TIẾP TỤC PHÁT HIỆN “ÐẠO VĂN” TRONG LUẬN VĂN CỦA ÔNG SCHMITT PÁL

Thứ ba - 06/03/2012 10:44

(NCTG) Luận án Tiến sĩ (nói đúng hơn là Cao học Chuyên ngành) năm 1992 của ông Schmitt Pál - hiện là Tổng thống Cộng hòa Hungary - mới bị phát hiện là còn có dấu hiệu “đạo” cả từ Hiến chương Olympic và cuốn sách giới thiệu phong trào Thế vận in năm 1990.


Bản luận án “có vấn đề” của ông Schmitt Pál


Vẫn theo nguồn tin của mạng hvg.hu, trong phần mở đầu của bản luận án, khi nói về những nguyên tắc cơ bản, những tiêu chí mục đích và những khái niệm căn bản của phong trào Thế vận, ông Schmitt Pál đã sao chép từ cuốn sách song ngữ Pháp - Anh tựa đề “Phong trào Olympic” do Ủy ban Olympic Quốc tế ấn hành năm 1990.

Còn tại những trang phân tích về những nguyên tắc để một môn thể thao được lọt vào chương trình Thế vận, nhà cựu vô địch Olympic trong môn đấu kiếm đã sử dụng bản Hiến chương Olympic có hiệu lực trong thời gian 1991-92: theo hvg.hu, về căn bản, ông Schmitt Pál chỉ diễn đạt theo cách khác.

Trong cả hai trường hợp, nhà cựu kiếm thủ đã không dẫn nguồn và không dùng dấu ngoặc kép (“”) khi trích dẫn những đoạn văn dài (cho dù ở cuối luận án, trong phần Thư mục tham khảo, tác giả có để cuốn “Phong trào Olympic”).

Với bài báo mới nhất này, hvg.hu tiếp tục đi thêm một bước nữa trong việc phanh phui “nghi án đạo văn” khiến công luận Hungary xôn xao. Ngày 11-1, câu chuyện bùng nổ khi mạng tin trực tuyến của tờ “Tuần báo Kinh tế Thế giới” loan tin, 180 trang luận án của Tổng thống Schmitt Pál có nguồn gốc từ một nghiên cứu ở dạng bản thảo đã tồn tại trước đó nhiều năm của ông Nicolai Georgiev, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực lịch sử thể thao.

Ngoài ra, trong 10 trang không đánh số của luận án, có 7 bảng và 2 biểu đồ - theo hvg.hu, tất cả đều được dịch sát nghĩa từ công trình tiếng Pháp năm 1987 của ông Nicolai Georgiev và không hề được dẫn nguồn.

Chưa dừng lại ở đó, mang index.hu cũng nhận định rằng, nhiều trang khác trong luận án (đề tài kinh tế, tài chính trong thể thao) thì được sao chép từ một tác phẩm (tiếng Anh) in năm 1991 của GS. Klaus Heinemann, một nhà nghiên cứu uy tín người Ðức.

Như vậy, trong số 225 trang của bản luận án (215 trang đánh số, kèm những trang không đánh số), đã có 213 trang được xác nhận là có nguồn gốc từ những công trình trước đó!

Theo dự tính, đến ngày 28-3 tới, ủy ban điều tra được thành lập dưới áp lực của báo chí và công luận - nhằm tìm hiểu những tình tiết liên quan đến sự ra đời của bản luận văn - sẽ công bố kết luận cuối cùng, mà kết quả có thể là ông Schmitt Pál sẽ bị tước bằng.

Trần Lê, theo index.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn