Bầu cử Quốc hội Hungary: CÁNH HỮU CHẮC CHẮN TÁI ĐẮC CỬ DÙ NHIỀU BÊ BỐI

Thứ sáu - 04/04/2014 20:55

Trước thềm cuộc tổng tuyển cử Quốc hội Hungary sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật 6-4 tới, các kết quả thăm dò dư luận cuối cùng đều cho thấy, liên minh cầm quyền hiện tại chắc chắn sẽ thắng cử, vượt xa các đảng đối lập.


Liên minh của Thủ tướng đương nhiệm Orbán Viktor chuẩn bị cho chiến thắng liên tiếp lần thứ hai - Ảnh: Huszti István (index.hu)


Thậm chí, theo các kết quả thu được, không loại trừ khả năng Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) và Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP) có thể đạt đa số tuyệt đối (hai phần ba số ghế trong Quốc hội) lần thứ hai liên tiếp, sau lần đầu vào tháng 4-2010.

Như vậy, chính phủ cánh hữu Hungary, sau bốn năm bị rất nhiều điều tiếng, vẫn có cơ hội lèo lái đất nước này thêm một nhiệm kỳ nữa!

Lần đầu bầu theo luật mới

Thực tế, liên minh cầm quyền vốn đã có ưu thế nổi bật do phe đối lập yếu kém, nay lại có thể tận dụng Đạo luật Bầu cử mới, được một số nhà phân tích cho là mang lại ưu thế tuyệt đối cho họ. Được phê chuẩn bởi Quốc hội Hungary mà liên minh cầm quyền cánh hữu chiếm đa số tuyệt đối, đạo luật này được xem như nỗ lực gia tăng và duy trì quyền lực của phe chính phủ.

Với 386 dân biểu được bầu chọn trong hai vòng, hệ thống bầu cử Quốc hội cho đến nay của Hungary khá phức tạp và thường hàm chứa những hồi hộp, bất ngờ cho đến giây phút cuối. Ðạo luật Bầu cử mới đã thay đổi phương thức bầu cử và giảm con số dân biểu: chỉ trong một vòng, các cử tri sẽ chọn ra 199 dân biểu đại diện cho nguyện vọng của mình.

Điều đáng nói là luật mới đã xác định lại sơ đồ các khu vực bầu cử bằng cách có lợi nhất cho liên minh cầm quyền. Cụ thể, 106 khu vực bầu cử được xác định tại thủ đô Budapest và các tỉnh thành khác sao cho những khu vực vốn là nơi liên minh cầm quyền nổi trội thì vẫn được giữ nguyên, còn những nơi mà phe đối lập mạnh thì bị cắt giảm, sáp nhập vào nhau.

Thêm vào đó, một số điều khoản có lợi khác cho phe cầm quyền cũng được đưa vào luật, như bên thắng cuộc trong cuộc bầu cử còn có thể được thêm ghế trong Quốc hội do những tính toán phức tạp, hoặc chỉ cần đa số tương đối cũng đủ để giành được ghế dân biểu.

Ngoài ra, công dân Hung sống ở nước ngoài - trong đó một bộ phận chủ lực là hơn nửa triệu người gốc Hung tại các nước láng giềng được liên minh cầm quyền dễ dàng trao quốc tịch Hung - cũng sẽ được bỏ phiếu và đây có thể là một nguồn ủng hộ, một sức mạnh đáng kể mới cho phe cầm quyền.

Theo các bình luận viên chính trị, với việc khoanh vùng lại các khu vực bầu cử và đưa vào cách tính toán mới, liên minh cầm quyền - và nhất là đảng cánh hữu FIDESZ - vốn đã rất mạnh, còn có thể dễ dàng hơn, thuận tiện hơn trong việc chiếm “thượng phong” trong bầu cử.

Các đại diện phe cầm quyền, khi đệ trình để thông qua đạo luật này, cũng không giấu giếm dụng ý là họ muốn một chính quyền ổn định, bền vững để vượt qua khủng hoảng kinh tế. Và chính quyền đó, theo họ, phải là chính quyền của họ, được coi là đã đưa nước Hung thoát khỏi cảnh khủng hoảng trong nhiều năm nay.

Liên minh cánh hữu: bê-tông hóa quyền lực

Kể từ khi lên nắm quyền vào mùa xuân năm 2010 với đa số tuyệt đối (hơn hai phần ba số ghế trong Quốc hội), liên minh cánh hữu đã có hàng loạt động thái nhằm giữ chặt và gia tăng quyền lực, cũng như, “độc diễn” trên vũ đài chính trị Hungary, bằng các phương tiện pháp luật và trong thực tế.

Hiến pháp mới và Ðạo luật Truyền thông với nhiều nét bị coi là phi dân chủ, theo hướng siết chặt các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí theo hướng có lợi cho phe cầm quyền, đã là đề tài thường xuyên và liên tục trên báo chí, và cả trên bàn nghị sự của chính trường Châu Âu và thế giới.

Công luận và giới ký giả thì phát hiện và lên án gay gắt một số vụ can thiệp của chính quyền vào các kênh truyền thông công cộng, đặc biệt là sự kiểm duyệt, ngụy tạo và giả mạo thông tin, cũng như cung cách đưa tin thiếu khách quan và thiên lệch theo hướng có lợi cho chính phủ.

Tiếp đó, lần lượt ra đời những đạo luật mới, viện dẫn lý do làm trong sạch quá khứ để đưa ra khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự và cắt giảm lương hưu trí của các quan chức cộng sản cũ, và quy trách nhiệm của Ðảng Cộng sản thời xưa cho Ðảng Xã hội Hungary, hiện tại là đảng đối lập lớn nhất.

Dễ dàng nhận ra, đây cũng là cách của liên minh cầm quyền nhằm “dằn mặt” phe tả và trung tả, khiến họ lụn bại về đạo đức trước một bộ phận cư dân.

Về mặt dân sinh xã hội, nội các Orbán cũng tỏ ra hà khắc với những biện pháp đánh vào người cùng khổ như các quy định cấm bới rác để sinh kế, cấm người vô gia cư được lai vãng hoặc ngủ nghê tại những nơi công cộng, v.v... Nhiều tổ chức dân sự đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là sự vô cảm ở mức tàn ác, nhất trong cảnh nước Hung đang khốn đốn vì khủng hoảng thì lớp người nghèo khổ lại bị chính quyền kỳ thị.

Đối ngoại và nỗ lực giành phiếu

Trong vòng hai năm đầu của nội các FIDESZ, uy tín của Hungary trên trường quốc tế suy giảm rõ rệt. Đặc biệt, sáu tháng đầu năm 2011, khi Hungary giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Liên hiệp Châu Âu, nước này đã thất bại hoàn toàn trong các mối quan hệ ngoại giao, và thường xuyên chịu chỉ trích từ nước ngoài.


Liên minh cầm quyền vẫn được nhiều cử tri ủng hộ - Ảnh: Ajpek Orsi (index.hu)

Không chỉ EU, mà Hoa Kỳ cũng nhiều lần tỏ ra quan ngại về sự hình thành và bành trướng của những yếu tố phi dân chủ ở Hungary. Nguy cơ độc tài của Hung đã được nữ đại sứ Hoa Kỳ tại Hungary đề cập tới, theo đó chính phủ nước này cần phải xem xét lại những biện pháp cải tổ có liên quan đến các định chế dân chủ, trong số đó, có Quốc hội, tòa án và truyền thông.

Luôn có những phát biểu cứng rắn, tỏ ra “bất cần” trước các định chế của EU, cho rằng Hungary không chịu làm “nô lệ” cho Châu Âu, Thủ tướng Orbán Viktor thiên về các mối quan hệ với Trung Quốc và Liên bang Nga, được thể hiện rõ trong các nỗ lực hợp tác kinh tế với hai cường quốc này.

Mới đây, chính phủ Hung đã bí mật ký kết một thỏa thuận hợp tác với Nga để mở rộng nhà máy điện nguyên tử tại TP Paks với nguồn tín dụng Nga. Được coi là dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hungary, sự kiện này đã bị phe đối lập và báo chí phê phán, vì cho rằng nó làm tăng sự phụ thuộc tài chính với Nga và hàm chứa những hiểm họa về an ninh.

Thái độ hết sức mềm mỏng, cùng sự phản ứng yếu ớt của Hungary trước can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine và bán đảo Crimea - được xem là trái hẳn với cách hành xử của các quốc gia khác trong khu vực Đông - Trung Âu - cũng là nét bị công luận chê trách, và liên minh đối lập thì chỉ trích gay gắt.

Dầu vậy, trong hai năm cuối của nhiệm kỳ này, liên minh cầm quyền cũng đã thực hiện được nhiều biện pháp dân sinh thực tế, dẫn tới nhiều kết quả được một bộ phận cư dân cho là ngoạn mục. Đó có thể là lý do khiến FIDESZ vẫn tiếp tục được nhiều cử tri ủng hộ.

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nội các FIDESZ đã ép các hãng dịch vụ cung cấp nước, khí đốt, điện... phải hạ giá tiêu dùng 20%, một tỉ lệ đáng kể đối với các gia đình khó khăn. Bằng động thái này, chính phủ đã chinh phục được thiện cảm của không ít người hưu trí, đứng tuổi hoặc nghèo khó, là giai tầng vốn thiên về các đảng cánh tả.

Một số biện pháp thay đổi về thuế má, khiến tầng lớp lao động, viên chức trung lưu có thêm thu nhập - đây là bộ phận có uy tín và đáng kể tại các thành phố lớn, và ý kiến, quan điểm cũng như lá phiếu của họ có ảnh hưởng tới cả những người xung quanh.

Đặc biệt, một số công trình xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng - chủ yếu tại thủ đô Budapst và một vài đô thị lớn - đã được hoàn tất ngay trước kỷ tổng tuyển cử, mang lại ảnh hưởng tâm lý không nhỏ trong cư dân. Trong số đó, phải kể đến tuyến tàu điện ngầm thứ tư của Budapest, được coi là mơ ước suốt hơn bốn thập niên của thủ đô, đã khai trương vào cuối tháng 3.

Tất cả những kết quả mà Chính phủ Hungary coi là “đặt trên bàn” ấy đã tạo thêm sức mạnh cho liên mình cầm quyền, khiến hình ảnh của họ - một tập hợp “vì dân, vì nước”, không quản ngại khó khăn, không ngại cả những xung đột với Châu Âu nếu điều đó cần cho dân cho nước - thêm phần thuyết phục trong mắt nhiều người!

Đối lập yếu kém và bất đoàn kết

Trong khi khẩu hiệu của liên minh cánh hữu trong quá trình vận động tranh cử là “chúng ta đã thực hiện được nhiều hơn cả những gì dự định”, thì đặc trưng cho phe đối lập Hungary là bất lực, không có được những hành động và đa số cử tri coi là mang tính thực tế, chứng tỏ được sức mạnh và độ nghiêm túc của mình.

Không những yếu kém về lực, mà đối lập Hungary từ nhiều tháng nay còn bất lực trong việc tìm ra một gương mặt chung, khả dĩ, để có thể đọ được với Thủ tướng Orbán Viktor. Cho dù các đảng cánh tả đã tập hợp trong một liên minh tranh cử thoạt tiên mang tên “Đoàn kết”, và gần đây lấy tên “Thay đổi chính phủ”, nhưng liên minh này vừa không đoàn kết, lại vừa ít có khả năng thay đổi nội các hiện tại.

Các lãnh tụ của khối cánh tả như hai cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc và Bajnai Gordon, hay cựu bộ trưởng, thành viên trụ cột của FIDESZ từ thời sáng lập Fodor Gábor... đều là những người nổi tiến vào thời của họ, nhưng tới giờ bị công luận coi là những khuôn mặt đã quá cũ, không còn sức đổi mới, sáng tạo trong chính trị.

Điển hình cho sự yếu kém của cánh tả Hungary và tương quan lực lượng với liên minh cánh hữu, là việc Thủ tướng Orbán Vikor không chấp nhận lời thách đấu - cho một cuộc đấu khẩu - của ông Mesterházy Attila, Chủ tịch Đảng Xã hội Hungary, hiện là ứng viên thủ tướng của liên danh cánh tả.

Lý do là đôi bên không phải là những đối thủ cùng một “hạng cân”, và FIDESZ chắc chắn vào chiến thắng nên không cần đi vào một cuộc chiến không cần thiết, và chỉ có thể có hại cho họ. FIDESZ còn không buồn đưa ra một cách cụ thể chương trình hành động cho nội các mới mà rất nhiều khả năng vẫn tiếp tục là họ, vì cánh tả quá yếu kém.

Vì sự chênh lệch quá lớn trong tương quan lực lượng, quá trình vận động tranh cử lần này tại Hungary khá buồn tẻ. Nếu như trong nỗ lực cuối cùng ngày bầu cử, cánh tả chỉ kêu gọi được chừng 75 ngàn người hâm mộ xuống đường, thì liên minh chính phủ đã không mấy khó khăn để có tới nửa triệu người tham gia tuần hành ủng hộ!

Sự xuống dốc của cánh tả Hungary tạo điều kiện để đảng cực đoan JOBBIK tiếp tục chiếm thêm được thiện cảm của nhiều cử tri Hungary. Ngoài ra, chỉ có LMP (đảng “Chính trị có thể khác”, một chính đảng theo xu hướng Đảng Xanh) là có khả năng vừa vặn đạt tỉ lệ vào Quốc hội, theo những thăm dò cuối cùng trước kỳ bầu cử.

Tương lai Hungary

Câu hỏi được đặt ra là tương lai Hungary sẽ ra sao xét về mặt kinh tế, tài chính nếu liên minh cánh hữu hiện tại tiếp tục nắm quyền thêm bốn năm? Mới đây, một viên nghiên cứu và phân tích chiến lược cho rằng nếu FIDESZ thắng cử thì môi trường kinh doanh tại Hung sẽ tiếp tục tệ đi, xét về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Viện này cho rằng, xác suất để liên minh cầm quyền hiện tại đạt đa số tuyệt đối (hai phần ba số ghế trong Quốc hội) là 50%. Trong trường hợp đó, có thể coi kết quả ấy như một sự tái xác nhận, tái phê chuẩn cho việc liên minh này đã từng phá bỏ hệ thống phanh hãm và đối trọng trong chính trị, và hệ chính trị sẽ càng được tập trung vào tay họ.

Dự đoán, một nội các FIDESZ trong bốn năm tới sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp “phi chính thống” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và bài trừ các yếu tố ngoại quốc trên thị trường kinh doanh. Như đã làm với mặt hàng thuốc lá, chính quyền tiếp tục can thiệp để chia chác lại thị trường trong nhiều khu vực kinh doanh.

Do vậy, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chiến thắng của FIDESZ không đem lại điều gì tích cực. Liên minh cánh tả có cái nhìn thân thiện hơn đối với thị trường, nhưng khả năng giành thắng lợi của họ có thể bỏ qua, theo phân tích này.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn