Sản phẩm ren thêu truyền thống của vùng Halas (Hungary)
Trong năm nay, ngoài các sản phẩm của các nghệ nhân trong nước, Festival còn thu hút sự góp mặt của nhiều nghệ nhân đến từ Anh, Cộng hòa Czech, Pháp, Croatia, Ðức, Nga, Áo, Slovenia, Serbia... Ðiểm nổi bật của kỳ Festival lần thứ 12 này là sự hiện diện của những sản phẩm rất quý từ nhiều trung tâm ren thêu của Châu Âu - xưa nay thường được trưng bày trong các bảo tàng viện và chưa từng được giới thiệu tại Hungary.
Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Festival về ren thêu của Hungary, Việt Nam đã có mặt trên cương vị khách mời danh dự và các sản phẩm ren Việt Nam cũng được giới thiệu trong kỳ triển lãm. Ngoài ra, một số mặt hàng dệt may truyền thống của Việt Nam như trang phục, khăn trải bàn... từ thế kỷ 18-19 thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Ðông Á mang tên Hopp Ferenc (Budapest) cũng được mượn để trưng bày trong dịp này.
Ðại diện ÐSQ và Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary trong lễ khai mạc Festival
Tại lễ khai mạc Festival vào chiều 29-4-2011, với sự có mặt của ông Gyovai István (Thị trưởng TP Kiskunhalas), TS. Várnai László (Chủ tịch Ban quản trị Quỹ Ren vùng Halas) và đại diện Ban chấp hành Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, bà Trần Ngọc Liễu, Ðại biện Lâm thời kiêm Tham tán Công sứ ÐSQ Việt Nam tại Hungary đã phát biểu khai mạc, giới thiệu nghề thêu - ren truyền thống của Việt Nam.
Bài phát biểu cho biết: sản phẩm của Việt Nam không đơn thuần là các sản phẩm ren mà chính là thành phẩm phối hợp giữa nghệ thuật ren và thêu tay. Nghề thêu tại Việt Nam đã có mặt từ xa xưa, sau này đã kết hợp với nghệ thuật ren từ Phương Tây khoảng đầu thế kỷ 20 và cho ra đời các sản phẩm như hôm nay.
Bà Trần Ngọc Liễu phát biểu khai mạc Festival
Nghề thêu - ren truyền thống của Việt Nam cũng nổi tiếng tinh xảo, có sản phẩm xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, hiện nay có hơn 300 làng nghề về thêu ren trên khắp đất nước Việt Nam, có nhiều làng nghề đã lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bà Trần Ngọc Liễu nhấn mạnh: thông qua các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, người thưởng thức, sử dụng càng hiểu hơn nét văn hóa của đất nước đã tạo ra chúng.
Bên cạnh các mặt hàng thêu - ren được trưng bày tại Góc Việt Nam của Festival, đất nước và con người Việt Nam còn được giới thiệu qua một triển lãm ảnh, cũng như với chương trình văn nghệ và các món ăn Việt Nam do các thành viên cộng đồng Việt Nam tại Hungary thực hiện. Sự tham dự của Việt Nam được đánh giá là nỗ lực thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống hơn 60 năm qua giữa hai nước.
Giới thiệu sản phẩm thêu - ren Việt Nam cho các vị khách Hungary
Ðược đưa vào Danh mục Quốc gia của Những Di sản Văn hóa Tinh thần Hungary, nghệ thuật thêu ren vùng Halas đã có truyền thống từ 109 năm nay và nổi tiếng trên thế giới về sự tinh xảo, tỉ mỉ thông qua công lao động bền bỉ của các nghệ nhân để tạo ra các sản phẩm đặc biệt mà máy móc khó có thể thực hiện một cách hoàn hảo.
Ngoài việc giới thiệu và trưng bày các sản phẩm thêu ren của Hungary và quốc tế, Festival do Hiệp hội Ren Halas tổ chức còn nhiều hoạt động phong phú khác, như giới thiệu các kỹ thuật thêu ren, hội chợ các mặt hàng ren thêu, v.v... Riêng phần triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 15-5.
(*) Bản tin đã trích đăng trên “Tiền Phong”.