(NCTG) “Hy vọng trong đêm Giáng sinh cũng lại là khát vọng cho một ngày mai, khi mỗi chúng ta được Quyền tìm về bên nhau, được ôm nhau, được trao nhau những nụ cười, nụ hôn và những lời nói đậm tình thương yêu. Vì chỉ có Tình Thương mới là sự cứu rỗi cho Con Người trong những thời khắc khó khăn và lặng vắng nhất”.
“Cầu tự tử” Pont Bessières
Những ngày mùa đông, có dịp đi ngang qua cây cầu nổi tiếng mang tên Pont Bessières, lại không khỏi suy nghĩ miên man về cuộc đời, về sự sống và về hy vọng.
Cây cầu nổi tiếng được xây dựng từ hơn 120 năm đã trở thành một biểu tượng, một “tượng đài” của thành phố Lausanne. Đó là một công trình kiến trúc đồ sộ nối liền hai khu phố Caroline và Cité. Cây cầu nổi tiếng vì đó cũng là nơi, tiếc và buồn thay, nhiều người tìm đến để quyên sinh, tìm cái chết khi tự nhảy vào “vực thẳm” để thoát khỏi những đớn đau của đời trần.
Đó là một cây cầu bị mang tên “cầu tự tử” nổi tiếng khắp Thụy Sĩ. Người ta tìm đến nó khi không còn tự thấy lối thoát hoặc đơn giản, cảm thấy cuộc sống đã quá nặng nề. Và thời điểm mà những người muốn nhảy xuống cầu để tìm cái chết lại thường rơi vào mùa đông. Khi khí trời lạnh lẽo, tối tăm, năng lượng xuống gần như thấp nhất thì cũng chính là lúc nhiều người cảm thấy cô đơn, lặng vắng và quạnh hiu nhất. Trong cái sự cô đơn tột cùng ấy, đôi khi người ta không còn thấy chút hy vọng hay tia sáng nào nữa.
Cứ như thế, hàng trăm năm nay, vẫn có người tìm đến cây cầu này để vĩnh viễn ra đi.
Dẫu thành phố có trùng tu cầu nhiều lần và nâng cao hành lang cầu nhằm “gây khó khăn” cho người muốn tự tử thì dường như không có gì có thể cản ngăn một ai đó nhất quyết tìm cái Chết.
Cho đến một ngày vào năm 1980, Joël Albert đã chứng kiến một vụ tự tử khiến ông vô cùng tức giận trước thái độ của chính quyền thành phố nên ông quyết định ra tay. Vào dịp lễ cuối năm, ông dựng một túp lều nhỏ trên cầu để nhằm cản ngăn những ai muốn tự tử. Ông ra ngồi suốt đêm. Cảnh sát không hài lòng và muốn đuổi ông đi, ông vẫn quyết liệt ở lại. Sau cùng thành phố chấp thuận cho ông và bạn bè của ông được dựng lều một cách hợp pháp trên cầu để giúp đỡ những ai muốn tìm cái chết.
Và thấm thoát đã hơn 40 năm, cứ vào dịp Giáng sinh, nhiều người bạn của Joël Albert (nay đã mất) vẫn tiếp tục ra đây để duy trì hành động đẹp đẽ và cảm động ấy. Họ nhóm lửa, ngồi thâu đêm trong giá lạnh, tuyết rơi để hy vọng can thiệp, giải thích hoặc giúp đỡ những người khốn khổ, cùng đường, muốn nói không với cuộc đời này, trong thời khắc cô đơn và tối tăm nhất trong năm.
Nhớ những năm đầu còn đi học, mùa Giáng sinh là mùa buồn và cô đơn nhất của đời sinh viên tha hương. Cái ký túc xá to đùng, gần 600 sinh viên nhưng chỉ trong phút chốc vắng tanh và lạnh lẽo đến đáng sợ. Chỉ còn dăm ba đứa ở lại. Cá nhân tôi thì khỏi nói, năm nào cũng thế, ở lại. Thêm vài đứa từ Châu Phi và Nam Mỹ. Cứ thế mà ráng lết cho qua khỏi hai tuần vắng lạnh trước khi tìm lại không khí sống động của ký túc xá.
Cho nên để tránh sự cô độc, cứ đi làm thêm cho nhà hàng McDonalds. Làm quần quật, từ 5 giờ sáng đến 2 giờ tối ngày hôm sau, về nhà lăn ra ngủ, khỏi suy nghĩ lan man. Mờ sáng, lạnh cóng, mở cửa nhà hàng. Hơn 1 giờ sáng lại đóng cửa rồi lội bộ về dưới tuyết rơi nặng hạt.
Cho đến một hôm khi nghe đồng nghiệp kể câu chuyện buồn về cây cầu này. Số là một đêm đông, có ai đó đã nhảy cầu tự tử, quá nhanh trong sự hoảng hốt của những người canh cầu. Ông ta rơi xuống và oái oăm thay, lại rơi đúng vào một người đang đi bộ bên dưới. Người tự tử thì thoát chết nhưng người đi đường lại không qua khỏi. Người đàn ông xấu số là một người đến từ Sri Lanka, Hổ Tamoul, đang trên đường về nhà sau khi làm xong việc tại một nhà hàng McDonalds. Anh ta chết, để lại vợ và những đứa con thơ...
Khi nghe xong câu chuyện, không biết hư thực ra sao những vẫn cảm thấy cuộc đời quá đỗi lạ lùng và cứ như tất cả có duyên số, khó cưỡng lại. Thế là tôi lại quyết định tham gia hội những người trông cầu vào mùa đông. Xong việc tại nhà hàng, tôi lội bộ ra cầu và thức trắng đêm trò chuyện với những người bạn của Joël Albert để hy vọng có thể giải thích hay giúp đỡ những ai muốn gieo mình vào khoảng không. Cái số phần, cái duyên nợ với cuộc đời, dẫu theo suy nghĩ tâm linh của văn hoá Á Đông, vẫn hiện hữu trong tôi, nhưng vẫn cứ hy vọng, biết đâu được, góp chút sức mòn để giúp đỡ ai đó cưỡng lại số phận vốn đã được định đoạt trước.
Thấm thoát cũng đã hơn 20 năm kể từ những đêm đông thức trắng bên túp lều trên cây cầu này và biết bao “nỗi buồn bay đi trên đôi cánh của thời gian” (*).
Hôm nọ, có dịp, tôi lội bộ trên cây cầu Pont Bessières, lại nhớ đến những đêm đông của ngày xưa. Cây cầu không chỉ của cái Chết nhưng đó còn là nơi của sự Hy vọng. Hy vọng kéo lại con người, trong lúc tuyệt vọng, bế tắc, về lại với cuộc Sống. Đôi khi người ta chỉ cần những lời trò chuyện, an ủi, tâm sự để cảm thấy bớt cô đơn, bớt trống vắng, bớt buồn đau. Nguyên nhân khiến người ta tìm về cái chết có lẽ vẫn chính là sự cô đơn và quạnh hiu, nhất là vào thời điểm con người tìm về với nhau, sum họp bên nhau trong mùa Giáng sinh.
Tôi bồi hồi đứng trên cầu, nhìn về phía dưới, thành phố bớt sôi động, dẫu người ta vẫn ra đường tìm mua những món quà cho nhau. Đại dịch Covid-19 khiến cho xã hội dường như “sống chậm” lại, sống thật hơn so với quá khứ. Con tàu métro không người lái bên dưới vẫn chạy mang theo những dòng người hối hả cuối năm. Tôi vẫn thấy túp lều, nhóm lửa của ngày xưa, cũng vài người, bỏ tất cả, thiện nguyện, ra đây ngồi với hy vọng giúp đỡ ai đó trong cơn buồn phiền. Họ chính là niềm hy vọng của cuộc Sống, của những người đơn độc, tưởng chừng bị gạt bỏ bên lề cuộc sống này. Họ chính là biểu tượng gắn liền với cây cầu Pont Bessières của ngày hôm nay.
Miên man suy nghĩ, bất chợt tự nghiệm ra một điều, chao ôi sao đơn giản quá nhưng bấy lâu không thấm. Món quà Giáng sinh đẹp nhất, quý giá nhất là sự hiện diện của vợ và các con trong đêm Noël nơi xứ người...
Có lẽ, phải trải qua những thời khắc đơn độc thì mới cảm nhận hết được giá trị của một cuộc sống ấm cúng bên những người thân thương!
Dẫu vẫn còn những người rất đỗi thân thương đang ở xa lắc nơi này và không biết bao giờ mới có dịp gặp lại nhau...
Nhưng âu đó cũng là số phần của người Việt chúng ta. Một dân tộc, vì thời cuộc, phải sống rải rác muôn nơi trên khắp thế giới này và để lại một phần yêu thương tột cùng nơi quê nhà xa vời vợi...
Và hy vọng trong đêm Giáng sinh cũng lại là khát vọng cho một ngày mai, khi mỗi chúng ta được Quyền tìm về bên nhau, được ôm nhau, được trao nhau những nụ cười, nụ hôn và những lời nói đậm tình thương yêu.
Vì chỉ có Tình Thương mới là sự cứu rỗi cho Con Người trong những thời khắc khó khăn và lặng vắng nhất.
Ghi chú:
(*) “Sur les ailes du Temps, la tristesse s'envole”, danh ngôn của nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp La Fontaine (1621-1695).
Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne - Đêm Giáng sinh 2020
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...