“
Tôi không nghĩ là mình lại phải bảo vệ luận án tới hai lần” - ông Schmitt Pál phát biểu lần đầu trước công chúng, gần một tuần sau khi
“nghi án đạo văn” được mạng hvg.hu (ấn bản trực tuyến của “Tuần báo Kinh tế Thế giới”) tung ra vào ngày 11-1.
Nói về hoàn cảnh ra đời của bản luận án tiến sĩ năm 1992, cựu quan chức thể thao cho biết, bản luận án quan trọng đối với ông, cho dù khi đó ông đang bận bịu chuẩn bị cho Thế vận hội Barcelona (Tây Ban Nha) trên cương vị Chủ tịch Olympic Hungary.
Theo tổng thống Hungary, ông đã nhận được sự trợ giúp của nhóm phản biện và tư vấn, cũng như của ông Nicolai Georgiev - một nhà nghiên cứu lịch sử thể thao người Bulgaria mà theo hvg.hu, 80% (180 trên tổng số 215 trang) luận văn của ông Schmitt Pál đã được sao chép từ một công trình của ông này.
Ông Schmitt lý luận rằng, điều quan trọng là dựa trên những dữ liệu gốc, có thể rút ra những kết luận ra sao. Chẳng hạn, không ai “lấn cấn” gì về chuyện tại Olympic Berlin năm 1936, có môn đấu kiếm nữ hay không, mà mấu chốt là sau khi giới thiệu lịch sử các kỳ thế vận thời hiện đại, trong 30-32 trang còn lại của luận văn, tác giả đã có những kết luận mới mẻ như thế nào.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, theo đó, có thể có được kết quả gì mới về một lĩnh vực đã được ghi chép quá đầy đủ như Olympic thời hiện đại, tổng thống Hungary nói rằng, chẳng hạn, những vấn đề liên quan tới doping, hoặc các môn thể thao mới được đưa vào chương trình Thế vận.
Ông Schmitt Pál không muốn dùng từ “đạo văn” vì khái niệm này có nghĩa là một sản phẩm tinh thần đã bị đánh cắp, trong khi, ông có nhắc đến - ở vị trí hàng đầu - công trình của nhà nghiên cứu Georgiev trong số 21 nguồn mà ông đã sử dụng. Tổng thống Hungary nói thêm: quy định thời đó không bắt người viết phải ghi rõ nguồn ở từng trang, mà chỉ cần nêu một lần ở cuối luận văn.
Ông Schmitt cũng đã gặp gỡ trực tiếp Georgiev và nhà nghiên cứu này rất vui mừng khi được biết một nhà vô địch Thế vận sử dụng cuốn sách của ông. Khi người phóng viên nhận xét rằng Georgiev đã qua đời nên không thể xác nhận điều này, còn ái nữ của nhà nghiên cứu thì không hề biết rằng hai người từng cùng nhau cộng tác để thực hiện một công trình khoa học, ông Schmitt nói rằng câu hỏi được đặt ra cho con gái ông Georgiev là không “chuẩn”, chứ thực ra họ có quen biết nhau.
Cũng theo ông Schmitt, những người tư vấn và phản biện cho ông, mặc dù là thành viên phong trào Olympic Hungary, nhưng họ không được lợi lộc gì vì họ thực hiện điều này trong khuôn khổ “công tác xã hội”. Bản thân ông, dù đạt chức danh “doctor trường”, nhưng không hề có mức lương cao hơn vì thế (như một mạng tin đã loan).
Tổng thống Hungary cho rằng, sau cuộc điều tra mà trường Ðại học Semmelweis thông báo hôm thứ Ba vừa qua, vụ bê bối này sẽ chấm dứt và ông có thể tự “minh oan” cho mình. Theo ông, ông không thể đưa ra giả thiết nào khác về hậu trường của scandal này, ngoài sự ác ý.
Trong một diễn biến có liên quan, thứ Hai vừa qua, 7 nhà khoa học có bằng tiến sĩ đã đăng trên mạng một thỉnh nguyện thư gửi Hiệu trưởng Ðại học Semmelweis, Bộ trưởng Bộ nguồn lực Quốc gia và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, đòi phải có biện pháp quyết liệt để điều tra “nghi án đạo văn”.
Cùng ngày, Ðại học Semmelweis thông báo: hiệu trưởng trường đã đề xuất Trưởng khoa Thể dục và Thể thao thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu những tình tiết liên quan đến sự ra đời của bản luận văn tiến sĩ của ông Schmitt Pál.