HOÀNG TỬ LỚN (1)

Chủ nhật - 18/03/2007 11:54

(NCTG) “Cur non?” (Sao không?) Đó là tiêu ngữ bằng tiếng La Tinh trên tấm phù điêu của gia đình Antoine-Marie-Roger de Saint-Exupéry. Nếu còn sống đến ngày nay, nhà văn Pháp được biết bao thế hệ độc giả ưa thích ấy sẽ tròn 107 tuổi vào ngày 29-6-2000.

Tượng Antoine de Saint-Exupéry và Hoàng tử bé ở Lyon

Saint-Exupéry xuất thân từ một gia đình quí tộc có truyền thống từ thế kỷ XI. Từ thuở chào đời, lời đề tự “Cur non?” ấy hẳn đã theo ông và có lẽ nó cũng theo ông vào năm ông 21 tuổi, khi Saint-Exupéry gia nhập đơn vị không quân Jeanne d’Arc ở Strassbourg, để theo đuổi một ngành mà khi đó, còn được mọi người coi là “trò chơi của Thượng đế”: ngự trị trên những tàu bay cổ lỗ, thực hiện giấc mơ ngàn đời của nhân loại: bay vào khoảng không! Nhưng, sao không?

Dường như, tất cả những gì diễn ra cho đến thời điểm ấy chỉ là một màn dạo đầu, và Antoine de Saint-Exupéry, con người mà chúng ta tưởng đã hiểu tường tận, chỉ ra đời thực sự vào khi đó, trên khoảng không của thành phố Strassbourg.

Sợi chỉ xuyên suốt sự nghiệp của Saint-Exupéry là một chuỗi những thăng tiến và thụt lùi trong quân ngũ, những chuyến bay và những tai nạn hiểm nghèo trên không trung. Một cách ngắn gọn, Saint-Exupéry đã gắn bó một cách đặc biệt với bầu trời, với những phi cơ, trong suốt cuộc đời sóng gió của ông. Ngay cả lời cầu hôn của ông với Consuelo, một góa phụ Arghentina, cũng được thổ lộ ở độ cao 5 cây số trên bầu trời Buenos Aires, khi hai người đang cùng nhau trò chuyện và chứng kiến cảnh thủ đô Arghentina rực lửa vì một vụ binh biến trong loạt đảo chính diễn ra như cơm bữa tại xứ sở Nam Mỹ này. Đó là mùa hạ năm 1930, một ngày sau khi họ quen biết nhau. Người phụ nữ mảnh mai, đẹp dịu dàng trong bộ quần áo đen hoảng hốt trước lời tỏ tình mạnh mẽ và táo bạo của chàng phi công mũi hếch, trán hói từ thuở thanh niên, vóc dáng vạm vỡ như một chú gấu, đến nỗi lập tức bà đòi về nhà. Tuy nhiên, Saint-Exupéry đã nhận được nụ hôn chấp thuận khi ông dọa sẽ thả tay lái cho chiếc máy bay rơi tự do! Consuelo là người bạn đời trung hậu của nhà văn cho đến cuối đời, dù họ thường sống xa nhau và luôn xưng hô với nhau là “anh”, “tôi”. Sau khi chồng mất, bà đã để tang ông 37 năm ròng; cho đến ngày qua đời, Consuelo vẫn giữ kín những lá thư tình của hai người…

*

Cuộc đời của nhà văn Pháp không thiếu vắng những bước ngoặt bất ngờ, những thử nghiệm táo bạo và những phiêu lưu mạo hiểm. Tốt nghiệp phổ thông, khác với nhiều bạn học khác, có gốc gác quí tộc, chàng trai Saint-Exupéry khước từ lời mời vào trường võ bị. Anh muốn trở thành thủy thủ, nhưng không trúng tuyển. Khi biết tin Nhà hát Nhạc kịch Paris tìm các diễn viên phụ, Saint-Exupéry đăng ký và anh đã không phải hổ thẹn trong dàn đồng ca. Thậm chí, tại nhà hát, anh còn tận dụng được khả năng hội họa và thiết kế, dàn dựng sân khấu. Đó là thời gian trẻ trung, sống động và náo nhiệt của Saint-Exupéry, với những cuộc dạo chơi cùng các nàng diễn viên vũ kịch tại Trocadero vào buổi đêm, hay những dịp “bát phố” bất tận ở xóm La Tinh…

Tuy nhiên, lệnh triệu tập vào quân ngũ năm 1921 đã chấm dứt những năm tháng vô tư bên bờ sông Seine của Saint-Exupéry. Mặc dù đang theo học khoa kiến trúc của trường Mỹ thuật, chàng trai vẫn bị gọi lên đường: ấn tượng nặng nề của tấn thảm kịch Verdun còn ngự trị trong tâm trí các nguyên thủ quốc gia Pháp, những hiệp ước hòa bình vừa được ký kết ít lâu cũng không ngăn nước này chùn bước trong việc chạy đua quân sự. Ngành không quân cần đến nhiều quân nhân dự bị và thế là Saint-Exupéry trở thành một phi công.

Người lính mới say sưa với những buổi tập bay. “Một tài năng tự phát đặc biệt”, viên sĩ quan huấn luyện Saint-Exupéry đã nhận xét như thế, ông ta phải báo cáo với “thượng cấp” lý do tại sao Saint-Exupéry lại được cầm tay lái trước thời hạn. Nhưng đó chưa phải là “ca” duy nhất gây tai tiếng: có lần, Saint-Exupéry nhảy bừa lên một chiếc máy bay của trường huấn luyện, lượn đi lượn lại trên không trung đến khi con chim sắt phát hỏa; chàng phi công trẻ tuổi, ngỗ ngược phải tìm cách hạ cánh khẩn cấp trong tình trạng báo động. Nhiều người cho rằng trong bệnh viện và trong thời gian bị kỷ luật tại phòng giam, Saint-Exupéry đã quyết định vĩnh viễn gắn bó cuộc đời anh với khoảng không vô tận.

Sau khi giải ngũ, Saint-Exupéry dễ dàng giành được giấy phép sử dụng máy bay thương mại. Trong những chuyến bay bưu điện qua Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Saint-Exupéry là một kẻ mạo hiểm, một người chinh phục, khám phá không trung. Đồng thời, ông cũng là người yêu máy móc, kỹ thuật đến cuồng nhiệt. Chẳng những cùng tuổi với thế kỷ XX, Saint-Exupéry còn đồng cảm và cùng một suy tưởng với thế kỷ ấy, một thế kỷ mang trong mình huyền thoại về lòng tin vào những cơ cấu máy móc vạn năng và vào khả năng chinh phục thế giới.

Trong những ngày rảnh rỗi, Saint-Exupéry bắt đầu viết. “Người phi công”, truyện ngắn đầu tiên của ông ra đời năm 1925. Các tiểu thuyết “tiền chiến” của Saint-Exupéry - “Chuyến bay đêm” (Vol de nuit), “Đất của con người” (Terre des Hommes)… - cũng đều chứa chở một đề tài rất gần gũi với một phi công: cảm giác bao la, bay bổng khó tả của con người trên khoảng không vô tận. Qua các tác phẩm đó, độc giả còn thấy rõ ý chí lớn lao của một con người hành động; không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu văn học đã cho rằng Saint-Exupéry, bằng cây bút và những hành động của ông, đã phác thảo một thứ “chủ nghĩa anh hùng mang tầm vóc con người”…

Và khi không cầm bút, Saint-Exupéry lại bay. Nếu tính đến hằng hà sa số những chuyến bay xuyên châu lục, vượt đại dương, dài hàng vạn cây số của ông, có lẽ số tai nạn ông gặp phải cũng không nhiều. Nhưng, hầu như tai nạn nào của Saint-Exupéry cũng ở mức hiểm nghèo. Có lần, ông nằm liệt giường, mê man bất tỉnh 8 ngày liền vì chấn thương hộp sọ và gãy vai. Đổi lại, Saint-Exupéry đã đặt nền móng cho những chuyến bay chở bưu phẩm và hành khách giữa “nước mẹ” Pháp và các xứ thuộc địa.

Đôi lúc, Saint-Exupéry còn nhận làm ký giả tự do và cái nghề nay đây mai đó này rất phù hợp với sở thích phiêu lưu, ưa lang bạt của ông. Làm việc cho tờ “Paris Soir”, Saint-Exupéry là người đầu tiên đến Hamburg trong cuộc tổng đình công lớn của giới công nhân đóng tàu. Ông cũng có mặt ở Moscow vào mùa thu 1935, khi chiếc máy bay lớn nhất thế giới thời bấy giờ - mang tên văn hào Maxim Gorky - đang chuẩn bị bay thử. Nhà văn cũng được mời tham dự chuyến bay. Ngày hôm sau, ông viết một bức điện tín gửi về tòa báo: “Tôi là người ngoại quốc đầu tiên và cuối cùng được hưởng vinh dự này. Bởi lẽ, sau khi cất cánh lần thứ hai, chiếc máy bay khổng lồ với trọng lượng 47 tấn đã bị rơi…” Một năm sau, với lập trường chống phát-xít, Saint-Exupéry là phóng viên chiến trường trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Khi ấy, phong cách của ông có nhiều nét tương đồng với phong cách những đồng nghiệp nổi tiếng đương thời như Hemingway, Malraux, Vercors.

Sự nghiệp văn học của Saint-Exupéry lên cao với cuốn “Thành trì” (Citadelle). Tiếp đó, “Đất của con người” được Hàn lâm viện Pháp tặng Giải thưởng lớn. Rồi André Gide đề nghị giải Femina cho “Chuyến bay đêm”. Sách của Saint-Exupéry được dịch ra Anh ngữ, được chuyển thể thành phim ở Hollywood. Luigi Dallapiccola còn dàn dựng một vở nhạc kịch từ tác phẩm của ông.

Nhưng, tác phẩm lớn nhất của Saint-Exupéry vẫn còn ở trước mắt…

*

Là người sùng bái máy móc-kỹ thuật-nghị lực-hành động, cổ vũ nhiệt thành cho tinh thần đồng đội và lòng quả cảm, phải chăng Saint-Exupéry cũng là tín đồ của chiến tranh, một hệ quả “tất yếu” của sự phát triển khoa học kỹ thuật và ngành không quân thời gian đầu thế kỷ? Và ai, nếu không phải ông, trên cương vị một phi công thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, là thần tượng xứng đáng của cuộc chiến?

Năm 1942, lấy đề tài những chuyến bay thám thính vô vọng trong những ngày hấp hối của Cộng hòa Pháp, Saint-Exupéry đã viết tiểu thuyết “Người phi công quân sự” (Pilote de guerre), được giới phê bình bán công khai Pháp và Mỹ đánh giá như “kiệt tác đầu tiên về chiến tranh”. Trong tác phẩm đó, Saint-Exupéry đã đứng trên quan điểm nhân đạo và tỏ ra kinh tởm chiến tranh: “Thời trước, tôi đã từng có những chuyến phiêu lưu, khi tôi thiết lập đường bay bưu điện, khi tôi qua vùng hoang mạc Sahara, Nam Mỹ… nhưng chiến tranh không phải là một cuộc phiêu lưu thực sự… chiến tranh là một căn bệnh, như bệnh dịch tả”.

Sau khi Paris thất thủ, rời nước Pháp bại trận, Saint-Exupéry bay qua Bắc Phi rồi từ thủ đô Bồ Đào Nha, ông cùng nhà đạo diễn điện ảnh Jean Renoir đáp tàu thủy qua Nortport (Mỹ). Tại Hoa Kỳ, nhà văn thường ghé thăm Sacha Manzier, người đứng đầu văn phòng nhỏ bé của tướng De Gaulle ở New York. Ngày 18-6-1941, họ đã nhỏ lệ khi cùng nhau lắng nghe lời kêu gọi kháng chiến của người anh hùng nước Pháp. Marlene Dietrich cũng có mặt ở đó. Và cũng tại đây, Saint-Exupéry đã chia tay Jean Gabon lên đường chiến đấu ở Maroc.

Qua một số hồi tưởng tản mạn của những người cùng thời, chúng ta có thể biết trong thời gian ở Mỹ, Saint-Exupéry đã có quan hệ với những ai khi ông tìm cách giúp đỡ tổ chức kháng chiến mang tên Nước Pháp Tự do. Ông làm quen với Elliot Roosevelt và MacArthur, Orville Wright và Gary Cooper, Brecht và Mailer. Ông gặp gỡ Hemingway và Bob Capa. Ông còn là vị khách thường xuyên của Ngũ Giác Đài: tại đó, nhà văn đã tận dụng hiểu biết của ông về địa hình nước Pháp trong các vấn đề quân sự, khiến các quan chức Mỹ phải khâm phục và coi ông là “tấm bản đồ sống của nước Pháp”.

Trong những giờ phút rỗi rãi, dùng những tấm ván gỗ, Saint-Exupéry thiết kế các mô hình máy bay mới, cũng như các phương tiện giao thông có khả năng “hạ thủy” và “cặp bến”, rồi thử hoạt động của chúng trong bồn tắm. Trong những thử nghiệm kỹ thuật ấy, ông có người bạn đồng hành là khoa học gia Kármán Todor, nhà nghiên cứu lừng danh của môn khí động lực, “vị tướng tên lửa” của Không lực Hoa Kỳ: hai người đã có nhiều thí nghiệm chung để thiết kế động cơ phản lực.

Tuy nhiên, nguyện vọng lớn nhất của nhà văn vẫn là được hòa mình vào cuộc chiến giải phóng tổ quốc ông. Gia nhập đơn vị không quân của “Nước Pháp Tự do”, hoạt động trong khuôn khổ Không lực Hoa Kỳ, Saint-Exupéry đã tham gia cuộc đổ bộ ở đảo Sardinia và Ý. Tuy nhiên, tướng Baker, sau khi coi kết quả giám định của các bác sĩ về tình trạng sức khỏe Saint-Exupéry, đã cấm ông lên đường!

Con người của hành động đành chịu bó tay, thúc thủ!

H.Linh - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn