HOÀNG TỬ LỚN (2)

Chủ nhật - 18/03/2007 11:58

(NCTG) Trong những năm cuối đời ở Mỹ, Saint-Exupéry luôn mang trong lòng một nỗi day dứt vì đã xa tổ quốc khi 40 triệu đồng bào ông phải sống dưới ách xâm lăng của phát-xít Đức.

“Le Petit Prince”, kiệt tác của nền văn xuôi Pháp

Trong nỗi dằn vặt đó, Saint-Exupéry bắt tay viết “Hoàng tử bé” (Le Petit Prince), kiệt tác của nền văn xuôi Pháp. Dù cuốn sách ra đời vào năm 1943, nhưng nhà văn từng có 12 năm nghiền ngẫm, cân nhắc, sửa chữa từng câu chữ. Từ một hành tin xa xôi, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của văn hào, Hoàng tử bé đã xuất hiện kịp thời để cảnh báo và và đem lại niềm tin vào con người, vào nhân loại, trước cảnh tan hoang của cuộc chiến vô nhân tính. “Trước kia, mọi người lớn đều từng là trẻ em, nhưng chỉ ít người nhớ đến điều đó…” - ông viết. Nhiều thập niên sau, Madame Agay, chị gái ông, đã hồi tưởng lại: “Trong những đêm hè, Antoine thích ngồi trong khu vườn này. Nó ngắm bầu trời và vẽ những vì sao lạc. Nó nói… khi nó trưởng thành, con người sẽ gặp gỡ những đồng bạn trên các vì sao“.

André Bubourdieu, một bạn lái thời xưa của Saint-Exupéry viết về sự ra đời của “Hoàng tử bé”: “… [Saint-Exupéry] để ý đến một tảng đá đen rơi xuống từ đường chân trời giữa trời và đất. Anh biết đó không thể là một vật thể thuộc về trái đất, nó chỉ có thể rơi xuống từ những vì sao. Khi sa mạc phủ một tấm màn tối tăm lên miền quê, Saint-Ex ngả người xuống cánh máy bay, anh mơ màng, tiếp tục hướng tầm nhìn ra khoảng không xa vời… và thiếp đi. Nhưng trong giấy mơ, anh vẫn nhìn thấy tảng đá lạ lùng và xa xôi ấy, anh cho rằng nó chỉ có thể là một vì sao băng…

Song, Consuelo, vợ Saint-Exupéry, lại quả quyết rằng Hoàng tử bé chính là đứa con chung, không bao giờ được chào đời, của hai người: đó là cậu bé mà bà đã phác họa trong một bức vẽ năm 1939. Nếu đúng như thế, khả năng Saint-Exupéry đã tìm được cảm hứng từ mối tình với người vợ thân thương và có lẽ bởi vậy, nhà văn tạo ra nhân vật bông hồng trong cuốn sách, lúc nào cũng ho húng hắng (ám chỉ chứng hen suyễn của Consuelo)…

Sẽ là quá lời nếu bảo Saint-Exupéry coi “Hoàng tử bé” là một tác phẩm thứ yếu, nhưng đúng là nhà văn không viết nó với quyết tâm và nỗ lực như khi ông viết các tác phẩm trước đó, và cũng không chuẩn bị để nó trở thành tác phẩm chính của đời ông. Lần này, dường như nhà văn chỉ để tâm làm sao để cuốn sách có những minh họa đặc sắc. Đích thân Saint-Exupéry vẽ minh họa cho “Hoàng tử bé”, đâu ngờ những hình vẽ đó sẽ thành những biểu tượng của thế kỷ. Hình cậu bé tóc vàng đội vương miện trong bộ áo choàng hai màu xanh, đỏ là hình ảnh thường thấy trên tường nhà các cô gái lãng mạn. Chú rắn khổng lồ, cùng con voi trong dạ dày, xuất hiện trên sợi dây bảo hiểm của tờ 50 Franks.

“Hoàng tử bé” là một câu chuyện thần tiên độc nhất vô nhị. Nó sâu sắc và nghiêm trang như mọi truyện cổ tích thực sự. Nội dung của sách hướng vào giới độc giả trưởng thành, vậy mà với cách hành văn giản dị và phổ quát, “Hoàng tử bé” đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” dành cho mọi lứa tuổi, mọi thế hệ độc giả. Đó là một tác phẩm hoang đường, nhưng ai biết được, vì sao, người đọc luôn tin, luôn cho nó là sự thật. Những câu nói tình cảm, hàm súc, mang tính cách ngôn - như “con người chỉ nhìn thật rõ ràng với trái tim của họ - điểm cốt yếu thì con mắt không thể nhìn thấy!” - được đông đảo độc giả ghi nhớ. Ngày nay, đây là dấu hiệu chắc chắc khiến một tác phẩm trở thành “kinh điển”.

Tuy nhiên, ở tận cùng của câu chuyện nên thơ đó, có thể nhận ra cả nỗi kinh hoàng mà nhà văn đã trải qua. Trong tiểu thuyết “Đất của con người”, Saint-Exupéry từng thuật lại tai nạn của ông, khi một trận cuồng phong quật ngã chiếc máy bay của ông, khiến nhà văn phải lang thang 4 ngày trong sa mạc Sahara hoang vu, không một giọt nước, không một miếng ăn. Nhà văn đã trải qua mọi chặng đường - trừ chặng cuối cùng - dẫn đến cái chết thảm khốc, ông đã cảm thấy lưỡi căng phồng, lấp kín cả khoang miệng, vì khô và thiếu nước. Trước cái chết tưởng như không gì tránh khỏi, ông đã mơ, đã tưởng tượng ra nước. Đọc kỹ “Hoàng tử bé”, có thể thấy trong câu chuyện dịu dàng đó ẩn hiện cảm giác dữ dội của một người hấp hối.

Gần 60 năm đã trôi qua từ dạo ấy. “Hoàng tử bé” đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng và được ấn hành ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách, trên đường đến mặt trận Algeria, chỉ được cầm trong tay ấn bản đầu tiên, in ở Mỹ. Số phận trớ trêu đã khiến nhà văn không được chứng kiến ngày ra mắt đứa con tinh thần của ông trên đất Pháp tự do, chỉ sau đó hơn một năm.

*

Cuối cùng, người phi công quả cảm lại được bay. Nói đúng hơn, Saint-Exupéry đã kiên trì đòi bằng được cho mình quyền được hi sinh một cách xứng đáng. Trong lá đơn gửi vị tổng chỉ huy, ông viết: “Nếu không được bay, tôi sẽ không thể viết thêm một dòng nào nữa!” Cuối cùng, trong nỗi vui mừng sau thắng lợi của cuộc đổ bộ Normandia, người Mỹ đã chấp thuận cho ông ra trận.

Saint-Exupéry lại xuất hành, ông được tặng thưởng Bắc đẩu Bội tinh vì nhiều chiến tích anh hùng. Nhưng, trong một chuyến bay thám thính trên không phận miền Nam nước Pháp đang bị xâm chiếm, nhà văn đã không trở về. Năm ấy, ông mới 44 tuổi. Một độ tuổi “trẻ” so với các nhà văn, nhưng “già” so với các đồng nghiệp phi công: Saint-Exupéry là một trong những phi công cao tuổi nhất của Thế chiến Thứ hai.

Trước chuyến bay định mệnh ấy, Saint-Exupéry không còn nhanh nhẹn như thuở xưa. Trên cơ thể ông, 30 vết sẹo chằng chịt đánh dấu những tai nạn hiểm nghèo mà ông đã gặp phải. Trái tim ông thường xuyên thiếu dưỡng khí. Tâm trí của Saint-Exupéry cũng không ổn định: đồng thời với niềm vui được trở lại với nghề nghiệp của mình, nhà văn cũng gặp phải nhiều vấn đề trong đời tư, nhất là ông cảm thấy mình còn quá ít thời gian và chưa viết được mấy. Để điều khiển chiếc Lightning, loại máy bay được coi là sản phẩm tột đỉnh của kỹ thuật thời bấy giờ, phải có những phản xạ của một thanh niên khỏe mạnh ở độ tuổi 20. Cái chết của Saint-Exupéry vào thời điểm quân đội Đồng minh đã đứng trước cửa ngõ Paris và Lyon, dù bi thảm, nhưng không thật bất ngờ với những người gần gũi và quen biết ông.

Ngày 31-7-1944, chiếc Lightning P-38 cất cánh ở sân bay Borgo-Bastia để chụp những tấm ảnh trên không, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ tại Provence sau đó 3 ngày. Saint-Exupéry lái nó ở độ cao 10 ngàn mét, một độ cao không thể đạt được đối với máy bay khu trục của Đức. Được một lúc, Lighning P-38 biến khỏi màn hiện sóng ra-đa.

Trong một thời gian dài, không ai biết cụ thể số phận Saint-Exupéry và chiếc phi cơ của ông ra sao. Trưa ngày 1-8-1944, một phụ nữ dường như thấy một chiếc máy bay gặp nạn tại gần vịnh Carqueiranne. Vài ngày sau, một tử thi trong quân phục Pháp được phát hiện, và được chôn cất vào tháng Chín. Người ta đặt giả thiết đó là Saint-Exupéry, nhưng không có gì làm bằng.

Cũng không ai hay lý do của vụ mất tích. Các chuyên gia cho rằng một chiếc Focke-Wulf của Đức đã phát hiện ra Saint-Exupéry và sau khi đôi bên đều cạn đạn, họ đã lao vào nhau trong một cuộc đọ sức một mất một còn, theo những nguyên tắc bất thành văn của giới phi công cảm tử. Tuy nhiên, cho dù về sau này, một phi công Đức khẳng định ông ta đã hạ chiếc máy bay của nhà văn, nhưng các ghi chép (vốn rất chính xác và kỹ lưỡng) của Không quân Đức không hề nhắc gì đến điều này.

Cũng không loại trừ khả năng Saint-Exupéry tự vẫn, nhưng dường như đây là chuyện ít có khả năng nhất…

Chỉ một điều chắc chắn: tác giả “Hoàng tử bé” đã vĩnh viễn hòa vào khoảng không xanh biếc mà ông hằng say mê. Và từ đó, ra đời một huyền thoại ngộ nghĩnh: Antoine de Saint-Exupéry đã bay vào hành tinh của Hoàng tử bé, họ cùng nhau làm sạch những núi lửa đã nguội…

*

Hoàng tử bé dưới nét vẽ của Saint-Exupéry

Hơn 60 năm trôi qua, câu chuyện cổ tích về Hoàng tử bé vẫn tiếp diễn. Ít ai chịu yên tâm, chừng nào chưa tìm thấy nơi yên nghỉ cuối cùng của Saint-Exupéry. Một số người cho rằng ông vẫn còn đâu đây, trong những lớp sóng dập dờn gần căn nhà nằm cạnh bờ biển của thân mẫu ông. Dân chúng vùng Carqueirenne một mực khẳng định rằng nhà văn đã yên nghỉ trong đài tưởng niệm Người phi công Vô danh ở thành phố họ.

Tháng 8-1998, ở phía Nam vùng Marseille, gần đảo Riou, một người đánh cá khi cất mẻ lưới, đã tìm thấy vài mảnh kim loại của một xác máy bay. Bản thân điều này chưa có gì đặc biệt. Sự sửng sốt chỉ xảy ra khi người ta phát hiện trong số đó, có cả một chiếc vòng tay bằng bạc khắc chữ “Antoine-Consuelo” và địa chỉ một nhà xuất bản ở New York, nơi Saint-Exupéry thường ấn hành sách. Phải chăng, đó là bảo vật của nhà văn?

Tiếp đó, tháng 5-2000, cũng gần bờ biển Marseille, ở độ sâu 85 mét, dường như một thợ lặn người Pháp tên là Luc Vanrell đã phát hiện ra một chiếc Loockheed Lightning P-38. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Philippe Castellano đã khiến mọi người phải cụt hứng: chừng nào chưa tìm thấy mảnh chính của máy bay có khắc số hiệu sản xuất, chừng ấy mọi thứ chỉ là giả định. Ở vùng biển Pháp, có hàng tá những chiếc Lightning bị bắn chìm trong Đệ nhị Thế chiến…

Tuy nhiên, tháng 10-2003, chiếc máy bay ấy cũng được trục lên, và đến ngày 7-4-2004, một nhóm khoa học gia Pháp xác nhận rằng đó đúng là chiếc phi cơ của Saint-Exupéry!

Có điều, vẫn không rõ tại sao máy bay gặp tai nạn. Trên xác chiếc phi cơ, không thấy những dấu vết cho thấy nó bị bắn hạ. Có lẽ, máy bay rơi do một lỗi kỹ thuật đáng tiếc…

Vậy là, chúng ta vẫn chưa biết thêm gì đáng kể về những giờ phút cuối cùng của nhà văn. Còn lại huyền thoại và kỷ niệm về một con người và một quá khứ đẹp đẽ. Và, có chăng, những lời lẽ từ biệt của Hoàng tử bé: “Sau này, mọi người sẽ nghĩ tôi chết rồi, nhưng không phải vậy!

Đối với người viết bài này, đây là một kết cục tuyệt vời cho một văn hào, một con người mà cuộc đời ông là cả một bài ca về sự quyết tâm và lòng dũng cảm. Bởi lẽ, như lời của chú cáo trong “Hoàng tử bé”: “Điều thực sự quan trọng là điều không thể nhìn thấy bằng mắt“…

H.Linh - Theo các tư liệu nước ngoài


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn