Chùm sáng tác của các cựu học sinh Hà Nội - Amsterdam: NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU

Thứ sáu - 13/01/2006 08:56

(NCTG) Đúng vào dịp Giáng sinh 2005 qua, có một trường phổ thông đặc biệt ở Hà Nội đã tưng bừng tổ chức 20 năm ngày thành lập.

Đó là trường chuyên Hà Nội - Amsterdam (thường được gọi một cách thân thương là trường Ams), ra đời năm 1985, món quà tặng chứa đầy tình yêu của người dân thủ đô Amsterdam sẻ chia sự cảm thông cùng Hà Nội sau trận bom trải thảm B-52 năm 1972. Là kết quả của nhiều năm quyên góp và xây dựng với những trang bị hiện đại nhất, từ ngày ấy, Ams trở thành cái nôi đào tạo học sinh giỏi của thủ đô Hà Nội.

Được đào tạo tạo bởi đội ngũ thày cô giáo giỏi, yêu nghề, yêu trò, luôn có ý thức phấn đấu học hỏi, bổ sung kiến thức, các thế hệ học sinh Ams đa phần là những trò giỏi thông minh, năng động, không dừng lại ở mức sáng lên lớp, tối về học bài. Tại trường, theo Ngô Tố Giao - một cựu học sinh Ams, nay là chủ tịch Hiệp hội học sinh Hà Nội - Amsterdam - tất cả đều hội tụ cho sự hình thành một môi trường học và chơi dân chủ, đoàn kết gắn bó và sống vì nhau, cho nhau, đúng như phương châm, đồng thời cũng là "thương hiệu Ams": NIỀM TIN - TRÁCH NHIỆM - TINH YÊU.

Từ nhiều năm nay, khi Việt Nam chuyển mình trong thời hội nhập, nhiều vấn nạn của ngành Giáo dục đã được mạnh dạn đưa ra làm đề tài mổ xẻ của công luận, trong đó có vấn đề "trường chuyên - lớp chọn" với câu hỏi có cần thiết, thậm chí, có phản giáo dục hay không, hệ thống trường chuyên theo hình mẫu "luyện gà nòi" què quặt, lệch lạc? Có lẽ Hà Nội - Amsterdam đã tránh được "lối mòn" này khi trường cung cấp và tạo điều kiện khá đầy đủ cho sự phát triển nhân văn của học sinh. Nhiều học sinh của trường (Diễm Quỳnh, Minh Vũ, Quảng Hà...), về sau, đã thành đạt trên con đường hoạt động văn hóa.

Trang "Văn nghệ" của NCTG tuần này giới thiệu một số sáng tác thơ, văn của các cựu học sinh Ams. Nhân dịp này, cũng xin có lời cám ơn và chúc mừng các nhà văn Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh, các bạn Đặng Phương Lan, Nguyễn Thủy Minh, Phan Hà Dương..., những CTV của NCTG đã từng có thời gian giảng dạy hoặc học tập trên mái trường Ams! (H.Linh)

*

NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU

Đó là một cái bến xe buýt màu hồng! Nó đã đi nhiều nơi, nhìn thấy nhiều thứ, nhưng đấy là cái bến xe buýt màu hồng duy nhất nó nhìn thấy - dù là màu hồng của một sản phẩm quảng cáo nào đó.

Từ nhà đến trường nó có nhiều tuyến xe buýt, nhưng nó chỉ đi cái tuyến 22 này, để đến cái bến xe màu hồng đó và đi bộ gần 500m vào trường. Nó điên, ừ thì điên, cái tuổi của nó cho phép con người ta điên một chút mà.

Nó gặp anh lần đầu tiên cũng là tại cái bến xe màu hồng đó. Vào một ngày trời mưa, mưa to lắm. Nó bướng bỉnh cãi mẹ nên đã bỏ đi học mà không hề mang theo ô - tất nhiên lúc đó những hạt mưa mới chỉ bắt đầu rơi thôi. Chỉ đến khi nó bước xuống xe, thì những giọt nước ấy mới đua nhau rơi xuống. Rơi như sợ rằng chúng sẽ chẳng bao giờ được rơi nữa ý. Nó đành phải ngồi lại cái bến xe ấy. Nói "phải" thì cũng không đúng lắm, vì thực sự lúc đó nó cũng đang không hề muốn đi học chút nào. Cái cảm giác được ngồi trong một không gian nhỏ, màu hồng, một mình, ngắm nhìn mưa rơi làm nó thấy dễ chịu hơn nhiều. Thế nhưng mà nó cũng chẳng ngồi một mình được lâu. Anh đến. Hình như anh vừa tan học, và bằng một cách nào đó anh đã vượt qua cái quãng đường gần 500m trong mưa để đến đây (sau này nó mới biết là anh đi nhờ xe của một người bạn, trùm nhờ lên cái áo mưa của bạn anh). Khi anh bước vào, cũng là khi mà mắt nó đang đỏ hoe vì tủi thân. Lần nào bị bố mẹ mắng nó cũng khóc - một con bé mau nước mắt mà. Nhưng ngay cái ánh mắt đầu tiên anh dành cho nó, thì những hạt nước nhỏ và mặn ấy tự động ngừng chảy. Đôi mắt đẹp và sâu, cái nhìn ấm và như xoáy vào người khác của anh làm nó xấu hổ quay đi, lau vội những giọt nước mắt, như một tên trộm đang cố xóa đi những chứng cứ phạm pháp vậy.

- Tôi ghét nhìn con gái khóc lắm. Nhưng nếu cần khóc thì cứ khóc tiếp đi. - Đó là câu đầu tiên anh nói với nó.

- Tôi có khóc đâu, tại mưa đấy chứ, mưa to quá. - Bỗng nhiên nó sợ sự yếu đuối của mình vô cùng.

- Chạy trốn sự thật là rất hèn nhát. Nhưng đôi khi nó lại là điều rất cần khi ta đang muốn quên một cái gì đấy. Học chiều đúng không? Sao chưa vào học đi?

- Mưa thế này làm sao vào học được, mà tôi cũng chẳng muốn đi học. Thế sao anh không về đi, từ nãy đến giờ có mấy cái xe buýt đi qua rồi còn gì.

- Xe nào cũng đông không muốn về.

Nó và anh còn ngồi nói chuyện với nhau nhiều câu vu vơ nữa. Lâu và rất lâu. Anh học trên nó một khóa. Là con một, đôi khi thích một mình, chẳng giống ai và cũng chẳng muốn giống ai. Còn nhiều nhiều những điều anh và nó nói với nhau trong cái ngày mưa đấy, trong cái bến xe buýt màu hồng ấy. Sau này nó cũng có hỏi tại sao anh lại ngồi lại với nó hôm đó. Anh đã nói ra rất nhiều lý do, nhưng nó biết chẳng có cái lý do nào là đúng sự thật cả.

Sau hôm đó, nó và anh thân nhau. Nó tìm được ở anh một cái gì đó đồng cảm. Nó và anh hay nói chuyện điện thoại vào buổi tối. Chính xác hơn là toàn nó gọi điện cho anh. Nó cảm thấy an toàn khi nghe cái giọng ấm và trầm của anh. Nó cảm thấy yên tâm mỗi khi anh cho nó những lời khuyên, mỗi khi anh chỉ cho nó nên làm gì, mỗi khi nó gặp khó khăn. Nó và anh ít gặp nhau, chỉ là những khi nó cố đi học sớm, và vờ như vô tình gặp nhau ở bến xe buýt. Cũng may anh đi về không cùng tuyến xe của nó. Và do đó mà anh không lên xe ngay khi nó bước xuống. Để nó có dịp mà nhìn vào đôi mắt sâu của anh. Nói là nói thế thôi, chứ có mấy khi mà nó dám nhìn thẳng vào đó. Đứng trước anh, nó thấy rõ sự nhỏ bé, yếu đuối của mình, nhưng chưa bao giờ nó dám thừa nhận điều đó. Không bao giờ nó cho phép mình khóc với anh, dù bao nhiêu lần buồn và khóc nó đã gọi cho anh. Nhưng chỉ cần nghe thấy giọng nói của anh thôi là nó lại im bặt. Nó sợ sự yếu đuối trước anh.

Nói chuyện nhiều là thế, nhưng chưa bao gìơ nó thật sự hiểu anh, chưa bao giờ nó biết rõ về con người anh, chưa bao giờ anh nói cho nó biết anh đang buồn vì điều gì. Đôi khi nó sợ anh, sợ sự im lặng, lạnh lùng, khó chịu mà không nói ra của anh. Chỉ đôi khi, thi thoảng, vào một lúc nào đó, anh dường như cố gắng mở lòng mình đôi chút, để kể cho nó nghe về bản thân anh, nhưng đều không thành công. Hình như nó thiếu một cái gì đó? Nó cũng cố gắng chắp ghép những gì nó biết về anh lại để hiểu hơn về anh. Nhưng rồi, chợt nhận ra anh chẳng bao giờ dành cho nó, thế nên dù cố gắng đến mấy, nó cũng không thể hiểu hết được.

- Em có biết tại sao anh lại hay ngồi ở cái bến xe buýt này không? - anh đã hỏi nó như thế trong một lần hiếm hoi anh chủ động gọi điện và hẹn nó tại bến xe đấy.

- Em không biết. Em tưởng là về nhà anh thì chỉ có tuyến xe đi từ đây thôi? Thế tại sao ạ?

- À không, chẳng có gì.

Im lặng. Sự im lặng vẫn có mỗi khi nó hết chuyện để nói với anh. Chính xác hơn là lúc đó có tiếng mưa rơi, rả rích, nhẹ tênh. Ừ lại mưa - trời hôm đó cũng mưa, nhưng nhỏ thôi, đủ để nếu cần nó có thể chạy vào trường mà không bị ướt lắm.

- À tuần sau anh đi đấy. Anh đi học. Chắc sẽ lâu lắm nữa anh mới về. Em ở nhà ngoan nhé. Phải cố học thật giỏi và nhất là đừng mềm yếu nữa.

Nó đón nhận tin này bình thản hơn nó tưởng rất nhiều. Nó đã từng tưởng tượng là nó sẽ khóc, sẽ yếu đuối, sẽ phải nhớ anh nhiều lắm, nếu anh ra đi. Nhưng khi anh nói câu này, nó lại cảm thấy bình tĩnh lắm lắm.

- Anh cứ yên tâm, em biết tự lo cho mình mà. Có mà anh phải cố gắng hơn ý. Cuộc sống mới chắc sẽ giúp anh cảm thấy dễ chịu hơn. Thỉnh thoảng nhớ viết thư cho em. À khi nào về nhớ mua quà nữa.

Vậy là thôi, anh đi. Nhẹ nhàng lắm. Nó cũng cảm thấy một sự bình yên trong lòng. Nó biết, anh sẽ thoải mái hơn khi rời khỏi đây. Nơi đây anh có rất nhiều chuyện buồn, những chuyện mà nó chẳng bao giờ biết và chẳng bao giờ hiểu nổi. Nó mừng cho anh. Và dễ chịu hơn cho nó. Nó biết nó mất đi một chỗ dựa về tinh thần, mất đi một cảm giác an toàn. Nhưng cũng đã đến lúc nó cần đi trên đôi chân của chính mình., cần tự vượt qua chính bản thân mình. Nó không mềm yếu, và nó biết nó làm được điều này. Nó có lòng tin mà.

*

Hôm nay trời lại mưa, nó đi học về muộn, vô tình phóng xe qua cái bến xe buýt màu hồng, bỗng nhiên nhớ đến anh. Về đến nhà, không hiểu sao lại nhấc máy lên quay số nhà anh. Điên thật. Có ai lại dở hơi gọi đến nhà một người đã đi du học đâu chứ. Ừ thì điên. Chỉ là nó muốn nhớ lại cái thói quen trước đây thôi. Sau 5 tiếng chuông, đầu dây bên kia là tiếng hộp thư thoại - tiếng anh: "Đây là số máy...", vẫn cái giọng ấm và trầm ấy. Bỗng thấy nhớ, đã từng có thời, nó yêu anh.

(Lê Thu Quỳnh, Nga 2000-2003)

*

NGÀY XƯA ĐI HỌC

Ngày xưa đi học, không có xe máy, không có xe buýt, xe đạp cũng không, nên trò thường đi bộ. Đường từ nhà đến trường đi hết chừng nửa tiếng đồng hồ. Đường chạy qua một cái chợ, mỗi sáng người tụ tập bán mua huyên náo, với những gánh quà sáng bán xôi, bánh khúc, bánh giò... Chìa hai trăm, năm trăm đồng ra là được đặt ngay vào tay một gói nóng hôi hổi; bỏ vào cặp sách, giờ chơi bạn bè tụm năm tụm ba chia nhau từng nắm nhỏ, cười khúc khích dưới những giàn ti-gôn hoa chen với nắng...

Đường đi học còn qua một con mương, hai bên đầy hoa cỏ dại, cào cào châu chấu cư ngụ hàng bầy. Giữa đường dừng lại hái một nắm cỏ gà, đến lớp vừa xoè ra là bạn cùng lớp mỗi đứa rút vài cọng, đọ nhau xem "kiếm" ai gãy trước, nhưng chẳng bao giờ bận tâm chuyện ai thắng ai thua...

Đường đi học bởi vậy tiếng là mất nửa giờ, nhưng sáng sớm tinh mơ không cần ai giục, trò ngày nào cũng dậy sớm, sửa soạn sách bút... Sau tiếng đài báo "Bây giờ là sáu giờ" chẳng bao lâu, trò đã vội vã rời nhà để mau chóng đến trường gặp lại bạn, lại thầy...

Ngày xưa đi học không lo kiểm tra. Trong cặp trò lúc nào cũng sẵn tập giấy kẻ điểm lời phê ngay ngắn, đến lớp cô nói giấy ra làm bài là trò sẵn sàng ngay trong giây lát. Trò ngày xưa cũng không biết tính điểm: được điểm 10 thì trò hân hoan, được điểm 7 đôi khi thoáng rưng rưng, nhưng rồi trông ra ngoài cửa sổ, nỗi buồn của trò bỗng chốc tan đi trong những tiếng ríu rít của những chú chim sẻ nhảy nhót trên lan can...

Ngày xưa trò không biết đến học thêm như bây giờ. Học trên lớp hết một ca còn quyến luyến bạn, quyến luyến trường, nên tan học trò còn trốn lại xem bạn bè học đội tuyển. Ngày ấy có lẽ vì trò không đứng đầu lớp, nên không được chọn bồi dưỡng để đi thi. Thấy trò đứng thập thò ngoài cửa, thầy gọi vào ngồi cùng các bạn cho vui... Rồi đến lúc các bạn đi thi, thầy cũng gọi trò tham dự... cho vui. Trước giờ thi thầy gọi mấy đứa lại hàng quà, giúi vào tay mỗi trò một cái bánh cốm đậu xanh để thi cho đậu, rồi đứng chở ngoài cổng trường thi cho đến cuối giờ. Rồi bất kể thi hay dở ra sao, thầy trò đều rồng rắn nhau lên Hồ Tây làm một bữa bánh tôm, bún ốc ra trò...

Ngày xưa đi học Toán... Trò không biết thế nào là sách giải. Thầy giao bài về, trò lọ mọ ngồi giải quên cả giờ ăn. Bài trò làm không ra, thầy không chấm điểm, cũng không mắng mỏ. Trên lớp thầy trò cùng cặm cụi mày mò... có những buổi bước ra khỏi lớp, sân trường đã vắng tanh, chỉ còn những tán bàng rực lên trong nắng chiều ngả vàng... Thầy trò cùng hối hả về nhà cho kịp bữa cơm chiều. Trò về không kịp quạt bếp thổi cơm, trong dạ nửa lo mẹ về la, nửa vui vì vừa học thêm được những cách giải một bài toán khó...

Ngày xưa đi học Văn... Cả thầy lẫn trò chẳng bao giờ mang sách, vì sách nằm ngay trong mỗi lời giảng của thầy và trong trí tưởng tượng của trò. Mỗi bài trò viết ra chẳng bao giờ thầy phê đúng hay sai, mà đều nâng niu gìn giữ như báu vật. Thầy bảo: cả đời trò chắc sẽ chỉ viết được một lần ngây thơ như thế... Thầy bảo trò muốn viết văn hay thì phải đọc nhiều, đi nhiều... Thầy mở ra cho trò một thế giới của những người khốn khổ, của những đứa trẻ côi cút giữa cảnh đời, của những đất rừng phương Nam, những chú bé có tài mở khóa, những cuộc phiêu lưu trên sa mạc và trong rừng thẳm... Ba mươi Tết thầy đèo trò đi chợ, ngắm phố xá, người xe. Thầy chỉ cho trò hương sắc của mỗi trái gấc, mỗi cành đào, cái nhọc nhằn trĩu trên mỗi gánh hàng rong, sự tất bật lăn theo mỗi vòng xe lướt qua, cái náo nức trong những phong bao hồng bày rực rỡ trên những sạp hàng tạp hóa...

Ngày xưa học Ngoại ngữ... Mỗi tuần một tiếng đồng hồ, trò cắp sách đến nghe cô dạy phát âm những từ ngọng nghịu đầu tiên. Thời ấy từ điển hiếm, tìm một băng ghi âm cũng như đáy bể mò kim, đâu có những sách mới xuất bản từ nước ngoài, những phần mềm vi tính, những Internet, những truyền hình vệ tinh... như bây giờ. Trò chỉ biết trông vào sự chỉ dắt của cô, và những cuốn sách dạy ngoại ngữ phổ thông đã ố vàng tìm mua được ở những hàng sách cũ...

Hàng năm cứ đến độ mưa phùn đã thấm đất, và nắng bắt đầu thắp lên những chồi cây, trò lại bâng khuâng nhớ lại những ngày xưa... ngày xưa đi học, ngày xưa giản dị và vô tư...

... ngày xưa tươi rói như hoa nắng...

(Đỗ Huyền My, Anh1 1998-2001)

*

VỤN VẶT

1.

Mười bảy tuổi. Mối tình đầu của anh là một cô bạn gái học cùng lớp. Vụng về, ngây ngô của cái tuổi mới lớn, tập tọe muốn tỏ ra là mình là một thằng đàn ông chững chạc, ngày ra trường mãi anh mới thốt ra được một câu tỏ tình. Nhìn cái mặt như muốn độn thổ của anh, cô bạn gái cười ngất một lúc rồi nói: "Thôi đi cậu, để dành 10 năm nữa hãy nói! Bây giờ thì cứ lo mà học hành, lo sự nghiệp đi! Đời còn dài mà, lo gì!" Đúng là một câu từ chối khéo như để an ủi cho một cậu nhóc con thất tình.

Mười năm trôi qua. Anh cũng đã vài lần yêu và bị đá lăn lông lốc, nhưng anh vẫn không quên được cái hận ngày nào. Bất chợt anh gặp em... cô bé 17 tuổi. Em ngây thơ quá, trong vắt như pha lê, và mong manh quá đến độ anh cũng không dám chạm tay vào vì chỉ sợ mình sẽ làm vỡ tan tất cả. Em tôn thờ anh như một thần tượng và yêu anh say đắm trong mối tình đầu của mình. Trước ngày em đi xa, em nhìn anh như chờ đợi... Vậy mà rồi anh lại chỉ nói được câu: "Thôi, em đi cho khỏe. Lo học hành em nhé! Năm năm nữa em về, mọi việc của anh cũng ổn định rồi, cũng không muộn mà em!" Nói xong, anh vội quay đi, không dám đưa tay ra đỡ những giọt pha lê đang lăn dài trên khuôn mặt em.

Năm năm, rồi 10 năm đã trôi qua... anh vẫn rong ruổi trên đường đời, một mình lặng lẽ. Đường công danh của anh dường như cũng chẳng tới đâu. Cái mà anh thiếu là tình yêu của em mà anh đã để tuột mất 10 năm trước, và anh cũng chẳng bao giờ tìm lại được nữa... Anh nhớ những giọt nước mặt trong suốt như pha lê của em anh đã lỡ làm rơi vỡ tan 10 năm trước đây. Mối hận về mối tình đầu của mình anh đã quên hẳn mà thay vào đó là nỗi ân hận. Anh vẫn không bao giờ tha thứ cho mình khi nhớ đến ngày chia tay với em.

Minh họa của Cỏ May (từ Praha, NCTG)

2.

Bây giờ đã là 20 năm kể từ ngày cô quen anh và là 15 năm từ ngày hai người xa nhau. Mười lăm năm năm rồi cô chưa gặp lại anh.

Ba năm đầu kể từ khi hai người không còn học chung trường, ngày nào cô cũng khắc khoải với niềm hy vọng được gặp lại anh, dẫu chỉ là bất chợt trên con đường cô vẫn đi học hàng ngày. Ba năm cô cũng chẳng một lần được gặp lại anh. Như kiệt sức với sự chờ đợi của mình, cô lấy hết cản đảm, đến gặp anh trước ngày cô đi xa. Loanh quanh gần 2 tiếng đồng hồ cùng đứa bạn gái thân không tìm ra được nhà anh ở, cô bạn thân nhìn cô thở dài. Ba năm sao mọi thứ đã thay đổi quá! Những ngôi nhà mới mọc lên san sát như cố che lấp đi hết những kỷ niệm dẫu đã quá ít ỏi giữa cô và anh. Nghẹn lời nhìn cô bạn gái, cô nói: "Thôi đi về mày! Chắc chẳng có duyên rồi!". "Úi giời, mày cũng quên nó đi được rồi đấy! Sang đó thiếu gì anh đẹp trai ngời ngời, học hành giỏi giang... tha hồ cho mày lựa chọn. Thôi, đi về, lo mai còn đi sớm!".

Ra về, cô đem chôn sâu trong lòng mối tình đầu câm lặng của mình. Năm năm, rồi 10 năm... cô cũng đã từng yêu và được yêu say đắm, cô cũng hạnh phúc với tình yêu của mình. Vậy mà chẳng hiểu sao, nhiều đêm cô vẫn giật mình thức giấc giữa chừng. Trong mơ cô thấy anh nhìn cô với đôi mắt buồn rượi. Hồi đầu trong mơ cô nghe anh nói: "Sao em đi lâu vậy, về với anh đi em". Về sau thì anh lại nói: "Sao em đi lâu vậy, anh chờ em sao nổi!"... Chẳng biết sao cô lại mơ thấy anh? Chẳng hiểu sao anh lại nói như vậy? Thực hay là mơ đây? Cô đã quên anh rồi mà!

Lần này về nước, cô quyết tâm rủ đứa bạn cũ đến tìm anh, cố thử tìm ra nguyên nhân những giấc mơ của mình. Ra mở cửa cho cô là một bác béo tròn, bụng phệ, với cái bộ ria mép trông ra dáng rất bệ vệ. Lấp ló sau lưng bác là một cậu bé con, mắt xoe tròn nhìn cô chăm chú. Ai là anh trong hai người này vậy? Cái bác bụng phệ này hay là cái cậu bé kia? Cô mong được gặp lại ai đây? Ra về rồi... cô cứ miên man mãi cho tới khi chợt nghe đứa bạn nói: "Thằng con giống bố như đúc mày nhỉ! Mà nhìn nó vẫn đẹp trai phết mày ạ!" Chẳng biết nữa, cô chẳng nhớ và cũng chẳng muốn nhớ khuôn mặt anh bây giờ như thế nào nữa. Cô chỉ nhớ khuôn mặt cậu bé con, nhìn cô suốt cả buổi. Nó làm cô nhớ tới anh, thần tượng một thời của mình. Mối tình của cô chưa bao giờ được nói và nó cũng đã an phận với sự câm lặng của mình biết bao năm nay rồi. Còn bây giờ nó cũng chẳng còn muốn được nói nữa.

Bất giác cô thở dài... vì... lại thành chuyện dài mất rồi.

(Ngô Tố Giao, Hóa2 86-89)

*

HỌA HOÀNG CẦM

Nếu em còn trẻ như xuân ấy
Sẽ chẳng cầm lòng dứt phím tơ
Tháng ngày mộng héo bên song cửa
Mong chi em hát khúc xuân xưa?

Thì đôi mái tóc đâu xanh nữa
Mây bạc nhuộm buồn ánh mắt thơ
Thuyền em đà đắm trên sông Hận
Anh còn mơ nữa lối trúc tơ!!

Tỳ bà nhỏ lệ hồn chia biệt
Trăng vàng lay lắt bến Thu xa
Anh đừng chờ nữa em quay gót
Liễu hết xanh rồi, hết thướt tha...

*

GỬI NGƯỜI PHƯƠNG XA

Đã tắt rồi
Vầng mặt trời của anh và em
Nỗi buồn không tan được (1)

Người ơi
Đợi anh về nơi đây
Dù bao năm xa cách
Dù trái tim buốt nhức (2)

Xin một lần được hát lại lời yêu
Giai điệu ngày xưa da diết
Để chiều nay phương trời xa biền biệt
Thấy mình không lẻ loi

Xin một lần người ơi
Trở về từ phương trời xa cách
Gọi tên nhau và mắt chìm trong mắt
Tìm lại thời dấu yêu

(1) Một ý trong bài hát Nga: "Đã qua rồi những ngày rực ánh mặt trời. Nỗi buồn không tan đi như tuyết".

(2) Một ý trong bài "Right here waiting" (Richard Max)

(Nguyễn Thủy Minh - Văn1 87-90)

NCTG


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn