Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.): KẾT THÚC CHUỖI THÀNH CÔNG?

Thứ năm - 14/10/2010 04:26

Căn cứ điều luật vừa được Quốc hội Hungary thông qua đêm 12-10-2010, quyết định của Chính phủ Hungary cho phép đặt mọi hoạt động của Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) dưới sự giám sát và quản lý của Nhà nước có thể chấm dứt chuỗi thành công của một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, một “điển hình tiên tiến” trong quá trình tư hữu hóa diễn ra cách đây hai thập niên tại Hungary.

Đoạn vách chắn định mệnh - Ảnh: index.hu

Thừa hưởng một di sản đang trên đà sụp đổ của nền công nghiệp nhôm Hungary, tận dụng những cơ hội và cả những kẽ hở trong quá trình tư hữu hóa, các lãnh đạo chủ chốt của MAL Zrt. đã lèo lái một cách khéo léo tập đoàn này trong vòng 15 năm qua và biến nó trở thành doanh nghiệp chiếm 12% thị phần ở Châu Âu và 4% thị phần trên toàn thế giới trong công nghiệp chế biến quặng bauxite, alumin và nhôm.

Tuy nhiên, trong chuỗi những thành công ấy, có lẽ không bao giờ giới lãnh đạo MAL Zrt. lại hình dung được rằng, yếu tố khiến họ có thể bị “trắng tay” không phải là cuộc khủng hoảng tài chính, cũng không phải sự thất bát trong kinh doanh, mà là một thảm họa sinh thái được coi là “vô tiền khoán hậu” tại Hungary và trên toàn thế giới, khi sự cố vỡ bể chứa và tràn bùn đỏ khiến 8 cư dân bị thiệt mạng, hơn 150 người bị thương và phải điều trị trong bệnh viện, hàng ngàn héc-ta đất canh tác và khu dân cư bị hủy hoại.

Quá khứ huy hoàng

Để tìm hiểu sự hình thành và đường đi nước bước của MAL Zrt., cần trở lại những thập kỷ “vàng son” của Hungary trong ngạch công nghiệp nhôm. Đầu thế kỷ 20, Vương quốc Hungary đã có những cơ sở khai thác quặng bauxite và vào năm 1917, đã có tới 150 ngàn tấn bauxite được chở sang Đức - cường quốc hàng đầu trong công nghệ nhôm ở Châu Âu đương thời - để tiếp tục chế biến thành nhôm tinh chất.

Thời gian sau đó, nhận biết được trữ lượng bauxite đáng kể tại Hungary, nhiều nhà tư bản Đức đã đầu tư mở các nhà máy chế biến quặng nhôm và alumin ở nước này. Thế chiến thứ hai chấm dứt, Hiệp định Potsdam cho phép các doanh nghiệp có sở hữu của Đức được chuyển sang cho Liên Xô và nền công nghiệp nhôm của Hungary cũng được coi như một nguồn chủ đạo để nước Hung bồi hoàn tổn thất chiến tranh cho Liên bang Xô-viết.

Trong nhiều thập niên, trên cơ sở các thỏa thuận giữa Hungary và Liên Xô, nước Hung trở thành nhà cung cấp alumin cho Liên Xô với định mức hàng năm được Moscow quy định. Ước tính, trong giai đoạn từ năm 1926 đến 1995, Hungary đã khai thác gần 88 triệu tấn bauxite, trong đó 70% được thực hiện dưới các mỏ ngầm dưới lòng đất. Sản lượng bauxite được khai thác nhiều nhất là vào năm 1980 (gần 3 triệu tấn, đứng thứ 7 trên thế giới).

Tuy sự hợp tác Hungary - Liên Xô được cho là hiệu quả trên phương diện kinh tế quốc dân, nhưng hậu quả của sự phân công công việc thời đó là Hungary phải gánh chịu vài chục triệu m3 bùn đỏ đọng lại qua năm tháng mà nước này không có điều kiện xử lý được một cách thật rốt ráo, đó chính là nguyên nhân tiềm ẩn của sự cố tràn bùn vừa qua.

Vươn lên từ hoang tàn

Đầu thập niên 90, khối XHCN sụp đổ, hiệp định hợp tác giữa Hungary và Liên Xô trong lĩnh vực chế biến bauxite và nhôm hết thời hiệu và không được gia hạn, nước Hung mất đi một nguồn đặt hàng lớn trong công nghiệp nhôm. Đồng thời, giá năng lượng tăng đáng kể và giá nhôm giảm nhiều do trữ lượng bauxite lớn được phát hiện tại Nam Mỹ đặt công nghiệp nhôm Hungary vào thế ngắc ngoải.

Tuy nhiên, khác với những ngạch công nghiệp khác, Tổng công ty Nhôm Hungary (MAT) - quy tụ tất cả các đơn vị sản xuất và chế biến bauxite, alumin và nhôm của nước Hung - đã không bị tư hữu hóa ngay, và thông qua một quyết định chính trị của nội các Hungary trong thời kỳ 1990-1995, nó đã được “ổn định hóa bằng những phương tiện ít tốn kém cho ngân sách quốc gia”. Dầu vậy, cho đến năm 1993, mặc dù đã nhận được mọi sự hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp này vẫn bị một khoản nợ khổng lồ là 10 tỷ Ft.

Trong thực tế, với thời gian, MAT đã được xé nhỏ ra làm nhiều mảnh để có được doanh thu cho hãng. Năm 1995, một phần đáng kể của MAT rơi vào tay Công ty cổ phần Nhôm Hungary (MAL Zrt.), được lập ra bởi một nhóm các doanh nhân từng dày dạn kinh nghiệm trong công nghiệp nhôm, có quan hệ tốt với chính giới và tài ba trong kinh doanh.

Đó là các ông Petrusz Béla (tổng giám đốc đầu tiên của MAL Zrt.), Tolnai Lajos (chủ tịch khi đó của MAL Zrt., hiện vẫn giữ cổ phần chính của hãng) và Bakonyi Árpád (con trai ông, Bakonyi Zoltán, hiện là giám đốc điều hành tập đoàn). Cho đến nay, bộ “tam mã” này vẫn giữ vai trò và sở hữu chính trong Tập đoàn Nhôm Hungary và trở thành các doanh nhân có gia sản lớn trong bảng xếp hạng năm nay của tờ “Nhật báo Kinh tế” (ông Tolnay đứng thứ 21, các ông Bakonyi và Petrusz đứng thứ 28).

Sự thành công của MAL Zrt. trong những năm qua đã cứu vãn nền công nghiệp nhôm Hungary từ đống hoang tàn, bản thân tập đoàn trở thành một doanh nghiệp có doanh thu lớn, đóng nhiều thuế cho nhà nước Hungary và những mối quan hệ đối tác của MAL Zrt. cũng khiến hàng chục ngàn nhân công Hungary có công ăn việc làm. Nhà máy chế biến bauxite ở TP Ajka của tập đoàn, cho đến nay đã trở thành cơ sở sản xuất alumin duy nhất tại Hungary.

Mặt trái của thành công: hiểm họa môi trường

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là trong khi nguồn bauxite tại Hungary đã gần như cạn kiệt, giá năng lượng tăng vọt, khả năng cạnh tranh của MAL Zrt. trong công nghiệp nhôm thế giới từ đâu mà có? Ngoài tài kinh doanh  và lựa thời thế của ban lãnh đạo MAL Zrt., lời đáp ở đây, như phân tích của một số chuyên gia, là ở chỗ Hungary chưa có những quy định và chế tài chặt chẽ về việc xử lý chất thải.

MAL Zrt. đã được nhà nước Hungary tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất bauxite và alumin (được mua điện với giá rẻ, được ưu đãi trong hoạt động), đổi lại, hãng cam kết sẽ tuân thủ những bổn phận về môi trường. Lãnh đạo hãng cũng cho biết trong gần hai thập niên qua, vài chục tỷ Ft đã được tập đoàn sử dụng cho mục đích này.

Dầu vậy, như sự cố tràn bùn vừa qua cho thấy, với sự tồn tại của hệ thống bể chứa như hiện nay, những hiểm họa vẫn tiếp tục tiềm ẩn và tai nạn có thể xảy ra bất ngờ, khó lường trước. Mặt khác, tính toán sơ bộ cho thấy công nghệ dung hòa chất kiềm trong bùn đỏ loãng tiêu tốn chừng 100 ngàn Ft (500 USD) cho một tấn bùn, như vậy nếu muốn được an toàn ở mức tương đối, MAL Zrt. cần chi 3 ngàn tỷ Ft cho 30 triệu tấn bùn trong 10 bể chứa - đây là khoản tiền khổng lồ mà hãng không bao giờ có khả năng kiếm được.

(*) Bài viết đã đăng trên “Tuổi Trẻ”.

Hoàng Linh, từ Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn