IPA (The International Publishers Association), theo
giới thiệu trên website của tổ chức này, thành lập năm 1896 tại Paris bởi các NXB hàng đầu vào thời điểm đó, với mục đích khởi thủy là quảng bá và bảo vệ bản quyền trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, tổ chức phi chính phủ được công nhận có quan hệ tư vấn với Liên Hiệp Quốc này còn cổ vũ hoạt động thúc đẩy xóa mù chữ và đọc sách, là nơi kết nối, trao đổi quan điểm và tiến hành kinh doanh giữa các NXB.
Quyền tự do xuất bản, một khía cạnh cơ bản của quyền tự do ngôn luận cũng là giá trị nền tảng mà IPA thúc đẩy và bảo vệ kể từ khi thành lập. IPA giám sát các vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản trên toàn thế giới, hỗ trợ các NXB và tác giả trong trường hợp bị truy tố và bắt bớ, và đưa vụ việc của họ đến sự chú ý của các tổ chức quốc tế, các chính phủ và giới truyền thông, cũng như, khởi xướng các chiến dịch phản đối khi thích hợp.
Để xiển dương sự can đảm trong việc duy trì tự do ngôn luận và tự do xuất bản, hai năm một lần IPA trao Giải thưởng Tự do Xuất bản IPA (IPA Freedom to Publish Prize). Từ năm 2016, giải này mang tên triết gia, văn hào Pháp Voltaire - người cổ vũ nhiệt thành cho sự khoan dung và quyền tự do biểu đạt. Giải năm nay được cho
NXB Tự do (Việt Nam), một trong số 4 ứng viên đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Việt Nam và Pakistan, theo
công bố trực tuyến của tổ chức này vào hôm 3-6.
Trong phần lý giải, IPA đánh giá, các thành viên NXB Tự do cùng những thân hữu đã tự đặt mình vào cảnh rủi ro lớn về an toàn cá nhân để thực hiện quyền tự do ngôn luận và xuất bản sách trong bầu không khí bị sách nhiễu, đe dọa, thậm chí phải đối mặt với sự giam cầm, bắt bớ. Dầu vậy, NXB Tự do vẫn tiếp tục hoạt động để chứng tỏ bất kỳ ý kiến nào, dù được chính phủ coi là thuận lợi hay không, đều có thể có lợi cho việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
IPA cho hay tổ chức này nhận ra tầm quan trọng của sự đóng góp và của thông điệp ấy, nên vì vậy, đã trao giải thưởng cho NXB Tự do “
vì sự cống hiến và lòng can đảm mẫu mực của họ”. Cũng nhân dịp này, nhà báo Phạm Đoan Trang, người phát ngôn của NXB Tự do chia sẻ trong một clip rằng, Giải thưởng Prix Voltaire còn là sự ghi nhận “
sự dũng cảm của hàng chục ngàn độc giả Việt Nam đã bị quấy rối, đã bị bắt và thẩm vấn chỉ vì đọc sách của chúng tôi”.
Tự in ấn và xuất bản không thông qua bộ máy kiểm duyệt và ấn hành theo khuôn khổ quản lý của chính quyền là một hiện tượng nổi bật, xuất hiện tại các quốc gia cộng sản từ thập niên 50, đối với các ấn bản không thể được ra mắt một cách “
chính thống”. Được gọi bằng cái tên
samizdat, các cơ sở hay cá nhân xuất bản này đã từng là “
bà đỡ” cho nhiều tác phẩm giá trị, được vinh danh về sau này, và góp phần không nhỏ cho quá trình dân chủ hóa của xã hội (*).
Trên tinh thần “
tự do thông tin, lan tỏa tri thức”,
NXB Tự do đã cho ấn hành nhiều đầu sách có khuynh hướng đối lập, cổ vũ cho những cái nhìn, quan điểm “
phi chính thống” và do đó, bị coi là hoạt động bất hợp pháp, không theo “
định hướng” của nhà nước. Giống như tại Liên Xô và các nước XHCN (cũ) ở Đông Âu, các tác giả, BTV và CTV của NXB đã phải chịu nhiều nguy hiểm bởi sự đàn áp của chính quyền, theo
báo cáo của giới bảo vệ nhân quyền quốc tế.
(*) Nhiều tác giả của phong trào samizdat của Hungary, về sau đã trở thành yếu nhân của đời sống chính trị và xã hội Hung như Kis János, Magyar Bálint, Demszky Gábor...