Hộ chiếu Việt Nam - sao mà khó???
Lời Tòa soạn: "Việt Nam - Điểm đến của thiên kỷ mới" từng là khẩu hiệu, phương châm của ngành Du lịch Việt Nam nói riêng, và cả nước Việt Nam nói chung, khi chúng ta quyết tâm mở cửa, chan hòa và hướng về thế giới, với mong muốn "làm bạn với mọi người". Hòa cùng bầu không khí ấy, không ít Việt kiều có tâm với đất nước đã có ý muốn hồi hương, hoặc về nước thường xuyên để làm một điều gì đó cho dân tộc Việt.
Tuy nhiên, không phải bao giờ họ cũng được hài lòng với những gì được chứng kiến, kể từ khi chuẩn bị bước chân về nước cho đến khi đã trong vòng tay của quê mẹ. Vẫn còn không ít những khúc mắc, khiến họ phải trăn trở vì những hoài vọng cho đất nước còn xa quá tầm tay với.
Hai mẩu chuyện sau đây của các Việt kiều quen biết và thành tâm với quê hương (Võ Văn Phương và Hoàng Nguyễn), được thuật lại trên diễn đàn liên mạng VNSA của trí thức trong và ngoài nuớc, cho thấy phần nào những khúc mắc đó (BBT).
1. VẪN PHÉP VUA THUA LỆ LÀNG?
Tôi ra Lãnh sự quán (LSQ) Việt Nam ở Đan Mạch để lập thủ tục làm lại hộ chiếu Việt Nam và thêm tên mấy cháu vào passport cho vợ tôi để "dọn đường" cho bà ấy về Việt Nam sống thử 1 năm trước khi hồi hương, sau khi hỏi han ý kiến bạn bè trong và ngoài nước. Đây là nội dung "làm việc" với LSQ Việt Nam:
- Ô chết rồi, chúng tôi không thể nhập tên con anh vào hộ chiếu Việt Nam của vợ anh!
- Dạ, nhưng mấy cháu cũng là con của mẹ nó... chứ có phải con riêng của tôi đâu!
- Tất cả các con anh có quốc tịch Đan Mạch?
- Vâng, theo tôi hiểu là tụi nó có cả hai quốc tịch Việt Nam và Đan Mạch.
- Giấy khai sinh của mấy cháu đâu?
- Dạ đây ạ.
- Nhưng anh cũng phải làm giấy khai sinh Việt Nam cho mấy cháu lúc mới sinh.
- À, tôi không biết là phải làm như vậy, vậy chị chịu khó cho tôi xin cái mẫu đơn làm khai sinh để tôi hợp thức hóa cho mấy cháu.
Cô ta cầm mấy tờ giấy khai sinh đi hỏi anh có trách nhiệm và đây là câu trả lời:
- Anh có trách nhiệm nói là anh phải làm đơn xin từ quốc tịch Đan Mạch cho mấy cháu thì mới được làm đơn xin làm giấy khai sinh cho con anh được.
- Chị ạ, theo như tôi hiểu thì người Việt Nam chỉ bị mất quốc tịch Việt Nam sau khi làm đơn thôi quốc tịch Việt Nam và đuợc sự chấp thuận của chính chủ tịch nước. Một trong những qui định người có quốc tịch Việt Nam là người có cha hay mẹ vẩn mang quốc tịch Việt Nam. Theo tinh thần đó thì con chúng tôi đều có quốc tịch Việt Nam vì cha mẹ nó đều mang quốc tịch Việt Nam. Bà xã tôi vẫn còn mang hộ chiếu Việt Nam và tôi thì chưa hề từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Cũng trong tinh thần điều lệ này, tôi chưa hiểu tại sao lại phải "quyết liệt" đòi hỏi phải thôi quốc tịch hiện có để được xin nhập quốc tịch Việt Nam? Hơn thế nữa, tôi xin chị mẫu khai sinh cho các cháu mà đến giờ này chẳng thấy đâu?
- Anh chẳng hiểu luật Việt Nam!!!???
- Có thể chị nói đúng, tôi phải hỏi chỗ khác vậy, xin chị có thể vui lòng cho tôi biết chị và anh có trách nhiệm tên gì không?
- Chúng tôi là ....
- Cám ơn chị!
Tôi về nhà kể cho vợ tôi nghe với tâm trạng nửa buồn nửa vui. Buồn là vì kế hoạch "hồi hương" đã thất bại ở giai đoạn đầu nhưng vui là vì qua sự kiện này ít ra tôi cũng học được một điều là luật lệ Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, dù chỉ là một điều luật căn bản là Luật Quốc tịch. Hay vẫn tệ nạn "phép vua thua lệ làng?"
2. LÁ THƯ HUẾ
"Dạ thưa xứ Huế bây chừ
Chẳng còn núi Ngự, chẳng còn Sông Hương"
Khác với Bùi Giáng (*), đó là cảm tưởng của tôi khi thăm Huế lần này.
Xe vừa đến An Cựu thì người từ các khách sạn đã đi kè kè theo xe để quảng cáo cho khách sạn mình. Xuống xe là các em xúm lại la hét, quảng cáo, giành giật hành lý. Tôi chứng kiến một trận đánh nhau vì cạnh tranh. Tôi hỏi vài người khác thì họ nói chuyện đánh nhau vì cạnh tranh các khách sạn là chuyện thường tình. Đây đâu phải là Huế của tôi! Một tỉnh nho nhỏ như Huế mà có đến 6, 7 công ty taxi, có lẽ đến 100 nhà nghỉ, khách sạn thành thử chuyện canh tranh thị trường là chuyện thường tình, nhưng cạnh tranh thế nào thì lành mạnh? Và sức cầu của du khách có đáp ứng nổi với sức cung của thị trường?
Trời mưa tầm tã tôi không đi đâu chơi được, tôi đành ngồi khách sạn nhìn xuống sông Huong, cầu Tràng Tiền, Đập Đá và cồn Hến. Khồng gì buồn hơn Huế vào lúc trời mưa! Chín giờ tối nguyên khu vực khách sạn tôi ở bị cúp điện cho đến 1 giờ trưa ngày hôm sau!
Sáng hôm sau tôi dậy sớm đi thăm Đại Nội. Vào Điện Thái Hòa mái giọt hơn 10 chỗ, nước mưa chảy đầy sàn điện! Du khách rón rén vừa xem cung điện vừa tránh mưa giọt xuống, vừa tránh những bãi nước. Ngày xưa đây từng là biểu tượng của quyền lực & văn hóa triều Nguyễn. Nay, đây là biểu tượng của văn hóa, lịch sử và cũng là một điểm du lịch quan trọng của Việt Nam. Quốc hồn quốc túy mà sao lại thê thảm thế này? Đi vào Tả Vu, nơi làm việc của các quan văn thời xưa, nay tiêu điều, trần nhà loang lổ. Tôi nghĩ đến những cung điện vua chúa tráng lệ huy hoàng ở Soul, thủ đô Đại Hàn, mà hổ thẹn. Tôi hỏi một trong các anh quản gia ở đó là tại sao không giữ gìn để mái khỏi dột. Anh ta có vẻ không bằng lòng, chỉ nói là có cố gắng nhưng mưa bão làm hư. Rồi anh bỏ đi. Có lẽ anh cũng hổ thẹn như tôi.
Hoang tàn phía sau Đại Nội
Nói chuyện với các em xe ôm thì các em thì các em cũng biết và kể chuyện "quan lớn" đi ăn, làm điều vô lễ với các em, nên bị ăn tát tai, chuyện công ty ngoại quốc dự định xây khách sạn trên Đồi Vọng Cảnh, một trong những địa điểm đẹp và lịch sử của Huế.
Tôi rời Huế mà lòng sao nặng trĩu!
(*) "Dạ thưa xứ Huế bây chừ - Vẫn còn Núi Ngự bên bờ Sông Hương" - thơ Bùi Giáng.
NCTG biên tập
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn