Bầu cử Quốc hội Hungary: ÁP DỤNG LUẬT MỚI, CÁNH TẢ ĐẠI BẠI

Thứ hai - 07/04/2014 22:37

(NCTG) Lần thứ hai trong lịch sử các cuộc bầu cử tự do tại Hungary kể từ năm 1990 trở lại đây, có một liên minh cầm quyền có thể đạt được đa số tuyệt đối (hai phần ba số ghế trong Quốc hội), và “kỳ tích” này, cũng lần thứ hai, có thể vẫn thuộc về liên minh cánh hữu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) và Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP).


Đi bầu trong trang phục truyền thống dân tộc ở vùng Veresegyház - Ảnh: Balogh László (Reuters)

Trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội tiến hành vào ngày hôm qua 6-4-2014, theo những kết quả sơ bộ với 98,97% số phiếu đã được kiểm, liên minh FIDESZ-KDNP tiếp tục thắng lớn với 44,54% số phiếu bầu. Về thứ nhìn là liên minh đối lập cánh tả MSZP-EGYÜTT-DK-PM-MLP với 25,99% số phiếu.

Hai vị trí ba và tư thuộc về đảng cực hữu JOBBIK (20,54%) và Đảng Chính trị có thể khác (LMP, một chính đảng theo khuynh hướng Đảng Xanh, 5,26%). Như vậy, cho tới hiện tại, liên minh cầm quyền cánh hữu được 133 ghế trong Quốc hội, tiếp đó, tới liên minh đối lập cánh tả (38 ghế), đảng JOBBIK (23 ghế) và đảng LMP (5 ghế).

Điều lý thú là với 133 ghế, liên minh FIDESZ-KDNP đang ở ngưỡng của “đa số tuyệt đối” (tỉ lệ hai phần ba) trong Quốc hội: chỉ cần thêm một ghế nữa là trên nguyên tắc, họ có thể hoàn toàn “độc diễn” trên chính trường Hungary như trong bốn năm qua (sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật căn bản đòi hỏi hai phần ba số phiếu thuận), mà không cần đến sự ủng hộ của phe đối lập.

Chiếc ghế này, FIDESZ-KDNP có thể có được trong cuộc ganh đua cho đến giờ vẫn căng thẳng và tạm thời “bất phân thắng bại” tại hai khu vực bầu cử - kết quả sẽ được quyết định sau khi kiểm hết các phiếu của người Hung sinh sống ở nước ngoài, hoặc đang tạm thời cư trú ở ngoài nước (chính thức là từ nay tới ngày 25-4).

Luật mới có lợi cho phe cầm quyền

Ngay từ khi Đạo luật Bầu cử mới được thông qua cách đây hai năm, các bình luận viên chính trị đã nhận xét rằng thông qua công cụ pháp luật này, liên minh cầm quyền có thể củng cố thêm ưu thế vốn đã rất vượt trội của họ. Điều này đã được xác nhận bởi những kết quả trong trong kỳ tổng tuyển cử này.


Liên minh đối lập cánh tả không đạt được kết quả như mong đợi - Ảnh: index.hu

Lần đầu tiên, cử tri Hung đi bỏ phiếu cho 199 ghế dân biểu (thay vì 386 như trước đó), và chỉ trong vòng một ngày (thay vì hai vòng như trước). 199 nghị sĩ sẽ đến từ hai “nguồn”: 106 nghĩ sị thắng cử trực tiếp tại các khu vực bầu cử trên toàn quốc, và 93 nghị sĩ được chọn từ các danh sách “đảng cử”.

Nhìn các con số, có thể thấy rằng đảng FIDESZ đã mất tối thiểu 600 ngàn phiếu của cử tri trong nước (và bù lại, đảng này có được thêm 100 ngàn phiếu từ những Hung kiều ở các nước láng giềng, được tái nhập tịch dễ dàng căn cứ Đạo luật Quốc tịch sửa đổi do liên minh cầm quyền chủ trương).

Thậm chí, thống kê cho thấy, từ năm 2002 tới nay, chưa có kỳ bầu cử nào mà FIDESZ nhận được ít phiếu như trong lần này. Trong khi đó, cho dù ít cử tri đi bỏ phiếu hơn cách đây bốn năm, con số cử tri bỏ phiếu cho liên minh đối lập cánh tả đã tăng hơn 200 ngàn so với năm 2010.

Vậy mà với hệ thống bầu cử mới, FIDESZ vẫn thắng lớn và cánh tả bị coi là đại bại. Trong số những yếu tố mà giới quan sát từng đánh giá là sẽ củng cố lợi thế của FIDESZ, chỉ có số phiếu của Hung kiều vừa nhập tịch ở nước ngoài là ít hơn nhiều so với chờ đợi, và cùng lắm là chỉ có vai trò quyết định số phận của một ghế dân biểu.

Tuy nhiên, không loại trừ là trong những tính toán cuối cùng, chính một ghế đó lại vẫn đem lại cho liên minh cầm quyền thế “thượng phong” tuyệt đối trong Quốc hội (tỉ lệ hai phần ba số ghế!).

Cánh tả thất bại thảm hại

Thật ra, sự “hụt hơi” của đối lập cánh tả là điều đã được các hãng thăm dò dư luận cảnh báo từ lâu - có chăng, sự bất ngờ chỉ đến ở chỗ, tại nhiều khu vực bầu cử, ứng viên cánh tả còn không giữ được vị trí thứ nhì (sau ứng viên của liên minh cầm quyền), mà còn phải chịu tụt hậu sau đại diện của đảng cực hữu JOBBIK.


Phe cầm quyền hiện tại sẽ tiếp tục chiếm thế “thượng phong” trong Quốc hội

Như những phát biểu có lẽ là thành thật của một số lãnh đạo cánh tả, tạm bỏ ra ngoài những lợi thế mà phe cầm quyền đã dựa vào đa số tuyệt đối trong Quốc hội để tạo dựng và đảm bảo cho mình từ trước kỳ bầu cử, tập hợp của cánh tả, trong trạng thái như hiện tại, là không đủ hấp dẫn với đa số cử tri Hungary.

Nhóm thủ lĩnh cánh tả - hai cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc và Bajnai Gordon, hay “lão tướng” Fodor Gábor - đều đã từng là những gương mặt “có hạng” trên chính trường Hungary, nhưng cá nhân họ - trong tình huống vừa rồi - không đủ để thu hút đông đảo cử tri, còn ứng viên thủ tướng Mesterházy Attila thì dường như chưa đủ tầm.

Thoát thai từ Đảng Cộng sản Hungary, Đảng Xã hội Hungary (MSZP) - trong một thời gian dài sau 1990 là một trong hai đảng hàng đầu của nước Hung - giờ đã tỏ ra hoàn toàn kiệt quệ, cho dù, tất cả các gương mặt cũ - thường bị các đối thủ chính trị cho là có dính líu với ý thuúc hệ và quá khứ cộng sản - đều đã rời khỏi đảng.

Báo chí Hungary đặt câu hỏi: trong trạng thái như hiện tại, liệu trong vòng bốn-tám năm tới, MSZP có thể có cơ hội “thay đổi chính phủ”, như cái tên mà liên minh cánh tả đã tự đặt cho mình trong kỳ bầu cử năm nay? Và câu trả lời của truyền thông là khá bi quan đối với chính đảng lớn này: rất khó hình dung được khả năng ấy!

Một khả năng khả dĩ được nêu ra nếu MSZP muốn đứng dậy từ đống tro tàn: phải có chính sách “đi sâu, đi sát” để tiếp cận được những giai tầng ngày càng trở nên cùng khổ, không lối thoát và cần được bảo vệ lợi ích trong xã hội. MSZP đã thất bại ở hầu hết các tỉnh, thành ngoài Budapest có thể vì đã bỏ qua những con người ấy!

Tuy nhiên, như nhận định của báo giới Hungary, rất khó tìm thêm được những cổ động viên mới cho chính đảng này. Đặc biệt, giới trẻ không những không bằng lòng với hình thức của tập hợp cánh tả như đang có, và họ còn thất vọng với cả nội dung mà liên minh này đưa ra trong thời gian tranh cử mới đây...

Nguyễn Hoàng Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn