GÖNCZ ÁRPÁD 90 TUỔI

Thứ sáu - 10/02/2012 23:33

(NCTG) Nhà văn, dịch giả, tổng thống đầu tiên (trong hai nhiệm kỳ đầu, 1990-2000) của Ðệ tam Cộng hòa Hungary, ông Göncz Árpád, hôm nay tròn 90 tuổi.


Ông Göncz Árpád

Göncz Árpád chào đời trong một gia đình trí thức ngày 10-2-1922. Năm 1944, ông tốt nghiệp khoa Luật Ðại học Tổng hợp Pázmány Péter. Cùng năm, ông bị gọi nhập ngũ và điều động sang Ðức, nhưng giữa chừng ông trốn thoát. Sau đó, ông tham gia kháng chiến, chiến đấu trong tiểu đoàn Táncsis.

Thế chiến kết thúc, ông gia nhập Ðảng Tiểu chủ Ðộc lập (FKGP): thoạt đầu, ông đứng đầu Phân ban Thanh niên của đảng, sau đó giữ cương vị BTV phụ trách tờ “Thế hệ” (Nemzetdék). Ông cũng làm việc cùng nhóm nghị sĩ trong Quốc hội của đảng, và là thư ký riêng của Tổng bí thư đảng, ông Kovács Béla (1).

Sau khi FKGP bị giải thể, ông phải làm công nhân giúp việc và làm thợ nguội. Năm 1952, ông đăng ký học Ðại học Nông nghiệp Gödöllő - bên cạnh việc học hành, ông làm việc trên cương vị một kỹ thuật viên, một nhà nông học. Tuy nhiên, ông không kịp lấy bằng, vì bị đuổi khỏi trường năm 1956.

Göncz Árpád tham gia cuộc cách mạng dân chủ năm 1956 trên cương vị thành viên Liên minh Nông dân. Sau khi quân đội Liên Xô can thiệp và đàn áp cuộc nổi dậy vào ngày 4-11-1956, ông đóng vai trò chấp bút và chuyển ra nước ngoài những biên bản ghi nhớ của Phong trào Dân chủ Ðộc lập Hungary.

Năm 1957, ông là bị cáo cấp 2 trong vụ án xét xử bị cáo chính GS. TS. Bibó István, vị chính khách có tư tưởng dân chủ lớn nhất của Hungary thế kỷ 20. Cho dù công tố viên “chỉ” đế xuất án tù chung thân, song thẩm phán đã muốn tuyên án tử hình Göncz Árpád. Cuối cùng, ông bị án tù giam chung thân.

Chỉ vài chục năm sau, công luận mới được biết rằng tòa đại sứ Ấn Ðộ tại Moscow đã “chạy chọt” cho các bị cáo khỏi bị bản án cao nhất. Nhớ lại thời kỳ này, năm 2001 Göncz Árpád nói rằng nhờ vụ án mà rốt cục ông được yên tâm nghỉ ngơi trong tù. Hơn nữa, ông vẫn hy vọng án tù chung thân cũng sẽ chỉ dài 6-7 năm trong thực tế, vì ông tin rằng một hệ thống chính trị chỉ sống được ngần ấy năm ở Ðông Âu.

Göncz Árpád đã có lý: năm 1963, ông được trả tự do cùng Bibó István sau 5 năm tù. Trong tù, ông học được tiếng Anh và nhờ thế, ông được nhận làm thông dịch viên chuyên môn tại Viện Nghiên cứu Công nghiệp hóa chất nặng. Tuy nhiên, việc học hành dở dang của ông tại Ðại học Nông nghiệp đã không được tiếp tục.


Cùng Chủ tịch nước Trần Ðức Lương trong lễ duyệt đội danh dự trước Phủ Chủ tịch (Hà Nội, ngày 4-2-1998) - Ảnh: Hoàng Ðình Nam (AFP)


Từ năm 1965, ông hành nghề tự do trên cương vị dịch giả, nhà soạn kịch, nhà văn. Ðặc biệt, sự nghiệp dịch thuật của ông hết sức phong phú với các tác phẩm của nhiều tác gia nổi tiếng như Doktorow, Faulkner, Golding, Hemingway, Susan Sontag, Updike và Tolkien. Năm 1989, ông đã được trao Giải Wheatland cho sự chuyển ngữ xuất sắc các tác phẩm của nền văn học Anh.

Trong nửa sau của thập niên 80 thế kỷ trước, Göncz Árpád là thành viên sáng lập Liên đoàn Dân chủ Tự do (SZDSZ, một trong những chính đảng đóng vai trò trụ cột trong biến chuyển dân chủ 1989-1991 tại Hungary) và Ủy ban Công bằng Lịch sử. Năm 1989, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hungary, năm 1990 là Chủ tịch danh dự của Hội.

Sau khi những cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại Hungary được tổ chức, trong phiên họp thành lập của Quốc hội mới, Göncz Árpád trở thành Chủ tịch Quốc hội và lãnh những trọng trách của Tổng thống Cộng hòa Lâm thời. Ngày 3-8-1990, ông được Quốc hội bầu làm Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Hungary - 5 năm sau, ngày 19-6-1995, ông tái đắc cử cương vị này.

Mười năm đứng đầu Nhà nước Hungary, Göncz Árpád đã tới 70 quốc gia trên thế giới - trong đó có Việt Nam (2) - trong hơn 130 chuyến “xuất ngoại” - ông là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Hungary có những chuyến công du chính thức Hoa Kỳ, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Úc. Ông được nhận nhiều giải thưởng và trở thành Công dân Danh dự của nhiều thành phố, Tiến sĩ Danh dự của nhiều trường đại học lớn, có uy tín.

Mặc dù phải trải qua nhiều trận chiến chính trị đầy căng thẳng và cam go, trong thời gian 1990-2000, Göncz Árpád vẫn là chính khách được ưa chuộng nhất tại Hungary. Nhân 90 năm ngày sinh, vài trăm người - trong đó có nhiều chính khách, nhân sĩ có uy tín - đã tụ tập mừng thọ ông trước ngôi nhà của vợ chồng ông tại quảng trường Vérhalom, và cùng nhau hát bài “Nếu tôi là bông hồng” (Ha én rózsa volnék) của ca sĩ cựu trào Bródy János...

Ghi chú (của NCTG):

(1) Ông Kovács Béla sau này bị bắt cóc sang Liên Xô, và trường hợp của vị chính khách này đã được coi là điển hình cho tệ bạo hành của thể chế độc tài cộng sản tại Hungary.

(2) Ký ức của ngày rời tù ngục sau 5 năm bị giam cầm đã được ông khắc họa trong truyện ngắn “Về nhà” ông viết tặng phu nhân, bà Göntér Mária Zsuzsanna.

(3) Bà Göncz Kinga, ái nữ của ông, từng giữ chức Ngoại trưởng Hungary trong nội các của Thủ tướng Gyurcsány Ferenc, cũng đã công du Việt Nam năm 2008.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn