ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THĂM VÀ CHỦ TRÌ LỄ CẦU AN, CẦU SIÊU TẠI TRUNG TÂM THĂNG LONG

Thứ ba - 02/09/2008 10:34

(NCTG) Trong ánh nắng rực rỡ đầu thu chiều 31-8, hơn 200 bà con Việt Nam cùng các thiện nam tín nữ của 12 dân tộc đang kinh doanh tại Trung tâm Thăng Long (TTTL), Đoàn Phật tử đến từ Cộng hòa Czech, Slovakia, các môn sinh của Trường Cao đẳng Phật học Hungary và đông đảo cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ), đại diện các hội đoàn Việt Nam tại Hungary đã vui mừng chào đón Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Chơn Thiện (*) - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự, kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng ni - dẫn đầu.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện cùng các Hòa thượng, Thượng Tọa làm Lễ Cầu an, Cầu siêu tại TTTL

Trong lễ tiếp Đoàn tại TTTL, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đã giới thiệu với Đoàn về cộng đồng người Việt ở Hungary với nhiều thành viên vốn là các kỹ sư, bác sĩ, trí thức, nay đã trở thành doanh nhân thành đạt. Trong năm qua, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary đã bước đầu tập hợp và phát huy sức mạnh tiềm năng của các hội đoàn, sinh hoạt cộng đồng đã phát triển đến một tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển quan hệ hai nước Việt - Hung. Điểm qua về một số hoạt động quy mô của cộng đồng, Đại sứ nhắc đến Lễ đón tiếp Phái đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, đã diễn ra long trọng và rất ấn tượng dưới sự tổ chức của Hiệp hội tại TTTL. Và, chỉ 2-3 ngày nữa, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ III cũng sẽ được tiến hành tại Balatonfüred, thành phố xinh đẹp bên hồ Balaton, dưới sự chủ trì của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary.

Trong cuộc trao đổi, Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã bày tỏ niềm vui mừng và sự cảm động trước lòng thành và ý nguyện của những người yêu mến Phật Pháp và đông đảo bà con đã dành cho Đoàn. Với sự chu đáo ân cần của bà con, trong một lịch trình rất phong phú, Đoàn Giáo phẩm Cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có dịp tới thăm và bàn bạc về khả năng phát triển quan hệ với Trường Cao đẳng Phật giáo Hungary (Tan Kapuja Buddhista Főiskola). Từ năm 1992, trên cơ sở tiền thân là Học viện Nghiên cứu Đông Phương (Institute of Oriental Studies) được chính thức công nhận trong hệ thống giáo dục quốc gia Hungary, Cao đẳng Phật giáo Hungary đã phát huy tác dụng trở nên một cơ sở đào tạo nghiên cứu chính, giúp cho Phật giáo Hungary chuyển tiếp qua một giai đoạn mới, đẩy mạnh công cuộc truyền bá giáo pháp thâm diệu của Đức Phật. Các giáo sư Phật học và các nhà nghiên cứu văn hóa cùng nhiều sinh viên của Trường đã nồng nhiệt đón Đoàn, hy vọng sẽ có cơ duyên hạnh ngộ với Đạo Phật Việt Nam.

Buổi thuyết pháp ấn tượng của Đoàn Giáo phẩm cao cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Tiếp đó, với nghi thức trang nghiêm, với tuệ năng của các bậc chân tu trong Đoàn Giáo phẩm cao cấp, Thượng tọa Thích Trí Nhơn đã chủ trì Lễ Cầu An và Cầu siêu tịnh độ cho các hương hồn, vong linh cửu huyền thất tổ. Lời nguyện cầu và tấm lòng Bồ Tát của các bậc chân tu và thiện nam tín nữ như những dòng nước mát làm dịu những băn khoăn, ân hận, oán hờn của nhiều người có mặt trong thời gian dài phải vật lộn với cuộc mưu sinh, đã không thể có mặt hoặc không thể ở lại quê hương đủ thời gian làm nghi lễ cho nhưng người thân quá cố.

Cũng trong buổi lễ, Thượng tọa Thích Gia Quang đã có buổi thuyết pháp rất ấn tượng về "Nét đẹp chữ Hiếu" trong văn hóa Phật giáo và đời sống tâm linh người Việt. Giữ nếp sống hiếu thảo đối với cha mẹ, tri ân đối với cách cách mạng, với các thế hệ anh hùng liệt sĩ trong cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc và cuộc kháng chiến thống nhất đất nước: đó là Phật tử và cũng là giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Trả lời các câu hỏi, Thượng tọa và các pháp sư trong Đoàn đã chia sẻ với đông đảo bà con những pháp nhiệm mầu của Đức Thế tôn để giải quyết những trục trặc nảy sinh trong môi trường sống khác biệt văn hóa, tôn giáo. Kính chúc Các Pháp sư thân tâm an lành, Phật sự viên thành trong sự nghiệp đổi mới Phật pháp, trì hộ cho cộng đồng người Việt an cư lạc nghiệp, góp phần làm tươi những Hoa Sen Đạo Bụt Việt Nam ở Hungary. (**)

(*) Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Tiến sĩ Khoa học, đại biểu Quốc hội, được báo giới đánh giá là "bộ óc lớn của Phật giáo Việt Nam đương đại": "Ở Hòa thượng là sự thao thức, hòa trộn triết lý, tư duy của đạo Phật với tiềm thức dân tộc, thao thức về sự đề kháng, bung dậy sức mạnh tình thần của dân tộc trong mọi thời đại".

(**) Trong buổi Lễ Cầu an, Cầu siêu, các Phật tử và bà con tham dự đã trích 10 triệu đồng từ số tiền công đức để hỗ trợ các nạn nhân của cơn bão số 4 khu vực phía Bắc, thông qua quỹ Tấm lòng vàng của VTV4.

Bài và ảnh: Phạm Khuê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn