VIỆN KERTÉSZ IMRE CÓ TRỤ SỞ TẠI BUDAPEST

Thứ bảy - 10/10/2020 15:52

(NCTG) Mang tên văn hào Kértész Imre, nhà văn duy nhất của Hungary được Giải Nobel Văn chương cho tới giờ, ngôi biệt thự ở địa chỉ số 46 phố Benczúr (Quận 6, Budapest) sẽ trở thành nơi gìn giữ một phần di sản văn học của tác giả “Không số phận” (Sorstalanság).

Viện Kertész Imre tại Budapest trong ngày khai trương, 10-10-2020 - Ảnh: Máthé Zoltán (MTI)

Viện Kertész Imre tại Budapest trong ngày khai trương, 10-10-2020 - Ảnh: Máthé Zoltán (MTI)

Kertész Imre là người có trí tuệ tuyệt vời, không ai có thể “đóng khung” ông, và không thể nghi ngờ gì về việc di sản của ông cần được gìn giữ không phải ở Berlin, mà ở Budapest, bởi đây là thành phố của ông” - Thủ tướng Orbán Viktor phát biểu trong lễ khánh thành Viện, tọa lạc trong một công trình kiến trúc theo trường phái Tân Nghệ thuật (Secession), được sửa lại với kinh phí 2 tỷ Forint.

Từ “đóng khung” được ông Orbán Viktor sử dụng khi nhắc tới cuộc tranh luận “vô duyên” bùng nổ khi Kertész Imre được nhận Giải Nobel Văn chương năm 2002: có những luồng ý kiến cho rằng nhà văn sở dĩ được trao giải thưởng danh giá này “chỉ” vì ông sáng tác về đề tài holocaust (sự thảm sát hàng loạt, ở mức độ “công nghiệp” sắc dân Do Thái trong Thế chiến Thứ hai, bởi Đệ tam Đế chế).

Những ý kiến gay gắt và không mấy “chất lượng” ấy đến chủ yếu từ cánh hữu và đặc biệt, những phần tử cực hữu, và bây giờ bị Thủ tướng Orbán Viktor chỉ trích, coi là việc “đóng khung” Kertész Imre “vào một ngăn kéo mà không bao giờ ông muốn, và cũng không hề có chút lý do nào để có thể đưa ông vào đó”. “Không thể dồn trí tuệ sâu sắc của ông vào bất cứ rào cản nào”, vị chính khách nói.
 
Văn hào Kertész Imre (1929-2016), Giải Nobel Văn chương duy nhất của Hungary - Ảnh tư liệu
Văn hào Kertész Imre (1929-2016), Giải Nobel Văn chương duy nhất của Hungary - Ảnh tư liệu

Nói về sự nghiệp của văn hào, Thủ tướng Orbán Vitor nhấn mạnh: thời cộng sản, Kertész Imre đã chọn chiến lược đứng ngoài hoàn toàn, ông muốn sống trong sạch, không muốn thỏa hiệp, ông nghĩ “không được tham gia vào thể chế này”. “Ông đã lựa chọn sự di cư nội tại ngay trong lòng thủ đô Budapest”, thủ lĩnh cánh hữu Hungary nhận định về nhà văn gốc Do Thái vừa qua đời năm 2016.

Trong các phát biểu, ông Orbán Viktor đã trích dẫn nhiều từ văn hào quá cố, để củng cố cho quan điểm chính trị nhất thời của liên minh cầm quyền và đả phá cánh hữu, phe tự do và tư tưởng đa văn hóa. Tuy nhiên, ông đã không nhắc tới việc, hơn 10 năm trước, Kertész Imre đã có những phát biểu “gây sốc” với tờ “Die Welt” (Đức) về chính quê hương Hungary, và thành phố của ông, Budapest.

Các thế lực cực hữu đang hoành hành tại Hungary, đất nước này không trực diện với quá khứ và Budapest không còn là một đô thị tầm thế giới - văn hào Kertész Imre khẳng định nhân dịp ông bước vào tuổi 80 đúng vào kỷ niệm bức tường Berlin sụp đổ (9-11-2009). “Tôi là cư dân của một đô thị lớn và đã luôn từng là như vậy. Cư dân một đô thị lớn thì không thể là người Budapest”, ông phát biểu.
 
Thủ tướng Orbán Viktor tại lễ khai trương Viện Kertész Imre, Budapest 10/10/2020 - Ảnh: Máthé Zoltán (MTI)
Thủ tướng Orbán Viktor tại lễ khai trương Viện Kertész Imre, Budapest 10-10-2020 - Ảnh: Máthé Zoltán (MTI)

Bởi lẽ, thành phố này đã xuống dốc toàn diện. Một cư dân của đô thị lớn phải gắn bó với Berlin”, nhà văn khẳng định, mặc dù  ông chào đời tại Budapest, thời niên thiếu từng sống ở đó và sau khi được giải thoát khỏi trại tập trung Buchenwald, ông cũng trở lại nơi này sinh sống. “Tình hình tại Hungary xấu đi liên tục. Phe cực hữu và những kẻ bài Do Thái thống trị”, Kertész Imre nói vào năm 2009.

Những dục vọng cũ và tệ hại của dân Hung - sự dối trá, khuynh hướng bóp nghẹt mọi việc - càng được thể hiện hơn bao giờ hết. Hungary trong chiến tranh, Hungary và chủ nghĩa phát-xít, Hungary và CNXH, những vấn đề ấy không hề được xử lý, người ta chỉ làm đẹp tất cả”, nhà văn sống những thập niên cuối đời ở Berlin khẳng định với báo Đức, và nói: “Hãy đừng bó buộc tôi với Hungary”.

Tự coi mình là “sản phẩm của nền văn hóa Châu Âu, một nền văn hóa suy đồi, nếu muốn thì có thể gọi là không cội rễ”, mặc dù về sau Kertész Imre cho rằng lời lẽ của mình đã bị xuyên tạc, nhưng mối quan hệ của ông với Hungary cũng không thật suôn sẻ. Ngay trong đời, vào trung tuần tháng 11-2012, ông đã cho mở ở Berlin một kho lưu trữ gồm các thư từ, bản thảo, nhật ký và các tư liệu khác.
 
Mộ phần của Kertész Imre và vợ tại Nghĩa trang phố Fiumei (Budapest) - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Mộ phần của Kertész Imre và vợ tại Nghĩa trang phố Fiumei (Budapest) - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

Bao gồm 35 ngàn trang tư liệu, kho lưu trữ được mở để phục vụ khu cầu của giới nghiên cứu khoa học, và bao gồm bản thảo các tác phẩm lớn như “Không số phận”, “Thất bại”, “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” và “Hồ sơ K.”, cũng như rất nhiều tiểu luận và bài phát biểu của Kertész Imre, cùng nhật ký viết từ năm 1961 tới nay, và những trao đổi thư từ từ năm 1988 tới khi đó của nhà văn.

Dầu vậy, những tháng cuối đời, nhà văn vẫn rời Berlin, về chết trên quê hương mà ông theo lời ông, ông không hề chối từ. Quốc khánh 2014, Kertész Imre được trao Huân chương Szent István, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Hungary. Năm 2017, Hungary đưa ra ý tưởng gìn giữ phần còn lại của di sản văn học và tinh thần của ông một cách xứng đáng, tại một học viện riêng mang tên ông.

Tòa biệt thự ở số 46 phố Benczúr được các bậc thầy kiến trúc thiết kế và xây dựng vào đầu thế kỷ 20, và được Quỹ Nghiên cứu Lịch sử và Xã hội Đông - Trung Âu mua lại từ Chính quyền Tự quản Budapest với giá 762 triệu Forint, và trùng tu lại với kinh phí 2 tỷ Forint. Ngoài Kertész Imre, một phần di sản của Arthur Koestler, Petri György và Pilinszky János cũng sẽ được gìn giữ tại đây cho đời sau.
 
Tái hiện một góc phòng đơn sơ của Kertész Imre - Ảnh: Antal Róbert-István (azonnali.hu)
Tái hiện một góc phòng đơn sơ của Kertész Imre - Ảnh: Antal Róbert-István (azonnali.hu)

Bằng cách ấy, có thể xem như tinh thần của “người khắc họa nỗi đau diệt chủng Do Thái”, người chuyển giao tinh thần Auschwitz - người “phải sống và đã sống qua trải nghiệm độc nhất vô nhị này của thế kỷ 20”, “tấn thảm kịch lớn nhất của người Âu kể từ những cuộc Thánh chiến” - phần nào hồi hương, trong khi thể xác của ông và vợ yên nghỉ tại Khu văn nghệ sĩ, Nghĩa trang phố Fiumei (Budapest).

Chùm ảnh của Antal Róbert-István (azonnali.hu) về Viện Kertész Imre:
 
k1
 
k2
 
k3
 
k4
 
k6
 
k7
 
k11
 
k12
 
k8

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Kertész Imre
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn