Nhà báo Balavány György trong một cuộc biểu tình trước Nhà Quốc hội Hungary - Ảnh: MTI
Chuyện xảy ra cách đây đã ba năm. Đầu tháng 1-2011, ông Vona Gábor, Chủ tịch JOBBIK - chính đảng đối lập theo xu hướng cực hữu tại Hungary - đã có những phát biểu mang tính kỳ thị trong lần tập trung hoạt động đầu tiên của đảng ông trong năm.
Cụ thể, khi lý luận về xu hướng dân số hiện tại, ông Vona khẳng định: “
Chỉ còn là vấn đề thời gian, là khi nào dân Tzigane sẽ chiếm đa số ở Hungary, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến nội chiến”. Chủ tịch đảng JOBBIK cũng đưa ra giải pháp cho vấn đề này: phải “nâng cấp” sắc dân Tzigane, hạn chế họ sinh đẻ, cũng như thúc đẩy và hỗ trợ để các gia đình Hung có hứng sinh nở.
Phản đối phát biểu của ông Vona Gábor, nhà báo Balavány György cho rằng những lời lẽ của vị chính khách là “
biểu hiện sặc mùi thập nhọn” (ám chỉ ý thức hệ của một đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, từng cầm quyền tại Hungary thời Đệ nhị Thế chiến và là đồng minh của Đảng Quốc xã Đức).
Vị ký giả còn bày tỏ sự tức giận của mình bằng những lời lẽ gây sốc như sau: “
Nhiều đồng bào của tôi trên khắp nước Hung giờ sẽ nghĩ như thế này về anh: cầu cho chết mẹ anh đi, cho lục phủ ngũ tạng anh thối rữa ra đi... Và tôi hiểu điều này một cách sâu sắc!”.
Cho là bị xúc phạm, ông Vona Gábor đã kiện dân sự nhà báo Balavány ra tòa.
Chủ tịch đảng cực hữu JOBBIK Vona Gábor
Tại phiên sơ thẩm, Tòa đưa ra phán quyết cảnh cáo vị ký giả, vì theo Tòa việc nhà báo này công khai đưa lên báo sự rủa sả liên quan tới “trạng thái sức khỏe” của Chủ tịch đảng JOBBIK đã vượt quá khuôn khổ của sự tự do thể hiện ý kiến, và ông Vona, dù là một chính khách, “người của công chúng”, cũng không có bổn phận phải chịu đựng.
Tuy nhiên, phiên phúc thẩm tại Tòa án TP Budapest đã đưa ra kết quả hoàn toàn ngược lại: theo Tòa, bài báo của ký giả Balavány György không hề xâm phạm tới cá nhân vị chính khách, và do đó tuyên bố gây sốc nói trên không phạm phải tội danh xúc phạm danh dự. Ông Vona Gábor không có mặt tại phiên xử này.
Cho dù vấn đề tự do ngôn luận đã không được đề cập tại tòa, những cũng có thể coi phán quyết trên của Tòa án Thủ đô Budapest theo hướng nới rộng “quyền được mở miệng” của người dân, trước giới chính khách vốn dĩ phải có giới hạn chịu đựng lớn hơn “thường dân”, theo một quyết định trước đây của Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp) nước này.