HUNGARY VÀ VẤN ĐỀ HUNG KIỀU

Chủ nhật - 10/12/2006 09:44

(NCTG) Ngày 5-12 này, các cử tri Hungary lại một lần nữa tham gia một cuộc trưng cầu dân ý (lần thứ 5 kể từ khi nước Hung bước sang con đường dân chủ và đa nguyên).

Kỳ trưng cầu dân ý đúng vào dịp Ông già Noel "tunh hoành"

1. Kỳ trưng cầu lần này được gọi là "trưng cầu kép" vì cùng một lúc, các cử tri phải trả lời 2 câu hỏi. Trong đó, câu hỏi thứ hai - về khả năng trao tức khắc quốc tịch Hung cho các Hung kiều ở nước ngoài - đụng chạm đến một vấn đề lịch sử có thể coi là vô cùng đau thương của nước Hung và do đó, các bình luận viên chính trị cho rằng rất có khả năng là dân Hung sẽ tiếp cận vấn đề này trong cuộc trưng cầu theo cảm tính, chứ không theo sự xét suy sáng suốt.

Bản thân câu hỏi này, khi đọc lên, còn trúc trắc và khó hiểu đối với cả những người Hung nào không thật quan tâm đến chính trị và mọi thứ liên quan. Diễn nôm ra, cử tri cần nói ý kiến của mình về việc họ có đồng ý hay không để Quốc hội Hung thảo ra một đạo luật cho phép Hung kiều ở nước ngoài được (tái) nhập tịch Hung một cách dễ dàng, nếu họ chứng tỏ được rằng họ có cội rễ Hung. Đạo luật này, nếu được thiết lập với sự đồng ý của đa số cử tri Hung, sẽ ảnh hưởng đến gần 2,5 triệu Hung kiều tại các nước láng giềng như Romania, Slovakia, Serbia - Montenegro, Ukraina, Croatia, Slovenia và Áo.

2. Để hiểu một cách thấu đáo vấn đề ngoài kiều Hung ở nước ngoài, cần đi ngược dòng lịch sử về những năm đầu của thế kỷ XX.

Trong Thế chiến thứ nhất, Hungary đứng về phe thua cuộc và vào ngày 4-6-1920, tại lâu đài Trianon ở Pháp, nước này đã buộc phải ký cái gọi là "hiệp ước hòa bình" mà kết quả là Hung đánh mất ba phần tư diện tích (từ 325.411 km2, chỉ còn 92.833 km2) và hai phần ba dân số (từ 20.900.000 người, chỉ còn 7.980.000 người), cho những nước láng giềng. Đó là chưa kể đến chuyện những quốc gia thắng cuộc còn được quyền "quản lý" mọi "lợi nhuận" của nhà nước Hung.

Hiệp ước hòa bình Trianon được coi là nỗi nhục và đau thương tột cùng trong lịch sử 1.100 năm nước Hung. Cho dù sau Đệ nhị Thế chiến, nước Hung lại một lần nữa phải chia sẻ diện tích và đất đai cho một số nước lân cận, nhưng Trianon đã để lại sự chia cắt lớn nhất trong tâm thức dân Hung, và nước Hung. Cho đến giờ này, nhiều người Hung vẫn không thể chịu nổi sự bất công của Hiệp ước này và do đó, họ luôn đòi hỏi hiện tại phải có những biện pháp gì để hóa giải những oan khiên trong quá khứ. Cuộc trưng cầu dân ý lần này được thực hiện, một phần để đáp ứng đòi hỏi đó.

3. Thực ra, trong vòng gần 15 năm vừa qua, "nước mẹ" Hung đã làm rất nhiều để giúp đỡ những đứa con Hung kiều ở nước ngoài. Kể từ mốc cuối năm 1989, khi Hung tiếp nhận rất đông Hung kiều từ Romania, chạy nạn độc tài của Ceaucescu, cho đến nay, Hung đã trao cho Hung kiều cái gọi là "căn cước Hung", tạo điều kiện để họ có thể đi lại dễ dàng về Hung và có một số quyền lợi gần tương đương với công dân Hung. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ đối với một số đảng đối lập Hung theo chủ nghĩa quốc gia: những đảng này - với những khẩu hiệu đầy cảm tính như "Hãy nói lời tán đồng ý với sự đoàn kết toàn dân tộc!", "Đây là sự lựa chọn của trái tim!", "Hộ chiếu vào Châu Âu cho tất cả người Hung"... - đã mở một chiến dịch kêu gọi người Hung thu thập đủ chữ ký để được trưng cầu dân ý trong vấn đề này. Trái lại, các đảng cầm quyền lại cho rằng cần ủng hộ Hung kiều tại ngay nước họ sinh sống, với những phương cách khác, bởi lẽ trao tức khắc quốc tịch cho họ chẳng khác gì đem về một gánh nặng không lồ cho cư dân Hung vì khi đó, Hung kiều cũng được hưởng mọi quyền lợi về xã hội và dân sinh như người Hung, ngay cả khi họ vẫn ở nước ngoài và không hề đóng thuế cho Hungary. Trong những ngày cuối, cuộc tranh luận trên chính giới Hung đã đi đến cực điểm khi phe đối lập phê phán những ai không đồng tình với mình là "ái quốc là thứ không thể đếm được bằng tiền", và phe chính phủ thì cho rằng các địch thủ chính trị của mình đơn thuần đã "mỵ dân", "vô trách nhiệm" khi đưa ra ý kiến trao quốc tịch Hung cho tất cả người gốc Hung.

4. Đặc biệt, việc cho phép Hung kiều được quốc tịch kép bị phía Romania phản đối kịch liệt. Ở nước này, có một lượng đông đảo Hung kiều sinh sống (gần 1,5 triệu người) và có những vùng, đa phần chỉ có người gốc Hung sinh sống. Từ nhiều năm nay, chính phủ Romania đã nhìn nhận việc nước Hung tìm cách cho người gốc Hung có một số "đặc lợi", như là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Romania.

Trong một bức thư gửi ngoại trưởng Hung, người đồng nhiệm Romania là ông Mircea Geoana, cho biết rằng theo một hiệp định mà Hung và Romania đã ký kết, nếu một Hung kiều tại Romania muốn được nhận quốc tịch Hung thì người đó phải từ bỏ quốc tịch Romania (nói cách khác, Romania không chấp nhận "quốc tịch kép"). Theo ngoại trưởng Romania, việc Hung dự định cho Hung kiều được 2 quốc tịch là "đi ngược lại một số bổn phận đã được ấn định trong các văn kiện song phương và quốc tế". Để trả lời, ngoại trưởng Hung Somogyi Ferenc, cho biết: hiệp định mà người đồng nhiệm của ông nhắc đến đã bị phía Hung bác bỏ (trong một đạo luật) và cũng đã được thông báo chính thức với phía Romania từ năm 1990. Mặt khác, hiện tại, vẫn có nhiều người mang 2 quốc tịch Hung và Romania; chủ tịch một tổ chức chính trị của Hung kiều tại Romania cũng khẳng định là luật pháp Romania cho phép công dân họ được có 2 quốc tịch.

Tuy nhiên, cho dù phía Romania có phản ứng thế nào đi nữa thì cuộc trưng cầu dân ý ở Hung cũng là "việc đã rồi". Từ 6 giờ sáng nay, hơn 8 triệu cử tri ở Hung - và 2 ngàn cử tri Hung ở 62 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam - có thể thể hiện ý nguyện của mình trong một cuộc trưng cầu mà một bộ phận lớn trong chính giới và công luận Hung cho rằng "đáng tiếc là phải tổ chức nó, nhưng vẫn phải tổ chức vì... ý dân là ý trời!"

Trần Lê, 5-12-2004


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn