Tranh luận về thảm họa bùn đỏ: TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN

Thứ năm - 21/10/2010 10:19

Đề tài ô nhiễm bùn đỏ tại Hungary vừa được đưa vào chương trình nghị sự của Nghị viện Châu Âu, nhưng trái với hy vọng của giới nghị sĩ Hungary (muốn được EU hỗ trợ tài chính trong những trường hợp tương tự), đa số các dân biểu nước ngoài cho rằng cần đặt vấn đề trách nhiệm của nhà nước Hungary trong vụ này.


Phải chăng chính quyền không có lỗi trong thảm họa môi sinh này? - Ảnh: index.hu


Nghị viện Châu Âu đã chọn khoảng thời gian khá muộn - từ 10 đến 11 giờ đêm thứ Ba 19-10 (giờ Châu Âu) - để thảo luận sự cố được coi là “nóng bỏng” trong thời gian qua tại EU. Thoạt tiên, căn cứ chuyến viếng thăm Hungary đầu tuần, bà Kristalina Georgieva (phụ trách các vấn đề thảm họa và cứu trợ nhân đạo của Ủy ban Châu Âu) tỏ ý khen ngợi chính quyền Hungary đã có những biện pháp ứng đối tuyệt vời trước sự cố tràn bùn.

Bà cũng tỏ ý không hài lòng khi Liên hiệp Châu Âu có thể xuất ngay một khoản cứu trợ cho Pakistan, một xứ sở xa xôi, nhưng trong dịp này thì Hungary lại không được hưởng chút gì từ Quỹ Đoàn kết, được thành lập để hỗ trợ trong các trường hợp xảy ra thảm họa tại EU.

Sở dĩ như vậy vì theo quy định, chỉ có thể sử dụng Quỹ đối với các thảm họa thiên nhiên (vụ tràn bùn tại Ajka bị coi là tai nạn do con người gây ra), và cũng chỉ khi thiệt hại đạt mức tối thiểu là 0,6% lợi tức GDP hàng năm. Bà Georgieva hứa rằng Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét lại và nếu thấy cần thiết, sẽ nới lỏng nguyên tắc này.

Lời hứa của vị nữ quan chức EU được một số nghị sĩ Hungary hoan nghênh. Ông Áder János thuộc đảng cầm quyền Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) cho biết ông sẽ đưa ra đề xuất cụ thể nhằm thành lập một gói cứu trợ tài chính có thể xử lý được nhanh gọn hơn.

Một dân biểu khác, ông Tabajdi Csaba thuộc phe đối lập Đảng Xã hội Hungary (MSZP) thì chứng tỏ khiếm khuyết của hệ thống cứu trợ hiện tại bằng cách nêu ra một con số: trong vòng 10 năm nay, chỉ 10% khoản tiền trong Quỹ được EU cho phép chi ra.

Tuy nhiên, hầu như các ý kiến của phía Hungary đã không được ai đồng tình. Nhiều nghị sĩ nước ngoài cho rằng một thảm kịch như vậy quả là khủng khiếp, nhưng hệ thống cứu trợ được đặt trên cơ sở Quỹ Đoàn kết như hiện tại là hoàn hảo.

Chẳng hạn, dân biểu Đức Horst Schnellhardt phát biểu, “không nên cứu trợ những kẻ đã gây họa, mà phải giám sát kiểm tra họ tốt hơn”. Nghị sĩ Áo Richard Seeber còn đi thêm một bước nữa: theo ông, trong những trường hợp như thế này, không phải EU mà kẻ gây hại phải móc túi trả tiền, và nếu Ủy ban Châu Âu muốn thay đổi thì tốt hơn cả là hãy buộc các doanh nghiệp hoạt động trong các ngạch nguy hại phải trả bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc.

Hơn chục quan điểm được nêu ra đa phần thiên về ý kiến phải điều tra về trách nhiệm của nhà nước Hungary trong vụ tràn bùn vừa qua, xem các cơ quan chức năng của nước này có tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo về bảo vệ môi sinh của EU hay không. “Những điều khoản chung có được đưa vào hệ thống luật Hungary một cách phù hợp không?”, “Chính quyền Hungary có thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp?”, “Trong luật định của Hungary có quá nhiều kẽ hở phải không?”, v.v... là những câu hỏi được các diễn giả đặt đi đặt lại.

Nhiều nghị sĩ - nhất là các dân biểu Romania đang tỏ vẻ lo ngại vì dòng Danube có thể bị ô nhiễm - còn kêu gọi bà Kristalina Georgieva phải “đi sâu đi sát” hơn nữa, chớ vội tin một cách vô điều kiện những gì chính quyền Hungary nói, mà hãy cử một ủy ban kiểm tra riêng tới hiện trường để xem xét. Trả lời đề xuất này, bà Georgieva cho hay: Ủy ban Châu Âu không có thẩm quyền tiến hành các cuộc kiểm tra riêng, và EU phải tin vào các dữ liệu do phía Hungary đưa ra.

Đáng để ý là trong quá trình thảo luận, nhiều nghị sĩ Hungary cũng có ý kiến “bất lợi” cho chính đất nước mình. Ông Bokros Lajos (Đảng đối lập Diễn đàn Dân chủ Hungary MDF) phê phán chính quyền các cấp ở Hungary chưa được chuẩn bị đầy đủ để phòng ngừa hậu họa.

Nhà kinh tế học, cựu Bộ trưởng Tài chính Hungary này còn phê phán chính phủ Hungary định tạm giam lãnh đạo Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) trước khi xem xét nguyên nhân thảm họa, còn truyền thông Hungary chỉ tập trung đả phá doanh nghiệp mà không chĩa búa rìu vào các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ kiểm tra MAL Zrt.

Dân biểu đảng cực đoan JOBBIK Kovács Béla thì cho rằng tai nạn xảy ra là bởi lòng tham vô đáy của nhũng kẻ muốn kiếm lợi nhuận và khẳng định: ông không tin tưởng vào tính hiệu quả trong hoạt động điều tra của Hungary.

Diễn biến của cuộc thảo luận cho thấy, trách nhiệm của chính quyền trong những thảm họa môi trường như sự cố tràn bùn vừa xảy ra tại Hungary được đặt lên rất cao, đòi hỏi các quốc gia phải có ý thức và quyết tâm cao hơn nữa trong vấn đề bảo vệ môi sinh, không để những lợi ích kinh tế chi phối và bao trùm tất cả.

(*) Bản tin đã trích đăng trên “Tuổi Trẻ”.

Hoàng Linh, từ Hungary


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn