CHUYẾN THĂM LỊCH SỬ CỦA TỔNG THỐNG MỸ TẠI ALBANIA

Chủ nhật - 10/06/2007 11:56

(NCTG) Ngày Chủ nhật 10-6-2007, tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Albania, quốc gia nghèo nhất trong vùng Đông Trung Âu, đồng thời cũng là một ứng viên của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương và Liên hiệp Châu Âu trong những năm tới. Đây là lần đầu tiên, một vị nguyên thủ quốc gia đương chức của Mỹ đến thăm xứ sở này, vốn là một quốc gia nhỏ rất lạc hậu và khép kín trong hơn 4 thập niên dưới thời cai trị của nhà độc tài Enver Hohxa và mới đạt được những kết quả ban đầu sau hai mươi năm mở cửa.

Tổng thống George W. Bush, vị nguyên thủ quốc gia đương chức đầu tiên của Mỹ đến thăm Albania

"Albania chào đón tổng thống Bush" là nội dung những tấm poster được giăng khắp thủ đô Tirana, kèm theo vô số tấm ảnh chân dung vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ trên đường phố. Cộng hòa Albania rất đón chờ sự kiện này, như lời tuyên bố trên các kênh truyền hình của thủ tướng Sali Berisha, theo đó "chuyến thăm của tổng thống Bush mang tầm quan trọng lịch sử, với rất nhiều mong chờ và nguyện ước của Albania cũng như người dân nước này". Tổng thống Alfred Moisiu thì cho rằng sự hiện diện của tổng thống Bush tại Tirana là sự kiện mang tính biểu tượng, tái khẳng định mối quan hệ bền vững giữa Hoa Kỳ và Albania.

Điểm lý thú trong chuyến viếng thăm Albania của tổng thống Bush, là việc đảm bảo an ninh cho tổng thống được quân đội Mỹ đảm nhiệm: ngày 31-5 qua, Quốc hội Albania đã thông qua một đạo luật cho phép Hoa Ký gửi 500 lính thủy quân lục chiến cùng mọi phương tiện quân sự để bảo vệ tổng thống Bush trong trường hợp có sự biến xảy ra. Quyết định này đã khiến phe đối lập trong Quốc hội Albania phản ứng: cựu thủ tướng Bashkim Fino, thành viên phe đối lập cho rằng Albania đủ sức đảm bảo an ninh cho tổng thống Bush và việc cho phép quân đội Mỹ vào Albania là một việc làm khiến nước này "mất mặt". Tuy nhiên, những nguồn tin sơ bộ cho thấy sự cẩn thận của Quốc hội Albania là không thừa: ít ngày trước chuyến thăm của tổng thống Bush, cơ quan an ninh Albania đã phát hiện và vô hiệu hóa hai trái bom nổ chậm đặt gần tòa đại sứ Mỹ và cạnh dinh tổng thống Albania, trên con đường mà đoàn xe của tổng thống Mỹ sẽ đi trong ngày 10-6. tại thủ đô Tirana, những biện pháp an ninh chưa từng có đã được áp dụng, và phía Mỹ đưa ra đề nghị để tổng thống Bush ngụ tại một căn cứ quân sự, vì không một khách sạn nào ở Tirana hội tụ đủ những điều kiện an ninh mà phía Hoa Kỳ yêu cầu.

Tổng thống Mỹ cùng phu nhân chỉ ở lại thủ đô Tirana trong vài giờ, và có những cuộc hội kiến với tổng thống Alfred Moisiu cùng thủ tướng các nước Albania, Croatia và Macedonia. Tháng 5-2003, Hoa Kỳ đã ký Hiến chương Adriatic với nội dung giúp đỡ và thúc đẩy sự hội nhập của ba quốc gia này trong khối Bắc Đại Tây Dương và chuyến đi này của ông Bush nhằm bàn bạc và tái xác nhận những cam kết trên, cùng phương hướng giải quyết vấn đề Kosovo.

Quảng trường Sheshi Skënderbeu, trung tâm thủ đô Tirana

Nhìn lại lịch sử, Albania vẫn nhìn nhận Hoa Kỳ là một đồng minh chiến lược lớn, đã hỗ trợ họ về tinh thần và trong thực tế khiến Albania có những biến chuyển dân chủ thời hậu cộng sản thập niên 90 thế kỷ trước. Thời gian diễn ra đụng độ quân sự tại Kosovo, mảnh đất có hơn 90% cư dân là người Albania, Albania cũng coi sự can thiệp của Hoa Kỳ và khối NATO là "hết sức tích cực", đáp ứng được sự mong mỏi của người dân Albania tại khu vực này. Ngay trong hội nghị thượng đỉnh G-8 mới đây, Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc biến Kosovo trở thành một quốc gia độc lập dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, là điều mà Albania mong mỏi. Trước đó, tháng Tư năm nay, tổng thống Bush đã phê chuẩn một đạo luật đảm bảo sự trợ giúp về chính trị và vật chất cho 5 ứng viên khối NATO, trong đó có Albania: theo dự kiến, năm 2008, Albania đã có thể là quan sát viên trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương và đến năm 2010, có thể là thành viên chính thức của NATO. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng ủng hộ Albania trên cương vị một ứng viên của Liên hiệp Châu Âu. Đổi lại, hiện tại, Albania cũng tham gia cuộc chiến Iraq và Afghanistan, với một quân số tượng trưng, nhưng có ý nghĩa biểu tượng.

Tóm lại, Albania cho rằng chuyến thăm của tổng thống Mỹ, một lần nữa, thể hiện sự hiện diện của đồng minh chiến lược tại mảnh đất này, là sự đảm bảo về an ninh, cũng như những biến đổi dân chủ và kinh tế, giúp xứ sở nghèo đói này có khả năng hội nhập với mái nhà chung Châu Âu và thế giới.

Trần Lê tổng hợp, theo báo Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn