Qua “cửa ngõ đô thành” là phải nộp thuế! - Ảnh: “Tự do Nhân dân”
Như NCTG đã đưa tin, năm ngoái, trong lễ khai mạc Tuần lễ Lưu động Châu Âu (tạm dịch) tổ chức vào trung tuần tháng Chín, nhằm mục đích cổ vũ cư dân đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng, thay vì xe hơi, thị trưởng Budapest Demszky Gábor đã “hứng khởi” tuyên bố: từ khoảng 2010 trở đi, xe hơi muốn vào một số khu vực nhất định - chẳng hạn, từ “ngoại tỉnh” vào địa phận hành chính của thủ đô - sẽ phải trả “thuế sử dụng đường xá”. Tuy nhiên, ngay lúc đó, nhiều người đã cho rằng mới chỉ có thể coi đề xuất của thị trưởng Budapest như một “sáng kiến” nhất thời, vì việc thu “thuế đường” (còn được gọi bằng cái tên dân dã “thuế… tắc đường”) đòi hỏi một sự chuẩn bị lâu dài và cẩn trọng.
Trong cuộc họp nói trên của Chính quyền Thành phố, bản trình bày của Công ty TNHH Nghiên cứu thành phố đã điểm qua các đô thị thế giới mà ở đó, thuế đường đã được thu (như London và Stockholm), hoặc những nơi mà chính quyền thành phố quyết định không thu (Vienna). Tính theo tiền Hungary (thời giá năm 2007), London đã phải chi 62 tỉ Ft và Stockholm chi 55 tỉ cho quá trình chuẩn bị. Chi phí cao nhất, thực ra không phải để thiết lập hệ thống quan sát biển số xe, mà để phát triển hệ thống bãi đậu xe và giao thông công cộng. Điều này, trong tình hình thực tế ngày nay, không thể thực hiện trước 2011-2012.
Tuy nhiên, Chính quyền Budapest cũng đã quyết định cấm các loại xe ô nhiễm môi trường nhất khỏi thủ đô từ năm 2009. Bản thân điều này không làm giảm ở mức độ đáng kể lưu lượng giao thông tại Budapest: theo đề xuất của giới chuyên môn, muốn giảm 25% lượng xe hơi vào trung tâm thành phố, cần vạch một số đường ranh giới – nhu tại đại lộ Hungária, đại lộ Vòng cung (Nagykörút) và thu thuế với mức 1-2 EURO (tương đương 250-500 Ft).
Thuế đường thoạt tiên được thu ở Singapore (năm 1975), từ đó đến nay, Bergen, Trondheim, Oslo, London và Stockholm cũng đã áp dụng loại thuế này đối với xe cộ vào trung tâm thành phố (đặc biệt là trong giờ cao điểm), với lý do những xe ấy khiến xã hội phải thêm nhiều gánh nặng (ứ trệ giao thông, đậu chiếm chỗ cư dân và người đi bộ, gây ầm ĩ, ô nhiễm môi sinh, v.v…) Một số đô thị khác (Milan, Torino, Helsinki, Göteborg, Praha…) cũng đã và đang nghiêm cứu khả năng đưa vào thực thi thuế đường.
Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Độc lập & “Tự do Nhân dân”
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn