NHẬT KÝ CÁCH LY TẠI GIA (Phần 1)

Thứ bảy - 13/06/2020 04:44

(NCTG) “Cuộc sống con sen tại gia chính thức bắt đầu…”.

Dấu hiệu của cách ly tại gia - Ảnh: Komka Péter (MTI)

Dấu hiệu của cách ly tại gia - Ảnh: Komka Péter (MTI)

Lời Tòa soạn: “Nhật ký cách ly tại gia” là một ghi chép rất đặc biệt của một tác giả đặc biệt trong cộng đồng: bác sĩ Nha khoa Bùi Phương Hoa.

Ghi chép đặc biệt ở chỗ, nó rất thực, và được viết bởi một người am hiểu về y khoa, trong một hoàn cảnh dở khóc dở cười mà khi đó, chưa mấy ai biết được nó sẽ tiến triển đến đâu. Tác giả đặc biệt ở chỗ, có lẽ chị là người Việt đầu tiên phải cách ly tại gia, từ trước khi Hungary ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 (ngày 11-3-2020)!

Cách ly tại gia là một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh rất phổ biến trên thế giới, căn cứ những tính toán về y tế, đề cao tinh thần cá nhân và sự riêng tư, nhưng cho tới thời điểm đó và kể cả về sau, do tính chất khác biệt với biện pháp cách ly tập thể và được “bao cấp” tất cả ở Việt Nam, nên vẫn gây một số hiểu nhầm hoặc sự ngần ngại.

Dù sao đi nữa, đại dịch Covid-19 cũng đã đột nhập vào cuộc sống của từng cá nhân và cộng đồng, hơn thế nữa, cả xã hội nước sở tại như một cơn cuồng phong, gây ra không biết bao nhiêu khó nhọc và những tình huống rất “bất khả kháng” cho nhiều người. Những trải nghiệm của dịch bệnh, có thể sẽ là độc nhất vô nhị trong đời người!


Chân thành cám ơn bác sĩ Bùi Phương Hoa đã ghi lại câu chuyện đáng nhớ này, theo “đơn đặt hàng” của NCTG, như một kỷ niệm diễn ra trong cuộc sống nơi xa quê, nhưng cũng đồng thời là sự chia sẻ với cộng đồng về một trong những cụm từ được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian gần ba tháng qua: cách ly tại gia (házi karantén)! (NCTG)
 
Bác sĩ Bùi Phương Hoa - Ảnh: Facebook của nhân vật
Bác sĩ Bùi Phương Hoa - Ảnh: Facebook của nhân vật

Ngày 0: Thứ Ba, 10-3-2020.

Là một ngày nắng đẹp. Nắng vàng như tơ lướt trên các ngọn cây, phủ lên con tàu xanh lá mạ đang chầm chậm tiến vào ga Békásmegyer.

Từ góc sân ga cách xa đám đông đang chờ tàu, mình rút chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn trắng tinh, to hoành tráng ra đeo rồi lên tàu. Bà con xung quanh vẫn tò mò nhìn, mặc dù ở Hungary đã có 6 ca dương tính với Covid-19. Lại phải tự an ủi bản thân lần thứ n: “Không sao, mình là người hiểu biết, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội”.

Mấy em Hung xinh giai ngồi hàng ghế bên cạnh cười rúc rích rồi giả vờ ho về phía mình. Lần thứ n+1, mình nghiêm túc xem xét xem có nên ho đáp lễ không, rồi nhìn cụ già ngồi đối diện mặt đang căng như dây đàn nên lại thôi. Đành phẩy tay nhìn ra cửa sổ, ngắm cảnh vật đang lướt qua vùn vụt về hướng Budapest.

9h35’ sáng. Mình mở cửa phòng học ra chạy vội vào. “Oh sorry I am late (again)” (Ôi xin lỗi, tôi lại bị muộn). Chạy được nửa chừng chợt thấy quái lạ. Mình chỉ đi muộn thôi mà, giống như bao lần mình vẫn đi muộn, sao mọi người trông lại nghiêm trọng thế này? Vừa ngồi xuống mình vừa khều con bé Serena ngồi phía trước: “Sao thế?”.

- Khoa Nha mình có người dương tính - Serena thì thào.

- Thôi chết, N. à? - mình kéo vội khẩu trang che kín mặt. N. là cô bạn khác cùng tổ đang cách ly trong Bệnh viện Szent László do có tiếp xúc trực tiếp với cậu sinh viên người Iran, ca dương tính đầu tiên bị phát hiện tại Hungary.

- Không, một đứa năm thứ Ba. Tổ nó lại còn dùng chung Phòng Thực hành với bọn mình mới kinh chứ!

- Khiếp thế! Thế còn N.?

- Chưa biết! - nói rồi Serena quay lên.

Mình ngồi yên nghiền ngẫm thông tin động trời này. Thông tin dịch ở Việt Nam thì mình vẫn cập nhật thường xuyên. Thấy Châu Âu phòng dịch lỏng lẻo quá mình đã mua phòng hờ khẩu trang, nước rửa tay các loại. Thậm chí đã hai tuần nay cứ lên HÉV hay metro là lập tức đeo khẩu trang, kệ thiên hạ chỉ trỏ. Quán xá cà phê cũng không còn la cà, khổ gần chết. Đã cẩn thận thế mà dịch oánh một phát lại trúng khoa mình luôn à?

Nỗi buồn cuộc đời đen bạc còn chưa kịp ngấm thì giáo sư trên bục giảng lại thông báo: “Bây giờ những ai chắc chắn mình không có tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm trong hai tuần nay thì có thể ký vào giấy này để được phép điều trị bệnh nhân”.

Ký, ký khẩn trương. Ờ mà khoan, cái N. nghi nhiễm còn cách ly trong bệnh viện, chưa có kết quả xét nghiệm! Hiện thực tàn khốc làm cả lớp mình choáng váng. Tuần trước N, còn đi học, anh chị em còn quàng vai bá cổ cười nói ầm ầm. Cả lớp 28 mạng không đứa nào ký được. Giáo sư ngớ người:

- Nếu không ký được thì không ai được điều trị bệnh nhân hết. Thầy sẽ báo cáo lại với Trưởng khoa.

- Thế bọn em giờ làm gì?

- Các em về ở yên trong nhà hai tuần. Không được đến trường. Nếu có triệu chứng nghi ngờ phải báo ngay cho trường.

Mình choáng. Vậy mình đã chính thức là F2 theo tiêu chuẩn Việt Nam à? Thật là muốn khóc. Đành lôi điện thoại ra báo cho bệnh nhân là trong hai tuần mình không được răng lợi gì hết. Nát cả cõi lòng. Có đứa cùng lớp vớt vát hỏi thầy:

- Thế sau hai tuần bọn em lại được quay lại trường chứ ạ?

- Trường sẽ gửi thông báo chính thức cho bọn em nhé - thầy trả lời. Chả nhẽ lại nói thầy cũng chả biết?

Thế rồi lũ lượt kéo nhau về. Cô bạn người Nam Hàn cùng đi với mình ra metro thỏ thẻ:

- Này tôi muốn đeo khẩu trang lắm, nhưng lại sợ bị kỳ thị…

Mình không nhiều lời, lấy luôn cái khẩu trang vải đeo lên:

- Kệ “Tây lông”, bà đeo ngay đi. Bà mà ốm ở đây là bà một thân một mình đó.

Cô bạn nhìn mình, lập tức lấy khẩu trang đeo vào rồi hai đứa vênh váo đi tiếp. Thật ấm lòng, thật là Châu Á đoàn kết!
 
Tác giả và con trai tại Zugliget, mùa Phục sinh 2019 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả và con trai tại Zugliget, mùa Phục sinh 2019 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chia tay bạn để lên HÉV về nhà, nỗi buồn lại ập đến.

Mình uể oải rút điện thoại ra báo tin cho chồng thân yêu: “Em phải cách ly tại nhà hai tuần blah blah. Vâng khoa em có một ca dương tính, nó lại còn chung Phòng Thực tập. Ồ, khoa Răng chỗ em cũng nhỏ mà, giờ nghỉ ra büfé chém gió thì ngồi san sát nhau, biết làm sao được. Không, em không đi đón con đâu, điên à. Phụ huynh khác nếu biết em phải cách ly mà lại mò vào nhà trẻ đón con thì oánh em chít, blah blah”.

Báo xong tin dữ, mình thở dài bật You Tube xem “Ghen Covy” để ôn lại cách rửa tay, rồi xem các biện pháp phòng ngừa khi phải cách ly tại nhà. Đại khái là:

1. Người nghi nhiễm tốt nhất ở một phòng riêng.

Nhà có hai giường. Chồng già đau lưng không nằm sofa được. Chả nhẽ đuổi con trai ra phòng khách còn mình ngủ giường nó? Thôi đành kéo cái sofa ra một góc riêng, cảnh báo chồng con là chớ có động vào sofa của chị, không chị hắt xì cho một cái!

2. Tách biệt các vật dụng hàng ngày có khả năng lây nhiễm.

Nhà mình may mắn có máy rửa bát. Nhiệt độ 60oC trong hơn một tiếng cộng xà phòng thì bảo đảm diệt được cả Chú Vy. Nhà nào không có máy chắc phải để riêng một bộ thìa đũa chén bát, cốc uống nước v.v... Khăn lau mặt, khăn tắm để riêng. Nhất là bàn chải đánh răng, kem đánh răng phải để hẳn một chỗ tách biệt.

3. Đeo khẩu trang.

Mình đeo khẩu trang vải 24/24 trừ lúc ăn với lúc đánh răng tắm gội. (Đọc hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách!)

4. Rửa tay rất rất thường xuyên (xem “Ghen Covy”).

5. Dùng nhà vệ sinh riêng.

Lòng thật muốn lắm nhưng đời không cho phép. Đành phun nước tẩy trùng vào toilet và cabin tắm và cọ lấy cọ để mỗi khi dùng xong.

6. Mở hết cửa để thông gió thường xuyên.

Chiêu này do chuyên gia dịch tễ Việt Nam áp dụng đầu tiên hồi dịch SARS, hiệu nghiệm đến độ Tây - Tàu áp dụng ầm ầm. Tự hào lắm!

7. Đeo găng tay khi cầm vào quần áo, khăn lau v.v của người nghi nhiễm. Giặt riêng, sử dụng nước giặt diệt khuẩn.

Nước giặt này trong DM có.

8. Người nghi nhiễm luôn duy trì khoảng cách 2m với cách thành viên khác trong gia đình, kể cả đã có đeo khẩu trang.

Đau lòng lắm. Làm sao bẹo má anh con giai nhà mình bây giờ? Thôi đành nhịn hai tuần!

Tra cứu xem xét vò đầu bứt tai chán chê, cuối cùng mình cũng đứng dậy làm các việc theo bản danh sách hướng dẫn. Cuộc sống con sen tại gia chính thức bắt đầu…

Bùi Phương Hoa - Còn tiếp


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn