Hai cháu Trần Văn Mạnh (13 tuổi) và Nguyễn Thị Thúy (8 tuổi), xuất thân trong một gia đình nghèo nhất vùng, đã bị thủy thần cướp mất mẹ cách đây 3 năm, nay lại mất cha (anh Trần Nghiệp Hùng), chỉ còn biết nương tựa vào người bà già nua, ốm yếu 80 tuổi
Hơn hai mươi năm sau, người Việt lại có dịp chứng kiến những tên cướp biển tàn độc, lần này không phải qua phim ảnh, mà trong đời thực. Điều đáng nói là chúng đến ngay từ nước láng giềng Trung Quốc và trớ trêu thay, lại được chính phủ nước này bênh vực!
Trong hơn một tuần qua, báo chí trong nước đã nhất loạt nói về một sự kiện bi thảm trong quan hệ Việt - Trung: ấy là việc cảnh sát biển Trung Quốc, vào ngày 8-1-2005, đã xả súng tới tấp tấn công tàu cá Việt Nam ngay tại hải phận của Việt Nam (cách biên giới chung tới hơn 10 hải lý), khiến 9 ngư dân Việt thiệt mạng, 7 người bị trọng thương và 8 người cho đến thời điểm này (24-1-2005) vẫn còn bị bắt giữ ở đất Hoa.
Cuộc tấn công, theo những người sống sót cũng như những chứng cớ còn lại cho thấy, đã diễn ra một cách hết sức dã man, tàn bạo và đớn hèn, khi lực lượng tuần duyên Trung Quốc với vũ khí tối tân đã rượt đuổi và thảm sát (trong 3 tiếng đồng hồ liền!) những ngư dân Việt Nam không chút tấc sắt trong tay. Không phải ngẫu nhiên mà vụ cướp biển này đã được các diễn đàn trực tuyến của người Việt trong và nước đặt cho cái tên kinh hoàng "Thảm sát trên Biển Đông".
Điều đáng nói ở đây là thái độ cư xử hết sức tệ hại của phía Trung Quốc. Năm ngày sau khi tấn thảm kịch xảy ra (13-1-2005), Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức phản đối, nhận định đây là vấn đề "nghiêm trọng" và yêu cầu phía Trung Quốc "phải có biện pháp tích cực ngăn chặn nhứng hành động sai trái, mở cuộc điều trừng trị những kẻ giết người", thì "Tân Hoa Xã", nhằm ngày 15-1-2005, đã điềm nhiên đưa tin 9 người Việt Nam bị tuần duyên Trung Quốc bắn chết và 8 người bị bắt là "kẻ cướp có vũ khí" đã tấn công, bắn phá và cướp tàu Trung Quốc.
Sự vu khống lên đến đỉnh điểm khi sau đó 3 ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Khổng Tuyền, đã vu cho các ngư dân Việt Nam là "hải tặc", buộc tội cho họ là "cướp biển" và tuyên bố rằng phía Trung Quốc đã có "những nhân chứng và tang chứng không thể phủ nhận được" về "vụ cướp" này. Đến lúc ấy thì Việt Nam cũng không thể làm ngơ: Bộ Ngoại giao nước ta, vào ngày 20-1, đã chính thức tuyên bố việc Trung Quốc giết hại dân vô tội là "sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế".
Trớ trêu thay, tất cả những điều này xảy ra ngay trước dịp kỷ niệm 55 năm bang giao Việt - Trung (18-1-2005), hai nước láng giềng "môi hở, răng lạnh" và gần đây nhất, lãnh đạo Trung Quốc còn tâm đắc với "16 chữ vàng" "Việt Nam - Trung Hoa láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai"!
Hành vi của tuần duyên Trung Quốc, thật phi nhân tính và không gì biện hộ nổi! Nhất là, nó lại nhằm vào những ngư dân Việt nghèo khó, không còn đường sống nào khác ngoài việc hàng ngày đương đầu với biển khơi, trên những chiếc thuyền đánh cá cũ kỹ, không đủ công suất tới được lãnh thổ Trung Quốc. Gia đình, thân nhân của họ, hiện tại đang sống trong những ngày, những giờ tột cùng của đau thương và sự kinh hoàng...
Mỗi người Việt chúng ta cần làm gì trước nỗi đau của đồng bào?
May mắn thay, câu hỏi ấy đã được trả lời một cách dứt khoát và cảm động trong suốt những ngày qua. Ngay từ đầu, các tờ báo (giấy và điện tử) lớn nhất ở Việt Nam như "Thanh Niên", "Tuổi Trẻ", "Lao Động", "VietNamNet", "VnExpress"... đã lao vào cuộc với những bài phóng sự, ghi chép đầy ắp thông tin về câu chuyện đau lòng. Qua báo chí, rất nhiều độc giả đã bày tỏ sự phẫn nộ cùng lòng thương xót những đồng bào bạc phận cùng máu mủ; đang bị cuốn vào chiến dịch từ thiện ủng hộ các nạn nhân sóng thần vùng Nam Á, không ít người đã lại tham gia và vận động quyên góp cho gia đình các nạn nhân xấu số.
Một lần nữa, cũng như trong trường hợp của Vũ Anh Tuấn, người sinh viên năm thứ nhất Đại học Siant Peresburg bị bọn "đầu trọc" Nga giết hại dã man, truyền thông và mạng Internet toàn cầu lại chứng tỏ được sức mạnh không gì cản nổi của nó: trên mọi diễn đàn Liên mạng, những ý kiến căm phẫn trước hành động vô nhân tính của cảnh sát biển Trung Quốc, cũng như những cuộc lạc quyên chớp nhoáng cho gia đình các nạn nhân lại được tổ chức hàng loạt, giữa những con người đa phần mới chỉ quen biết nhau qua mạng Internet, nhưng đã chứng tỏ được sự đoàn kết và lòng yêu nước, thương nòi một cách thiết thực nhất và cần thiết nhất.
Vô số công dân Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt chính kiến và thành phần xuất thân, đã hưởng ứng những cuộc vận động gửi kháng thư tố cáo hành động đê tiện của tuần duyên Trung Quốc đến các chính phủ và tổ chức quốc tế, gửi kiến nghị phản đối đến các tòa đại sứ Trung Quốc trên thế giới, cũng như ký tên trên các bản kiến nghị trực tuyến, vì họ ý thức được rằng công luận và sự công khai sẽ là những vũ khí hữu hiệu để chống lại cái ác.
Giải quyết sự kiện bi thảm nói trên, tất nhiên, sẽ là nhiệm vụ của hai quốc gia, hai chính phủ, cũng như giới ngoại giao hai nước. Dầu vậy, những gì mà người Việt trong và ngoài nước đã làm trong gần hai tuần qua, đã chứng tỏ một điều: một khi ý thức công dân, lòng yêu nước và tự hào dân tộc của người Việt bị tổn thương, chúng ta sẽ không lùi bước!
Trần Lê, 24-1-2005
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn