"MÀU TÍM HOA SIM" VÀ VỤ CHUYỂN NHƯỢNG BẢN QUYỀN 100 TRIỆU ĐỒNG

Thứ sáu - 10/12/2004 17:32

(NCTG) Trong các số báo NCTG trước, chúng tôi đã giới thiệu nhiều bài viết của tác giả Văn Khoa - Lê Văn Chính, một cây bút rất tâm huyết, đồng thời cũng là một thương gia thành đạt và có tinh thần dân tộc, luôn hướng về cội nguồn và mơ ước cho Việt Nam tiến lên.

Vừa qua, ngay sau khi nghe "phong thanh" doanh nghiệp của anh, Công ty cổ phần công nghệ Việt - Vitek VTB, đã trả 100 triệu đồng để mua bản quyền bài thơ nổi tiếng "Màu tím hoa sim" (của thi sĩ lão thành Hữu Loan), PV NCTG dã có dịp trao đổi trực tiếp với anh Lê Văn Chính (LVC) về sự kiện văn hóa này, có thể gọi là "độc nhất vô nhị" cho đến nay ở Việt Nam.

Thi sĩ Hữu Loan - Ảnh: Văn Khoa (từ TP HCM)

* NCTG:Xin anh cho biết ý tưởng mua bản quyền "Màu tím hoa sim" (MTHS) xuất phát từ đâu, và tại sao bài thơ đó lại được Vitek lựa chọn trong dịp này?

LVC: Là một doanh nghiệp thiết kế, sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng của Việt Nam, các sản phẩm của Vitek là phương tiện để công chúng có thể thưởng ngoạn những gia trị nghệ thuật của dân tộc Việt. Do đó, chúng tôi luôn luôn trân trọng các tác phẩm văn hóa và trong kinh doanh, nếu cần phải suy nghĩ về những hình thái khuếch trương thương hiệu thì Vitek luôn lựa chọn văn hóa Việt, tâm hồn Việt.

Chúng tôi biết có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư những khoản tiền lớn cho người mẫu, hoa hậu hay các cầu thủ siêu sao. Là doanh nghiệp 100% Việt Nam, Vitek có những cảm nhận về văn hóa Việt Nam mà các đồng nghiệp người nước ngoài (và cũng là đối thủ cạnh tranh) không dễ dàng có được. Vitek muốn chọn một tác phẩm nghệ thuật Việt Nam với niềm tin là sự vĩnh cửu của văn hóa sẽ bền vững hơn sự mong manh của nhan sắc mỹ nhân. Sự khéo léo và tài hoa của đôi chân một cầu thủ siêu sao sẽ rất nhỏ bé nếu đem so sánh với sự kỳ vĩ của một thi phẩm vượt thời gian!

Khi lựa chọn, chúng tôi cũng đã bàn bạc rất nhiều. Một số thi phẩm hay khác như "Quê hương", "Núi đôi"... cũng đã được đưa ra bàn chọn. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở MTHS của thi sĩ Hữu Loan vì Vitek cảm nhận đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ trước, khi đất nước ta còn gian khó trong chiến tranh. Lời bài thơ tuy dung dị, nhưng ý thơ hùng tráng và cảm xúc mãnh liệt thể hiện trong toàn bài đã khiến MTHS trở thành một thi phẩm còn mãi với thời gian, luôn được sự mến mộ của công chúng yêu thơ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Ngoài ra, làm việc này, chúng tôi cũng còn một ước vọng nho nhỏ nữa: cho thế giới thấy là Việt Nam chúng ta nghèo, nhưng chúng ta còn biết kính trọng thơ văn! Thái độ trân quý một bài thơ sẽ khiến cho mọi người nhìn nhận lại những giá trị vô hình, vốn đang bị khuất lấp bởi những nỗ lực thực dụng của nền kinh tế thị trường.

* NCTG:Việc mua bản quyền một bài thơ, ở Việt Nam, có lẽ là rất hy hữu. Xin anh cho biết việc này đã được tiến hành như thế nào?

LVC: Việc chuyển nhượng bản quyền tác giả được thực hiện thông qua Công ty Luật và Sở hữu trí tuệ "Phạm Và Liên Danh". Có nhiều vị có uy tín đã đứng ra giới thiệu, bàn bạc để kết nối giữa bên giao và bên nhận. Quá trình này đã được tiến hành một thời gian dài (từ cuối năm 2003), nhưng vì phải chờ các thủ tục pháp lý cuối cùng nên mãi đến tối hôm nay (9-12-2004), Vitek mới công bố chính thức trước báo giới.

* NCTG:Mua bản quyền một bài thơ, tức là Vitek đã có ý định sử dụng nó trong tương lai...?

LVC: Chúng tôi đã ghi âm bài thơ với sự thực hiện của Bến Thành Audio (chỉ đạo nghệ thuật của nhà thơ Tạ Nghi Lễ; diễn ngâm: nghệ sĩ Bích Ngọc; đàn tranh: nghệ sĩ Hải Phượng; sáo: nghệ sĩ Trần Bộ, đàn bầu: nghệ sĩ Thiên Hương).

Trong sản phẩm đầu máy DVD mới nhất của mình (đây là sản phẩm điện tử đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế và làm chủ về kỹ thuật, mà tôi có thể trình bày trong một kỳ trao đổi sau), Vitek sẽ đặt một cách trang trọng bài thơ này và như thế, thi phẩm sẽ như một dấu ấn văn hóa Việt Nam, đi theo loạt sản phẩm DVD của Vitek. Sau này, khi sản phẩm DVD của Vitek được xuất ra nước ngoài, bài thơ này sẽ giới thiệu như một thi phẩm kinh điển, biểu trưng cho nền thi ca Việt Nam.

* NCTG:Một câu hỏi hơi ngoài lề: trong khi tình trạng tác quyền ở Việt Nam rất hỗn loạn (cho dù Việt Nam mới gia nhập Công ước Bern về sở hữu trí tuệ), trong khi tệ đạo nhạc, đạo văn... lan tràn (mới đây nhất, bê bối trong kỳ thi "Trí tuệ Việt Nam" còn cho thấy tệ "cầm nhầm" cũng rất phổ biến trong công nghệ tin học, là ngành được coi dành cho giới trẻ), anh có "tham vọng" gì về chuyện từ nay trở đi, quyền lợi kinh tế từ MTHS sẽ được chuyển cho Vitek? Ý định đó có khả thi hay không?

LVC: Nếu có tổ chức, công ty nào trong và ngoài nước đăng tải MTHS, Vitek sẽ thương lượng và thu nhận tiền tác quyền để sử dụng cho mục đích khuếch trương văn hóa Việt Nam. Tôi luôn tôn trọng tác quyền và coi đó là danh dự của người kinh doanh. Riêng ca nhạc để đưa vào máy karaoke, tôi cũng đã phải trả cả tiền tỉ, đó là điều hợp lý. Và tôi tin rằng nếu người ta dùng của mình, mình đòi quyền lợi chính đáng của mình, thì họ phải trả thôi!

* NCTG:Xin cám ơn anh LVC! Hi vọng, nghĩa cử này của anh và Vitek sẽ là một tiền lệ, để các "đại gia" Việt Nam quan tâm thích đáng hơn nữa đến những giá trị văn hóa đích thực của dân tộc chúng ta!

H.Linh thực hiện - Budapest 9-12-2004


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn