Ba ngày trước, cả nước Bỉ gần như vỡ òa với tin Salah Abdeslam, nghi phạm khủng bố số một liên quan đến vụ tấn công Paris tháng 11 năm ngoái đã bị cảnh sát tóm gọn sau hơn bốn tháng lẩn trốn. Ba ngày qua, người dân vui mừng truyền tai nhau về việc tên khủng bố bị lần theo dấu vết, bị phát hiện và bắt thế nào, và qua đợt trấn áp khủng bố vừa qua, cảnh sát đã chặn được mấy vụ khủng bố đang được lên kế hoạch ra sao...
Nhưng, người Bỉ chưa kịp ngồi xuống thở, đã phải bật dậy sáng nay với ba tiếng nổ lớn ở Brussels.
Lại một vụ khủng bố kép. Hai phát nổ trong sân bay quốc tế Zaventem, một phát nổ trong metro Maelbeek, ngay cạnh trụ sở EU. Vâng, lại đánh bom tự sát. Lại có những tiếng hô bằng tiếng Ả Rập trước khi phát nổ. Lại máu bắn lên tường, tràn dưới đất... Lại những tiếng kêu cứu, la hét hoảng loạn.. Lại những bóng người chạy loạng choạng… Lại những tiếng còi hụ trên phố... Rồi bóng cảnh sát, quân đội…
Cả nước Bỉ như lặng đi. Những cảnh tượng này có gì đó quen quen… Thậm chí nó
còn được cảnh báo trước.
Cũng chả ai còn ngạc nhiên nếu IS nhận trách nhiệm.
Toàn nước Bỉ ngay lập tức đặt trong tình trạng báo động, cảnh báo khủng bố nâng lên số 4 (mức cao nhất). Hủy toàn bộ các chuyến bay từ Brussels và đến Brussels.
Ba mươi phút sau, thủ tướng Bỉ Charles Michel phát biểu với báo giới: “
Điều chúng ta lo ngại đã xảy ra”.
Thủ tướng yêu cầu mọi người cố gắng không đi ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Tất nhiên ông cũng không quên trấn an mọi người hãy bình tĩnh và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của thủ tướng với ánh mắt buồn bã có lẽ không trấn an được nhiều người.
Trên xe điện sáng nay, một phụ nữ Hồi giáo không giữ được bình tĩnh và to tiếng với ai đó trên điện thoại: “
Ừ thì bọn nó nổ bom ở đó, nhưng sao mày lại hét lên với tao? Tao có biết bọn đó đâu!”. Nói rồi cô làu bàu gì đó bằng thứ tiếng không ai hiểu và cúp máy. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Tới bến sau, cô xuống.
Một phụ nữ khoảng năm mươi bắt đầu lên tiếng: “
Tôi tự hỏi không biết mình đang ở nhà mình hay ở đâu nữa!”. Một người đàn ông tiếp lời: “
Chúng ta đang sống trong một thời khắc rất khó khăn”. Rồi những tiếng thở dài...
Vâng, ở nơi công cộng, khi người ta còn nhìn thấy nhau, người ta còn giữ sự dè dặt. Trên mạng xã hội thì không. Hàng trăm
comment (bình luận) trên nhiều mạng tin ở Bỉ ào ạt và giận dữ. Ghi lại nhanh một đoạn hội thoại sau:
J.J: Phía cánh tả lên tiếng đi. Hy vọng các anh hài lòng với công việc của mình.
K.D: Aha, anh đang giúp cho ISIS đi xa hơn đấy anh biết không? Bọn nó đang vỗ tay khen anh vì có công lan truyền sự căm ghét kìa!
J.J: Anh mới chính đang tiếp tay cho khủng bố bằng việc mở cửa toang hoang cho tất cả mọi thứ. Và chính cách điều hành nhu nhược như vậy mới dẫn tới tình trạng như hôm nay. Ai ho he là bị gí cho mác “racist” (kỳ thị chủng tộc) ngay. Giờ thì anh thấy rõ kết quả chưa?
K.D: Tôi chưa bao giờ ủng hộ cho việc mở cửa cho tất cả mọi thứ như anh nói. Mà thôi, anh cứ nói cái anh muốn. Nhưng chính nhờ các phản ứng gay gắt và kỳ thị của anh đã giúp cho các chương trình cực đoan hóa của IS được thuận lợi hơn. IS chắc chắn sẽ sử dụng anh để tuyên truyền.
R.L: Cảm ơn các chính trị gia nước ta. Chúng ta đóng thuế gãy lưng. Và giờ thì được bảo vệ như thế này đây!
...
Trong khi đó, cảnh sát Brussels kiểm soát tất cả các nhóm khách trong metro từ 4-5 người trở lên. Một nhóm khoảng chục thanh niên bị kiểm tra giấy tờ đã to tiếng với cảnh sát. Một người đã bị bắt dẫn về trụ sở để làm rõ thêm.
Cùng lúc, nhiều nước khác ở Châu Âu như Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Hungary, thậm chí cả Mỹ cũng ban bố những cảnh báo đối phó với nguy cơ khủng bố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Antwerpen, một thành phố cảng sôi động cách Brussels khoảng hơn 50 km hôm nay cũng bỗng nguội ngắt.
Phố xá thưa thớt. Các cửa hàng lèo tèo. Những quán cà phê lờ đờ mấy bóng đi ra đi vào. Chỉ có các cửa hàng bánh mỳ và siêu thị thì có vẻ vẫn tấp nập như thường. Thì ai cũng phải ăn. Biết làm sao! Tuy nhiên, ai cũng cố gắng về nhà sớm hơn nửa tiếng để tránh giờ cao điểm tại các bến xe, metro hay ga tàu. Sự có mặt gấp đôi của cảnh sát, quân đội cùng xe bọc thép đặc chủng có vẻ cũng không giúp người dân hoàn toàn yên tâm.
Rồi mai cuộc sống có thể cũng sẽ trở lại bình thường. Không ai biết được những gì chờ đợi phía trước. Đây đó đã có những tiếng kêu gọi bạo lực. Vâng, bạo lực luôn hú gọi bạo lực. Lịch sử thế giới đã chứng minh không ít lần. Hồng quân sau khi chiến thắng phát-xít Đức cũng đã
sa vào giết chóc, hãm hiếp. Gần đây là vụ Brevik ở Na Uy xả súng giết 77 nguời vô tội, nhân danh “bảo vệ dân tộc chống sự bành trướng của Hồi giáo”.
Và rồi sau những vụ khủng bố đây đó thời gian qua, nhiều người đã nổi giận và đáp trả bằng chính bạo lực, khiến bạo lực đã có lúc leo thang, không khí xã hội u ám.
Trong metro hôm nay có gì khác khác. Người lên người xuống không còn không để ý nhau như mọi khi nữa. Mọi người đều nhìn vào mắt nhau. Có những đôi mắt đỏ hoe. Có những đôi mắt như nhìn vào hư vô. Có những cái nhìn kìm nén buồn đau. Có cả những ánh nhìn thiếu thiện cảm, đầy ngờ vực... Như những câu hỏi câm lặng: “
Vì sao chứ? Sao lại là những người vô tội?”. “
Rồi anh sẽ phát nổ chứ? Tôi tin anh được không?”. Hay: “
Tôi có còn có cơ hội được tin hay không? Tôi phải làm gì?”.
Với 34 người chết, 230 người bị thương, Bỉ đang bị đặt trong cảnh báo chiến tranh. Vâng, không chỉ trên thực tế như những gì người ta thấy hôm nay, nó còn là một cuộc chiến âm thầm về tư tưởng chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.