(NCTG) Làn sóng du lịch quá tải ngày càng là vấn nạn khiến nhiều địa danh nổi tiếng trên thế giới phải đau đầu và chính quyền sở tại phải ra những quyết định mang tính thắt chặt. Gần đây nhất, biện pháp xử lý của chính quyền Plitvice đã khiến nhiều du khách phải “khóc thầm”.
“Thiên đường hạ giới”, Công viên Quốc gia Hồ Plitvice, Cộng hòa Croatia - Ảnh: Internet
Được thành lập vào năm 1949 và mang cái tên chính thức là Công viên Quốc gia Hồ Plitvice, điểm đến này của Croatia từ năm 1979 được đưa vào danh mục Di sản Thế giới của UNESCO, và được xem như một trong những thắng cảnh thiên nhiên đẹp nhất tại Châu Âu.
Là một trong số các Di sản Tự nhiên đầu tiên trên toàn thế giới của UNESCO, Hồ Plitvice nằm trong một thung lũng và được bao phủ tứ bề bởi những rặng núi và cánh rừng xanh rì, bao hàm một hệ thống gồm gần hai chục hồ nước xanh biếc và trong vắt tiếp nối nhau.
Cuối năm 2016, UNESCO đặt ra một thời hạn cho ban lãnh đạo Công viên Quốc gia Hồ Plitvice rằng cho tới tháng 2-2017, nơi này cần phải trình một kế hoạch hành động cho phép số lượng du khách như thế nào - với với những điều kiện ra sao - được tới thăm Plitvice.
Kế hoạch nói trên cũng cần phải “đồng bộ” với những tiêu chuẩn của UNESCO, bằng không thắng cảnh này có thể bị loại khỏi danh mục Di sản Văn hóa Thế giới. Tuy nhiên, để “đối phó” với lượng du khách lên tới hơn 1,3 triệu chỉ riêng trong mùa du lịch, là chuyện khó.
Năm ngoái, con số này tăng lên ở mức kỷ lục là 2 triệu người, và số người vãng lai ở những khu nghỉ dưỡng lân cận cũng tăng gấp đôi. Đa số du khách tới thăm Hồ Plitvice cũng phàn nàn là đông đúc quá (cho dù chính họ cũng góp phần khiến khu hồ này trở nên quá tải!).
Biện pháp khắc phục mới đây của chính quyền khu vực, được coi là trước mắt mới mang tính thử nghiệm, đã khiến nhiều khách du lịch - trong đó có một gia đình Hungary - phải “kêu trời” vì họ không biết trước rằng, muốn tới thăm Plitvice phải đăng ký trước qua mạng.
Cụ thể, muốn có vé vào cửa, cần đăng ký trước tối thiểu 2 ngày trên trang chủ của Công viên Quốc gia Hồ Plitvice, và xác định thời điểm mà du khách dự định tới thăm (du khách cần phải nêu rõ cả việc muốn vào tại cửa nào, điều không phải ai cũng biết được từ trước).
Sau khi đăng ký xong, du khách sẽ được nhận một “biên nhận”, và dùng “biên nhận” đó để mua vé - một điều kiện khá chặt chẽ là cùng lắm, phải mua vé trong vòng 1 tiếng kể từ thời điểm mà du khách thông báo trong đăng ký (ví dụ đăng ký 10h, tối đa 11h phải mua vé).
Ngoài ra, chính quyền địa phương ấn định rằng mỗi ngày, lượng du khách tối đa sẽ được hạn chế ở mức 10.000 người, do đó ai muốn tới thăm Hồ Plitvice, nên đăng ký càng sớm càng tốt, vì tới mùa du lịch hoàn toàn không dễ để có thể mua được vé (vốn không rẻ).
Vấn đề của Plitvice không phải là quá dị biệt: những năm qua, Venice (Ý), Trolltunga (Na Uy), Mykonos (Hy Lạp), Costa del Sol (Tây Ban Nha), Bled (Slovenia), Dubrovnik (Croatia)... đã gặp nhiều vấn đề với du khách “check-in” và đang phải làm mọi cách để “tự vệ”...
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...