LỄ NGŨ TUẦN LÀ GÌ?

Thứ bảy - 30/05/2020 20:01

(NCTG) “Chúa Thánh Thần hiện xuống đồng thời mang lại thông điệp niềm tin vào sự sống, vượt qua sự chết và hàm chứa những tin mừng, những tín hiệu tốt lành cho các tín đồ”.

Đức Thánh Thần hiện xuống trong một họa phẩm cổ

Đức Thánh Thần hiện xuống trong một họa phẩm cổ

Được gọi trong tiếng Việt bằng nhiều tên như Lễ Hạ Trần, Lễ Giáng Xuống, Lễ Hiện Xuống, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống..., Lễ Ngũ Tuần (Pünkösd, hay Pentēkostē​ trong tiếng Hy Lạp cổ là “năm mươi” - “tuần” ở đây cần hiểu là mười ngày) được tổ chức vào ngày thứ 50 sau Phục Sinh. Cụ thể, nó gồm ngày Chủ nhật thứ 7 sau Chủ nhật Phục Sinh, và Thứ Hai kế tiếp (*).

Là một trong ba đại lễ thường niên của người Ki-tô giáo (bên cạnh Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh), Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm việc 10 ngày sau khi Chúa Jesus lên trời (Lễ Thăng Thiên, vào Thứ Năm tuần trước đó), Chúa Thánh Thần hiện xuống và ngập tràn các tín đồ Cơ-đốc giáo. Sự kiện này được nhắc tới trong “Tân Ước”, chương “Công Vụ các Sứ Đồ” 2:1 - 2:4:

Đến ngày Lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy rẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói”.
 
Trái với Giáng Sinh và Phục Sinh, hình tượng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ít được thể hiện, và nếu có, chỉ phổ biến một dạng: 12 tông đồ quây quầy, trên đầu là 12 ngọn lửa như những chiếc lưỡi lửa, giữa là Đức Mẹ, và trên Bà là Chúa Thánh Linh trong hình ảnh chim bồ câu Ngũ tuần sải cánh.
Trái với Giáng Sinh và Phục Sinh, hình tượng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ít được thể hiện, và nếu có, chỉ phổ biến một dạng: 12 tông đồ quây quầy, trên đầu là 12 ngọn lửa như những chiếc lưỡi lửa, giữa là Đức Mẹ, và trên Bà là Chúa Thánh Linh trong hình ảnh chim bồ câu Ngũ tuần sải cánh

Với sự hạ trần của Chúa Thánh Thần, Lễ Ngũ Tuần khép lại sứ mệnh của Thiên Chúa, khởi đầu bằng việc “vì yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (“Phúc Âm Giăng” 3:16), và tiếp nối khi Chúa Jesus phục sinh sau cái chết trên cây thập giá, thực hiện cam kết trước đó của mình.

Chúa Thánh Thần (Hagion Pneuma trong tiếng Hy Lạp cổ, Spiritus Sanctus trong tiếng La Tinh), thân vị thứ ba trong Ba Ngôi (Trinitas trong tiếng La Tinh, Trias trong Hy văn) được xem như nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một quyền năng đồng nhất (Tam Vị Nhất Thể, theo các tín điều và lý giải, ví dụ của Thánh Augustino).

Do đó, Chúa Thánh Thần hiện xuống đồng thời mang lại thông điệp niềm tin vào sự sống, vượt qua sự chết và hàm chứa những tin mừng, những tín hiệu tốt lành cho các tín đồ. Lễ Ngũ Tuần cũng được xem như ngày khai sinh của Giáo hội Hoàn vũ, hiện giờ vẫn là tín ngưỡng, niềm tin của khoảng một phần ba cư dân trên thế giới, và là nền tảng của nền văn minh Châu Âu.

(*) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được nhắc tới trong “Cựu Ước”, chương “Lê-vi Ký” 23: 15-16: “Kể từ ngày sau lễ Sa-bát, là ngày đem bó lúa dâng đưa qua đưa lại, các ngươi sẽ tính bảy tuần lễ trọn: các ngươi tính năm mươi ngày cho đến ngày sau của lễ Sa-bát thứ bảy, thì phải dâng một của lễ chay mới cho Đức Giê-hô-va”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Ngũ tuần
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn