6:30 sáng. Mình chợt tỉnh giấc, nhắm tịt mắt vào nhất định ngủ cố nhưng rồi cũng chẳng ngủ được. Đành lồm cồm bò dậy, với tay lướt điện thoại đọc tin. Đầu óc trống rỗng, cả người đau ê ẩm.
Cũng chẳng có tin gì tốt lành. Ở Ý số người nhiễm và chết ngày một tăng cao. Cả một thế hệ, những người đã sống sót qua Thế chiến và chung tay xây dựng đất nước Ý đổ nát sau chiến tranh giàu đẹp như ngày nay đang dần biến mất, ra đi hoàn toàn trong cô độc. Mắt mình chợt cay cay. Mấy năm trước nhà mình đi chơi ở Ý, vẫn nhớ các cụ già người Ý đã yêu quý con trai mình đến như thế nào. Chỉ mong các cụ bình an.
Lại tiếp tục vào các Facebook group hóng hớt. Đề tài nóng hổi nhất, cãi nhau nhiều nhất gói gọn lại một câu: có cần mang khẩu trang hay không? Dân Châu Á nhất định bảo cần đeo khẩu trang. Dân Âu Mỹ gân cổ lên cãi rằng chỉ rửa tay là đủ. Dân Châu Á tức mình post đủ các bài báo chứng minh tác dụng phòng dịch của khẩu trang. Dân Âu Mỹ xỏ xiên các kiểu, thiếu điều gọi thẳng dân Châu Á là bọn dở hơi nhát chết.
Thi thoảng lại có vài chú từ hành tinh khác đến, bơm vài câu gây chiến kiểu “ơ kìa người anh em sao lại cãi nhau, cái Covid-19 này nó gần giống cúm thôi, chỉ chết toàn người cao tuổi với bệnh nặng”. Mình hơi bực mình, post giả: “Thế người cao tuổi thì không phải là người à?”. Các chú yên lặng.
Bẵng đi một chút, trong group người ngước ngoài ở Việt Nam lại có đứa kêu ca không đeo khẩu trang thì bị kỳ thị, rằng sao chính phủ Việt Nam lại bắt cả làng phải đeo khẩu trang, tự do dân chủ ở đâu? Một câu hỏi thật có quá nhiều nội hàm! Nếu phải trả lời theo phong cách phim bộ Hồng Kông sẽ là “Nói ra thì dài dòng lắm. Bảo đeo thì cứ đeo đi hỏi gì lắm thế! :)”.
Lại có em Tây xinh giai quan ngại về việc đeo khẩu trang không đúng cách, cứ đưa tay sờ lên mũi mặt rồi thì khả năng nhiễm bệnh còn cao hơn. Mình thở dài, thật là trẻ trâu mà. Tán gái khó thế mà còn học được, đeo khẩu trang đúng cách thì có là cái gì? Gửi luôn cho em giai đường link hướng dẫn cách đeo khẩu trang, cộng thêm lời nhắn nhủ: “Ở trong nhà cũng tập đeo khẩu trang đi, để ý sửa các thói quen xấu khi đeo khẩu trang, thực hành 1-2 ngày là làm tốt thôi. Học đi cho ấm vào thân! Cheers!”.
Nghịch điện thoại chán chê, mình nhìn lên đồng hồ đã gần 11 giờ. Sắp hết cả nửa ngày, người cứ lờ đà lờ đờ, công việc thì chưa làm được cái gì cả. Ai bảo ở nhà cả ngày làm được ối việc? Cứ thử ở nhà cả ngày trong tư thế chờ được chở đi Szent László xem!
Kết luận số 1 ngày thứ hai: Cách ly tại nhà rất dễ sinh ra nghiện smartphone. Các mẹ cần để ý quản lý con cái và, e hèm, cả bản thân mình nữa.
Chồng thân yêu đi làm về. Lại mỗi đứa một góc ôm bát mì tôm ăn. Nhà hết bánh mì, hết thịt, vợ nằm nhà cả ngày cũng không để ý bảo chồng đi mua. Nhìn sang góc phòng bên kia thấy chồng thân yêu vẫn ăn mỳ tôm thun thút, chợt cảm thấy ấm lòng. Gái đoảng như mình ngẩn ngơ thế nào lại vớ được anh chồng Tây dễ nuôi, thích ăn mì tôm Việt vị chua cay :).
Ăn xong hai gói mì tôm, chồng thân yêu cập nhật cho mình tin tức trong nhà ngoài phố. Ngày xưa yêu nhau cũng là do hợp cái tính thích hóng hớt buôn dưa đây mà! Con cà con kê blah blah, mình nghe chán rồi liền ngắt lời bảo:
- Chồng này, từ mai chồng đi làm cũng đeo khẩu trang đi.
Chồng thân yêu ngạc nhiên, nhìn xem mình nói đùa hay nói thật, rồi dí cái màn hình iPad lại gần cho mình đọc (còn bản thân vẫn giữ khoảng cách 2m nhé!).
- Nhưng ở công ty không có ai đeo cả. Nhìn này, CDC Mỹ nói là chỉ có người có triệu chứng mới phải đeo thôi. Còn thì giữ đúng khoảng cách là được.
Mình lắc đầu, nhìn đứa học vẹt to đùng đang ngồi lù lù trước mặt, cất giọng giáo sư hỏi.
- Ở công ty chồng mọi người có luôn luôn giữ khoảng cách 2m không?
- Không.
- Trên metro với HEV giờ đi làm có phù phép ra được khoảng cách 2m không?
- Không.
- Bây giờ vợ phải cách ly trong nhà, con trai thì ở chỗ bà nội. Chồng mà nhiễm bệnh thì vợ con làm thế nào?
Chồng thân yêu không trả lời, mình cũng chả hỏi thêm. Đấy, lớn rồi, tự mà nghĩ đi. Đời phức tạp lắm chứ tưởng. Thân mình không tự lo, đến lúc bị làm sao thì bắt đền CDC Mỹ à?
Kết luận cuối cùng ngày thứ hai: Phải theo hiểu biết tốt nhất của mình mà tự lo, chớ để ảnh hưởng bởi người xung quanh. Có ai ốm thay cho mình đâu.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...