BỊ “DÍNH” NGHI ÁN “ÐẠO VĂN”, TỔNG THỐNG HUNGARY CÓ THỂ KHỐN ÐỐN

Thứ hai - 30/01/2012 20:36

Từ gần ba tuần nay, công luận Hungary xôn xao khi báo chí nước này liên tục đưa tin và những bắng cứ cho thấy Tổng thống Schmitt Pál có thể đã “đạo văn” trong luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1992 với đề tài “Phân tích chương trình thi đấu Olympic thời hiện đại” tại Ðại học Thể dục Hungary.


Khi còn là một kiếm thủ, ông Schmitt Pál đã đoạt 2 HCV Thế vận (năm 1968 và năm 1972). Tấm ảnh trên chụp năm 1970 - Ảnh: Petrovits László (MTI)

Sự việc bắt đầu hôm 11-1, khi ấn bản trực tuyến hvg.hu của tờ “Tuần báo Kinh tế Thế giới” cho hay, bản luận án tiến sĩ dài 215 trang của ông Schmitt Pál có tới 180 trang là bản dịch gần như sát từng từ của một công trình khoa học do một tác giả Bulgaria công bố trước đó 5 năm.

“Ðạo văn” với tỉ lệ quá lớn?

Ông Nicolai Georgiev, một nhà ngoại giao, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử thể thao nổi tiếng nay đã quá cố, đã cho ấn hành một nghiên cứu bằng tiếng Pháp mà theo mạng tin hvg.hu kể trên, 80% luận án tiến sĩ của vị tổng thống đương nhiệm Cộng hòa Hungary được sao chép từ đó.

Sự việc còn trầm trọng hơn ở chỗ một tuần sau khi tin này được loan, tờ báo mạng index.hu còn phát hiện ra, chừng 17 trang trong luận án của ông Schmitt Pál cũng là sự sao chép gần như nguyên vẹn từ một nghiên cứu khác, của một giáo sư người Ðức, một nhà lãnh đạo thể thao, ông Klaus Heinemann.

Ðiều đáng nói là vị giáo sư này là một chuyên gia hiếm hoi nghiên cứu về các vấn đề kinh tế - thể thao của những kỳ Thế vận hội. Ða phần các kết quả khoa học được thừa nhận của ông gắn liền với công trình công bố năm 1991, và do đó, theo lời ông, ông cảm thấy “bị xáo động khi nghe tin những kẻ khác đã đạt được thành tựu khoa học bất xứng” với sự sao chép từ công trình của ông.

Tất cả những đoạn sao chép trên đã được đưa vào luận án của ông Schmitt Pál mà không hề có ghi chú nguồn, không hề tuân thủ những nguyên tắc căn bản của việc trích dẫn. Tên hai nhà khoa học và các công trình của họ chỉ được nhắc đến một lần ở cuối luận án, trong phần tư liệu tham khảo.

Ðể hiểu thêm được vấn đề, cần nhắc lại rằng ông Schmitt Pál từng là một nhân vật khá tên tuổi trong nền thể thao Hungary và quốc tế. Là nhà vô địch Olympic hai lần trong môn đấu kiếm, sau khi giã từ vũ đài, ông theo học Ðại học Kinh tế rồi theo nghề ngoại giao thể thao chuyên nghiệp.

Từ năm 1983 trở đi, ông đã giữ các cương vị Tổng thư ký, rồi Chủ tịch Ủy ban Olympic Hungary. Ông cũng là thành viên, và có thời kỳ giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế. Tham gia chính trường trong sắc áo đảng cánh hữu FIDESZ, rồi giữ chức Phó chủ tịch đảng này.

Sau khi liên minh cầm quyền đại thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội mùa xuân năm 2010, ông Schmitt Pál được bầu là Tổng thống Hungary. Phe đối lập luôn có cái nhìn phê phán với ông, cho rằng ông có xu hướng dễ dàng hùa theo những quyết định của phe cầm quyền đang có đại diện chiếm hơn hai phần ba số ghế trong Quốc hội.

Trở lại câu chuyện nói trên, bê bối “đạo văn” xuất hiện khi Hungary đang lâm cảnh khủng hoảng trầm trọng và chính phủ nước này bị Châu Âu thường xuyên chỉ trích vì những đạo luật bị coi là phi dân chủ, khiến uy tín nước này xuống thấp chưa từng thấy trên trường quốc tế và sự tin cậy của cử tri đối với liên minh cầm quyền cũng thấp ở mức kỷ lục trong vòng gần 2 năm qua.

Công luận phản đối dữ dội, tổng thống bào chữa yếu ớt

Ngay sau khi vụ bê bối nổ ra, tất cả các đảng đối lập tại Hungary đều lên tiếng đòi làm rõ sự việc, đòi tổng thống phải sớm có câu trả lời. Ða phần đều cho rằng, nếu nghi án đạo văn được chứng tỏ thì điều này có nghĩa là ông Schmitt Pál không xứng đáng đại diện cho quốc gia trên cương vị người đứng đầu.

Mạnh mẽ phất là phản ứng của Ðảng Xã hội MSZP, hiện là đảng đối lập lớn nhất tại Hungary. Chủ tịch đảng này, ông Mesterházy Attila cho rằng tổng thống phải từ chức, không phải vì ông bị phát hiện đạo văn, mà vì, trước hết, ông đã khiến “cả nước Hung bị nhục nhã”, cho dù, lẽ ra, trên cương vị nguyên thủ quốc gia, ông “có nhiệm vụ đưa diện mạo đẹp đẽ nhất của đất nước ra thế giới”.

Chỉ có liên minh cầm quyền thì thoạt đầu, coi đây là chuyện “tin vịt” của báo chí. Ngoại trưởng Martonyi János, khi trả lời phỏng vấn về vụ này đã nói “tổng thống đã khẳng định không đạo luận văn”, và ông nói thêm ông tin vào những lời nói đó. Thủ tướng Hung Orbán Viktor cũng không đả động đến chuyện này trong các dịp hội kiến với tổng thống, theo khẳng định của Phát ngôn viên Chính phủ.

Riêng về phần Tổng thống Schmitt Pál, trong một tuần liền ông đã chọn cách im lặng, thúc thủ. Giữa chừng, Văn phòng Phủ Tổng thống ra thông cáo bác bỏ “nghi án” đạo văn với lý luận luận án năm 1992 của đã được các chuyên gia đánh giá là “xuất sắc”, và rằng những đoạn trùng lặp trong luận án với công trình của nhà nghiên cứu người Bulgaria, là vì hai người có quen biết nhau và cùng nghiên cứu từ các nguồn tài liệu tham khảo gốc như nhau.

Cách lý giải này bị công luận và báo chí Hungary cho là thiếu sức thuyết phục và yếu ớt, nhưng nó cũng được Tổng thống Schmitt Pál lặp lại trong bài trả lời phỏng vấn đầu tiên trên đài phát thanh, 1 tuần sau khi bê bối nổ ra. Ông Schmitt thừa nhận có 180 trang trùng lặp, nhưng theo lời ông, đó là vì hai tác giả cùng sử dụng những tư liệu gốc, và ông cho rằng điểm mấu chốt là ông đã có những phân tích, kết luận trong 35 trang còn lại.

Tuy nhiên, cho dù việc tiếp cận và khai thác với luận án tiến sĩ của ông Schmitt là tương đối khó khăn vì những quy định của Luật Tác quyền, nhưng truyền thông Hungary cũng rút ra nhận xét rằng kỳ thực, các kết luận cũng chỉ được đưa ra trong vài trang và đa phần cũng không có gì mới, nói đúng hơn là cũng lặp lại của các tác giả khác.

Ông Schmitt còn nói rằng, sở dĩ ông không dùng các chú giải tại chỗ khi trích dẫn vì nguyên tắc làm luận văn khi đó không bắt buộc phải như thế, chỉ cần ông đề tên tác giả trong danh mục các công trình tham khảo là đủ. Thế nhưng, báo chí Hungary, khi khảo sát các luận án tiến sĩ cùng thời gian đó, đã cho biết tác tác giả khác đều tuân thủ việc dẫn nguồn (tên tác giả, công trình nghiên cứu được trích dẫn) một cách đầy đủ.

Ái nữ nhà nghiên cứu thể thao Bulgaria, bà Malina Georgiev, cũng cho biết rằng cho dù thân phụ bà và ông Schmitt Pál có quen biết nhau do cùng làm trong Ủy ban Olympic Quốc tế, nhưng không có khả năng là hai người đã hợp tác cùng nhau nghiên cứu. Hơn thế nữa, công trình của thân phụ bà hoàn toàn dựa trên các nghiên cứu căn bản, với nội dung và hình thức riêng biệt, không trùng lặp với bất cứ ai.

Nhà trường vào cuộc và khởi điều tra

Trường Ðại học Thể dục Hungary, từ năm 2000, được sáp nhập thành Khoa Thể dục và Thể thao trực thuộc Ðại học Y khoa Semmelweis (Budapest). Trong những ngày đầu, Ban lãnh đạo Khoa có ra một thông cáo gửi Hãng Thông tấn Hungary (MTI), cho rằng việc đánh giá luận án tiến sĩ cũng như việc cấp bằng cho ông Schmitt Pál là theo đúng quy trình chung và hợp thức.

Trong thông cáo đó, ông Trưởng khoa Tóth Miklós cũng nói rằng, theo các nhà chuyên môn thì nội dung của luận văn tiến sĩ của ông Schmitt đáp ứng đầy đủ những yêu cầu vào thời điểm cách đây 20 năm. Tuy nhiên, ngay sau đó, báo chí Hungary đã bác bỏ khẳng định này. Người dân Hung đã tổ chức biểu tình đòi làm sáng tỏ “nghi án đạo văn” với những lời chỉ trích chua cay vị tổng thống, ngoài đời và trên mạng.

Bảy nhà khoa học có bằng tiến sĩ còn đăng trên mạng một thỉnh nguyện thư gửi Hiệu trưởng Ðại học Y khoa Semmelweis, Bộ trưởng Bộ Nguồn lực Quốc gia và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, đòi phải có biện pháp quyết liệt để điều tra trong vụ này, nhằm phục hồi danh dự và niềm tin đặt vào giới khoa bảng Hungary.

Dưới áp lực của công luận, rốt cục, Hiệu trưởng Ðại học Semmelweis đã đề xuất Trưởng khoa Thể dục và Thể thao thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu những tình tiết liên quan đến sự ra đời của bản luận văn tiến sĩ của ông Schmitt Pál. Thứ Tư tuần trước, theo một thông báo, ủy ban đã được thành lập với thành phần chưa được công bố, với lý do họ cần được làm việc một cách công tâm, không thiên vị, mà không bị quấy rầy, cản trở.

Trước đó, có những nguồn tin cho thấy giới chuyên môn Hungary không muốn hiện diện trong công việc của ủy ban vì lo ngại sự liên quan chính trị của nó, nên có thể các chuyên gia ngoại quốc cũng sẽ được mời tham dự. Ðược biết, kết quả khảo sát của ủy ban điều tra sẽ được công bố vào ngày 28-3 tới.

Những “hệ lụy” có thể phát sinh

Về những hậu quả nếu sự đạo văn được xác nhận, các luật gia Hungary cho biết, sau 20 năm, hành vi đạo văn, nếu có, đã hết thời hiệu từ lâu, và thiệt hại về mặt vật chất của hành vi này cũng rất khó chứng tỏ. Một điều chắc chắn, cần xử lý theo các điều luật có hiệu lực vào năm 1992, theo đó, trong trường hợp đạo văn, cần thu hồi chứng chỉ khoa học, xóa học vị tiến sĩ trong chứng minh thư và quyết định này cần được thông báo một cách chính thức rên báo.

Theo ông Bazsa György, Chủ tịch Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng HUngary (MAB), nếu cuối cùng ủy ban xác nhận sự đạo văn thì trường đại học không có quyền cân nhắc xem có cần áp dụng hình thức trừng phạt hay không, mà tất cả phải áp dụng theo luật.

Ông cũng cho biết, trong thực tế, hầu như tất cả những cuộc điều tra tương tự đều kết thúc với kết quả xác nhận sự đạo văn, vì nghi án đạo văn trong giới khoa bảng là hết sức nghiêm trọng: chỉ khi nào có đầy đủ bằng cứ, người ta mới mở một cuộc điều tra như vậy.

Ðược biết, điều tra đạo văn tại Hungary mỗi năm chỉ có 1-2 vụ, thậm chí có năm còn không có trường hợp nào, vì đa phần tệ đạo văn đã được phát hiện rất sớm, bởi người phụ trách đê tài hoặc người phản biện, do đó đa số các vụ đạo văn trong khoa học thường được giữ trong nội bộ, ít khi lọt ra ngoài và cũng không có con số thông kê trong vấn đề này.

Như vậy, còn 2 tháng nữa để nói lời xác quyết trong “nghi án đạo văn” của ông Schmitt. Cho đến giờ, chính phủ cánh hữu vẫn đứng về phía ông, nhưng theo nhận xét của Chủ tịch Ðảng Xã hội MSZP, phải chăng, liên minh cầm quyền cần một tổng thống có nghi vấn như thế trong quá khứ để dễ bề điều khiển ông theo ý của họ?

Có lẽ, số đông người Hung cũng có thể đồng tình với ý kiến cho rằng vấn đề lớn nhất ở đây là vị tổng thống đã không thể nói thật trong vụ này và như quan điểm của đảng đối lập lớn nhất, để giữ danh dự, ông Schmitt Pál nên làm sáng tỏ mọi chuyện, bằng không, ông cần đệ đơn từ chức vì đó là quyết định ngay thẳng và hợp lý nhất!

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn