Tây Thiên trước ngày lễ hội: RÁC THẢI - "BÀI CA ĐI CÙNG NĂM THÁNG"

Thứ sáu - 10/03/2006 20:40

(NCTG) Trải qua hàng nghìn năm, khu di tích Tây Thiên đã được biết đến là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của trấn Sơn Tây xưa và tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Cùng với công tác trùng tu và tôn tạo diện mạo Tây Thiên, nhiều năm trở lại đây lễ hội Tây Thiên đang phải đứng trước nỗi lo về rác thải. Khi mà chỉ ít ngày nữa lễ hội Tây Thiên chính thức diễn ra (5-2 Âm lịch), vấn đề này càng gây nhiều mối quan tâm, lo lắng cho các nhà quản lý và du khách gần xa.

Tây Thiên, cái nôi của Phật giáo Việt Nam có từ thời vua Hùng, với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên khánh thành ngày 26 tháng 10 Ất Dậu (27-11-2005) Ảnh: "VietNamNet"

* Hành hương cùng... rác

Nằm trong khu vực phân bố của Vườn Quốc gia Tam Đảo, thuộc địa bàn xã Đại Đình, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, nhờ dựa vào núi non và được bàn tay tài hoa của con người tạo dựng qua nhiều thế kỷ, Tây Thiên trở thành một khu danh lam thắng cảnh có giá trị về nhiều mặt. Nơi đây vừa được coi là quần thể di tích kiến trúc, một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo lâu đời, vừa có phong cảnh đẹp giàu tiềm năng văn hóa và du lịch.

Ngay từ trong Tết Âm lịch dòng người hành hương về với Tây Thiên không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, dọc đường hành hương là dọc đường khách tham quan, du lịch đi trên... rác. Trên 5km đường từ đền Thõng lên chùa Thượng, vỏ trái cây, túi nilong vứt như trải thảm; trong lòng suối mang những cái tên rất thơ mộng: suối Giải Oan, suối Bạc, suối Vàng... những chai Lavie hết, vỏ lon bia... thi nhau lấp lánh sắc màu, thậm chí có những đoạn suối không thông được dòng chảy vì rác quá nhiều.

Tây Thiên có lượng rác "phân bổ" rộng khắp như thế do hai "nguồn cung cấp" chính là người dân địa phương và khách du lịch. Có thể nói, Tây Thiên có một điểm khác với nhiều khu di tích ở chỗ dân cư sống trải dài theo khu di tích, Ban quản lí ở chung với dân. Tình trạng người dân xả rác bừa bãi một phần cũng xuất phát từ nguyên nhân đó. Từ các quán cơm, dịch vụ cho thuê nhà nghỉ đến những điểm bán quà lưu niệm di động, lúc nào rác cũng ngồn ngộn dưới chân, ngay đầu hè... Anh thợ ảnh Đào Văn Sơn (Sơn Đình, Đại Đình, Tam Dương, Vĩnh Phúc) "hồn nhiên" bảo: "Không có chỗ nào để thì "cất" rác ở đầu nhà chứ sao. Lấy đâu chỗ mà đổ, từ nhiều năm nay nhà nào cũng vậy".

Một "nguồn" khác không kém phần "phong phú" và nhiều "chủng loại" là rác thải của khách thập phương về tham quan, du lịch. Từng đoàn người về Tây Thiên mang theo lỉnh kỉnh bao thứ đồ và sau cuộc chơi họ đã vô tư "bỏ quên" lại những thứ không còn dùng được.

Tới thời điểm hiện tại, khi chỉ còn ít ngày nữa lễ hội bắt đầu, Ban quản lý khu du lịch Tây Thiên vẫn chưa quy định khu vực tập kết rác thải. Dọc tuyến đường hành hương cũng chưa có thùng đựng rác cho nên rác thải vẫn bị vứt bừa bãi. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc rác ứ đọng nhiều. Tây Thiên hiện cũng chưa xây dựng nhà vệ sinh công cộng, khách tham quan không có chỗ để "giải tỏa" nên phải tự "thiên nhiên", gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan khu du lịch.

Theo thống kê của Ban quản lý, năm 2005 có khoảng 35.000 lượt khách tham quan, đồng nghĩa có một lượng rác thải không nhỏ bị bỏ lại. Tình trạng này đang đe doạ trực tiếp đến việc bảo tồn khu di tích, ảnh hưởng tới việc tổ chức lễ hội và du khách.

Không chỉ tồn tại trong lễ hội năm nay, rác thải là vấn đề thường niên của mỗi mùa lễ hội Tây Thiên. Tình cảnh "cha chung không ai khóc" và quả bóng trách nhiệm bị "đưa đi đẩy lại" khiến vấn đề rác thải đã trở thành "bài ca đi cùng năm tháng" mà chưa có cách tháo gỡ triệt để.Vấn đề rác thải còn phản ảnh phần nào ý thức của mỗi người trên con đường hành hương về cõi tâm linh.

* Bài ca "lối cũ ta về"

Tuy thấy được vấn đề, nhưng giải quyết lại không hề đơn giản. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lâm Văn Mùi - trưởng Ban quản lý khu du lịch - cho hay: "Tổng chiều dài của khu du lịch Tây Thiên là 5,8 km, trong khi đó Ban quản lý có 36 người. Trông coi một địa bàn rộng, nhưng kinh phí eo hẹp nên khó lòng có thể kiểm soát được mọi việc".

Trăn trở về việc nâng cấp và cải tạo môi trường sinh thái cho khu danh thắng Tây Thiên, cũng như giải quyết vấn đề rác thải trước và sau lễ hội, ông Mùi cho rằng: "Biện pháp trước mắt là cho đặt những thùng rác dọc tuyến đường chính lên Tây Thiên, tìm nơi tập kết rác và thuê xe của công ty môi trường đô thị để chuyên chở số rác thải đúng nơi quy định. Bắt đầu từ ngày 1-3-2006, Ban quản lý sẽ cho thực hiện điều này. Tuy nhiên việc đặt thùng rác cũng chỉ tạm thời trong những ngày lễ hội chính diễn ra".

Biện pháp tình thế trước ngày lễ hội diễn ra có thể làm cho cảnh quan, môi trường của khu danh thắng Tây Thiên sạch đẹp hơn. Nhưng khi mùa lễ hội đi qua, không biết rác có "lối cũ ta về", lại tràn ngập mọi nẻo đường hành lễ? Rác thải không chỉ là vấn đề của Ban quản lý khu du lịch Tây Thiên, mà còn là vấn đề chung của du khách hành hương về đất Mẫu, đất Phật. Thiết nghĩ để công tác vệ sinh không chỉ được thực hiện trong mấy ngày hội chính, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự đầu tư, quản lý và trên hết là ý thức giữ gìn vệ sinh chung của mỗi người.

Lâm Thao, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn