Đàn áp 1956: CỰU LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN RA TÒA

Thứ bảy - 22/03/2014 20:02

Vào thứ Ba tuần này (18-3), phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Biszku Béla, một cựu quan chức cộng sản, năm nay 93 tuổi, đã được mở tại Budapest và được giới truyền thông và công luận nước này gọi bằng cái tên “phiên tòa của năm 2014”.


Biszku Béla trước vành móng ngựa - Ảnh: Mudra László (origo.hu)


Từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, rồi Phó Thủ tướng của chính quyền mới thân Liên Xô sau cuộc cách mạng 1956 và được coi là “nắm đấm cứng rắn nhất của thể chế “độc tài mềm” Kádár János, ông Biszku bị cáo buộc là đã phạm tội ác chiến tranh và những tội khác và có thể phải đối mặt với bản án tù chung thân.

Được nhắc tới rất nhiều từ hơn ba năm nay trên truyền thông như một trong những kẻ thủ ác cuối cùng còn sống sót của quá khứ cộng sản Hungary, với phiên tòa này, Biszku Béla cũng là cựu lãnh đạo cộng sản đầu tiên tại Hung phải ngồi trên ghế bị cáo vì đã tham gia đàn áp cuộc cách mạng dân chủ năm 1956.

Vụ án sau gần sáu thập kỷ

Cáo trạng của Viện Công tố Điều tra Budapest công bố vào trung tuần tháng 10 năm ngoái nhắc lại: sau khi cuộc cách mạng 1956 bị đè bẹp, Biszku là một thành viên của Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Hungary thời ấy, có quyền bỏ phiếu và biểu quyết thông qua các quyết định quan trọng của Đảng.

Thời gian đó, đã hình thành những đội vũ trang do Đảng Cộng sản Hungary thành lập nhằm mục đích “giữ trật tự” và tham gia đàn áp nhân dân, theo chỉ thị của Đảng. Những đội vũ trang này đã thực sự trở thành “kiêu binh” của chế độ, sẵn sàng xả súng bắn vào người dân mà không sợ bị pháp luật trừng phạt.

Có thể kể đến hai trường hợp điển hình. Đầu tháng 12-1956, họ đã xả súng bắn vào các đoàn biểu tình tại Budapest và TP Salgótarján ở phía Bắc Hungary, khiến tổng cộng 49 người chết, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tháng 3-1957, cũng những nhóm này đã bắt giữ, hành hung và đánh đập tàn nhẫn ba nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary khiến họ bị thương nặng.

Trên cương vị một thành viên “cộm cán” và có quan điểm hết sức cứng rắn của Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Hungary, Biszku Béla không những biết về những cuộc khủng bố nói trên, mà ông và các đồng sự còn là những người trực tiếp ra các chỉ thị đó.

Điều này được chứng tỏ bởi một thực tế: đầu tháng 4-1957, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi nhận được báo cáo chính thức về các hành vi phạm tội kể trên, trái với cả những luật định đương thời, Biszku đã không cho mở cuộc điều tra, mà lại chỉ thị đưa những tờ trình đó vào kho lưu trữ.

Lý do là bởi chính ông đã ra lệnh phải trừng phạt không khoan nhượng những người tham gia hoặc có cảm tình với cuộc cách mạng 1956!

“Ngẩng cao đầu vào tù!”

Đó là tuyên bố của Biszku Béla cho một tờ nhật báo Hungary trước khi phiên tòa sở thẩm được mở. Cựu Bộ trưởng Nội vụ cho rằng vụ án xét xử ông là bất công, và việc phiên tòa được mở gần ba tuần trước cuộc tổng tuyển cử Quốc hội Hungary vào đầu tháng 4 chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng sự chú ý của công luận khỏi những vấn đề liên quan tới người dân.


Bản cáo trạng được dựa trên nhiều hồ sơ, tư liệu - Ảnh: Mudra László (origo.hu)


Biszku khẳng định nếu cần, ông sẵn sàng ngồi tù, cho dù ông hy vọng điều đó không xảy ra. Trong phiên xử, Biszku đã không cung khai, và ngồi bất động lắng nghe tên các nạn nhân với gương mặt được giới báo chí cho là vô cảm. Kể cả khi một nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát cuối năm 1956 cũng hiện diện tại tòa, mười một đồng sự của bà đã bị các nhóm vũ trang xả súng bắn chết.

Bên cạnh tội ác chiến tranh, Biszku còn bị buộc tội phủ nhận các tội ác của thể chế cộng sản, một tội danh được điều tiết bởi Bộ Luật Hình sự Hungary. Lý do là trong các chương trình truyền hình, ông đã khẳng định những biện pháp đàn áp sau biến cố 1956 là đúng đắn, việc tử hình vị thủ tướng theo cách mạng Nagy Imre là “đúng tội”, và cho rằng không có gì cần hối lỗi về làn sóng khủng bố thời gian đó.

Trong phiên xử, công tố viên và các chuyên gia đưa ra những thông tin về làn sóng báo thù của chính quyền sau năm 1956 - được coi là cuộc đàn áp lớn nhất trong đời sống chính trị Hungary -, trong khi tại nước này chưa tồn tại nền tư pháp độc lập. 15-16 ngàn người đã bị bắt bớ, tù tội trong quãng thời gian đó, và các trại tập trung đều chật kín tù nhân.

Đứng đầu Bộ Nội vụ thời kỳ 1957-1961, là người trực tiếp lãnh đạo các nhóm vũ trang được nhận định là đã “hoành hành và phá tan tành đất nước”, Biszku Béla phải chịu trách nhiệm về những tội ác diễn ra vào lúc đó. Tuy nhiên, trước vành móng ngựa, bị cáo vẫn chối tội, và cho rằng mình không có liên quan gì, trong khi nhiều người ở cử tọa hô lớn “Tội phạm chiến tranh!”.

Phiên tòa sẽ được tiếp diễn vào ngày 25-3 tới. Những người tham dự phiên tòa cho biết, họ đang chờ đợi xem cơ quan tư pháp Hungary rốt cục sẽ phán xử ra sao trước một vấn đề quan trọng của quá khứ, rằng công lý có được tái lập hay không - nhiều người đã khóc khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Trường hợp khó xử

Biszku Béla là một trường hợp khó xứ đối với cơ quan tư pháp, và cả đời sống chính trị tại Hungary. Trước đây, trong nhiều thập niên liền, không ai nhắc đến những hành vi, cũng như trách nhiệm hình sự của ông - thậm chí, sau những biến chuyển dân chủ năm 1989, nhiều người còn tưởng ông đã chết.

Chỉ tới năm 2010, khi hai nhà làm phim trẻ mở một cuộc “truy lùng những tên tội phạm cuối cùng còn sống sót của thể chế cộng sản” như cách diễn đạt của họ, cái tên Biszku Béla mới được công luận quan tâm trở lại. Mới hay, không chỉ vẫn còn sống, mà Biszku còn được ở tại một biệt thự ở khu sang trọng của thủ đô Budapest, với mức lương hưu gấp 3-4 lần của một thường dân.

Trong bộ phim tư liệu được quay mang tên “Tội ác chưa bị trừng phạt” của hai nhà làm phim nói trên, Biszku nói rằng ông vẫn coi biến cố 1956 là “phản cách mạng”, và không hề tỏ ra áy náy lương tâm vì mấy trăm bản án tử hình dành cho những người tham gia cuộc cách mạng.


Gương mặt vô cảm của Biszku Béla khi nghe tên các nạn nhân - Ảnh: Mudra László (origo.hu)


Cần nói thêm rằng, những chứng cứ còn cho thấy, Biszku đã can thiệp thô bạo vào hoạt động của cơ quan tư pháp: chẳng hạn, trong một phát biểu, ông lên tiếng chỉ trích tòa án Hungary đã đưa ra quá ít án tử hình! Các tư liệu đó, khi được nhắc lại trên báo chí và phim ảnh, đã gây nên một làn sóng phẫn nộ lớn trong công luận Hungary.

Liên tiếp, đã có những nỗ lực được chính giới Hungaray đưa ra để trừng phạt những kẻ bị coi là đã gây tội ác trong quá khứ, như trường hợp Biszku Béla. Thoạt tiên, tháng 8-2010, một dân biểu đảng đối lập JOBBIK tố giác ông vì tội phủ nhận những tội ác của thể chế cộng sản.

Cuối tháng 10-2010, một luật gia gửi đề xuất tới chính quyền, viện dẫn Luật Quốc tế, đề nghị khởi tố Biszku Béla về những tội ác chống lại sự nhân bản. Tuy đơn này bị bác, nhưng nó cũng khiến nội các Hungary, vào ngày cuối cùng của năm 2011, đã phê chuẩn một đạo luật mới cho phép trừng phạt cả tội ác cách đây gần 6 thập niên.

Mang tên Ðạo luật về sự trừng phạt những tội ác được thực hiện dưới chế độ cộng sản cũng như những tội ác chống sự nhân bản, đạo luật khẳng định những tội ác chống sự nhân bản không bao giờ hết thời hiệu. Đối tượng của đạo luật, không giấu giếm, chính là những kẻ như Biszku, hiện cùng lắm chỉ còn vài chục người.

Bên cạnh đó, một số cựu lãnh đạo bị coi là có vai trò quan trọng trong thể chế cũ còn có khả năng bị cắt giảm những nguồn thu nhập và lương hưu, và dành khoản tiền đó để trợ giúp các nạn nhân của cuộc cách mạng 1956 cũng như gia đình, thân nhân họ. Mới đây, một quyết định đã được đưa ra, cho phép đình chỉ các khoản bổng lộc đối với những đối tượng như Biszku Béla.

Ý nghĩa của sự trừng phạt

Ngay từ khi vấn đề Biszku Béla được đưa ra, nhiều người đã đặt câu hỏi: lôi lại một chuyện cũ từ gần sáu thập niên trước để trừng phạt một ông già lâu nay đã trong cảnh gần đất xa trời, để làm gì? Phiên tòa xét xử Biszku mang tính chính trị, trả thù, hay hay đơn thuần vì nhu cầu công lý đòi hỏi? Nếu quyết định bỏ tù Biszku ở tuổi 93, Hungary được gì?

Để trả lời câu hỏi đó, cần nhìn nhận một thực tế: hơn hai thập niên kể từ khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, do đã có những biến chuyển dân chủ từng bước rất sớm từ thập niên 80 thể kỷ trước, nên quá trình chuyển tiếp hầu như rất ôn hòa, không gây nhiều xáo động trong xã hội và đời sống cư dân.

Các viên chức của chế độ cũ nhìn chung ít bị kỳ thị, không ít quan chức cộng sản tiếp tục trở thành những yếu nhân trong Ðảng Xã hội Hungary (MSZP), một trong hai chính đảng mạnh nhất, đã nhiều lần cầm quyền tại Hungary từ năm 1990, cũng như trong bộ máy chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, cũng vì lý do đó, một thập niên trở lại đây, xã hội Hungary trở nên nhạy cảm hơn với quý khứ cộng sản, cho đến nay vẫn bị coi là chưa được xử lý thỏa đáng. Nhiều văn nghệ sĩ, chính khách, nhân sĩ bị báo chí cánh hữu phanh phui là từng hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị, khiến công luận dần dần có nhu cầu trong sạch hóa quá khứ.


Biszku Béla trong bộ phim “Tội ác chưa bị trừng phạt”: không hề hối hận! - Ảnh: Kovács Attila (MTI)


Bên cạnh và song song với những toan tính chính trị của liên minh cầm quyền, muốn lấy vụ án Biszku để “dằn mặt” cánh tả, vụ án Biszku vẫn thỏa mãn và phù hợp với nhu cầu trong sạch và trực diện triệt để với quá khứ, vốn dĩ là ý nguyện của số đông cư dân từng là nạn nhân bị đàn áp, tù đày, hoặc bị theo dõi, chỉ điểm bởi chính quyền cộng sản.

Cho dù có bị bỏ tù hay không, bất kể bản án sẽ được tuyên với Biszku Béla có ra sao đi nữa, thì thông qua phiên tòa này, vẫn có thể rút ra một bài học “nhân quả” cho tương lai: công lý sẽ được thiết lập, dù sớm hay muộn, đối với những nạn nhân và những thủ phạm, và không có một tội ác nào bị bỏ quên, kẻ gieo gió ắt phải gặp bão, cho dù gần sáu thập niên đã trôi qua...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn