Thủ tướng Hungary được tiêm phòng tại Phòng Y tế Quốc hội - Ảnh: Hãng Thông tấn Hungary MTI
Đó là bài học mới nhất được rút ra trên chính trường Hungary, nhân dịch cúm A/H1N1 hiện tại.
Thời gian gần đây, truyền thông Hungary hay đăng tin và ảnh về việc các chính khách nước này đã tiêm phòng cúm mới. Trong hoàn cảnh bình thường, việc
Bộ trưởng Y tế Székely Tamás và gia đình, hay
Thủ tướng Bajnai Gordon đã tiêm phòng, thực ra không phải là điều khiến nhiều người để ý và đáng phải lên đài báo.
Từ chuyện dân không hào hứng tiêm phòng…
Tuy nhiên, các chính khách quan trọng nói trên đã phải “đăng đàn” làm gương, cũng vì một lý do khá đặc biệt: cho dù là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chế tạo thành công loại vaccine chống virus A/H1N1 và Cchính phủ Hungary cũng đã
dùng mọi phương tiện có thể để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm phòng, nhưng đại đa số cư dân xứ này, cho đến nay, vẫn không mặn mà gì mấy với việc tiêm chủng.
Đến mức, Thủ tướng Hungary phải than vãn một cách hóm hỉnh: nếu sau khi ông đã “làm gương” mà “hứng thú” tiêm phòng của cư dân vẫn không tăng, hoặc tệ hơn nữa, vẫn phụ thuộc vào tỷ lệ ưa chuộng đặt vào cá nhân ông (vốn rất thấp trong thời gian gần đây), thì “
như vậy sẽ nguy to”.
Lý do thì có nhiều. Cho dù vaccine của Hungary được Tổ chức Y tế Thế giới liệt vào danh sách những vaccine phòng cúm A/H1N1 an toàn và đảm bảo, cho dù tính đến đầu tháng 11-2009, dường như đã có 60 nước trên thế giới đã ngỏ ý mua vaccine Hungary, nhưng Hội các Bác sĩ Hungary (MOK) vẫn cứ nhấn mạnh vào những tác dụng phụ và những yếu tố chưa thật rõ ràng liên quan đến loại vaccine mới để khuyến dụ người dân hãy cẩn trọng (và “tự chịu trách nhiệm”) khi quyết định tiêm phòng.
Chính phủ Hungary, dù “điên đầu” vì thái độ “ương bướng” của MOK khiến một phần không nhỏ công sức PR của nội các coi như đổ xuống sông Danube, nhưng rồi cũng bất lực vì một tổ chức độc lập và chuyên môn như MOK có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình - mà MOK cho là vì lợi ích của bệnh nhân - và đó là điều chính quyền không thể, không có quyền can thiệp.
Không đi tiêm phòng, do cảm thấy… “
không thích”, “
chưa cần”, “
làm gì mà nhặng xị lên thế”, v.v… cũng là một số lý do rất “tự do chủ nghĩa” khác khiến nhiều cư dân hờ hững trước những bản tin đáng lo ngại về việc cứ mỗi ngày, lại có thêm nhiều người nhiễm A/H1N1, lại có thêm trường học phải tạm đóng cửa tại Hungary.
Tuy nhiên, không ít người, ngay từ đầu, đã tỏ ra ác cảm trước nghi vấn Chính phủ Hungary có thể có toan tính không rõ ràng trong vụ này, khi họ ký hợp đồng cung cấp vaccine A/H1N1 với Công ty TNHH Omninvest Kft., một doanh nghiệp mà chủ nhân thực sự của nó rất mờ ám. Chính cảm giác thiếu tin tưởng này đã khiến nhiều người quyết định không tiêm phòng và sự ngờ vực luôn là đề tài lơ lửng trong công luận Hungary từ mấy tháng nay.
… đến bản hợp đồng mờ ám của chính phủ
Thành lập năm 1991, cái tên Omninvest Kft. được biết đến từ vài năm nay, nhất là trong thời gian diễn ra dịch cúm gia cầm H5N1 (năm 2006), khi Nhà nước Hungary đã cấp một khoản tiền hỗ trợ 2 tỷ Ft cho Omninvest Kft. để hãng này nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine.
Cũng trong dịp đó, Omninvest Kft. khá thành công trong việc “xuất ngoại”: họ đã chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng cúm thông thường cho nhiều nước thuộc “thế giới thứ ba”, trong đó có Việt Nam và Indonesia.
Khi dịch cúm mới bùng phát, một lần nữa, Nhà nước Hungary lại tiếp tục ký một hợp đồng “mật” với Omninvest Kft., theo đó, hãng này sẽ cung cấp tổng cộng 6 triệu liều vaccine cho cư dân Hungary, với giá 4,4 tỷ Ft. Trong số đó, 4 triệu liều sẽ được sử dụng miễn phí cho các đối tượng mà Nhà nước đánh giá là nhất thiết cần tiêm chủng (học sinh tiểu học và
trung học, các nhân viên công lực, y tế, người già, phụ nữ có thai, bệnh nhân mắc các chứng mãn tính, v.v…), và 2 triệu liều được bán ngoài hiệu thuốc cho những ai muốn tiêm với giá 1.930 Ft.
Chính quyền Hungary giả định rằng, nếu 60% cư dân nước này (dân số Hungary chừng 10 triệu) tiêm phòng, thì sẽ không thể xảy ra đại dịch, gây nguy hại đến nền kinh tế quốc dân, an ninh đất nước và sức khỏe cộng đồng.
Phân xưởng sản xuất vaccine của hãng Omninvest Kft. tại ngoại thành Budapest - Ảnh: website của Omninvest Kft.
Những toan tính ấy của chính phủ - được công khai hóa và nhắc đi nhắc lại thường xuyên trên báo đài – không có gì phải bàn, và rất có vẻ “
do dân, vì dân”. Tuy nhiên, điều khiến cư dân Hungary luôn thắc mắc, là tại sao một hợp đồng có thể gọi là rất béo bở như vậy, lại được ký “mật” với một hãng, mà 90% sở hữu lại thuộc về một hãng khác (mang tên Sumpter), đăng ký ở đảo Síp (Cyprus), và chẳng ai biết chủ nhân thực của nó là ai?
Bởi lẽ, bất cứ cá nhân nào cũng có thể tận dụng mọi khả năng mà pháp luật cho phép để thành lập những doanh nghiệp kiểu offshore như vậy, để giảm thiểu thuế má và giấu kín nhân thân chủ nhân. Tuy nhiên, Chính phủ thì không thể làm như vậy khi vừa tiêu “tiền dân” mà lại giấu dân.
(Hợp đồng giữa Nhà nước Hungary và Omninvest Kft. được “bảo mật” trong vòng 10 năm và theo lời một quan chức Y tế, trong vụ “ép-phe” này, Omninvest Kft. được coi như một doanh nghiệp “chiến lược”, không khác gì một hãng… sản xuất vũ khí!)
Những bộ phận khác nhau trong xã hội Hungary có những cách khác nhau để gây áp lực đối với Chính phủ, liên quan đến vấn đề vaccine mà họ coi là “ám muội” này. Người dân tỏ ra thiếu tin tưởng và một bộ phận không nhỏ “tẩy chay” vaccine. Truyền thông tìm cách “điều tra”, mổ xẻ hậu trường câu chuyện. Phe đối lập thì đặc biệt quan tâm đến một khía cạnh khá “tế nhị” của câu chuyện: một phần khoản tiền mà Chính phủ chi trả cho Omninvest Kft. sẽ được trích từ ngân sách quốc gia… sang năm của Hungary, khi rất có khả năng phe đối lập sẽ thắng cử!
Sức mạnh của công luận và sự công khai
Vấn đề hợp đồng vaccine được đưa ra thỉnh thị ý kiến vị Đặc phái viên Quốc hội phụ trách vấn đề bảo vệ dữ liệu và ông này đưa ra ý kiến: Chính phủ nên minh bạch hóa bản hợp đồng kể trên cho “
dân biết, dân kiểm tra”. Bởi lẽ, chỉ “công khai” thông tin trong nội bộ Ủy ban Y tế Quốc hội là quá ít: cần để người dân biết rõ tiền thuế của họ được Chính phủ sử dụng ra sao.
Cho dù Chính phủ cho biết, Nhà nước Hungary đã ký hợp đồng một cách cẩn trọng và có suy nghĩ, nhưng bản thân khẳng định đó không đủ để dân tin.
Cuối cùng, dưới sức ép từ nhiều phía, thay mặt Chính phủ, Bộ Y tế Hungary đành công bố một phần bản hợp đồng trên website của Bộ. Trái với quan điểm trước đó - theo đó, phần hàm chứa những “
bí mật kinh doanh” của hợp đồng sẽ được giữ kín -, lần này, Bộ buộc phải cung cấp nguyên văn hợp đồng cho bất cứ ai muốn xem, tại Bộ, hoặc tạo điều kiện để cho họ sao chụp lại và mang đi.
“Cháy nhà ra mặt chuột”, ngay một vài trang được “bạch hóa” rộng rãi trên báo chí và mạng Internet cũng đã có những thông tin rất “thú vị”.
Một trang của bản hợp đồng được coi là “bí mật công tác”, trước đó từng bị “mật hóa” trong 10 năm - Ảnh: mạng tin hirszerzo.hu
Chẳng hạn, giá của vaccine khi đến tay người dân đã bị đắt lên một cách đáng kể vì theo hợp đồng, một viện y tế của Nhà nước (EKI) - chỉ có chức năng chuyển vaccine đến các hiệu thuốc - được hưởng tới 40% lãi, so với tỉ lệ 5-6% thông thường. (Trong khi, theo ý kiến của công luận, không những không nên trả tiền cho EKI, mà lẽ ra còn phải phạt nặng cơ sở này vì vaccine thì đã có từ lâu mà người dân vẫn không thể mua được tại rất nhiều hiệu thuốc.)
Sự bất bình còn lên cao hơn nữa khi truyền thông đưa Hungary thông tin: trước đây, EKI chưa bao giờ thực hiện công việc này và sở dĩ việc chuyên chở quá chậm chạp là bởi Viện chỉ có ít xe lắp bộ phận làm mát để chuyển vaccine. Đi xa hơn nữa, có nguồn tin còn cho rằng EKI sở dĩ được nhận công việc “mát mặt” này, cho dù họ chưa hề có kinh nghiệm, vì đây là một cơ sở có liên quan tới đảng cầm quyền tại Hungary!
Điểm nhạy cảm hơn nữa là theo hợp đồng, hơn 80% của khoản tiền 4,4 tỷ Ft dành cho Omninvest Kft. sẽ được xuất từ ngân sách năm 2010 và như thế, phe đối lập - nhiều khả năng sẽ lên nắm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội mùa xuân sang năm - sẽ bị mất một khoản trong dự toán.
Những tình tiết trên là lý do khiến Bộ trưởng Y tế Székely Tamás phải “toát mồ hôi” khi bị các dân biểu chất vấn kịch liệt, trong phiên họp Quốc hội ngay sau khi bản hợp đồng được công bố. Những câu hỏi đều rất sát thực, rất đúng “dân ý” của giới nghị sĩ, đã làm ông Székely phải “vòng vo Tam Quốc” và không đưa được câu trả lời thẳng thắn nào.
Đi xa hơn nữa, nhắc đến khía cạnh tài chính của vấn đề, Dân biểu Kupper András (phó nhóm nghị sĩ của đảng đối lập FIDESZ) còn nặng lời ngay trong phòng họp tôn nghiêm của Quốc hội: “
Chính quyền muốn làm ăn” và “
ước muốn kiếm tiền vô hạn đã vượt lên bổn phận phục vụ cộng đồng”.
Có lẽ, câu chuyện vaccine đến đây vẫn sẽ còn tiếp diễn, nhưng đã có thể rút ra ngay một kết luận rất sơ sài từ sự việc này. Ấy là, rất khó giấu được dân và ngay cả khi chính phủ có lý do để duy trì những toan tính “riêng tư”, “bí mật”, thì cũng không thể buộc người dân phải “chia sẻ” và “đương nhiên đồng tình” đối với những điều mà họ không nắm bắt được.
Bởi lẽ, người dân luôn cần
sự công khai và sòng phẳng từ những người được họ ủy nhiệm!
(*) Bài viết đã đăng trên chuyên trang “Tuần Việt Nam” của mạng tin “VietNamNet”.