ĐẠI DỰ ÁN KHAI THÁC VÀNG TIẾP TỤC KHIẾN ROMANIA DẬY SÓNG

Thứ sáu - 13/09/2013 10:13

Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ Romania đã thông qua một dự luật liên quan tới kế hoạch khai thác quặng vàng và bạc tại vùng Roşia Montană - một đại dự án từ 15 năm qua đã dấy lên một làn sóng phản đối lớn từ các nước trong vùng, vì những quan ngại về môi trường và sự hủy hoạt các di sản văn hóa quý báu tại đó.


Một vùng quê sơn thủy hữu tình...

Cụ thể, dự luật đề cập tới việc phê chuẩn một hiệp định mới với nhà đầu tư - một tập đoàn Canada - Romania mang tên Công ty Vàng Roşia Montană (RMGC) - sẽ nắm đa số cổ phần của đại dự án. Theo dự luật, tập đoàn này - mà phía Canada chiếm hơn 80% - sẽ chuyển giao miễn phí cho doanh nghiệp quốc doanh Minvest (do Nhà nước Romania giám sát) gần 6% cổ phần mà RMGC nắm giữ. Do đó, tỉ lệ cổ phiếu mà Nhà nước Romania kiểm soát sẽ lên tới 25%.

Tiếp đó, dự luật ấn định tỉ lệ lợi nhuận mà Nhà nước Romania được hưởng sau khi RMGC chế biến và khai thác vàng, bạc là 6%, thay vì 4% như thường thấy ở Ru. Nhà nước Romania cũng có thể đòi hỏi khoản lợi nhuận này bằng hiện vật. Đổi lại, dự luật coi dự án đầu tư ở vùng Roşia Montană là đại dự án nổi bật, có tầm quan trọng quốc gia và theo Bucharest, nó sẽ đem lại công ăn việc làm cho 2.300 nhân công trong quá trình chuẩn bị, và 900 người khi đã đi vào vận hành.

Theo dự kiến, muộn nhất là vào tháng 11-2016, sự khai thác vàng sẽ được thực hiện. Sau khi được Chính phủ Romania thông qua, dự luật này chỉ còn chờ đợi sự phe chuẩn của Quốc hội, nơi hơn hai phần ba số dân biểu là thuộc phe chính phủ.

Roşia Montană là mảnh đất như thế nào, và tại sao đại dự án khai thác vàng, bạc tại đó lại khiến công luận Romania và Châu Âu để tâm từ 15 năm nay?

Roşia Montană (tiếng Hungary là Verespatak) là một làng nhỏ vùng sơn cước có lịch sử hết sức lâu đời, từng thuộc lãnh thổ Vương quốc Hungary (còn gọi là “nước Đại Hung”) cho đến năm 1920, trước khi nó được được sáp nhập vào Romania theo Hiệp định Hòa bình chấm dứt Ðệ nhất Thế chiến, ký tại lâu đài Trianon (Pháp).

Tại đây, vào thế kỷ thứ 4-5 trước CN, cư dân địa phương đã bắt đầu khai thác vàng. Một mỏ vàng từ thời cổ đại La Mã với hệ thống hành lang như mê lộ - có tới 150 bậc thang xuống sâu dưới lòng đất - cho đến nay vẫn tồn tại như một bảo tàng viện, chứng tỏ lịch sử khai thác vàng ở quy mô lớn có lịch sử trên hơn 20 thế kỷ tại “vùng đất vàng” này.

Ngoài trữ lượng vàng và bạc rất lớn (ước tính chừng 300 tấn vàng và 1.600 tấn bạc) luôn hấp dẫn các nhà đầu tư, Roşia Montană còn là một địa phương có phong cảnh sơn thủy hữu tình và giữ được những giá trị văn hóa và kiến trúc cổ truyền nhất ở Romania, với nhiều di tích lịch sử gần 2 ngàn năm tuổi được đáng giá là ở tầm vóc di sản thế giới.

Tuy nhiên, Roşia Montană trước mắt không được biết đến nhiều như một nơi đón khách tham quan, mà lại ầm ĩ bởi đại dự án “thế kỷ”, bắt đầu được đưa ra vào năm 1997. Khi đó, một tập đoàn đầu tư Romania - Canada được thành lập và đề xuất một kế hoạch nhằm biến vùng đất này trở thành nơi khai thác vàng trên mặt đất lớn nhất Châu Âu, nhưng cái giá phải trả là một diện tích chừng 16km2 (trên tổng số gần 43km2 mà nhà đầu tư sử dụng) sẽ hoàn toàn bị phá hủy.


... đang bị hủy hoại nặng nề!

Theo dự án ước tính sẽ đạt doanh thu 1 tỉ USD này, chừng 2 ngàn cư dân trong vùng sẽ phải chuyển đi nơi khác. Tất cả nhà cửa cũ cùng những di sản vô giá - như 4 nhà thờ, nghĩa trang, nhiều di tích kiến trúc cổ từ thời La Mã cùng 3-5 rặng núi trong vùng và các khu lân cận - sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong vòng 15 năm, với tiến độ là 20 tấn thuốc nổ dinamit được sử dụng mỗi ngày.

Mỏ vàng và bạc tại Roşia Montană dự tính sẽ chỉ được khai thác trong vòng 15 năm, nhưng sự ô nhiễm và tác hại đối với môi trường do nó gây ra sẽ còn để lại hàng trăm năm, theo các ước tính khoa học. Một phần của vùng Roşia Montană đã bị phá hủy trong những năm tháng trước đây, lâu nay đã biến thành “vùng đất chết”, đa số cư dân lâm vào cảnh thất nghiệp, nhưng tác hại về sinh thái và môi trường tính đến đầu năm 2009 cũng đã lên tới tối thiểu 260 triệu Euro.

Vấn đề công nghệ trong quá trình xử lý và tách kim loại quý từ quặng ở Roşia Montană đóng vao trò như thế nào trong sự quan ngại về hiểm họa môi trường tại đây?

Nổi cộm trên hồ sơ khai thác vàng tại Roşia Montană là việc áp dụng công nghệ sử dụng cyanide bị coi là rất nguy hiểm đối với môi trường, trước nay vẫn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Romania, cũng như ở nước láng giềng Hungary. Điều này không phải ngẫu nhiên: chừng 275 triệu tấn chất thải công nghiệp phát sinh trong quá trình chế biến quặng tại mỏ vàng này, nếu tai nạn xảy ra, từ các dòng suối trong vùng, sẽ loang ra và tàn phá những con sông biên giới.

Theo con số thống kê, trong số 30 tai nạn nghiêm trọng trong vòng 27 năm trước đó do dung dịch chứa cyanide bị rò rỉ và tràn bể, thì thảm họa lớn nhất cũng là do Romania gây ra đầu năm 2000 tại vùng mỏ ở Baia Mare (Nagybánya trong tiếng Hungary), khiến vài trăm ngàn mét khối (m3) nước thải chứa hàng trăm tấn cyanide và các kim loại nặng tràn vào hai dòng sông Tisza và Szamos ở Hungary, gây hậu quả khủng khiếp, tàn phá hệ thống môi trường một vùng rộng lớn dọc theo ba quốc gia Hungary, Romania và Serbia.

Trong đại dự án tại Roşia Montană, công nghệ dùng chất cyanide vẫn được sử dụng với lượng đáng kể là 40 tấn mỗi ngày để xử lý kim loại từ quặng. Các nhà đầu tư dự kiến sẽ xây dựng một hồ chứa khổng lồ với diện tích 800 héc-ta, có vách ngăn cao 180 m, để chứa nước thải công nghiệp có nhiễm chất cyanide. Hồ chứa này, theo các tính toán, có thể chứa được gấp 100 lần lượng nước thải tại vùng mỏ ở Baia Mare, đã gây thảm họa sinh thái trầm trọng cách đây 13 năm đã nhắc tới ở trên.

Chính vì vậy, từ cuối hè năm 2011, sau khi đã nghiên cứu một hồ sơ dày hơn 1.000 trang từ phía Romania, Chính phủ Hungary đã chính thức ra tuyên bố không thể chấp nhận công nghệ dùng chất cyanide trong khai thác mỏ ở Roşia Montană vì hiểm họa đối với môi trường. Các dân biểu Nghị viện Châu Âu của Hungary và Romania còn vận động để Châu Âu ra điều luật cấm hoàn toàn việc sử dụng cyanide trong ngành khai thác mỏ trên toàn bộ lãnh thổ Châu Âu, tuy nhiên điều này chưa đạt kết quả khả dĩ.


Hệ sinh thái bị tàn phá tan hoang...

Tập đoàn đầu tư đã có cam kết nào trong vấn đề môi trường, và phản ứng của công luận và các nước trong vùng ra sao?

Để đạt được thỏa thuận nói trên với Chính phủ Romania, nhà đầu tư tuyên bố họ sẽ khôi phục và táo tạo di sản văn hóa trong vùng, đảm bảo an toàn cho môi sinh, hứa sẽ làm sạch những ô nhiễm do chính doanh nghiệp quốc doanh thời xưa của Romania gây ra ở đây và góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của vùng Roşia Montană. Tập đoàn này cũng cho biết họ lập ra một quỹ bảo vệ môi trường với khoản chi phí 25 triệu USD, và hàm lượng nước thải công nghiệp có nhiễm chất cyanide trong hồ chưa về sau này chỉ tối đa là 7 phần triệu.

Bình luận về những hứa hẹn này, một ký giả ngoại quốc cho rằng việc tập đoàn Canada - Romania đã đưa ra những khẳng định mang tính giả tưởng, không thể tin được, về hàng ngàn chỗ làm việc cho công nhân, hàng tỉ USD doanh thu thuế, và đặc biệt là cam kết bảo vệ môi trường. Trong thực tế, chưa bao giờ Châu Âu có một đề án sử dụng chất cyanide ở mức độ lớn như vậy, sẽ làm 3 làng và 4 trái núi hoàn toàn biến mất và khiến những con sông trong vùng (kể cả Danube) cùng những mạch nước ngầm dưới lòng đất có thể bị ô nhiễm trầm trọng.

Mặc những quan ngại đến từ nhiều phía, tập đoàn RMGC đang tiến hành một chiến dịch vận động lớn để công luận tin rằng nếu mỏ vàng được mở thì có những lợi gì, thông qua nhiều phương tiện, từ những quảng cáo trả tiền tại Romania đến những bữa tối mời các quan khách để lobby ở Anh. Đối lại, một hiệp hội mang tên Alburnus Maior - tên cổ của vùng Roşia Montană - đã tiến hành những hoạt động phản đối mạnh mẽ công nghệ dùng chất cyanide, phần vì lý do môi trường, phần vì mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa.

Mới đây, hiệp hội này đã kêu gọi biểu tình tại 17 thành phố ở Romania và 13 thành phố trên thế giới. Tại Hungary, biểu tình đã được tổ chức trước tòa đại sứ Romania ở Budapest, với sự đồng tình của đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác) với phương châm không thể để lợi ích kinh tế lên trên vấn đề môi trường, di sản văn hóa và thiên nhiên. Đảng LMP cũng kêu gọi Chính phủ Hungary - trên cương vị nội các một quốc gia có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dự án trên - phải ngăn chặn sự đầu tư này.

Tuy nhiên, như các quan chức Chính phủ Hung cho hay, khả năng của họ có giới hạn: phía Romania chỉ cần lắng nghe quan điểm của Hung, chứ quyền quyết định vẫn hoàn toàn thuộc về họ. Nhất là khi Ủy ban Châu Âu, sau khi đã xem xét những phản đối của Hungary, đã trả lời rằng chưa có căn cứ gì để cấm công nghệ sử dụng chất cyanide trong công nghiệp mỏ, kể cả về mặt môi trường lẫn y tế.


Những cuộc biểu tình hàng loạt phản đối dự án khai thác vàng có thể khiến chính quyền Romania phải lùi bước

Một câu hỏi được đặt ra: tại sao đối với Ủy ban, lợi ích của một tập đoàn kinh tế lại quan trọng hơn sự an toàn của công dân Châu Âu và môi trường nơi họ sinh sống?

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn