55 năm trước: “YESTERDAY” CHINH PHỤC THẾ GIỚI

Chủ nhật - 13/09/2020 16:27

(NCTG) Mặc dù đã xuất hiện trong album “Help!” của ban nhạc huyền thoại “The Beatles” vào tháng 8-1965, nhưng phải đợi tới 13-9, khi ca khúc hiện diện tại Mỹ dưới dạng đĩa đơn, thì “Yesterday” (Ngày hôm qua) mới bắt đầu con đường chinh phục thế giới và trở thành một trong những ca khúc được ưa chuộng nhất của lịch sử âm nhạc đại chúng hoàn vũ.

“Bốn chàng đầu nấm” - Ban nhạc huyền thoại “The Beatles” - Ảnh tư liệu

“Bốn chàng đầu nấm” - Ban nhạc huyền thoại “The Beatles” - Ảnh tư liệu

Được ký chung Lennon-McCartney về mặt hình thức theo một thỏa thuận riêng của cặp đôi này, nhưng kỳ thực “Yesterday” là sáng tác hoàn toàn riêng của Paul McCartney và mang những nét rất đặc thù về giai điệu và thế giới ca từ của ông. Xét về tầm ảnh hưởng toàn cầu, “Yesterday” được coi là ca khúc được cover nhiều nhất, vượt “Chủ nhật buồn” (Szomorú vasárnap) của cặp Seress Rezső và Jávor László (Hungary).

Ngay sau khi có mặt tại Hoa Kỳ, lập tức “Yesterday” “lên đỉnh” các bảng xếp hạng nhạc Pop-Rock đương thời. Mặc dù có phong cách khác hẳn so với dòng nhạc mà “The Beatles” vẫn chơi cho đến khi đó, và cách hòa âm cũng được coi là “khác lạ”, từng gây mâu thuẫn trong nội bộ ban nhạc, ca khúc nhanh chóng được yêu thích và dẫn đầu Top 100 của Billboard trong vòng 4 tuần, và tiêu thụ được 1 triệu đĩa trong 5 tuần.

Đâu là sức cuốn hút của bài hát chỉ vỏn vẹn 2 phút này, và khiến nó có màu sắc “dị biệt” so với các ca khúc khác của “Bốn chàng đầu nấm”? Những chuyện tình buồn được thể hiện trong âm nhạc thì không thiếu, nhưng sự tan vỡ trong mắt Paul McCartney - nhẹ nhàng, man mác, không quá bi lụy và mang nhiều nét ký ức trong sáng - là nét mới trong nền nhạc nhìn chung là sôi nổi, có phần ầm ĩ của “The Beatles” khi đó.

Được cho là đã hình thành từ giai điệu vương vấn trong một giấc mơ trong một đêm ở cùng người bạn gái, cô Jane Asher, và gia đình, chàng nghệ sĩ 23 tuổi đã phải bỏ thời gian xem có phải anh đã “cầm nhầm” âm hưởng này của một ai đó hay không. Chỉ sau đó, anh mới bắt đầu viết lời cho ca khúc, rồi mất cả năm để hoàn thiện và thống nhất với các đồng nghiệp, trong khi ban nhạc “The Beatles” đã kịp ra tới hai album.

Có lẽ thành công của “Yesterday” đã khiến Paul McCartney tự tin hơn trong việc phát triển phong cách trữ tình và lãng mạn của mình, có phần đối lập với phong cách mạnh mẽ, đôi khi có phần dữ dằn của thủ lĩnh John Lennon. Thế giới ca từ đẹp của “Yesterday”, về sau còn có thể gặp lại trong một số tác phẩm khác của Paul McCartney, mà đỉnh điểm là “Let it Be”, được sáng tác trong thời gian cuối của “The Beatles”.
 
Paul McCartney, chàng trai của “ngày hôm qua” - Ảnh tư liệu
Paul McCartney, chàng trai của “ngày hôm qua” - Ảnh tư liệu

Dồn dập “làm mưa làm gió” tại Mỹ và sau đó, xuất hành chinh phục cả thế giới, “Yesterday” đặc biệt ở chỗ nó được viết cho guitar acoustic với phần trình diễn rất mộc mạc, đượm ám ảnh dĩ vãng của Paul McCartney, khi đó là thành viên duy nhất của “The Beatles” có mặt trong phòng thu âm. Như thế, nó là bài hát đầu tiên của ban nhạc mà chỉ duy nhất một thành viên góp mặt, với phần bè do dàn tứ tấu dây thực hiện.

Yesterday, all my troubles seemed so far away...”, với câu mở đầu kinh điển, với thời gian, “Yesterday” thuộc hàng những ca khúc được thu âm nhiều nhất của mọi thời đại. “Ca khúc hay nhất của thế kỷ 20” (theo BBC Radio), No. 1 trong bảng xếp hàng những ca khúc nhạc Pop vĩ đại nhất của mọi tời đại (theo MTV và tạp chí “Rolling Stone”) chỉ là vài bình chọn mang tính “vinh danh” bản tình khúc “vượt thời gian” này.

Rất thú vị là mặc dầu được khán thính giả đón nhận và tán thưởng, “Yesterday” lại phải nhận một số phê bình, chỉ trích đến từ chính giới âm nhạc, như là một bài hát “sến”, vô vị, nhàm chán, vô nghĩa... John Lennon, người đồng đứng tên trong ca khúc, cho rằng mô-típ chuyện tình một cô gái ra đi, và chàng trai muốn trở lại quá khứ... có thể hay, có thể đẹp, nhưng không bao giờ ông muốn sáng tác một bài hát như vậy.

Dầu vậy, “Yesterday” có lẽ sẽ mãi mãi tồn tại với thời gian, trong lòng người hâm mộ, và Đại sảnh Danh vọng Grammy (Grammy Hall of Fame) cũng đã ghi nhận bài hát vĩ đại này. “Why she had to go I don't know...”, nhiều thập niên trước, một bản thu âm của ca khúc cũng đã được mang lên vũ trụ, như một tinh hoa của văn hóa nhân loại, với mong muốn “quảng bá” Trái đất với những nền văn minh chưa được biết đến.

Trong làn sóng “Việt hóa” nhạc ngoại quốc thập niên 60-70 thế kỷ trước, “Yesterday” cũng được phổ biến ở Việt Nam với phiên bản Việt ngữ của nhạc sĩ Nam Lộc. “Mới hôm qua - Buồn phiền trong em như đã bay đi xa - Mãi đến hôm nay tim còn thấy hoan ca - Nhưng lòng ngỡ như là ngày hôm qua...”, đỉnh cao của nhạc trẻ thế giới đã tới Việt Nam chỉ ít năm sau khi ra đời, để lại dấu ấn đẹp đẽ trong lòng nhiều thế hệ...

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn