“CÁC HẠN CHẾ CÓ THỂ CHẤM DỨT VÀO CUỐI HÈ, NHƯNG COVID-19 VẪN TIẾP TỤC TỒN TẠI”
Thứ hai - 22/03/2021 04:45
(NCTG) Đó là ý kiến của bác sĩ Özlem Türeci và chồng, GS. Uğur Şahin trong bài trả lời phỏng vấn tờ “Welt am Sonntag” (Đức) ra vào Chủ nhật 21-3-2021. Theo hai chuyên gia, ít nhất còn cần 1 năm nữa để thế giới có thể kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19.
Bác sĩ Özlem Türeci và chồng, GS. Uğur Şahin - Ảnh: Abdulhamid Hosbas (AFP)
Hai vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ chính là những sáng lập viên công ty công nghệ sinh học BioNTech, phát minh ra vaccine của liên doanh BioNTech-Pfizer được xem là loại thuốc chích ngừa “thế hệ mới” hiện đại dựa trên cơ sở mRNA, mà một trong những nhà khoa học đặt nền móng chính là GS. Karikó Katalin, hiện là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech.
Hai chuyên gia cho rằng ở Mỹ và nhiều nước Châu Âu, có thể tới cuối hè sẽ đạt tới trạng thái không cần đóng cửa, phong tỏa vì dịch bệnh. Sẽ vẫn tiếp tục có những đợt dịch mang tính địa phương, và các biến thể mới tiếp tục xuất hiện, nhưng xác suất cao là sẽ không gây ra hiểm nguy ở mức độ lớn. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất, mà vẫn hiện diện.
Thế giới cần tối thiểu 1 năm nữa để có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên tầm thế giới. Các loại vaccine vẫn sẽ phải được phát triển để ứng phó các chủng mới, sẽ thường xuyên cần các mũi tiêm nhắc lại (để kích thích cơ thể tăng tính miễn dịch, đảm bảo tạo kháng thể và giúp cơ thể đã được tiêm chủng phòng, chống bệnh một cách an toàn và bền vững hơn).
Hiện tại, chưa biết tiêm nhắc lại sẽ diễn ra hàng năm hay 5 năm một lần. Cũng chưa thể biết một cách chính xác rằng cần tỷ lệ tiêm chủng là bao nhiêu để chặn đứng được dịch bệnh. Nhiều chuyên gia cho rằng cần tiêm 70% cư dân để đạt kết quả này: ở Đức, tới cuối tháng 9-2021 có thể đạt được tỷ lệ này, với hy vọng tạo dựng được trạng thái miễn dịch cộng đồng.
Cũng hai ông bà Uğur Şahin và Özlem Türeci, trong một dự đoán vào trung tuần tháng 11-2020 - khi vaccine của BioNTech-Pfitzer vừa được thông báo là có hiệu quả “tối thiểu 90%” - đã cho rằng có thể nhận thấy tác động của vaccine vào mùa hè năm 2021, nhưng trong thực tế, phải tới mùa thu 2021 mọi thứ mới được trở lại bình thường, khi tỷ lệ tiêm chủng đạt được ở mức cao.
Trong bài phỏng vấn kể trên, cặp vợ chồng nhà nghiên cứu gốc Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng vào cuối tuần thứ ba của tháng 1-2020, dưới ảnh hưởng của những phóng sự đăng trên các tạp chí chuyên môn về dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán (Trung Quốc), họ quyết định bỏ hết tất cả mọi công việc đang làm và chỉ tập trung vào loại virus mới, vì chắc chắn là virus sẽ lan truyền khắp thế giới.
Hai ông bà biết rằng công nghệ của họ thích hợp để phát triển nhanh loại vaccine cần thiết trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2, và đã chế ra khoảng 20 phiên bản. Tháng 2-2020, họ đã cho ra đời phiên bản chung cuộc, sau này được đưavào sử dụng với tên Comirnaty. Sau 1 năm, có thể thấy là khó có thể làm hơn được gì cả, cũng lắm chỉ xúc tiến được nhanh hơn vài ngày.
Như vậy, từ một công ty “khởi nghiệp” chuyên nghiên cứu chữa trị cho bệnh nhân bị các bệnh ung bướu, BioNTech đã phát minh ra loại vaccine khả dĩ ngừa Covid-19 trong vỏn vẹn vài tuần, nhưng để xác định được độ an toàn và tính hiệu quả, cần thực hiện những xét nghiệm lâm sàng đại trà với sự tham gia của vài chục ngàn người, và công việc này kéo dài tới đầu tháng 11-2020.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...