ ra không có liên quan. Về phía Liên Âu, đây là điều kiện có vẻ dễ thực hiện nhất: Thủ tướng Orbán Viktor khi được báo chí hỏi, đã cho hay đương nhiên Hung sẽ góp.

- Tất cả di dân nhập cảnh bất hợp pháp vào EU theo ngả Hy Lạp sẽ được Thổ nhận lại. Kế hoạch này gặp phải những vấn đề thuộc về công pháp quốc tế: Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã lưu ý rằng, khả năng là việc tự động gửi trả lại di dân kinh tế không đến từ Syria cũng là trái luật.

Việc thực hiện một kế hoạch như vậy khiến chính quyền Hy Lạp sẽ phải chịu một gánh nặng và sức ép lớn chưa từng có từ trước tời nay.

- Cứ mỗi di dân trái phép mà Ankara nhận lại, thì một thành viên nào đó của Liên Âu lại tiếp nhận một người (được công nhận là) tỵ nạn từ Thổ theo con đường chính thức. Đây là ý tưởng của Liên Âu nhằm hạn chế và giảm thiểu sự hoành hành của các băng đảng buôn người.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này đời hỏi một hệ thống “hạ tầng” hiện vẫn chưa tồn tại, và câu hỏi được đặt ra vẫn là, các nước thành viên EU đã được chuẩn bị về chính trị hay chưa để có thể tiếp nhận hàng chục ngàn hoặc hàng trăm ngàn người tỵ nạn.

Bởi lẽ, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đứng đầu chủ trương phân bổ người tỵ nạn của Liên Âu, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng một chương trình tái định cư như vậy chỉ có thể thực hiện trên cơ sở tự nguyện tự giác, song phương, với sự chấp thuận của các nước thành viên.
 
Làn sóng di cư bất hợp pháp vào Châu Âu đã chấm dứt, theo tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk - Ảnh: Bődey János (index.hu)
Làn sóng di cư bất hợp pháp vào Châu Âu đã chấm dứt, theo tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk - Ảnh: Bődey János (index.hu)

- Công dân Thổ được viễn thị thực trong khu vực Schengen một cách rất nhanh chóng, từ tháng 6 năm nay trở đi. Đề xuất này nếu được thông qua có thể gặp phải sự phản đối ở nhiều nước, nhất là trong bối cảnh Thổ chưa chấp nhận một số điều kiện về chính trị và ngoại giao.

Phát biểu về khoản này, Thủ tướng Orbán Viktor cho rằng Liên Âu trước hết nên miễn thi thực cho công dân Ukraine. Pháp cũng tỏ ra không hài lòng với việc 75 triệu công dân Thổ được miễn chiếu khán vào EU quá nhanh, ngay từ tháng 6 chứ không phải tháng 10 như dự định.

- Mở ra chương mới cho việc Thổ gia nhập Liên Âu trên tư cách một thành viên đầy đủ sau hơn mười năm tiến hành các cuộc đàm phán với EU (kể từ năm 2005). Đây là điều Síp và Hy Lạp lâu nay vẫn phản đối, vì Ankara chưa thừa nhận Síp và chính phủ Nicosia

Một trong những vấn đề quan trọng của hội nghị thượng đỉnh lần này, là thái độ của EU đối với tuyến đường mà người tỵ nạn hay đi xuyên qua miền Tây Balkans. Tinh thần của hội nghị cho thấy, người tỵ nạn sẽ phải chọn ngả khác, vì lộ trình Tây Balkans sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt.

Cho dù từ “khóa biên giới” rốt cục đã được tránh dùng trong bản dự thảo tuyên bố chung của Hội đồng Châu Âu vì mang tính “đụng chạm”, “nhạy cảm”, tuy nhiên thực tế này được được coi là biến chuyển trong chính sách tỵ nạn của Liên Âu, và là thất bại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trần Lê tổng hợp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn