(NCTG) “Chúa tể thiên nhiên ư? Chỉ một loài virus nhỏ bé đến độ không thể tự tồn tại cũng có thể làm cả nhân loại điêu đứng! Sự phách lối ngu ngốc của con người trước thiên nhiên thật nực cười! Liệu rồi tất cả chúng ta sẽ đi về đâu?”.
Mùa thu nước Hung. Ảnh chụp tại Skanzen (Syentendre) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cái lạnh dịu dàng của buổi sớm mai mùa xuân lãng đãng trong không gian, men theo nếp gấp chăn mỏng ùa vào bên trong, đậu lại trên tay, trên ngực áo mình lành lạnh. Mình tỉnh giấc, chớp chớp mắt, hơi thở cũng cố thật nhẹ nhàng để không làm xáo trộn bầu không khí tĩnh lặng đến tuyệt vời này.
Bình yên quá! Tưởng như những gì đã xảy ra chỉ là giấc mộng. Không có dịch bệnh. Không có những cuộc đời đang êm đềm đột nhiên phủ kín vất vả lo toan. Không có những thanh niên đang hăm hở với cuộc sống muôn vàn màu sắc, chớp mắt ngẩng lên tương lai đã một mảnh xám ngắt. Không có cả tiếng xe cứu thương chói tai gắt gỏng, xé rách toang chút êm đềm hiếm có của buổi sớm mai.
Mình mở điện thoại, trầm ngâm đọc tin nhắn. Hôm qua sau khi biết tin 13 sinh viên Iran bị trục xuất, mình đã nhắn tin hỏi thăm cô bạn, thầm hy vọng tên nó không nằm trong danh sách kia. Vì mình biết, nó ở trong bệnh viện chỉ làm được mỗi việc là sợ và khóc, làm gì còn hơi sức mà chống đối chính quyền! Nhưng hiện thực thì luôn tàn khốc. Nó nhắn tin lại: “Vâng, em cũng phải nhận quyết định trục xuất chị ơi”.
Rồi thì hai đứa nói chuyện điện thoại, vừa an ủi nhau vừa khóc. Nó vẫn chưa dám cho bố mẹ biết nó bị cách ly bệnh viện, nói gì đến chuyện trục xuất động trời này. Con bé nghẹn ngào: “Bố em từ tháng Hai đã gọi điện báo là ở Iran dịch nặng lắm, lại đúng dịp năm mới nên nhiều người ở đây về thăm nhà. Bố còn dặn đi dặn lại là em không được đi đâu, đến thăm ai hết. Nhưng đấy lại là sinh nhật đứa bạn thân, em không từ chối được. Từ tháng Hai đến giờ em chỉ đến đúng buổi sinh nhật đấy thôi...”.
Cái N. lại khóc. Mình yên lặng, chỉ để camera để nó biết mình còn ở đấy. Cái N. qua Hungary học từ năm 12 tuổi, đến giờ đã là mười mấy năm, Hungary gần như là nhà của nó vậy. Một thân một mình xa quê hương, xa cha mẹ, đánh đổi nhiều đến như thế, giờ còn vài tháng nữa tốt nghiệp thì nhận lệnh trục xuất! Mà duyên cớ thì gói gọn vào một câu: In the wrong place at the wrong time (ở sai chỗ, sai thời điểm). Cuộc đời có thể tàn nhẫn đến mức nào?
Mình an ủi nó, bảo nó cố gắng lên, cùng lắm thì quay về Iran để tốt nghiệp, sau 3 năm hết hạn phạt lại quay lại Châu Âu học tiếp. Nhưng cả hai đứa đều hiểu, một khi đã phải quay về như thế thì con đường trở lại sẽ không dễ dàng gì. Nhưng biết nói gì hơn?
Nói chuyện với cái N. xong, mình ôm gối ngồi ngồi im lìm, nhìn chăm chăm qua khung cửa sổ nơi vẫn đang ngập tràn màu lá xanh và nắng vàng rực rỡ, chợt muốn hét lên. Tại sao? Tại sao cuộc đời lại đối xử với chúng tôi như thế? Mình đến bên cây đàn, ngón tay vuốt ve những phím đàn trắng ngà rồi những nốt nhạc khe khẽ vang lên cùng với tiếng hát:
Now, I've heard there was a secret chord
That David played, and it pleased the Lord
But you don't really care for music, do you?
It goes like this, the fourth, the fifth
The minor fall, the major lift
The baffled king composing Hallelujah… (*)
Loài người đã quá tự tin vào trí thông minh của mình, cho rằng mình là chúa tể, là vạn vật trên trái đất này đều sinh ra để phục vụ con người. Có hay đâu trí thông mình ấy là món quà mà thiên nhiên ban cho, và đứng trước thiên nhiên mọi tạo vật đều bình đẳng. Chúa tể thiên nhiên ư? Chỉ một loài virus nhỏ bé đến độ không thể tự tồn tại cũng có thể làm cả nhân loại điêu đứng! Sự phách lối ngu ngốc của con người trước thiên nhiên thật nực cười! Liệu rồi tất cả chúng ta sẽ đi về đâu?
Mình thấy tuyệt vọng. Thấy thương cho cuộc đời mình. Thương cho cuộc đời những thanh niên vô tư không biết trời cao đất dày, chỉ ngày hôm trước còn nghĩ mình có cả thế giới kia. Nước mắt trào ra. Những ngón tay dằn mạnh phím đàn cùng với giọng hát run rẩy khàn đặc, vỡ vụn:
Hallelujah
Hallelujah
Hallelujah
Hallelujah.
Lạy Chúa, xin người hãy thương xót chúng con!
Chồng thân yêu về đến nhà, thấy mình vẫn còn lẩn thà lẩn thẩn, mặt mũi tèm nhem như con mèo. Hỏi han tình hình cụ thể một hồi, xác định mình chưa bị dở hơi, chồng thân yêu liền dứt khoát tắt hết iPhone iPad, rút luôn cả Wifi rồi xách cổ kiên quyết bắt mình đi ngủ sớm.
Tỉnh dậy, đã là sáng hôm nay.
Chồng thân yêu đã dậy, bắt đầu lục cục trong bếp. Thấy vậy, mình khoát tay bảo đi chuẩn bị quần áo đi, vợ đây làm bữa sáng cho. Cu cậu sướng rơn, cảm ơn rối rít rồi vào phòng thay đồ, vừa đi vừa huýt sáo. Chẹp, con trai nhà mẹ chồng mình dễ nuôi quá! :).
Mình làm xong bữa sáng, gọi chồng thân yêu đã quần áo chỉnh tề ra ăn. Mình kể lại chi tiết chuyện hôm qua, kịch lịch lên án một cơ số ban ngành đoàn thể. Chồng thân yêu chẳng nói gì, chỉ chăm chú lắng nghe và ăn :). Mình cũng chẳng lấy thế làm phiền, bắt đầu chuyển sang tiết mục hỏi thăm:
- Này thế, tối hôm trước chồng bỏ đi đâu đấy?
- Chả đi đâu cả, về nhà bà nội thôi. Sao, vợ lo à?
A ha, hóa ra bị mình bắt nạt liền khóc nức nở bỏ về nhà mẹ đẻ nhá!
- Đương nhiên là vợ lo chứ! Đang dịch giã thế này… Vợ cũng quá đáng, vợ xin lỗi nhé! - Mình lấy giọng thảo mai, nịnh nọt vẫy đuôi cật lực.
Chồng đại nhân có vẻ hài lòng với sự chân thành hối lỗi của mình, gật đầu tha bổng:
- Lần sau đừng có quá đáng như thế nhé!
- Đương nhiên là không rồi :).
Mình gật lấy gật để, bụng bảo dạ từ nay gây sự phải có nghệ thuật hơn, chứ không lần sau cãi nhau nhỡ bị chồng đại nhân đuổi đi thì lấy đâu ra nhà mẹ đẻ để về? Thời buổi nhiễu nhương, có được gia đình nho nhỏ bên cạnh, ai nấy vẫn bình yên cả đã là may mắn lắm rồi. Nên thật sự mình cũng phải tém tém lại cái tính đanh đá đi thôi…
(*) Ca khúc “Hallelujah”, nhạc và lời của cố danh ca, thi sĩ Leonard Cohen (1934-2016).
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...