ĐÃ TIÊM VACCINE TẦU RỒI, LÀM SAO?

Thứ tư - 14/04/2021 17:57

(NCTG) Thời gian gần đây, vaccine Trung Quốc gặp một số điều tiếng về tính hiệu quả, đặc biệt khi được biết là có nơi, cần tiêm đến liều thứ 3 của thuốc chích ngừa Sinopharm cho người dân, nhưng tập đoàn được quốc doanh này cũng không cho biết thêm thông tin gì. Câu chuyện ra làm sao, dưới mắt một số chuyên gia và giáo sư dịch tễ Hungary?

Vaccine Trung Quốc: sự thiếu minh bạch gây rắc rối lớn - Ảnh: Lehoczky Péter (MTI)

Vaccine Trung Quốc: sự thiếu minh bạch gây rắc rối lớn - Ảnh: Lehoczky Péter (MTI)

Câu chuyện của liều thứ 3

Theo một bài báo trên “Wall Street Journal”, vào tháng 3-2021, liều thứ 3 của vaccine Sinopharm đã được sử dụng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các tuyên bố không cho thấy đây là một bước đã được lên kế hoạch hay là hệ quả của việc một số vaccine không tạo ra đủ kháng thể và do đó phải tiêm liều thứ 3. Tập đoàn Sinopharm không có tuyên bố gì về vấn đề này.

Tại UAE là nơi các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đối với vaccine Trung Quốc đã diễn ra, công ty G42 Healthcare đang phân phối vaccine Sinopharm. Một trong những nhà nghiên cứu của công ty, ông Walid Zaher, đã xác nhận rằng vào cuối tháng Ba rằng ở một số cá nhân đã được tiêm chủng, sau liều thứ 2 không hình thành lượng kháng thể cần thiết, do đó cần phải tiêm thêm liều thứ 3.

Cũng theo ông, trước khi bất kỳ ai muốn tiêm liều thứ 3, nên kiểm tra mức độ kháng thể và chỉ có thể yêu cầu thêm một liều theo lời khuyên của bác sĩ. Vị chuyên gia cho biết: một nghiên cứu đã kiểm tra xem liều thứ ba có đủ hiệu quả và an toàn hay không, và cho ra kết quả khả quan. Lần tiêm chủng thứ 3 cho đến nay đã ảnh hưởng đến vài trăm trong số hàng triệu người được tiêm chủng.

Dịch vụ kiểm tra mức độ hiệu quả của vaccine Sinopharm tại Hungary - bằng cách kiểm tra độ kháng thể - có thể tiêu tốn của người dân 10-20.000 Forint. Như vậy là tiêm chủng nhà nước là miễn phí, nhưng để giải quyết nỗi lo do vaccine Tầu gây ra, thì lại cũng là chuyện tốn kém. Tại sao lại cần tiêm liều thứ 3, và việc một vaccine không tạo ra được lượng kháng thể cần thiết có là lạ?

Vấn đề của công nghệ dùng virus bất hoạt

Về phía chính phủ Hungary, thông tin của vaccine Sinopharm hiện vẫn nói rằng “2 liều, cách nhau 21-28 ngày, là cần thiết để phát triển khả năng bảo vệ”. Điều này cũng đúng với bản Tóm tắt Đặc tính Sản phẩm trên trang web của Viện Dược phẩm và Sức khỏe Thực phẩm Quốc gia (OGYÉI) của Hungary, theo đó, ở nước Hung, 2 liều vaccine Trung Quốc được chủng ngừa cách nhau 28 ngày.

Tuy nhiên, ông Rusvai Miklós - một chuyên gia dịch tễ, giáo sư đã về hưu của Đại học Thú y - đã phát biểu trong một phỏng vấn trên Kênh ATV vào tháng 2-2021, rằng điểm bất lợi của vaccine Trung Quốc là phải tiêm làm 3 lần: 2 lần đầu sau 28 ngày, và cần một lần thứ 3 nữa trong 56 ngày kể từ khi tiêm mũi đầu. Đây là thực tế tại một số nước vùng Vịnh, theo quan sát của GS. Rusvai Miklós.
 
Bác sĩ gia đình chuẩn bị tiêm vaccine Sinopharm, ngày 30/3/2021 - Ảnh: Balázs Attila (MTI)
Bác sĩ gia đình chuẩn bị tiêm vaccine Sinopharm, ngày 30-3-2021 - Ảnh: Balázs Attila (MTI)

Trong các thử nghiệm lâm sàng song song ở Trung Quốc, một số nhóm được tiêm 2 liều và một số nhóm khác được 3 ba liều. Hiệu quả tốt hơn được đo lường sau 3 liều, nhưng mức độ đạt được sau 2 liều cũng được coi là đủ và do đó, vaccine được quy định là dùng 2 liều, theo giải thích của ông với mạng index.hu, và ông cho rằng ở Hungary cũng có thể cần tiêm liều thứ 3 cho một số người.

GS. Rusvai Miklós nêu quan điểm, sẽ rất tốt nếu có một cuộc nghiên cứu huyết thanh mang tính đại diện và dựa trên cơ sở đó, có thể thấy được rằng trong số 1.000 người, có bao nhiêu người không đủ lượng kháng thể theo yêu cầu, và như vậy có thể cần đến liều thứ 3 hay không. Vấn đề liều thứ 3, theo vị giáo sư, chỉ xuất hiện ở loại vaccine theo công nghệ sử dụng virus bất hoạt theo lối cũ. 

Kết quả lâm sàng ở đâu?

Nhà miễn dịch học, GS. Duda Ernő của Đại học Tổng hợp TP. Szeged thì nói rằng hệ thống miễn dịch của từng người là khác nhau, do đó không thể mong đợi bất kỳ loại vaccine nào cũng tạo ra phản ứng miễn dịch giống nhau ở tất cả mọi người. Ông cũng bày tỏ sự tiếc rẻ là kết quả của vaccine Sinopharm trong giai đoạn 3 lâm sàng tới giờ vẫn chưa xuất hiện trên bất cứ tạp chí y khoa nào.

Do đó, cũng không biết hệ thống miễn dịch của bệnh nhân phản ứng như thế nào sau 2 hoặc 3 lần tiêm chủng, theo GS. Duda Ernő. Mặc dù có một số tuyên bố tại các địa điểm thử nghiệm lâm sàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và UAE, nhưng bản thân nhà sản xuất chưa công bố bất cứ đánh giá chính thức nào, các nhà chức trách Hungary cũng không đưa ra các dữ liệu đặt cơ sở cho sự cấp phép vaccine.

Vaccine cúm mùa cũng được phát triển từ một loại virus bất hoạt hàng năm, và chúng tôi rất vui mừng đạt được hiệu quả 60-70%, đôi khi nó chỉ bảo vệ 50-55%. Vaccine bất hoạt chỉ đạt được 100% trong trường hợp may mắn nhất, nhưng điều này rất hiếm. Vaccine cúm mùa cũng được sử dụng với liều gấp 4 lần cho người trên 65 tuổi, vì phản ứng miễn dịch của họ có thể yếu hơn so với giới trẻ”.

Và đây cũng là tình trạng của các loại vaccine bất hoạt khác, theo ông. Đối với vaccine Sinopharm, có thể sau 2 liều đầu, cơ thể vẫn chưa sản xuất được lượng kháng thể ở mức cao, thậm chí còn có người không hề có kháng thể! Nhưng đây là một điều hiếm khi xảy ra, cho dù nếu có cũng không nên ngạc nhiên. Trong khi, vaccine mRNA có tác dụng miễn dịch tuyệt vời ngay ở người cao tuổi.

Kiểm tra kháng thể sau khi tiêm chủng

Có nên đo độ kháng thể thường xuyên hơn ở những người được tiêm vaccine Sinopharm không? Theo GS. Duda Ernő, không cần, nhưng sau liều thứ 2 có thể nên kiểm tra. Trên nguyên tắc, sự bảo vệ tối đa như mong đợi sẽ hình thành 2 tuần sau khi chủng ngừa lần thứ 2. Sau đó, có thể kiểm tra, nhưng cần để ý loại xét nghiệm: cần loại test hiển thị số lượng kháng thể trung hòa trong cơ thể.
 
GS. Duda Ernő - Ảnh: Sóki Tamás (index.hu)
GS. Duda Ernő - Ảnh: Sóki Tamás (index.hu)

Sau 14 ngày kể từ lần tiêm chủng thứ 2, trong trường hợp xét nghiệm như vậy cho thấy không có, hoặc có nhưng nồng độ kháng thể trung hòa thấp, có thể cần tiêm thêm một lần nữa. Nhưng khi đó, không nhất thiết cứ phải tiêm vaccine Trung Quốc, bởi vì nếu 2 liều vaccine Tầu không tạo được phản ứng miễn dịch mạnh, sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta thử nghiệm với một loại thuốc chích ngừa khác.

Theo quan điểm của GS. Duda Ernő, việc kiểm tra mức độ kháng thể có ý nghĩa quan trọng đối với những người bị suy giảm hệ miễn dịch vì một số lý do (chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc điều trị bằng steroid), bất kể họ đã được tiêm loại vaccine nào. Bởi lẽ, nếu được chủng ngừa đủ 2 liều, con người có thể có cảm giác an toàn giả tạo, trong khi lượng kháng thể trong cơ thể vẫn ở mức thấp.

Một xét nghiệm chuẩn xác về lượng kháng thể thực sự trong cơ thể sẽ cho chúng ta thông tin đúng đắn hơn về trạng thái miễn dịch của mình. Do đó, đã xuất hiện đề xuất phải cung cấp xét nghiệm kháng thể miễn phí cho người đã tiêm vaccine Trung Quốc, hoặc nếu cần thiết phải thay đổi quy chuẩn tiêm phòng đối với Sinopharm, tuy nhiên giới chức y tế Hungary vẫn chưa có hồi âm về việc này.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn