- Từ khi nào, Ngân Mai nảy ra ý định tự ứng cử ĐBQH? Chị có gặp khó khăn gì trước chính quyền khi làm thủ tục nộp đơn trên tư cách một ứng viên độc lập hay không?
Đã hơn 5 năm Mai dùng mạng xã hội để phê phán và lên án những bất công trong xã hội Việt Nam. Bằng cách riêng của mình, Mai
làm những video ngắn để chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình với cộng đồng. Điều khiến Mai không ngờ là những suy nghĩ ấy lại nhận được rất nhiều chia sẻ và đồng cảm từ những người Mai hoàn toàn không quen biết.
Chính điều đó khiến Mai nhận ra những suy nghĩ của mình cũng là suy nghĩ của rất nhiều người. Mai ao ước rằng tiếng nói và suy nghĩ của cộng đồng sẽ không chỉ dừng lại ở Facebook, YouTube hay các mạng xã hội. Mai mong muốn và khao khát những tiếng nói ấy sẽ được cất lên ở chính Quốc hội, cơ quan quyền lực do người dân bầu ra năm năm một lần.
Thế nhưng, Mai cảm thấy thất vọng. Qua các phiên họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp, rất hiếm hoi mới thấy một đại biểu có một phát biểu hợp với lòng dân. Họ rất cô đơn giữa một tập thể tới 500 người, mang tiếng được người dân bầu ra nhưng chẳng mấy khi lên tiếng. Việc của họ là thỉnh thoảng đi họp, tiêu tốn tiền thuế của người dân và đóng vai trò mà chúng tôi gọi là “nghị gật”, vì họ chỉ biết gật đầu.
Chính điều đó thôi thúc Mai phải hành động, và lần bầu cử Quốc hội này là cơ hội để Mai làm điều đó.
Về việc khó khăn trong
quá trình làm hồ sơ ứng cử, trên mạng xã hội các và các diễn đàn Internet đã có nhiều thông tin từ những người tự ứng cử khác. Họ phải đi lại rất nhiều lần, chịu sự hoạnh họa của địa phương chỉ để xin một xác nhận rằng họ có sống ở nơi mà họ có nhà và hộ khẩu. Mai cũng vậy thôi, mất tới 5 ngày chỉ để chạy đi chạy lại xác nhận các thông tin đơn giản trong vài trang A4, phải làm đi làm lại tới vài lần.
Có lẽ Mai đã gặp may chăng vì cuối cùng cũng hoàn thiện được hồ sơ và nộp được trước ngày hết hạn. Trong khi nhiều người thì thậm chí không thể xong kịp hồ sơ trước phút cuối cùng. Có lẽ họ thấy trình độ văn hóa của Mai chỉ là 9/12 nên sự vất vả của Mai cũng ít hơn chăng?
- Là một người làm nghệ thuật nhưng qua những phát biểu và hoạt động của Ngân Mai, có thể thấy chị quan tâm nhiều tới các vấn đề xã hội và chính trị. Thiên hướng này chị có được từ đâu?
Ở trên Mai có nhắc đến chi tiết trình độ học vấn của Mai chỉ là 9/12, nghĩa là vừa tốt nghiệp cấp 2 thì Mai đã phải nghỉ học để mưu sinh.
Lúc đó Mai mới 16 tuổi, và gia đình quá khó khăn không có tiền đóng học phí cho Mai. Sau những ngày tháng mưu sinh vất vả, được tiếp cận với nhiều thông tin về thế giới bên ngoài, Mai luôn ao ước rằng, phải chi mà học phí được miễn như nhiều nước khác, có lẽ Mai đã không phải dừng quá sớm việc học hành và chịu rất nhiều khó khăn khi xin việc làm vì bằng cấp không đủ.
Rất nhiều bất cập xã hội khác hàng ngày mà Mai chứng kiến bằng mắt mình khiến Mai cứ phải bật ra câu hỏi “tại sao”? Tại sao lại có những sự bất công này? Tại sao nhiều quan chức quá giàu? Tại sao nhiều người dân cứ mãi khổ cực thế? Cuối cùng thì tự nhiên Mai quan tâm đến những vấn đề chính trị và xã hội, vì thật ra đó cũng là quan tâm đến chính số phận của mình.
Nếu xã hội này mà điều kiện an sinh được như các nước xung quanh, có lẽ Mai sẽ chỉ quan tâm đến thời trang, du lịch và âm nhạc chăng? Nhưng rất đáng buồn là Mai cứ hàng ngày phải chứng kiến những bất công, vậy nên sự bận tâm tới chính trị nó đến một cách rất tự nhiên.
- Số người tự ứng cử ĐBQH xưa nay vốn ít, mà trong số đó giới nghệ sĩ lại càng ít, Ngân Mai có nghĩ điều đó là một thuận lợi, hay hạn chế cho chị trong lần này?
Một sự bất thường là số ứng viên tự ứng cử ĐBQH rất ít, vì trước nay có thể coi bầu cử Quốc hội là một màn “độc diễn” của các cơ quan, đoàn thể của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền.
Giới nghệ sĩ tự ứng cử thì lại càng hiếm, vì hoạt động nghệ thuật vốn luôn có nhiều mối bận tâm, và ngoài ra, họ rất dễ tổn thương trước các áp lực khác nhau. Có nhiều nghệ sĩ trong nước khi ra nước ngoài và ở lại, thậm chí đã bị cấm biểu diễn ở Việt Nam trong một thời gian rất dài. Cứ nghĩ xem chuyện gì sẽ diễn ra nếu một nghệ sĩ bị rút giấy phép biểu diễn hoặc bị gây áp lực khiến các chương trình nghệ thuật không dám mời họ?
Nói thật lòng là khi quyết định ứng cử, Mai không cho là mình có chút lợi thế nào, thậm chí còn nghĩ tới những khó khăn mà rồi đây Mai sẽ gặp phải. Điều duy nhất khiến Mai vẫn đi tới quyết định này, có lẽ là vì ngày nay Mai có cơ hội chia sẻ quan điểm của mình trên mạng xã hội, và cảm nhận được mình không đơn độc.
Và quả thực, việc đối mặt với rủi ro cũng đã đem lại những động viên lớn cho Mai. Từ lúc ra ứng cử, Mai nhận được hàng ngàn chữ ký ủng hộ qua mạng xã hội. Mọi người không ngại để lộ thông tin cá nhân, họ ghi lời ủng hộ lên giấy, chụp hình kèm với chứng minh thư hoặc bằng lái xe và gửi đến ủng hộ Mai. Có lẽ việc là một ca sĩ tự do với số lượng người chú ý khá lớn trên mạng xã hội đã khiến Mai có thế mạnh nhất định khi chia sẻ quan điểm với cộng đồng chăng.
- Ngân Mai có ý kiến ra sao trước những ý kiến “trái chiều”, cho rằng nghệ sĩ ra ứng cử ĐBQH là do “đã hết trò”, “đánh bóng cá nhân”, “nghị trường không phải phường chèo”?
Họ còn
đang nói những điều tệ hại hơn nhiều. Ngay khi chúng tôi ứng cử, đã có nhiều bài báo trên báo chí Việt Nam đăng công khai rằng
có nhiều ứng viên kém trình độ, thiếu nghiêm túc và ra ứng cử để diễn trò. Ví dụ như nghệ sĩ hài Vượng Râu ở miền Bắc.
Cá nhân Mai họ cũng không hề tha khi đăng báo công khai nhấn mạnh tên tuổi Mai với trình độ học vấn 9/12. Thậm chí tệ hại hơn nữa, còn có lời cáo buộc từ Tiểu ban Bầu cử Quốc hội rằng có nhiều ứng viên tự ứng cử nhận tiền từ nước ngoài để ra tranh cử. Thế nhung khi nhiều người gửi khiếu nại yêu cầu họ công bố rõ với bằng chứng cụ thể đó là ai thì họ im lặng. Đến tận giờ họ vẫn đang im lặng.
Nghị trường không phải là chốn tuồng chèo, thế nhưng sự thật là trong con mắt người dân, đa phần các ĐBQH là những người được sắp xếp trong danh sách buộc cử tri phải bầu (vì không có chọn lựa khác), và trong Quốc hội thường họ cũng chỉ biết diễn một vai mà chúng tôi gọi đó là vai “nghị gật”. Họ đâu có đại diện gì cho người dân, họ ngồi đó chỉ để gật mọi điều do chính quyền yêu cầu.
Những người tự ứng cử như Mai và nhiều người khác nữa đang cố gắng để thay đổi thực trạng ấy. Chính việc có nhiều người giống Mai tham gia ứng cử trong kỳ bầu cử này đang là nỗ lực để trả Quốc hội về đúng với vai trò của nó: cơ quan đại diện và cất lên tiếng nói của người dân.
Sự tấn công vào các ứng viên tự ứng cử đang tăng lên với những biện pháp ngày càng đáng lên án. Tuy nhiên, điều đó chứng tỏ xã hội đang mạnh dần và “họ” đang sợ.
- Với cơ chế bầu cử hiện tại, đối với các ứng viên tự do, những thủ tục “hiệp thương” tại địa phương luôn là ngưỡng hầu như không thể vượt qua. Chị đã chuẩn bị tinh thần như thế nào cho bước đi ấy, bao hàm cả khả năng bị “ném đá” cá nhân?
Cơ chế hiệp thương hiện nay là một trong những cơ chế phản dân chủ nhất trong hoạt động bầu cử Quốc hội mà có nhiều phân tích đã chỉ rất rõ rồi. Đầu tiên là những người như Mai sẽ phải dự một cuộc họp lấy ý kiến cử tri địa phương.
Chính quyền sẽ mời đến đó vài chục cử tri, danh sách do họ toàn quyền quyết định. Và chỉ có vài chục người thế này thôi, nhưng họ lại được quyền quyết định đến tín nhiệm của một ứng viên, vốn đại diện cho ít nhất 200.000 cử tri. Mọi người còn nhớ câu chuyện của luật sư Lê Quốc Quân khi anh ấy bị đấu tố không khác gì thời cải cách ruộng đất trong một cuộc họp như vậy hồi năm 2011, khi anh ấy ra ứng cử.