ĐƯỜNG SANG XỨ TIỆP QUANH QUANH...

Thứ sáu - 29/09/2006 22:19

(NCTG) Anh bạn nhà gần biên giới Tiệp phía Nuernberg thông báo rằng giờ anh không phải đi chợ người Việt mua gạo và đồ ăn quê hương bên Tiệp thay cho đồng hương láng giềng nữa. Lý do: bất chấp các quy định liên quan sau sự kiện Tiệp vào liên hiệp chung châu Âu, phía Tiệp đã mở rộng cửa cho không chỉ người Đức mà còn người nước ngoài định cư tại Đức vào... tiêu tiền.

Khó mà tin được. Cả nhà tôi sôi nổi quyết định sẽ đi qua đó, nhưng ông chồng đầy mồm tiếng vẫn nửa tin nửa ngờ gọi điện tới sứ quán Tiệp kiểm chứng thông tin. Câu trả lời: công dân các nước không thuộc Liên hiệp chung châu Âu phải có visa, lệ phí cho mỗi visa là 90 EURO, thời hạn ba tháng. Còn lâu nhé! Tôi nhớ là trước kia lệ phí này chỉ là 150 D-Mark, lại cũng nhớ đã ác cảm vô cùng với mấy cán bộ ngoại giao Tiệp thời đầu thập kỷ 90 ở Hà Nội. Họ biết bà con ta thường phải đánh đường qua Tiệp để sang Đức nên làm tiền người Việt xin nhập cảnh vào Tiệp rất ác.

Nhưng bà con ta chúng khẩu đồng từ rằng cảnh sát Tiệp cho qua biên giới đấy và rằng họ sẽ cho mình ăn chơi xả láng ở Tiệp năm ngày rằng tha hồ đi đi về rằng giá cả bên ấy rẻ lắm lắm. Chúng khẩu đồng từ thì sư cũng còn khó cưỡng. Cái sự mua bán tôi không ham lắm mặc dù là đàn bà. Nhưng mà trong trí vọng mãi câu thơ yêu suốt một đời, về một Praha để yêu, để thương, để nhớ... Nên sau khi ân hận đã không mang theo hộ chiếu khi tới thăm bạn ở Dresden, là nơi cách biên giới Đức Tiệp có 60 cây số, cả nhà tôi lại hào hứng làm tiếp một chuyến rong chơi ngay tuần sau.

Nói vậy chứ lúc xe leo tới đỉnh dốc, nhập vào dòng xe đang chờ qua cửa khẩu tôi cũng run trong bụng. Nếu không qua được biên giới phải quay về thì chết với thằng con bảy tuổi ưa đay nghiến bằng tiếng Việt. Nó mà cứ bố mẹ thấy chưa... lẽ ra phải... đằng nào cũng...thôi thì... cả 400 cây số đường về thì thôi rồi một cuối tuần.

Đường sang xứ Tiệp quanh quanh ôm núi dẫn tới cửa khẩu tuyệt đẹp. Giá biên giới hai nước không bị ngăn bởi một cái cổng thông thống y như cổng vào một công trường vĩ đại thì còn tuyệt nữa. Lá cờ hai nước Đức Tiệp tung bay hai phía. Gió núi ào ào. Mười sáu năm về trước, núi đồi hùng vĩ này đã làm chứng cho niềm vui, nỗi mừng của bao nhiêu công dân Cộng hòa Dân chủ Đức. Họ đã chạy qua tị nạn tại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức ở Tiệp và được phép từ nước Tiệp cộng sản chạy qua nước Đức cộng sản để tới với thế giới tự do Tây Đức. Có giống gió bây giờ không những cơn gió đã làm khô nước mắt vui mừng của họ ngày ấy, khi con tàu chở họ sắp qua biên giới, sắp chạy qua Dresden giữa rừng cánh tay vẫy chào của những người còn ở lại. Khi đó, ai trong số những người đi người ở tin rằng chẳng bao lâu nữa họ sẽ lại thành anh em dưới một mái nhà chung: nước Đức thống nhất? Và những công dân Tiệp khi ấy, có lẽ cũng không tin rồi đến một ngày Tổ quốc họ lại trở về nguyên trạng trước thời cộng sản, và họ cũng trở thành công dân EUnhư những người anh em Đức họ vừa tiễn lên đường.

Anh cảnh sát biên phòng yêu cầu chúng tôi đưa xe tách khỏi hàng khi chúng tôi trình hộ chiếu Việt Nam. Ô, Praha, liệu có còn xa?

Mười lăm phút chờ đợi, thời gian vừa đủ để cho thằng con tôi thăm thú toilette núi đồi biên giới và so sánh toilette đường xa nước nào xịn và sạch hơn nước nào. (Nhân thể nói về trạm luân chuyển ngũ cốc này, phải kể ngay rằng không phải cứ là tư bản già đời thì xịn hơn đâu nhé. Toilette trên xa lộ phía Đông Đức hơn đứt phía Tây Đức, ánh sáng dịu dàng, gương to sáng loáng, nhạc dặt dìu, thơm nức - kết quả đầu tư bằng tiền đoàn kết cắt từ lương của (ai là người Đức, có đi làm). Nhưng vì cái khoản đầu tư yêu nước này mà có thể tiên đoán Tiệp dù đã là thành viên EU cũng khó có ngay hạ tầng cơ sở như Đông Đức.

Còn đang hiên ngang hít gió núi lồng lộng và ngắm cờ hai nước Đức Tiệp tung bay thì anh cảnh sát Tiệp khi nãy xuất hiện trao lại hộ chiếu có dấu thị thực vô thời hạn. Tôi để ý cảnh sát Tiệp lịch sự hơn hẳn cảnh sát của ta nhưng có vẻ không thân thiện như cảnh sát Đức. (Vì sao nhỉ?) Nhưng mà thôi, tạm biệt. Lên đường.

Trên cùng một đỉnh núi mà cảnh quan hai nước khác hẳn nhau. Phía Đức, nhà nghỉ, hàng quán lấp ló đường rừng thật mời gọi. Đôi ba làng nhỏ mái đỏ tường trắng rực rỡ trong chiều. Tóm lại chỗ nào cũng đáng là bối cảnh để quay phim, tóm lại là đẹp không tì vết. Nhưng mà như cô bạn tôi dân học ngôn ngữ Đức ở Đông Đức từ những năm 80 bình luận thì vẻ đẹp ấy có gì như trong phòng thí nghiệm, vẻ đẹp vô trùng. Nghĩ cũng đúng.

Vượt sang dất Tiệp thì khác hẳn. Núi ấy rừng ấy, lá ấy gió ấy thôi. Nhưng đường rừng phủ đầy lá chết từ thủa nào đã cũ. Và những góc phố, những mái nhà, những bờ tường, những gác chuông phả ánh tàn tạ vào nắng vãn. Xe chạy trên con đường chỉ có hai làn xuôi ngược, đằng sau là hoàng hôn đuổi, mặt trời to và ngon y hệt một lòng đỏ trứng luộc lòng đào chậm chạp chìm vào đằng sau đỉnh núi. Phía trước là những kiến trúc cổ đẹp tuyệt vời, là những lề đường cỏ mọc bơ thờ cùng năm tháng. Tôi có cảm tưởng như vừa ngược mười mấy năm trời thấy lại Đông Đức thời nước Đức vừa thống nhất.

Cái này là mới chăng? Trời chiều gió lạnh, có những cô gái đứng hút thuốc lá ven đường, môi son ướt át, ủng cao tới nửa đùi trong khi cái rop đỏ rực lại chỉ ngắn có lẽ bằng chiều ngang của hai cái dây lưng ghép lại. Đằng sau lớp phấn son trét đậm, đằng sau vẻ dày dạn kia là một tuổi trẻ sớm bị bỏ hoang cho ngày tháng dại. Những bộ ngực còn chưa xệ, những đôi mông còn vun cao, những đôi mắt nửa hằn nét chán chường nửa đầy vẻ thách thức chỉ có thể có ở những người trẻ tuổi. Cũng lại họ, trong phục trang của bà tổ Eva, giữa căn nhà gỗ dựng tạm ven đường che ơ hờ mảnh rèm bẩn thỉu đứng múa may câu khách. Vẫn nghe nói về cái dịch vụ thịt sống này từ lâu, nhưng tôi không ngờ nó hiện hình thô bạo đến thế này. Tự hỏi không biết dân chúng ở ngôi làng nhỏ, nơi những cô điếm trẻ đứng chào hàng mông ngực ngay trên đường đi lối lại thế này nghĩ gì. Nghe nói phần lớn các cô không phải là người Tiệp mà từ một vài nước Đông Âu cũ sang, cốt kiếm tiền nhanh bằng sự phục vụ con lợn lòng của cánh lái xe tải hay mấy tay đàn ông Đức ít tiền rửng mỡ bên kia biên giới. Các cô tụ lại như đàn bướm sát đường biên, nơi những chiếc xe tải đồ sộ tụ tập. Các cô đứng ưỡn ngực trò chuyện với anh lái xe tải dừng xe một cách đáng ngờ bên đường. Giữa ban ngày ban mặt. Vẫn biết tình dục là một phần cơ bản của đời sống con người, và nghề điếm có một lịch sử thần thánh là đằng khác, nhưng vẫn không thể không chạnh lòng thương cho những kiếp hoa chẳng mấy nữa mà tàn tạ vì miếng cơm manh áo hay đơn giản vì không đủ khả năng giữ mình lại bên rìa quan niệm đạo đức thông thường. Văn chương nghệ thuật hay nói hay tố cáo hay thương cảm kiếp bướm của những người đàn bà thế này. Đời sống này chẳng lẽ quý đến thế ư, để người ta có thể chấp nhận sống một cách thê thảm thế? Nhưng chết, dễ gì đâu, đã vào guồng thì chỉ còn hai khả năng để mà chọn lựa: hoặc bị nghiền nát, hoặc bị văng ra, kiểu nào cũng khó vẹn toàn.

Có chút ấm lòng. Ven đường biên giới, thấy rất nhiều hàng quán có biển đề chữ Việt Nam. Từ lâu tôi đã nghe về cái chợ Xù (cách dân mình tự gọi, cũng như dân Việt bên Đức sang Đức sau 1990 thì tự gọi mình là Cộng vậy). Chợ họp ven đường rừng, xa làng, xa thành phố Tiệp, không biết bà con làm ăn thế nào. Có cô em chồng đứa bạn, chủ một quầy hàng ở đó, kể cho tôi hôm gặp nhau giữa Hà Nội: buôn bán với mấy thằng phát-xít mà chị. Dân Đức rộng đường ăn tiêu, họ qua mua đồ như nhặt vậy. Cái hồi bên đó còn dùng đồng D-Mark mới gọi là bán tốt. Chắc hẳn vậy. Xe chạy ngang những mái quán rực rỡ tên đất tên người Việt, qua những hàng quần áo phấp phới tung bay, qua những hàng hoa giả, qua những hàng bán đồ bày làm cảnh trong vườn, hàng đống nàng Bạch Tuyết sành cười tươi giữa hàng đống bảy chú lùn loè loẹt. Thấy có cả mấy người đàn bà ngồi nhặt rau ngay trước quán. Thật y hệt một góc chợ Đồng Xuân hay chợ Hôm - Đức Viên dịch chuyển qua đây. Nắng ngời trên mái quán. Mà bất giác lại tưởng tới những mùa tuyết trắng tưởng chừng bất tận nơi này, bất giác lại thương nhau. Thương và phục cái phúc cái phận làm người Việt, như con ong cái kiến tóa đi lo ăn lo làm bất cứ nơi nào bất cứ ở đâu.

Hiếm thấy một thành phố nào như Praha mà đường đến với nó đẹp đến thế. Đẹp rụng rời. Cái hùng vĩ, cái điệp trùng nhìn từ trên cao xuống vừa làm sảng khoái, vừa làm tăng phần cảm khái. Muốn thốt lên câu ôi xinh đẹp Tổ quốc của... Tây. Trong vẻ tàn tạ không tránh khỏi ở một đất nước vừa đi vòng những mấy chục năm để giờ tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa tư bản, đã thấy nhiều sức mới. Cái mới hiện diện nhiều nhất ở những siêu thị vốn phổ biến ở Tây Âu, và ở những bờ tường trắng mái ngói đỏ cửa kính rộng của những ngôi nhà mới dựng.

Xe chúng tôi tới Praha thì trời đất đã thực sự vào đêm. Praha đêm thật huyền ảo, càng thập phần huyền ảo với người cận buộc phải làm duyên với cái kính 10 đi-ốp như tôi. Cả nhà sửa kính, sẵn sàng tìm phố chỉ đường cho người cầm lái vĩ đại - ông bố, ông chồng. Mà trời ạ, bình thường tôi đã phát cáu lên vì biển báo bên Đức, chữ bé tí, tài thánh cũng phải vừa nhìn vừa đoán lúc xe chạy vèo vèo, tới Praha thì chịu cứng. Nét độc đầu tiên của thành phố này là biển chỉ tên đường lại ốp ở tường nhà nằm góc phố khiến cả nhà tôi kinh ngạc, cứ ngỡ thành phố chỉ toàn nhà di tích lịch sử.

Có đi có đến. Đích ngày mai: Cầu Tình.

Ngày thường, mà khu vực quanh quanh Cầu Tình đông nghịt người. Sau mấy tuần châu Âu tái mét trong mưa, hôm nay nắng tươi roi rói. Mặt những con búp bê cổ truyền Slave cũng tươi roi rói nhìn khách lũ lượt diễu qua con phố nhỏ từ sau khung kính. Sông Vltava nước dâng hóa vàng trong nắng. Từ đầu cầu bên này nhìn sang, phố núi trập trùng. Sao lại có cây cầu đẹp đến thế! Những nhóm tượng cực kỳ phức tạp, cực kỳ bay bổng đậm màu thời gian chết chăm chú và thanh thản nhìn người qua lại từ hai bên thành cầu. Dưới chân tượng này một họa sĩ đang phác họa chân dung một cô nàng hồn hậu và phục phịch có vẻ không quen ngồi mẫu. Dưới chân nhóm tượng kia, một nhóm người Bohemien đàn sáo tưng bừng. Những chàng trai âu yếm khoác vai những cô gái. Những bà già chừng đã yên tâm qua tuổi hồi xuân bối rối luồn ngón tay vào bàn tay bận rộn máy ảnh của những ông già. Từ tháp đầu cầu nhìn xuống, người như kiến. Thằng bé nhà tôi vừa thấy đứng bên ông họa sĩ cầu, nhoáy cái đã mất tăm. Cả nhà bổ đi tìm, chẳng khác mấy cái lá xoay lộn giữa sóng người. May thằng cu trong lúc cuống vẫn không để rơi xuống sông chút sáng dạ, biết đi tìm bố mẹ tới đầu cầu bên kia không thấy lại vội vã quay về. Có thật cầu này tên là Cầu Tình không? Quả có yêu ai lôi nhau tới đây mà hôn nhau rồi lao đầu xuống sông luôn cũng bõ. Tôi đùa sau lúc hoảng hồn. Thằng cháu năm nay vào đại học thổ công Praha nhìn tôi từ chiều cao một mét tám mươi phì cười: Các ông lưu học sinh nhà mình ngày xưa, từ những năm sáu mươi ấy, đi từ cổng làng sang cái cầu này thấy người ta hôn nhau là ôm mặt he hé mắt nhìn thôi, thế là Việt hóa tên cầu thành Cầu Tình đấy chứ.

Gần nửa thế kỷ, cây cầu nổi tiếng với người Việt dưới cái tên này. Dân mình hóa ra là lãng mạn ngầm hơn khối dân tộc khác đấy nhỉ! Hay là bảo dễ tính hơn cũng được! Vì tôi để ý là mọi cái tên Tiệp của những nơi đáng thăm thú người Việt mình đều Việt hóa tuốt, đặt tên mới thay cho cái tên bản xứ nói tréo họng bằng cách đơn giản là căn cứ vào một dấu ấn nào đó: Quảng trường Con Gà, Quảng trường Con Ngựa. Đến ngộ. Trước Quảng trường Con Gà, người ùn ùn dồn về chờ nghe và xem đồng hồ báo giờ. Kể cũng độc đáo thật, kiểu đồng hồ quả lắc này tôi đã nhìn thấy ở nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ thấy thời gian hiện hình qua không chỉ mặt thánh nhân mà còn qua cả những bộ xương người chết. Tiếng gà vừa dứt, thánh nhân núp trở lại bên trong cánh cửa đồng hồ, những bộ xương thôi giật chuông, tiếng cười ồ lên, ran tiếng vỗ tay và tiếng ồn ào bằng nhiều thứ tiếng. Nghe chung quanh toàn tiếng Đức. Lại chợt nhớ năm ngoái về thăm nhà, cô bạn dân Hải Phòng lên tận nơi đón về đi nghỉ mát cùng, vào thăm một cái hang mới được phát hiện trong quần thể vịnh Hạ Long (?), hang Sửng Sốt, tôi sửng sốt thấy biển báo trong hang toàn chữ Tàu, mà nhìn quanh, trời ạ, chỉ toàn mặt dân mình. Lại tiếc cho ngành du lịch nước nhà phát triển lập cà lập cập.

... Một dáng đàn bà nuột nà da thịt đá nghiêng nhìn xuống từ một bờ tường. Một dáng đàn ông quật cường như sắp lao vào thánh chiến vươn lên cũng từ một bờ tường. Đây ngôi nhà thiên tài vật lý thiên văn Kepler từng sống. Kia nơi thiên tài văn chương Kapka từng ủ ấp những "Vụ án", "Hóa thân", "Lâu đài", v.v... Phố xá Praha sao mà tráng lệ, là tổng thể của kỷ công và bay bổng, là tổng thể của hiện tại đương hồi sinh với dĩ vãng đầy ám ảnh suy tư. Thế giới thứ Hai để dấu ấn kinh hoàng ở đất nước này, thế mà may, bom đạn đã không tàn phá thủ đô Tiệp như đã từng tàn phá Berlin nơi tôi đang sống cũng như nhiều thành phố Âu châu khác. Đất nước này từng mới chỉ vươn ra khỏi ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Đức chỉ mấy trăm năm, từ thời âm nhạc của Smetana. Nhớ thế, lại nghĩ với quy mô hoành tráng của mình, giá kể không bị tàn phá dưới mưa bom, giá kể những kiến trúc xưa không thành đống điêu tàn bị hót đi để thay vào những kiến trúc kiểu xã hội chủ nghĩa thời Stalin, có lẽ Berlin cũng đẹp lắm. Nhưng mà Berlin không núi đồi hữu ý hữu tình như thế này. Thế đất Praha sao hòa hợp tuyệt đối với vẻ bay bổng của kiến trúc Baroque.

Mấy chục năm XHCN, đất nước này đã đón bao nhiêu lớp sinh viên, học sinh Việt Nam du học. Ngày đó, Tiệp là đích đến lý tưởng (sau Đông Đức) của người Việt. Ngay nhà ông chồng tôi cũng đóng góp hai nhân mạng làm TS tại đây. Người Việt ngày đó khuân từ Tiệp về nào đồ pha-lê, nào xe đạp Eska, xe máy "ba-bét-nhè", các phụ tùng xích líp đi kèm nặng chẳng khác gì các thùng mìn... [...] Hiện nạy, có chừng 20 ngàn người Việt đang sống ở Praha. [...] Nhưng đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Của những lần trở lại khác.

Với Praha.

Âu La, từ Berlin


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn