HUNGARY CHÍNH THỨC CÓ NỘI CÁC MỚI

Thứ ba - 14/04/2009 19:15

Một ngày sau lễ Phục sinh, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn đề xuất bất tín nhiệm đối với nội các của cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc, với 204 phiếu thuận và 8 phiếu trắng (các dân biểu đối lập không bỏ phiếu). Với động thái ấy, nội các cũ của ông Gyurcsány Ferenc đã được thay thế bởi một nội các mới, đứng đầu là ông Bajnai Gordon (41 tuổi), nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Phát triển Quốc gia.

Tổng thống Sólyom László tiếp tân thủ tướng Bajnai Gordon

* Một thủ thuật của Đảng Xã hội MSZP?

Sự ra đi của cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc được ông diễn tả như một quyết định nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài trên chính trường Hungary, khi phe đối lập coi ông là chướng ngại chính trong quá trình cải tổ kinh tế, và chừng nào ông còn tại vị, chừng ấy các đảng phái đối lập cương quyết bất hợp tác với liên minh cầm quyền trong mọi vấn đề của đất nước.

Bên cạnh đó, việc ông Gyurcsány từ chức còn chứng tỏ một thực tế: ông và nội các của mình đã bất lực trong việc vực Hungary khỏi cơn khủng hoảng tài chính, về thực chất đã kéo dài từ 3 năm nay và lên đến đỉnh điểm trong mấy tháng đầu năm 2009. Sau biến cố “dối dân” năm 2006 (đưa ra những thông tin sai lạc để thắng cử, và khiến cư dân Hung không ý thức được tình trạng kinh tế bi đát của đất nước), ông Gyurcsány còn đánh mất sự xác tín trong mắt các cử tri, và điều này càng được nhân lên bởi chiến dịch tẩy tay kéo dài và dai dẳng của phe đối lập. Ngay đồng minh của Đảng Xã hội trong Liên minh cầm quyền là Liên đoàn Dân chủ Tự do (SZDSZ) cũng tỏ ra chán nản và tỏ ý cần thay người đứng đầu nội các.

Tuy nhiên, thay vì từ chức một cách đơn thuần, để tổng thống Hungary có thể thay thế bằng một ứng viên thủ tướng mới, hoặc Quốc hội Hung phải bị giải tán để tổ chức bầu cử trước thời hạn, ông Gyurcsány Ferenc đã sắp đặt để ông và Liên minh cầm quyền có thể đưa ra ứng viên phù hợp với ý muốn của họ. Ở đây, cựu thủ tướng Hungary đã tận dụng một khả năng trong luật định Hungary, theo đó, các cử tri có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm để thay thế nội các cũ bằng một nội các mới, với tân thủ tướng là người được đa số đề cử và chấp nhận. Và điều này đã được thực hiện vì Đảng Xã hội Hungary và Liên đoàn Dân chủ Tự do vốn có số dân biểu chiếm đa số (tương đối) trong Quốc hội.

Như vậy, cho dù Liên minh cầm quyền nhấn mạnh rằng, nội các mới của tân thủ tướng Bajnai Gordon đơn thuần là một nội các mang tính chuyên môn, các thành viên chính phủ đã cam đoan rằng với phương châm “một năm, một chính phủ”, họ sẽ không tham gia ứng cử dưới bất cứ sắc áo của đảng phái nào trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào năm sau, nhưng dưới con mắt phe đối lập, đây vẫn là một nội các theo hơi hướng ông Gyurcsány, mà không có mặt ông ta.

* Lại thắt lưng buộc bụng để “chế ngự khủng hoảng”

Một trong những lý do khiến nội các cũ của ông Gyurcsány mất lòng dân vì cho dù người dân Hungary đã bị thắt lưng buộc bụng ở mức độ chưa từng có, nhưng nền kinh tế Hungary vẫn không được chấn hưng, đời sống người dân ngày càng đi xuống, kéo theo những bất ổn trong xã hội.

Vốn là một doanh nhân thành đạt, có bằng cử nhân Kinh tế tại khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế Budapest và từng có nhiều năm cộng tác trên lĩnh vực tài chính cùng cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc, tân thủ tướng Bajnai Gordon phải chịu một gánh nặng và áp lực rất lớn là dẫn dắt nước Hung khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng hiện tại. Tuy nhiên, chương trình “chế ngự khủng hoảng” mà ông đưa ra, nhìn chung, vẫn theo hướng tiếp tục thắt chặt về tài chính, mà theo sự diễn đạt của ông, sẽ ảnh hưởng một cách đau đớn đến tất cả các hộ gia đình Hungary, đòi hỏi mọi người dân phải hy sinh và chịu đựng, nhưng kết quả sẽ đến và thực ra, cũng không còn cách nào khác.

Các khoản phúc lợi xã hội sẽ đều bị cắt giảm, thu nhập của các gia đình Hung cũng giảm, khiến một số gia đình đông con, ngay bây giờ, đã phải nghĩ đến chuyện phải lựa chọn giữ dùng điện, hay dùng khí đốt để sưởi, vì không còn đủ chi phí cho cả hai. Tân thủ tướng Bajnai Gordon nói thẳng thừng: người lao động phải cân nhắc giữa hai khả năng, hoặc chịu thất nghiệp, hoặc chịu giảm lương bổng. Ông cũng nói thêm, trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” thế này, Cộng hòa Hungary có thể theo ba hướng: một là thực hiện triệt để chương trình “chế ngự khủng hoảng”, hai là có những giải pháp “êm dịu” hơn, và ba là tổ chức bầu cử trước thời hạn. Tuy nhiên, đối với tân thủ tướng, hai giải pháp sau là không thể, và ông cũng chỉ theo đuổi được đến cùng giải pháp thứ nhất nếu được sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội, không chỉ từ lien minh cầm quyền, mà từ cả phe đối lập.

Không chỉ người dân thường, mà các quan chức cũng phải hy sinh để tạo ra sự đồng thuậnh, đó là ý tưởng của ông Bajnai Gordon. Lương các tân bộ trưởng sẽ giảm 15% so với các vị tiền nhiệm của họ, và thu nhập của các thành viên lãnh đạo những doanh nghiệp mà chủ sở hữu là Nhà nước thì còn giảm ở mức cao hơn nhiều. Tân thủ tướng còn cho biết: “Đây mới là những bước đầu tiên: tôi hứa là sẽ còn tiếp tục”.

Tân thủ tướng Hungary cũng muốn nhấn mạnh về vai trò “chế ngự khủng hoảng” của ông, khi ông tuyên bố ông không muốn làm chính trị, không muốn chiến thắng các đối thủ chính trị cũng như không muốn giữ quyền hành, mà chỉ muốn tạo dựng nơi chốn cho người lao động Hungary để giúp nước Hung khỏi cơn bĩ cực. Ông khẳng định sẽ hợp tác với tất cả những ai cùng chung một mong muốn như ông, là chế ngự khủng hoảng và chấn hưng kinh tế Hungary. Để làm được điều đó, theo ông, phải chấm dứt những vấn nạn trong đời sống kinh tế nước Hung từ nhiều năm nay, là tiêu nhiều hơn mức mình có, kinh tế phát triển ì ạch và không còn niềm tin với bất cứ điều gì.

* Giải pháp khả dĩ nhất trong tất cả các giải pháp tồi?

Đó có thể là tâm trạng của một bộ phận công luận Hungary, cho dù không ít người vẫn muốn bầu cử trước thời hạn.

Ngay tổng thống Hung Sólyom László, khi tiếp tân thủ tướng, cũng dè dặt nói rằng, cho dù việc lựa chọn ông Bajnai Gordon là “không thể chê trách về mặt Hiến pháp”, nhưng ông vẫn bảo lưu ý kiến cũ, là bầu cử trước thời hạn vẫn hơn.

Có thể dự đoán rằng, những vấn nạn của Liên minh cầm quyền sẽ không dễ dàng được giải quyết với sự thay thế nội các và cá nhân người đứng đầu, vì ngay trong phiên họp kín của nhóm dân biểu đảng đối lập Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) sau khi ông Bajnai Gordon được lựa chọn, thủ lĩnh Orbán Viktor đã tuyên bố: ông coi nội các mới chỉ mang tính nhất thời, chuyển tiếp, và sẽ không có tương lai lâu dài. Ông Orbán cũng khẳng định: liên minh đối lập vẫn tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc bầu cử trước thời hạn, vì đó là mục tiêu của họ.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn