HAI MƯƠI NĂM, MỘT QUÃNG ĐƯỜNG HỘI NHẬP TRONG Ý THỨC

Thứ tư - 20/06/2007 21:10

(NCTG) 1. Đọc bài trả lời một độc giả của NCTG - với một mong ước có lẽ "cao vời" của "bổn báo", là biết đâu, trong tương lai, chẳng có một nguyên thủ quốc gia Hung gốc Việt, để cộng đồng Việt cũng có thể tự hào một cách chính đáng về khả năng của "con dân" mình - một thân hữu NCTG đã trách tờ báo "lạc quan tếu"!

HAI MƯƠI NĂM, MỘT QUÃNG ĐƯỜNG HỘI NHẬP TRONG Ý THỨC

Anh bảo: "Bà con đang khốn đốn với cuộc sống khó khăn, thuế má chồng chất, giấy tờ khó nhọc, mà báo cứ... nói chuyện đâu đâu! Làm sao để Hung họ khỏi coi thường dân mình quá là được, cần gì "trèo cao" thế?"

Ngẫm lại, anh nói thật có lý. Cái trước mắt cần phấn đấu, "mục tiêu ngắn hạn" - theo cách gọi màu mè -, chắc mới nên dừng lại ở mức, mình sống làm sao đường hoàng, để nước sở tại biết đến và tôn trọng mình, như một cộng đồng văn hóa. Nhưng muốn vậy, vẫn không thể tránh được vấn đề hội nhập: hội nhập với xã hội, với nền văn hóa nước bạn.

Trong mấy bài viết (*) của NCTG về sự phát triển của cộng đồng Việt tại Hung hai thập niên qua, những nỗ lực hội nhập đã được đề cập tới. Chúng ta chưa làm được thật nhiều, nhưng cũng đã có một số bước đi ban đầu đáng mừng. Thế hệ thứ hai của cộng đồng Việt Nam, có nhiều cháu học giỏi, năng khiếu cừ, đạt những kết quả khả quan ở mức trường sở, thành phố; với các cháu, chuyện hội nhập có lẽ không thành vấn đề lớn. Thế hệ thứ nhất cũng đã có một số cá nhân thành đạt trong cả lĩnh vực khoa học, học vấn và kinh doanh, góp phần để nước sở tại có cái nhìn tích cực hơn về Việt Nam.

2. Hai thập niên là một chặng đường dài trong đời người, và cũng là một chặng đường đầy gian nan và khổ ải trong sự phát triển của một cộng đồng trên con đường hội nhập!

Mẩu báo của 20 năm trước

Trong "kho" lưu trữ của NCTG, còn hai mẩu báo đã ố vàng, mang tính "lịch sử", ra đời cách đây tròn 20 năm. Được cắt từ tờ báo của sinh viên Đại học Bách khoa Budapest (BME), hai mẩu ấy là hai kỳ của một phóng sự có chủ đề "Người Hung dưới con mắt các sinh viên ngoại quốc". Câu hỏi được đặt ra là: "Người Hung như thế nào?" Ẩn trong câu hỏi đó, còn có ý: "Các bạn sống xa quê ra sao?" Các phóng viên tài tử của tờ báo đã có những cuộc trao đổi ngắn một số bạn nước ngoài cùng trường: trong số ấy, bên cạnh các sinh viên Nga, Bulgaria, Nam Yemen, Tiệp, Ba Lan, có hai sinh viên Việt là Nguyễn Đức Thịnh và Đào Thế Quang.

Anh Thịnh, học trên khóa chúng tôi 4 năm, là một danh thủ trong làng bóng đá sinh viên thời ấy, thường được gọi với biệt danh "Thịnh đen". Là sinh viên khoa Máy năm cuối, đã sống và học tập 6 năm tại Hung, anh được các phóng viên nhận xét: "Nguyễn Đức Thịnh là một chàng trai Việt Nam lịch sự, thân mật. Anh nói rất thạo tiếng Hung nên cuộc trò chuyện không gặp phải khó khăn gì".

Mở đầu, anh Thịnh kể về hoàn cảnh sang Hung học tập, và câu chuyện anh kể hẳn đã khiến các phóng viên có đôi chút ngạc nhiên: "Việt Nam cần rất nhiều người được đào tạo tốt, nhưng chúng tôi lại không có các trường đại học phù hợp. Vì thế có nhiều người Việt du học tại nước ngoài. Tuy vậy, việc ai được đi đâu học, hoặc học ngành gì - như đối với các kỹ sư chẳng hạn -, thì lại không phải do chúng tôi lựa chọn. Điều này được quyết định tùy theo lợi ích của đất nước. Người ta xem một thành phố hay một vùng cần những chuyên gia gì, và chuyên ngành đó được đào tạo ở nước nào - việc ai đi đâu học phụ thuộc vào các yếu tố đó. Trong số các khả năng của chúng tôi, Đông Đức được ưa chuộng nhất, đa số muốn đi đó học. Tôi cũng không biết là tại sao. Có lẽ, vì người Việt biết rõ về Đông Đức (và cả Tiệp Khắc và Liên Xô) hơn nhiều, so với Hungary. Tôi cũng từng muốn sang Đông Đức, nhưng thực tình tôi không phàn nàn gì vì được sang Hung học. Đối với chúng tôi, được ra nước ngoài học tập là một cơ hội lớn, vì nếu không chúng tôi sẽ không được đi ngoại quốc".

Nguyễn Đức Thịnh đã trả lời như sau về sự hội nhập của anh tại Hungary: "Tôi đã ở đây 6 năm và bây giờ tôi đã quen, nhưng thoạt đầu vô cùng khó khăn. Chúng tôi có những phong tục rất khác, để làm quen và hiểu những tập quán của Hung không phải là dễ. Và càng khó hơn nữa vì người Hung tiếp nhận chúng tôi tương đối khó khăn, đấy là nói trong trường hợp họ tiếp nhận chúng tôi. Với chúng tôi, ngay ở trường và ký túc, họ cũng tỏ ra dè dặt hơn nhiều so với các bạn nước ngoài khác dến từ  Châu Âu. Trong số các dân tộc phương Đông, có lẽ người Hung chỉ kính trọng Nhật Bản, còn với các sắc dân khác họ khá ngờ vực. Tại trường đại học và ký túc, điều này có đỡ đi theo thời gian, nhưng chúng tôi hay cảm thấy nó ở những nơi khác. Khó nói người Hung có tính cách gì đặc trưng nhất, trong cách suy nghĩ, tập quán, các chuẩn mực ứng xử của Hungary và Việt Nam có biết bao điểm dị biệt. Vì thế chúng tôi thật khó khăn khi hội nhập, và tôi nghĩ rằng chưa bao giờ chúng tôi được tiếp nhận hoàn toàn. Hungary là một đất nước đẹp tuyệt vời, tôi rất vui mừng vì được du học tại đây, nhưng tôi không ở được đây".

Những lời tâm sự đầy suy tư và ám ảnh, cho thấy những khó nhọc trong hội nhập của một lớp người, rời Việt Nam trong những năm tháng khó khăn nhất và chấm dứt học tập khi Hung còn chưa thay đổi thể chế chính trị, chưa "mở cửa". Mặc dầu, Nguyễn Đức Thịnh có nhiều bạn bè Hung, anh sống chan hòa và không có vấn đề về khác biệt ngôn ngữ. Có lẽ vì thế, anh đã nói thêm, pha chút luyến tiếc, khi được hỏi anh sẽ làm gì sau kỳ tốt nghiệp ít lâu sau đó: "Tôi sẽ về nước. Sáu năm rồi tôi không về nhà, tôi không có điều kiện làm việc đó. Tôi cũng hơi lo ngại là không biết có cảm thấy mình lạ lẫm trên quê hương hay không vì trong vòng 6 năm, dù là vô ý thức, tôi cũng đã tiếp thu nhiều cách suy nghĩ của người Hung".

Đào Thế Quang (thứ 6 từ bên trái) trong Giải bóng đá Thế giới thu nhỏ "Vì một thế giới đại đồng" (1990 - trận mở màn: Việt Nam - Romania: 3-0). Việt Nam đoạt Cúp vô địch trong giải này và Quang là một tiền đạo xuất sắc của giải - Ảnh tư liệu của NCTG

Đào Thế Quang là sinh viên Việt Nam thứ hai có mặt trong bài báo. Khi ấy là sinh viên năm thứ nhất khoa Điện tử, "nổi đình đám" với tài văn nghệ (đàn, hát, sáo, nhảy...) và bóng đá, thạo tiếng Hung, hóm hỉnh, bạo dạn và là "điểm nhắm" của nhiều cô gái Hung và Việt, nhưng Quang vẫn tỏ ra bi quan khi nói về hội nhập: "Không thể nói là người Hung bất lịch sự hay khó gần, nhưng ở Việt Nam, chúng tôi tôn trọng người ngoại quốc hơn nhiều, bất kể là họ đến từ nước nào, và chúng tôi cư xử với họ tự nhiên hơn nhiều. Ở đây, tôi nhận ra là đi ngoài phố, có những lúc người ta nhìn tôi với con mắt tò mò, nhưng tôi thường xuyên cảm nhận rằng ngay ở trường đại học hay ký túc xá, thực chất họ cũng không coi tôi ra gì!"

Quang nói điều này vào một thời điểm mà, trong thực tế, người Hung còn giữ rất nhiều thiện cảm với cộng đồng Việt tại Hung, khi ấy còn rất nhỏ, đa phần là sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và một nhóm công nhân kỹ thuật, chủ yếu là nữ...

3. Một bước nhảy 20 năm đưa chúng ta đến mùa hạ 2007. Như tôi được biết, anh Nguyễn Đức Thịnh đã về nước sau khi tốt nghiệp, còn Đào Thế Quang sau ngần ấy năm, nay đã trở thành một doanh nhân thành đạt, bố của một nàng công chúa nhỏ nhưng vẫn giữ được vẻ sôi nổi, năng động và hào hoa như thuở nào.

"Tôi yêu đất nước này, tôi sẽ sống cả đời ở đây và Hungary đã là tổ quốc thứ hai của tôi!"

Đúng hai thập niên sau lần trả lời phỏng vấn đầu đời, một lần nữa, Đào Thế Quang lại lên mặt báo Hung, tờ tạp chí "Phụ nữ Hungary" số tháng 6-2007. Với tiểu đề: "Đào Thế Quang: "Tôi yêu đất nước này, tôi sẽ sống cả đời ở đây và Hungary đã là tổ quốc thứ hai của tôi!", báo trích lời Quang, ngắn gọn những đầy đủ và súc tích: "Phải cho, và bạn sẽ được nhận!" - Đào Thế Quang, sống ở phố Gyakorló (Quận X), nhấn mạnh. - Câu tục ngữ này dã được chứng tỏ, nên tôi theo nó. Tôi yêu đất nước này, tôi sẽ sống cả đời ở đây và Hungary đã là tổ quốc thứ hai của tôi. Và tôi cũng yêu quý hàng xóm láng giềng. Thế nào đi nữa, thì tôi cũng hay gặp họ hơn cha mẹ tôi, các bạn hiểu chứ? Vậy thì tại sao chúng tôi lại không hòa thuận với họ? Cho dù với họ tôi cũng ít gặp, chúng tôi làm từ sáng đến tối mịt, nhưng nếu gặp là chúng tôi lại trò chuyện, và lễ tết tôi cũng tặng họ quà cáp. Ai chẳng vui khi được quan tâm? Và sự quan tâm như thế cũng... bõ đấy!"

Câu trả lời dứt khoát và thuyết phục về sự hội nhập, khác hẳn hình ảnh một Đào Thế Quang thời 1987! Và có lẽ vấn đề ở đây không đơn thuần chỉ là thời gian: đối với những cựu sinh viên như Quang, hội nhập thực sự là vấn đề quan niệm và ý thức, chứ họ không gặp phải những cản trở thường gặp như hàng rào ngôn ngữ hoặc sự khác biệt văn hóa. Hội nhập ở đây chỉ là một sự xác định cho bản thân: sống và làm việc ở Hung, coi Hung như tổ quốc thứ hai và vì thế, chan hòa và quan tâm đến những người xung quanh mình!

Ngẫm rộng ra, suy nghĩ này còn có thể áp dụng đối với đông đảo bà con Việt ở Hung, chứ không chỉ với những ai từng học ở đây. Sẽ không dễ dàng, nhưng nếu xuất phát từ ý thức "lợi mình - lợi người", có lẽ chúng ta sẽ làm được nhiều hơn nữa trên con đường hội nhập, để có tiếng nói và hình ảnh được tôn trọng hơn tại Cộng hòa Hungary!

Mong lắm thay!

Ghi chú:

(*) Xin xem các bài "Vài suy nghĩ về sức mạnh của một cộng đồng""Những câu hỏi và vài suy nghĩ bên thềm Đại hội Hội Người Việt Nam tại Hungary".

(**) Chỉ đáng tiếc là trong bài viết này, ký giả "Phụ nữ Hungary" đã nhầm Quang là người... Hoa, và đưa Quang như một ví dụ điển hình về nỗ lực hội nhập của cộng đồng Hoa kiều tại Hung (cho dù từ đầu đến cuối, Quang đã nhấn mạnh mình là dân Việt!)

Trần Lê


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn