NHÂM NHI MÓN... NHỚ

Chủ nhật - 27/09/2020 22:37

(NCTG) “Có lẽ những thứ bánh đó, có trộn thêm thứ mùi vị riêng, ăn vào là thấy nhớ, thấy thương, thấy đồng cảm với nhau hơn: mùi vị của nhọc nhằn khuya sớm?”.

Vị của ký ức

Vị của ký ức

Đêm sâu, ngồi làm việc bên trà và bánh rồi chìm vào kỷ niệm, tận hưởng chút nhớ thường rất êm đềm, dễ chịu. Khi người ta trưởng thành, có gì thích hơn là nhớ về tuổi thơ, bên gia đình xưa? Nhất là khi của toan tính hôm nay sao quá đối lập với vô lo ngày ấy.

Mình mê ăn bánh trung thu như bỏ bùa, cũng như cái tình yêu bất tận với những món ăn xưa cũ như chè đỗ đen, như thịt kho tàu, bánh cốm, bánh gai... Ngồi nhấm nháp đến cái bánh thứ 9 ăn mùa Trung thu này, ngẫm lại, phần lớn vì cái sự “thưởng thức”, chứa đựng cả một hành trình nhớ, cả một chuyến chu du của cảm xúc, với tuổi thơ, với người thân..

Bánh trung thu, đặc biệt bánh nướng, mình chỉ thích thập cẩm cổ truyền, thích hơn hẳn các loại Bảo Ngọc, Kinh Đô sau này.

Bánh truyền thống có cái vỏ cứng giòn khô khô, để đối lập với cái nhân bên trong, mềm, quyện dẻo, ngậy bùi. Của mứt bí mứt sen mọng ngọt, của lạp xường mằn mặn, của miếng mỡ đủ vừa để chỉ thêm chút độ ngậy, rồi lại chợt điểm xuyết vị thanh của sợi lá chanh thái chỉ, của hạt vừng, hạt bí rang thơm thơm, bùi bùi nữa. Tất cả quyện vào nhau bởi nước đường, bột nếp, không cần tham quá nhiều sẽ ứ nghẹn.

Còn bánh nướng hiện đại, vỏ lại mỡ màng mềm mướt, mỏng manh, nhưng cắn vào đến nhân lại lạo xạo trộn đủ thứ thêm những xá xíu, jambon, gà quay, 3-4 trứng mặn, hạt điều, nhiều thành tham, thành rời rạc lả tả. Thế nên cái cuộc phiêu lưu của vị giác khi cắn hai miếng bánh hoàn toàn trái ngược.

Bánh nướng thuở sơ khai mình được ăn, chẳng cao sang như bánh mùa trung thu, mà là thứ bánh mẹ gọi là “bánh cắt”, bình dân bán cho các hàng nước vỉa hè. Bánh đó có lẽ người ta làm mẻ khuôn to, rồi ra lò mới cắt thành từng ô nhỏ như bao diêm, bán thành đồ ăn vặt ngoài quán nước. Sau này được ăn bánh trung thu, mình mới nhận ra sự tương đồng của hai loại bánh, có chăng cái bánh vỉa hè, không có lạp xường, mứt sen, chỉ những gia vị rẻ tiền hơn, trộn nhiều bột nếp và nước đường đắp vào.
 
Ăn vào, nhớ những ngày xưa...
Ăn vào, nhớ những ngày xưa...

Hồi đó, mẹ đi dạy học xa, nhưng làm thêm việc là bỏ mối bánh trái cho các quán nước vỉa hè dọc cái thị trấn nhỏ những năm cuối thập niên 80. Tờ mờ sáng, mẹ chở trên guidon xe đạp hai làn bánh nặng lắm, rồi lại mang lên xe buýt, đến bến lại đi tiếp một cái xe đạp khác hay xách bộ, rải bánh khắp các cửa hàng, xong xuôi lại vào tiết 1 dạy học. Sau 5 tiết dạy, lại một vòng ngược lại, mẹ đi nhận hàng cũ, hàng ế người ta trả về, rồi mới ngược về nhà. Hoặc đa phần ở lại dạy lớp chiều, đến tối muộn mới về.

Bánh thừa ấy, nếu nhiều mẹ mang đi trả, nếu còn lẻ tẻ vài cái, mẹ lại thương tình để lại cho cái đứa hảo ngọt lúc nào cũng quấn quanh mẹ suốt tối. Thế nên cái niềm đam mê bánh cắt” mà sau này mình tìm thấy hương vị ở bánh trung thu, rồi bánh cốm, bánh gai, lạc rang húng lìu, bánh rán, bánh quẩy, ô mai... đều từ những năm “ăn đồ ế” hay được tặng thêm mẩu bánh đầu vụn, khi lẽo đẽo theo mẹ đến các xưởng bánh, đại lý để mẹ lấy hàng.

Cũng như những bánh bao, sữa chua, mẹ cũng học làm bánh trung thu một dạo. Mình không thích bánh dẻo bằng bánh nướng, chỉ thích cảm giác cầm cái vỏ bánh mềm mại, thơm trong lòng bàn tay. Xưa hay ngồi nghịch khuôn bánh gỗ của mẹ, vẫn nhớ cái mùi bột nếp trộn nước đường chưng, trong veo màu hổ phách, thơm mùi hương bưởi. Làm nên sự thơm dẻo nõn nà của vỏ bánh, như cái tên của nó.

Thế nên những bánh cốm Hàng Than, bánh đậu xanh Ninh Hương, hay bánh trung thu đủ loại ngon lành đắt đỏ hay rẻ tiền không nhãn mác, mình đều ăn được. Vì tất cả, đều gợi, kỷ niệm về thứ bánh thời thiếu thốn ngày xưa được “ăn theo” việc làm thêm của mẹ.

Bánh nổi tiếng có ngon, nhưng với mình cũng không mấy phần “ngon” hơn những thứ bánh trái bán hàng rong, vỉa hè, quán nước, ga tàu, mình và mẹ hay nói “mua ủng hộ” những phụ nữ gầy gò, hằn vất vả buôn thúng bán bưng. Có lẽ những thứ bánh đó, có trộn thêm thứ mùi vị riêng, ăn vào là thấy nhớ, thấy thương, thấy đồng cảm với nhau hơn: mùi vị của nhọc nhằn khuya sớm?

Đã hơn chục mùa Trung thu ăn bánh xa nhà và sẽ còn những mùa Trung thu sau này, sẽ chẳng bao giờ quên cái thú được thưởng bánh uống trà, ăn ngon một, mà nhớ mười…

Bài và ảnh: Bùi Uyên, từ Paris


 
 Từ khóa: bánh trung thu
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn