Ca sĩ Mai Khôi: CỬ TRI CẦN TỰ THUYẾT PHỤC MÌNH ĐỂ BỎ PHIẾU CHO TÔI

Thứ tư - 30/03/2016 10:49

(NCTG) “Nếu bạn không muốn ngủ theo Quốc hội mỗi khi theo dõi những cuộc họp thì hãy ủng hộ tôi hoặc các ứng cử viên tự do như tôi” - phát biểu của ca sĩ được đánh giá là rất có cá tính của làng nhạc Việt Nam.

Poster “vận động tranh cử” do Mai Khôi tự thiết kế - Ảnh do nhân vật cung cấp

Poster “vận động tranh cử” do Mai Khôi tự thiết kế - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lời Tòa soạn: Mai Khôi (tên đầy đủ là Đỗ Nguyễn Mai Khôi) có lẽ là nhân vật được báo chí Việt Nam nhắc tới nhiều nhất trong số những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, mà như chị nói, mục đích là “để góp tiếng nói đại diện giới trẻ, giới văn nghệ sĩ về nhiều vấn đề trong xã hội”.

Được coi là một ca sĩ có phong cách đặc biệt, có lúc “quậy phá” với nhiều phát ngôn gây sốc, đi kèm một số scandal trong trang phục và biểu diễn, nghệ sĩ trẻ 34 tuổi này tỏ ra rất tự tin trong các phát biểu với báo giới về những trải nghiệm, cũng như khả năng và quyết tâm khi ứng cử.

“Tiếng nói của giới trẻ” là slogan của Mai Khôi trong những bước đi đầu của quá trình vận động. Trao đổi với truyền thông, chị tự nhận là đại diện của giới trẻ, và cho rằng cần thể hiện những gì mà giới trẻ đang thể hiện, kể cả những sự khác biệt, yếu tố cần thiết của một xã hội phát triển.

Đã có 15 năm trong nghề ca hát và sáng tác, giờ đây có thể cuộc đời người ca sĩ này sẽ rẽ theo một ngả mới trên con đường chính khách? Mai Khôi sẽ làm gì, suy nghĩ thế nào để có được những điều như chị mong muốn? PV NCTG trò chuyện với Mai Khôi trước Hội nghị cử tri địa phương (NCTG).

 
Ca sĩ Mai Khôi - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ca sĩ Mai Khôi - Ảnh do nhân vật cung cấp

- Mai Khôi là một ca sĩ có phong cách rất gần với thị hiếu của các bạn trẻ. Nếu được trở thành ứng viên, có lẽ bạn sẽ cần tới sự hậu thuẫn của cả giới trung niên, mà nhiều phần họ đang là một bộ phận của bộ máy nhà nước.

Vâng, tôi rất cần sự hậu thuẫn của không chỉ là giới trung niên mà còn cần sự ủng hộ của tất cả mọi giới và mọi thành phần trong xã hội, cho dù là người của bộ máy nhà nước hay là lao động tự do, thậm chí là người thất nghiệp.

- Giả dụ như mình là một nhân viên tại Ủy ban Quận chẳng hạn. Bạn sẽ thuyết phục mình ra sao?

Cho đến lúc này mục tiêu hướng tới của tôi không phải là việc thuyết phục một cá nhân hay một thành phần nào đó, tôi đang cố gắng làm việc để cho những cử tri phải tự thuyết phục mình khi quyết định bỏ phiếu cho tôi.

- Tại sao mình nên ủng hộ việc ứng cử của bạn và các ứng cử viên tự do khác?

Nếu bạn không muốn ngủ theo Quốc hội mỗi khi theo dõi những cuộc họp thì hãy ủng hộ tôi hoặc các ứng cử viên tự do như tôi.

- Hay ví dụ mình là một bà mẹ già quanh năm gia đình, vườn tược... người mà nhiều phần sẽ khuyên bạn “yên thân” gia đình, sẽ lo lắng cho bạn cũng như cho những người như bạn chứ không phải là cổ vụ bạn “dấn thân”, bạn sẽ giải thích với bà ra sao?

Nếu bà mẹ già tần tảo đó là mẹ ruột của tôi thì tôi sẽ có cách để thuyết phục bà như đã từng thuyết phục bà ủng hộ những quyết định trước đây của tôi.
 
Mai Khôi được biết đến như một ca sĩ có tính cách - Ảnh do nhân vật cung cấp
Mai Khôi được biết đến như một ca sĩ có tính cách - Ảnh do nhân vật cung cấp

- Chương trình ứng cử của bạn là bạo lực trong gia đình. Bạn sẽ dùng lý lẽ nào để thuyết phục những người đàn ông không vung tay trước phái yếu? Với họ, những câu nói kiểu “không đánh phụ nữ dù chỉ bằng nhành hoa” có lẽ chỉ là những gì rất xa xỉ...

Tôi chỉ muốn nói về luật pháp với những trường hợp bạn vừa nêu. Tôi nghĩ dùng lý lẽ để thuyết phục từng người cụ thể khi họ bạo hành là việc làm vừa mất thời gian của nhau vừa không mang lại kết quả gì đáng kể.

Xây dựng một hệ thống pháp luật đủ mạnh để đảm bảo một cuộc sống an toàn cho mọi người trong gia đình mới là chủ đích chính của tôi.

- Người ta hay nói rằng, mỗi người cũng có phần nào trách nhiệm trong việc người khác sẽ xử sự với anh ta như thế nào, cho dù quy trách nhiệm cho người phụ nữ bị bạo hành là một điều vừa thiếu tế nhị vừa thiếu cảm thông. Vậy bạn có chuẩn bị gì trước tình thế này?

Tôi không bao giờ quy trách nhiệm cho bất cứ ai là nạn nhân, dù là ở lĩnh vực nào. Tuy nhiên để cuộc sống gia đình trở nên vui vẻ, đầm ấm thì mối quan hệ của các thành viên phải hài hòa, mang nhiều yếu tố chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

Do đó khi có việc bạo hành xảy ra, tôi nghĩ việc xem xét, nhìn nhận lại cách ứng xử của nhau là việc nên làm. Và tôi luôn khuyến khích việc tháo gỡ các khúc mắc trong quan hệ gia đình bắt đầu bằng những việc làm đơn giản như thế.

- ĐBQH là cái gì đó rất xa vời với nhiều người dân, cả đời chưa bao giờ được gặp người đại diện cho chính mình. Trước khi quyết định ra ứng cử, bạn có tìm hiểu, chẳng hạn ĐBQH có trách nhiệm phải quan tâm và tiếp xúc với người dân cụ thể ra sao và đến mức nào?

Có thể ĐBQH là cái gì đó rất xa vời với nhiều người dân, tuy nhiên một khi đã quyết định tự ứng cử ĐBQH tôi nghĩ không chỉ tôi mà bất cứ ai cũng phải tìm hiểu đầy đủ kỹ lưỡng về Quốc hội, hoạt động của Quốc hội cũng như trách nhiệm của ĐBQH…

Về trách nhiệm của ĐBQH với cử tri được quy định tại Điều 27, trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức Quộc hội 2014, cụ thể:

Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội…” (Khoản 1, Điều 27, Luật Tổ chức Quộc hội 2014.)

Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết…” (Khoản 2, Điều 28, Luật Tổ chức Quộc hội 2014.)

Trên đây là những quy định cụ thể của pháp luật, nhưng tôi nghĩ một đại biểu có thể làm nhiều và làm tốt hơn cho cử tri của mình.
 
Liệu người ca sĩ có qua được cửa ải ban đầu để trở thành ứng viên ĐBQH? - Ảnh do nhân vật cung cấp
Liệu người ca sĩ có qua được cửa ải ban đầu để trở thành ứng viên ĐBQH? - Ảnh do nhân vật cung cấp

- Trong kỳ bầu cử lần này, đã xuất hiện rất nhiều ứng cử viên tự do. Các anh chị và các bạn chủ trương sát cánh bên nhau hay là “đối thủ cạnh tranh” của nhau?

Cả hai yếu tố sát cánh và cạnh tranh tôi nghĩ đều cần thiết cho một ứng cử viên độc lập như tôi, và hai yếu này thật ra chưa bao giờ mâu thuẫn hoặc triệt tiêu nhau nên tôi không thấy băn khoăn gì về vấn đề này cả.

- Lời cuối cho bạn đọc NCTG?

Cuối cùng, biết yêu thương và tôn trọng là điều cần thiết để giải quyết mọi vấn đề.

Thanh Mai thực hiện


 
 Từ khóa: ĐBQH, Mai Khôi
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn