CUỘC CHIẾN GIỮA CHÍNH PHỦ VÀ GIỚI TRUYỀN THÔNG QUANH “THUẾ QUẢNG CÁO”

Thứ hai - 09/06/2014 21:52

(NCTG) Tại Hungary, một quốc gia ngày mà truyền thông càng bị chính trị hóa, lần đầu tiên giới báo chí đã đồng loạt nổi dậy chống một dự luật về loại “thuế quảng cáo” bị xem là thủ đoạn trấn áp báo chí. Ngày 5-6-2014, trong vòng mười lăm phút, mấy chục kênh truyền thanh, truyền hình đều ngưng phát sóng trong khi báo giấy để trắng cả trang.


Đoàn biểu tình vì tự do báo chí bên cây cầu cổ nhất bắc qua sông Danube (Budapest, tối 9-6-2014) - Ảnh: Kettős Mérce blog


Tổng cộng, hơn 60 cơ quan truyền thông đã đồng lòng tham gia cuộc chiến chống bàn tay của nhà nước. Sự kiện này diễn ra đồng thời với một bê bối truyền thông khác, khi TBT tờ báo mạng lớn nhất của Hungary origo.hu phải ra đi vì những lý do không rõ ràng, mà truyền thông và công luận cho rằng vì ông đã để tờ báo của mình có những loạt bài chỉ trích các thành viên chính phủ.

Những động thái trên khiến sự hoạt động của truyền thông Hungary, vốn đã khó khăn bởi những điều khoản trong Đạo luật Truyền thông mới được phê chuẩn cách đây vài năm, giờ thêm phần khó khăn. Đặc biệt, “thuế truyền thông” có thể khiến “bản đồ báo chí” Hungary với những “nhân vật” chủ đạo của nó phải được vẽ lại!

“Thuế truyền thông” đè nặng lên báo chí

Năm ngoái, Bộ trưởng Kinh tế Quốc gia Hungary Varga Mihály còn tuyên bố rằng trong năm 2014 sẽ chưa có một loại thuế mới mang tên “thuế truyền thông”. Cũng chính ông, vào ngày 3-6, đã phát biểu trên Kênh Truyền hình Quốc gia rằng “khả năng lớn là sẽ có thuế truyền thông” vì một dự luật có liên quan đã được khởi thảo.

Chỉ vỏn vẹn vài giờ sau, dân biểu L. Simon László - được coi là chính khách phụ trách văn hóa của đảng cầm quyền FIDESZ đã đệ lên Quốc hội một dự thảo luật cho phép quy định bổn phận đóng “thuế truyền thông” ngay trong năm nay, và luật sẽ có hiệu lực một tháng sau khi được công bố.

Với đa số áp đảo hai phần ba số ghế trong Quốc hội, chắc chắn dự luật sẽ được thông qua, đặt thêm một gánh nặng rất lớn cho báo chí, đặc biệt là thể loại báo hình, tức các kênh truyền hình. Điều đáng nói là chính quyền Hungary không hề bàn bạc, trao đổi với các đại diện của công nghiệp truyền thông khi đưa ra loại thuế mới này.

Cụ thể, dự luật nhằm vào khoản doanh thu từ quảng cáo của các cơ quan truyền thông, và đánh thuế nó tùy theo từng mức doanh thu. Năm ngoái, mức thuế cao nhất chỉ mới là 20%, nhưng dự luật lần này cho phép nhà nước thu tới 40% doanh thu của báo chí đối với những khoản thu từ quảng cáo vượt quá 20 tỉ Ft (gần 10 triệu USD).

Báo chí Hungary cho rằng khoản thuế mới sẽ chỉ đem đến cho nhà nước Hungary một khoản thu không đáng kể: chừng 11-12% ngân sách dành cho truyền thông công ích. Tuy nhiên, nó có thể đem lại hậu quả thảm khốc đối với nhiều cơ quan truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền hình, và đặc biệt, có thể hạn chế một cách đáng kể nền tự do báo chí.

Giới truyền thông “kháng cự” quyết liệt

Phản ứng trước quyết định mới này của chính quyền, một làn sóng đoàn kết chưa từng có trong truyền thông Hungary đã diễn ra. Những tờ nhật báo lớn nhất - xưa nay luôn kình địch và đứng ở những chiến hào khác nhau, như “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) và “Dân tộc Hungary” (Magyar Nemzet) - nay cùng nhau đưa ra quan điểm phản đối đồng nhất.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Quảng cáo Hungary, hơn 60 tổ chức uy tín nhất hoạt động trong công nghiệp truyền thông của Hung đã tham gia một chiến dịch vào ngày 5-6 để phản đối “thuế truyền thông”: trong vòng mười lăm phút, các kênh truyền hình phát đi một màn hình tối, các kênh phát thanh cho đọc lời tuyên bố phản đối, báo in để trắng cả trang báo, và báo mạng cũng đưa ra giao diện tối màu.

Vào hồi 6 giờ tối ngày 9-6, một cuộc biểu tình đã được triệu tập để bày tỏ sự đồng cảm với TBT tờ origo.hu bị thôi việc, phản đối “thuế truyền thông” và biểu thị tinh thần đoàn kết đối với các tổ chức dân sự bị chính quyền làm khó dễ. Đoàn tuần hành đã tụ tập rồi đi qua những địa điểm mang tính biểu tượng của thủ đô Budapest như Quảng trường Kossuth (nơi tọa lạc Tòa nhà Quốc hội Hungary), Cầu Xích (Lánchíd, cây cầu cổ nhất bắc qua sông Danube), v.v...

Giới truyền thông quốc tế cũng nhanh chóng để ý tới sự kiện này. Tên trang blog của ban biên tập tờ “Bưu điện Washington” (Washington Post), một tác giả có tên là Margit Feher (khả năng là người gốc Hung) đã có một bài dài, trong đó nhà báo này lưu ý rằng chiến dịch phản đối đã thu hút được sự tham dự của nhiều cơ quan truyền thông vốn được coi là thân chính quyền.

Theo Margit Feher, “thuế truyền thông” có thể liệt vào hàng những loại thuế riêng mà chính phủ cánh hữu FIDESZ đưa ra nhằm vào các ngạch dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, các hãng cung cấp điên, nước, ga sưởi, v.v... mà chủ sở hữu thường là các doanh nghiệp ngoại quốc, mà chính quyền Hungary cho rằng trong những năm qua đã hoạt động quá lời lãi, và do đó phải đánh thuế họ.

Tác giả bài báo dẫn lời ông Urbán Zsolt, Chủ tịch Liên đoàn Quảng cváo Hungary (MRSZ), theo đó “thuế truyền thông” sẽ mang lại những hậu quả khôn lường và tương lai của truyền thông Hungary sẽ rất đen tối. các chương trình truyền hình chất lượng sẽ ngày một ít đi, cũng như mọi hoạt động văn hóa (hòa nhạc, triển lãm, lễ hội, v.v...) sống bằng quảng cáo, hoặc chủ yếu bằng quảng cáo.

Kết quả là lượng quảng cáo sẽ giảm đi đáng kể, các nội dung, chương trình truyền thông bị ảnh hưởng là phải tốn nhiều kinh phí để thực hiện, công ăn việc làm của rất nhiều người bị ảnh hưởng. Trong khi, như đã nói, mục đích của việc “tận thu” khoản thuế mới này hoàn toàn không phải để tăng một cách đáng kể ngân sách quốc gia.

Vậy mục đích của nó là gì?

Vì sao nên nỗi?

Mạng tin Süddeutsche.de trong bài “Dưới sức ép” điểm lại những “hung tin” trong hoạt động của nền truyền thông Hungary, rồi đặt một câu hỏi chua chát: “Điều gì đang xảy ra ở Hungary?”. Để trả lời, bài viết nhắc lại sự ra đời của Đạo luật Truyền thông hạn chế tự do báo chí cách đây bốn năm, và cho rằng “thuế truyền thông” là một công cụ cưỡng chế càng làm khó dễ cho nền truyền thông Hungary.

Tờ báo Đức đưa ra ý kiến thằng thừng: mục đích của chính quyền Hungary là giám sát kinh tế và truyền thông về mọi mặt, vì bằng cách ấy, Thủ tướng Orbán Viktor sẽ còn đạt được uy quyền hơn hiện tại trong nền truyền thông Hungary!

(*) Bài viết đã trích đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn