(NCTG) “Thứ anh sáng ấy không rực rỡ chói lòa sắc màu, chỉ thanh thoát tinh khiết mà vững vàng như niềm hy vọng. Để ấp ủ chờ mong một năm mới tốt đẹp hơn!”.
Ngôi sao và ánh sáng của niềm hy vọng
Ngày đầu đặt chân đến đây, chúng đập vào mắt làm tôi không khỏi tự hỏi “sao cái xứ của design này mà trang trí Noel nghèo nàn đến vậy?”. Đâu đâu đa phần cũng chỉ y hệt nhau, một ngôi sao lớn và tháp nến 7 ngọn . Những cây thông, ban-công ở đây chẳng trang trí diêm dúa với ruban hay treo cầu thủy tinh. Chỉ có chút đốm sáng đèn trắng nhỏ, không cả nhấp nháy.
Cách trang trí ấy thoạt tiên có thể làm ta thấy lạnh lẹo xa cách. Nhưng sau vài ngày lưu lại, lại cảm giác ánh sáng thanh khiết ấy mang đến một sự tĩnh tại và bền bỉ lạ lùng, nhen nhói thẳm sâu niềm tin vào một điều gì đó dù mơ hồ. Để ta không khỏi ngước mắt hướng về những khung cửa ấy, như kiếm tìm những ngôi sao Hôm sao Mai chỉ lối trên bầu trời đêm, để yên lòng không lạc bước, hay ít ra có chút ánh sáng lấp lánh đồng hành bớt cô độc trong đêm giá lạnh.
Đến xứ Bắc Âu mùa Noel có lẽ nếu để kiếm tìm không khí náo nhiệt ồn ã lễ hội thì ta sẽ thất vọng, nhưng nếu để lắng đọng lòng mình những ngày cuối năm nghe chừng lại nhiều ý nghĩa hơn.
Những ngôi sao và ánh nến ấy, bắt nguồn từ truyền thống tôn giáo lâu đời của vùng Scandinavia, người ta thấp nến và treo đèn từ đầu mùa lễ cuối năm - l’Avent, kéo dài từ đầu tháng 12 đến tận đêm Giáng sinh, vừa là để đợi chờ ngày Chúa giáng trần. Nhưng cũng là những ngọn đèn thắp suốt xua đi cái tối tăm của những đêm quá dài, thắp ánh sáng hy vọng và thiện chí ấm áp tới những người xung quanh. Khi mà ở xứ sở này, những ngày tháng 12 có nơi chỉ sáng 2-3h rồi lại chìm vào đêm tối, “ánh sáng” trở thành một liệu pháp chữa bệnh tâm lý. Dần dần từ tôn giáo, việc thắp sáng trên các khung cửa lan ra thành một truyền thống, đôi khi suốt mùa đông, từ cửa sổ các gia đình đến các văn phòng, công sở, khu giải tri thương mại...
Những ngọn nến và ngôi sao ấy gọi là L’etole de l’Avent, l’Avent trong tiếng Pháp dịch là “sự xuất hiện” có thể hiểu là sự Giáng trần của Chúa Jesus. Nhưng tôi thích cách gọi của một người bạn là “mùa Vọng”- như hàm nghĩa rộng hơn vượt ra ngoài cái khung tôn giáo - một sự đợi chờ, hy vọng, bền bỉ thắp qua những đêm mùa đông dài lê thê, hay niềm tin nâng đỡ ta vượt qua những ngày tăm tối của cuộc đời, để vững lòng rằng ánh sáng luôn ngự trị, và sẽ bừng lên chờ đợi ta ở cuối hành trình .
Và như thế, các khung cửa sổ luôn rộng mở ngày đêm, ngay cả dưới cái lạnh bao nhiêu độ âm đi nữa, với ánh sáng không bao giờ lụi tàn của những ngôi sao, rọi sáng không chỉ những căn phòng bên trong, mà lung linh thắp sáng cả đêm đen. Nó san sẻ từ trong mỗi ngôi nhà, cái ấm áp và những niềm hy vọng tốt đẹp, tràn ra qua cái giới hạn của bốn bức tường, sưởi ấm lòng người đi đường trong cái giá lạnh, giống như ta - người khách xa xứ, bớt phần lẻ loi.
Và để tin, sau khung cửa mở và ánh sáng ấm áp kia, hãy gõ cửa, nếu cần..., hãy đi, ánh sáng luôn soi đường!
Đêm nay, đêm cuối cùng của một năm 2018 không bình yên, khi ánh sáng ngoài đèn đường hắt qua khung cửa, ta lại nhớ về thứ ánh sáng ấy. Không rực rỡ chói lòa sắc màu, chỉ thanh thoát tinh khiết mà vững vàng như niềm hy vọng. Để ấp ủ chờ mong một năm mới tốt đẹp hơn!
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...