CỰU BỘ TRƯỞNG NỘI VỤ HUNGARY BỊ TRUY TỐ VÌ TỘI ÁC CHỐNG LẠI SỰ NHÂN BẢN

Chủ nhật - 04/03/2012 20:24

Căn cứ đơn tố cáo của đảng cực hữu JOBBIK, Viện Kiểm sát Thủ đô (TP Budapest) ngày 29-2-2012 đã tiến hành thủ tục khởi tố ông Biszku Béla, cựu Bộ trưởng Nội vụ Hungary thời kỳ 1956, vì vai trò của ông này trong các cuộc thanh trừng, đàn áp sau cuộc cách mạng dân chủ 1956.


Biszku Béla khi ở đỉnh cao của quyền lực: Bộ trưởng Nội vụ phát biểu ngày 29-3-1957 trong chiến dịch “Bảo vệ nền chuyên chính vô sản”, thu hút hàng vạn người tham dự tại các cuộc hội họp của giới công nhân thủ đô Budapest - Ảnh: Bartal Ferenc (MTI)


Như vậy, Biszku Béla (năm nay 91 tuổi) - người từng được gọi là “nắm đấm cứng nhất của thể chế độc tài mềm” - là người đầu tiên có thể phải ngồi trên ghế bị cáo vì tội danh được quy định bởi một đạo luật mới, có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1 năm nay, mang tên Ðạo luật về sự trừng phạt những tội ác được thực hiện dưới chế độ cộng sản cũng như những tội ác chống sự nhân bản.

Ðạo luật cho phép trừng phạt tội ác cách đây gần 6 thập niên

Ðược đề xuất bởi dân biểu đảng cầm quyền FIDESZ Gulyás Gergely, đạo luật nói trên được Quốc hội Hungary thông qua vào ngày 30-12 năm ngoái, theo đó, những tội ác chống sự nhân bản không bao giờ hết thời hiệu. Căn cứ vào đó, những kẻ “đặt hàng” những tội ác trong làn sóng đàn áp sau cách mạng 1956, và có thể cả những đại diện của cơ quan tư pháp thời đó, cũng có thể bị truy tố vì những tội ác cách đây gần 60 năm của họ.

Dân biểu Gulyás, khi đề xuất đạo luật kể trên, đã phát biểu rằng nó chỉ nhằm vào một nhóm nhỏ, cùng lắm là vài chục người - trong số đó, ông đã đích thân nhắc đến Biszku. Ông Gulyás cũng nói thêm rằng, “khi đạo luật đã đi vào thực thi, nếu có lời tố cáo, sẽ không có trở ngại gì để thực hiện những thủ tục hình sự được xác định trong luật”, nhưng đảng cầm quyền sẽ không làm việc tố cáo đó để khỏi bị biến thành bia chỉ trích một cách hoàn toàn không cần thiết.

Và điều đó đã đến: hai dân biểu đảng JOBBIK là các ông Szilágyi György và Apáti István đệ đơn tố cáo Biszku Béla với những tội danh rất trầm trọng như giết người có chủ đích, xâm phạm trầm trọng đến thân thể người khác, sử dụng nhục hình và giam giữ bất hợp pháp (nhằm vào những hành vi của ông trong làn sóng thanh trừng sau năm 1956).

Ngoài ra, Biszku còn bị cáo buộc về tội tòng phạm trong sự bội phản và bán nước (nhằm vào sự tham gia của ông trong nội các Kádár do Moscow tạo dựng sau biến cố 1956). Dân biểu Szilágyi György nhấn mạnh: theo những người đệ đơn tố cáo, việc Biszku đã thực hiện những tội ác nói trên là điều “ai cũng biết”, nên họ hy vọng cuộc điều tra sẽ kết thúc nhanh chóng để có thể đưa ra bản án đối với vị cựu bộ trưởng.

Kèm đơn tố giác, hai nghị sĩ đảng JOBBIK đã gửi kèm danh sách mấy trăm người bị án tử hình rồi bị hành quyết sau cách mạng 1956 như một bằng cứ cho lời cáo buộc của họ.

Một trong những kẻ thủ ác cuối cùng…

Trong 2 năm qua, nhân vật Biszku Béla thường xuyên được nhắc tới trên chính trường và truyền thông Hungary, như một trong những kẻ thủ ác cuối cùng còn sống sót của quá khứ cộng sản Hungary?

Sinh năm 1921, vốn là một thợ nguội, gia nhập Đảng Cộng sản Hungary năm 23 tuổi, Biszku đã leo mọi nấc thang của bộ máy đảng để trở thành Bộ trưởng Nội vụ trong nội các của lãnh tụ Kádár János trong thời kỳ 1957-1961. Sau đó, ông còn được tấn phong chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Bí thư Trung ương đảng.

Khi cuộc cách mạng dân chủ 1956 bùng nổ, Biszku đã tổ chức những đơn vị vũ trang, thành viên gồm các đảng viên và công nhân trung thành với đảng, để chống lại quân khởi nghĩa. Vì thành tích đó, sau biến cố 1956, ông được tặng Kỷ niệm chương Vì chính quyền Công-Nông, một trong những phần thưởng lớn nhất của thể chế Kádár.

Đặc biệt bị hậu thế lên án mạnh mẽ nhất là những hành vi của Biszku trên cương vị người đứng đầu Bộ Nội vụ sau cách mạng 1956. Ông được coi là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đàn áp của chính phủ mới, với chừng 300 bản án tử hình và 20.000 bản án tù đày dành cho những người tham gia cuộc cách mạng.

Có nhiều bằng cứ cho thấy là Biszku còn can thiệp thô bạo vào hoạt động của cơ quan tư pháp: theo những hồ sơ còn lưu, trong các phiên họp nội bộ của Trung ương Đảng, ông đã lên tiếng đòi tòa các cấp tại Hungary phải đưa ra những bản án “nghiêm khắc” hơn nữa, và rằng con số các bản án tử hình như vậy vẫn còn “quá nhẹ tay”. Luôn là người theo chủ trương cứng rắn, năm 1978, Biszku bị cách chức và cho về hưu vì phản đối chính sách hòa dịu của Tổng bí thư Kádár János vào thời đó.

Tuy nhiên, Biszku chỉ thực sự ngưng hoạt động chính trị khi Hungary kinh qua biến chuyển dân chủ năm 1989. Từ đó, Biszku sống yên ổn và không bị ai quấy rối tại biệt thự tại Đồi Hoa hồng, khu “thượng lưu” ở Budapest, với mức lương hưu tính theo năm 2010 là gấp 3-4 lần mức lương hưu của một người lao động bình thường. Nếu không bị săn lùng bởi một cặp ký giả muốn cật vấn quá khứ, có lẽ công luận Hungary tưởng Biszku đã qua đời từ khi nào…

Câu hỏi được đặt ra là tại sao JOBBIK lại có động thái quyết liệt như vậy trong việc trực diện với quá khứ? Ðây có phải là nhu cầu chung của xã hội Hungary hay không, hay đơn thuần là nỗ lực “triệt tận gốc” cánh tả, của những phần tử cực hữu?

Nhắc lại, điểm đặc biệt là một trong hai dân biểu đảng cực đoan JOBBIK đã tố cáo Biszku trong dịp này, ông Szilágyi György, cách đây một năm rưỡi, cũng đã từng đệ đơn vạch tội Biszku vì khi xuất hiện trong một bộ phim mang tính tư liệu, vị cựu bộ trưởng đã công khai phủ nhận, chối bỏ những tội ác của thể chế cộng sản tại đất nước này.

Cơ sở của đơn tố giác đó là một điều khoản trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS) mới được sửa đổi vào mùa hè 2010 của Cộng hòa Hungary, theo đó, có thể phạt tù giam tối đa 3 năm đối với người nào công khai phủ nhận, tỏ ra nghi ngờ hoặc cho rằng tội ác diệt chủng của các thể chế Quốc xã và Cộng sản - cũng như các tội ác chống nhân loại khác - là “không đáng kể”. Trong vụ án này, ông Biszku đã bị ra tòa vào năm 2011, nhưng sau đó tòa tạm ngưng xử để chờ ý kiến của Tòa án Hiến pháp.

Nhu cầu trong sạch hóa quá khứ và “dằn mặt” cánh tả

Trở lại vấn đề trên, nhìn lại 23 năm kể từ khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, nước này do đã có những biến chuyển dân chủ từng bước rất sớm từ thập niên 80 thể kỷ trước, nên sự chuyển tiếp hầu như không gặp phải khó khăn gì liên quan tới vấn đề đối diện với quá khứ cộng sản. Các viên chức của chế độ cũ nhìn chung không bị kỳ thị, không ít quan chức cộng sản tiếp tục trở thành những yếu nhân trong Ðảng Xã hội Hungary (MSZP), một trong hai chính đảng mạnh nhất, đã nhiều lần cầm quyền tại Hungary từ năm 1990.

Tuy nhiên, những năm gần đây, xã hội Hungary trở nên nhạy cảm hơn với quý khứ cộng sản, cho đến nay vẫn bị coi là chưa được xử lý thỏa đáng. Nhiều văn nghệ sĩ, chính khách, nhân sĩ bị báo chí cánh hữu phanh phui là từng hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị, khiến công luận dần dần có nhu cầu trong sạch hóa quá khứ. Bề ngoài là để đáp ứng nhu cầu đó, đảng cánh hữu FIDESZ, trong những năm qua, đã liên tục có những nước bài quyết liệt, mà gần đây nhất là việc đưa khả năng trừng phạt những kẻ đã gây tội ác trong thể chế cũ vào bản Hiến pháp mới.

Không phải ngẫu nhiên mà một bộ phận công luận đã nhận ra ngay, ở đây, ý đồ dằn mặt cánh tả, đặc biệt là Ðảng Xã hội Hungary. Trở lại đạo luật cho phép trừng phạt Biszku Béla và những đồng phạm, FIDESZ đã không giấu giếm khi nói rằng, đảng này đã tạo cơ hội để “bồi đắp quá khứ”, và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nếu có ai tố cáo, chứ họ không trực tiếp đứng ra làm việc đó. Và đóng vai trò tố giác, không ai khác, ngoài đảng cực đoan JOBBIK.

Có lẽ cảm thấy đã đạt được mục đích nên chỉ cách đây ít ngày, Quốc hội Hungary với hơn 2/3 số ghế thuộc liên mình cầm quyền đã bỏ phiếu chống một dự luật được phe đối lập ủng hộ, nhằm bạch hóa quá khứ của tất cả những ai đã tham gia và hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị thể chế cũ. Lý do được đưa ra là những thông tin được thu thập trong một thể chế chính trị - xã hội bị coi là bất hợp pháp như chế độ cộng sản trước đây, phải được coi là thuộc sở hữu những người bị thu thập thông tin, chứ không thuộc sở hữu nhà nước, và việc công bố chúng là vi phạm các quyền cá nhân.

Như một số bình luận viên chính trị có chỉ ra, có cái gì không đồng bộ trong việc tận diệt những người như Biszku Béla, trong khi lại không bách hóa quá khứ chỉ điểm, điều mà đa số các quốc gia thuộc khối XHCN cũ - nhất là nước Ðức - đã làm trước Hungary rất nhiều năm. Trong sạch và trực diện với quá khứ là điều cần thiết, với điều kiện nó không là ván bài chính trị nhất thời, được sử dụng với toan tính “bê-tông hóa” quyền lực của phe cầm quyền, và phù hợp với ý nguyện của số đông cư dân từng là nạn nhân bị theo dõi, chỉ điểm, hoặc bị trù dập, đàn áp bởi chính quyền cộng sản...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn