TBT tờ Origo, ông Sáling Gergő
TBT tờ báo trực tuyến lớn nhất của Hungary bị sa thải với nguyên nhân bị coi là chỉ trích chính quyền, nhiều nhà báo uy tín thôi việc, các tờ báo trước nay có quan điểm trái ngược đồng thanh lên tiếng phản đối sự vi phạm tự do ngôn luận, công luận Hungary một lần nữa lại dậy sóng - đó là những sự kiện xảy ra từ hôm 2-6 tới nay, kể từ khi ông Sáling Gergő đột ngột phải ra đi.
Mối quan hệ căng thẳng với chính quyền
Sự việc diễn ra ở tờ báo trực tuyến origo.hu, mạng tin lớn nhất và có lượng độc giả cao nhất của Hungary, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần viễn thông Telekom Hungary (Telekom Hungary thuộc sở hữu của tập đoàn viễn thông Telekom của Đức, một doanh nghiệp lớn mà nhà nước Đức giữ một phần cổ phần).
Telekom thông báo rằng, sở dĩ họ cho thôi việc ông Sáling Gergő, người đã làm việc ở báo từ mười hai năm nay, là vì lý do tái tổ chức cho phù hợp hơn với hiện trạng của Origo. Tuy nhiên, truyền thông Hungary thì cho rằng từ lâu nay, mối quan hệ giữa Ban biên tập (BBT) Origo và chủ sở hữu tờ báo đã căng thẳng, và việc vị TBT phải rời cương vị là bởi chính quyền gây áp lực, do ông và tờ báo đã có loạt bài chỉ trích chính quyền.
Cụ thể, Origo đã có loạt bài phóng sự điều tra liên quan đến “gia sản đen”, hoặc việc tiêu xài tiền nhà nước - mà họ cho là vô độ - của một số chính khách hàng đầu của phe cầm quyền và đảng FIDESZ. Bên cạnh đó, Origo còn tẩy chay một hoạt động chung cuộc của đảng FIDESZ trong kỳ bầu cử Quốc hội vừa rồi, để phản đối việc đảng này không cho đại diện nhiều tờ báo đối lập mà họ không ưa tham dự.
Điều đó khiến chính quyền Hungary coi Origo - mạng tin được coi là trung lập nhất tại nước này - là mang tính đối lập và tìm cách gây áp lực lên tờ báo thông qua các doanh nghiệp là chủ sở hữu của báo. Trong đó, Telekom Hungary có được một phần đáng kể doanh thu của mình là thông qua những hợp đồng làm ăn với chính quyền.
Bên cạnh đó, hoạt động của Telekom Hungary cũng phụ thuộc một cách đáng kể vào mối quan hệ của họ với chính quyền. Để chính phủ khỏi gây khó dễ, một giải pháp dễ hiểu là cần hạn chế sự độc lập và “manh động” của tờ báo thường gây khó chịu cho chính quyền mà họ là chủ sở hữu, theo nhận định của báo chí Hungary.
Do đó, theo những thông tin sơ bộ được rò rỉ, giữa Telekom Hungary và chính phủ đã có một thỏa thuận ngầm, theo đó, tập đoàn truyền thông này hãy “kìm” tờ báo lại, hoặc “thả nổi” nó, hạn chế những chỉ trích đối với chính quyền tại đó. Một số nguồn tin cho rằng, Telekom Hungary đã “buông tay” đối với tờ báo mạng lớn nhất của nước Hung từ cuối năm 2013.
Việc sa thải TBT Sáling Gergő chỉ là một bước đi tiếp, một giọt nước trong ly nước đã tràn ly, khi gần đây nhất, Origo tiếp tục có bài phóng sự điều tra chỉ ra rằng ông Lázár János, một yếu nhân của đảng cầm quyền FIDESZ, đã tiêu xài quá mức bằng tiền nhà nước trong những chuyến xuất ngoại mà mục đích bị coi là mù mờ, không sáng tỏ.
Truyền thông dậy sóng
Giới báo chí và công luận Hungary đã có phản ứng gay gắt trước việc ông Sáling Gergő - một người mà trình độ báo chí và quản lý được đánh giá là không có gì có thể chê trách - phải ra đi vì lý do chính trị. Bất bình trước quyết định này, BBT tờ báo đã cho đăng một loạt bài viết phản đối, vạch trần những góc tối trong vụ việc.
Ông Lázár János, Quốc vụ khanh phụ trách Văn phòng Thủ tướng, người chỉ đạo Cục Thông tin (phụ trách tình báo nước ngoài), Phó Chủ tịch đảng FIDESZ, người có tầm ảnh hưởng thứ năm tại Hungary theo một điều tra năm 2014, bị coi là đã tiêu xài “quá trớn” khi trong bảy ngày ở nước ngoài (khả năng là chỉ bốn đêm ở khách sạn), ông cùng một đồng sự đã tiêu hết gần hai triệu Ft (tương đương 9.200 USD) tiền công quỹ quốc gia - Ảnh: Hajdú D. András (origo.hu)
Nhiều nhà báo, cộng tác viên của Origo - trong đó có cả những ký giả cựu trào, đã gắn bó gần hai chục năm với tờ báo - cũng tuyên bố chấm dứt công việc tại Origo, vì cho rằng sự can thiệp của chính quyền khiến tờ báo không còn giữ được vai trò phản biện xã hội và truyền thông trung thực. Bản thân ký giả viết bài phê phán vị chính khách Lázár János đã nhắc tới ở trên cũng từ giã Origo.
Điểm đáng nói ở đây là đối thủ lớn nhất của tờ origo, một tờ báo mạng khác là index.hu đã không tận dụng cơ hội hiếm có này để triệt hạ hoặc “chơi xấu” đối thủ kinh doanh. Ngược lại, họ đã lập tức cho ra một bài xã luận rất mạnh mẽ, bênh vực đồng nghiệp với tiêu đề “Chúng tôi muốn Origo được tự do”. Bài viết khẳng định, “
tại Hungary có thể và cần lo ngại thường xuyên cho tự do báo chí”.
Xã luận của Index vạch ra rằng, trong vòng hơn hai mươi năm nay, giới chính trị thượng đỉnh luôn tìm cách gây áp lực lên truyền thông và họ đã đạt được kết quả, khi ít, khi nhiều. Nền truyền thông công ích bị đánh giá là trong trạng thái tồi tệ, và bị chi phối bởi sự chỉ đạo và kìm hãm của chính quyền thông qua việc cung cấp tài chính cho hoạt động của nó.
Index nhận định: không chỉ đối với truyền thông công ích, mà chính quyền Hungary còn tìm cách gây ảnh hưởng đến toàn thể giới truyền thông Hungary bằng rất nhiều cách như phân chia quảng cáo cho những cơ quan truyền thông thân chính phủ, can thiệp trong vấn đề chủ sở hữu, hăm dọa với khoản thuế quảng cáo, hoặc đơn giản nhất là gọi điện thoại hạch sách, đòi hỏi.
Bằng cách ấy, về căn bản, Index cho rằng chính quyền Hungary đã đạt được mục tiêu đề ra: nhiều tờ báo bó gối “đầu hàng”, đứng vào hàng ngũ những kẻ phục vụ chính quyền, từ bỏ sự xác tín nghề nghiệp và trở thành những cái loa phát thanh cho đảng phái. Bây giờ, đến lượt Origo, được coi là thành trì vững chắc nhất của báo chí Hungary, bị trở thành nạn nhân.
Index nhấn mạnh: từ 15 năm nay, Origo và họ là hai đối thủ lớn nhất của nhau, nhưng việc đối thủ của họ gặp nạn cũng là một tin bi thảm đối với họ, bởi lẽ, chỉ có thể làm báo tốt nếu có những đối thủ mạnh mẽ. Index nêu lên sự quan ngại, bày tỏ tình đoàn kết với đồng nghiệp, và hy vọng truyền thông Hungary có thể tiếp tục làm việc một cách độc lập, không lệ thuộc và với niềm tin vào nghề nghiệp của mình.
Ngay sau khi tin TBT Sáling Gergő bị buộc thôi việc được báo chí đăng tải, hàng ngàn người - trong đó có nhiều nhà báo - đã xuống đường tuần hành để phản đối. Đoàn tuần hành tự phát đã đi qua những đường phố chính của thủ đô Budapest, rồi tập trung trước Nhà Quốc hội Hungary, tại đó, họ đã bày tỏ tình đoàn kết với giới ký giả và cho hay sẽ tiếp tục chiến dịch phản đối chính quyền vì sự vi phạm tự do báo chí.
*
Từ bốn năm nay, với việc đưa ra bản Hiến pháp mới và Đạo luật Truyền thông mới bị coi là bóp nghẹt tự do ngôn luận và các quyền khác, cũng như sự tổ chức lại các cơ quan quản lý truyền thông theo mô hình tập trung quyền lực, liên minh cầm quyền tại Hungary - với hơn hai phần ba số ghế trong Quốc hội - đã vi phạm quyền tự do báo chí tại nước này một cách trầm trọng, theo giới truyền thông Hung và các cơ quan chức năng EU.
Biểu tình tự phát phản đối việc chính quyền hạn chế tự do báo chí - Ảnh: index.hu
Với động thái mới này, cho dù chính quyền và chủ sở hữu tờ Origo bác bỏ sự can thiệp của chính trị, nhưng truyền thông và công luận Hungary đều cho rằng có dấu hiệu có cơ sở cho thấy, tự báo báo chí, tự do ngôn luận tại Hung bị xâm phạm thêm một bước nữa. Điều đáng nói là giới báo chí đã đồng lòng và như thế, khả năng là các cơ quan truyền thông lớn sẽ đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc đấu tranh với chính quyền…